CHÚA NHẬT THỨ 4 THƯỜNG
NIÊN, năm C
Lc 4, 21-30
SỐ PHẬN NGÔN SỨ
----------------------------------------------------------------------------------------
Chúa Giêsu đã
trở về Nagiarét quê hương của Ngài, sau những ngày đi hết làng này qua làng
khác để rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa. Danh tiếng Ngài đã lan rộng khắp
các vùng lân cận Nagiarét. Hôm nay, Ngài trở về làng như một minh chứng về tư
cách Mêsia của Ngài. Đoạn Tin Mừng của thánh Luca hôm nay tiếp nối đoạn Tin
Mừng Chúa Nhật thứ 3 thường niên, năm C. Ngài khẳng định tư cách ngôn sứ của
Ngài. Thay vì tơng bốc dân làng như thói quen người đời thường làm, Chúa vạch
trần những cái giả dối, thói hư tật xấu của dân làng Nagiarét. Do đó, dân
Nagiarét phẫn nộ, lôi Ngài lên đỉnh núi, định xô Ngài xuống vực sâu. Quả làm
ngôn sứ không phải là dễ.
CHÚA GIÊSU THỰC
HIỆN SỨ MẠNG NGÔN SỨ : Như các vị ngôn sứ khác, Chúa Giêsu cũng bị ngược đãi
khi thi hành sứ mạng ngôn sứ của Ngài.
Bài Tin Mừng của thánh Luca 4, 21-30 cho ta thấy rõ điều này. Chúa Giêsu
đã thuyết giảng trong hội đường Nagiarét, quê hương của Ngài. Chúa tuyên bố
không úp mở:” Lời tiên báo của Thánh Kinh theo đoạn 61 ngôn sứ Isaia hôm nay đã
thực hiện nơi chính Ngài “. Những người có mặt trong hội đường Nagiarét lúc đó
đều hiểu:” Chúa Giêsu là Đấng Mêsia phải đến và đã đến”. Qua câu khẳng định
cứng rắn của Chúa Giêsu, thính giả lúc đó đòi Ngài làm phép lạ để họ tin vào
Ngài”(Lc 4, 23 ). Tuy nhiên, Chúa Giêsu không cho họ một phép lạ, một dấu lạ
nào như Ngài đã từng làm ở Capharnaum. Chúa không muốn chiều theo sự tò mò có
vẻ thách thức của họ vì sợ họ lầm tưởng sứ mạng của Ngài. Vâng, sứ mạng của
Chúa Giêsu không chỉ đóng khung nơi gia đình, quê quán của mình mà nó vượt biên
giới để đến với mọi dân, mọi nước. Chúa chứng tỏ ơn cứu độ không dành riêng cho
dân tộc Do Thái mà thuộc về tất cả mọi người. Chúa đã nêu lên gương của hai vị
ngôn sứ Eâlia và Eâlisê đã giúp bà goá Sarépta và quan Naaman, ngoại bang thuộc
xứ Syria. Chính vì thế mà những người đồng hương với Chúa Giêsu đã tự ái, căm
phẫn tống khứ Chúa Giêsu ra khỏi hội đường, ra khỏi thành và muốn xô đẩy Ngài
xuống vực sâu cho chết đi đúng như lời Kinh Thánh:” Không một ngôn sứ nào được
đón tiếp nơi quê hương của mình”( Lc 4, 24 ). Và điều này cũng làm chúng ta
liên tưởng tới câu Thánh Kinh:” Trẻ này là dấu hiệu bị người đời chống báng”(
Lc 2, 34 ).
NGƯỜI KITÔ HỮU
CŨNG ĐƯỢC MỜI GỌI THI HÀNH SỨ MẠNG NGÔN SỨ: Nếu người Do Thái trong hội đường
Nagiarét ép Chúa phải làm phép lạ thì các đầu mục, tư tế lại đòi Chúa chứng
minh giáo lý của Người là chính thống. Người Nagiarét cố tìm cách giết Chúa khi
muốn xô Người xuống vực sâu thì các ký lục, biệt phái lại kết tội Người là lợi
dụng uy quyền dựa vào Bengiêbút, dựa vào Satan, ma quỷ.Dân Giêrusalem thì tìm
cách đóng đinh Người vào thập giá. Người Kitô hữu được mời gọi thi hành sứ mạng
ngôn sứ của mình và họ cũng hiểu được nỗi cô đơn, sự cay đắng, ruồng rẫy của
người khác đối với mình khi mình nói lời Chúa:” Nếu thế gian ghét các con, hãy
nhớ rằng họ đã ghét Ta trước”( Ga 15, 18)
Tâm tình, thái độ của người Kitô hữu lúc đó sẽ ra sao? Chúng ta có noi
gương kiên nhẫn của Chúa và sự nhẫn nhục chịu đựng của Chúa hay không ? Tin Mừng
cho thấy Chúa quả thực đã trở nên dũng mãnh vô song, nhưng Người cũng là Đấng
giầu lòng thương xót. Thi hành sứ mạng của Chúa, nhưng nhiều khi chúng ta trở
nên cứng cõi, ngỗ nghịch không tuân theo ý Chúa. Chúng ta giống như những người
Do Thái xưa trong hội đường Nagiarét đã muốn xô Người xuống vực thẳm cho khuất
mắt. Tuy nhiên, Chúa vẫn cho ta cơ hội để quay trở về với Ngài. Chúa ban ơn cứu
độ để ta sinh ích cho ta và làm lợi cho kẻ khác chứ không chỉ bo bo giữ riêng
cho mình. Sứ mạng ngôn sứ là như thế. Hy sinh và thí mạng để làm sao Thiên Chúa
được hiện diện, được nổi bật.
Lạy Chúa, xin
cho chúng con hiểu được ơn gọi ngôn sứ của chúng con để chúng con luôn biết thi
hành sứ mạng ấy với lòng tin sắt đá. Amen.
Linh
mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT