Chúa Nhật 5 quanh năm
(Lu-ca 5: 1-11)
Sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Chúa Giê-su vừa trải qua một
thử thách lớn ngay tại quê nhà, như ta đã thấy qua câu truyện Người trở về
Na-da-rét và bị dân thành khinh miệt.
Chúa Giê-su thắng vượt khó khăn nhờ sức mạnh Chúa Thánh Thần và lòng
trung thành với Chúa Cha. Người lại tiếp
tục lên đường. Sau thất bại là lúc thành
công. Bài Tin Mừng hôm nay đã khéo léo
đan kết câu truyện việc rao giảng của Chúa với phép lạ mẻ lưới cá lạ lùng, để
trình bày một công việc hết sức khẩn thiết trong sứ vụ của Người: kêu gọi các môn đệ đầu tiên và họ mau mắn bỏ
hết mọi sự mà đi theo Người.
1) “Đám đông chen lấn nhau đến sát bên Người để
nghe lời Thiên Chúa”
Rời khỏi Na-da-rét, Chúa Giê-su đi “rao giảng trong các hội
đường miền Giu-đê” (Lc 4:44). Thánh
Lu-ca diễn tả Chúa Giê-su như một người “đầy ân sủng” (charismatic), có sức thu
hút dân chúng. Chúa đi tới đâu là người
ta ùn ùn đi theo Người tới đó. Nhưng mặt
khác, thánh sử cũng muốn nói lên hình ảnh dân chúng khao khát đón nghe lời
giảng của Chúa. Như thế, trong tương lai
sứ vụ của Chúa lại có thể gặp trở ngại, là nhu cầu đón nghe lời Chúa của dân
chúng sẽ đè nặng trên vai Chúa Giê-su và sức người thì có hạn. Chính vì vậy, Chúa Giê-su muốn tìm một cách
giải quyết cho hợp với hoàn cảnh. Viễn
tượng của sứ vụ không thể bị giới hạn trong một ít năm và tại một vài địa
phương, nhưng là một sứ vụ toàn cầu và phải được tiếp tục cho đến ngày tận
thế. Phải có những người cộng tác và
tiếp tay với Chúa, lúc này và trong tương lai của Giáo Hội Người.
Ta thử tưởng tượng Chúa Giê-su là một “ngư phủ thiêng
liêng” đang “bắt người như bắt cá”. Hình
ảnh này vô cùng sống động và hứa hẹn một tương lai hết sức tươi sáng, trái
ngược hẳn với cảnh bị chối từ và xua đuổi tại Na-da-rét. Sức mạnh của lời giảng quả thực đã mang lại
những kết quả to lớn. Tuy nhiên, ngay
bên cạnh hình ảnh lạc quan này là hình ảnh bi quan và thất bại của ông Si-môn
với các bạn: họ neo thuyền và giặt lưới,
vì “đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả”. Trong bối cảnh này, Chúa Giê-su muốn bắt đầu
một nỗ lực mới, là tìm người cộng tác để giúp sứ vụ rao giảng lời Chúa được
tiếp nối mãi mãi. Không thể để cho những
chiếc thuyền kia trở thành vô dụng.
Không thể để cho những tay nghề lưới cá kia ngồi chơi giặt lưới cho giết
thời gian. Cũng như đám đông chen lấn
đến với vị ngư phủ thiêng liêng, đàn cá dưới hồ Ghen-nê-xa-rét đang chờ đợi
những tấm lưới của Si-môn và các bạn!
Chúa Giê-su xuống một trong hai chiếc thuyền đậu ở bờ
hồ. Vậy là chiếc thuyền ấy không còn
phải là vô dụng và không người nữa, vì ngư phủ thiêng liêng sẽ dùng nó để “bắt
người như bắt cá”. Chiếc thuyền đã biến
thành một giảng đài để cho lời Chúa từ đó đến với dân chúng. Lu-ca tài tình đưa ta đi qua lại giữa hai
việc rao giảng lời Chúa và việc lưới cá, để dẫn ta tới câu chuyện Chúa làm cho
Si-môn và các bạn thành những tay nghề bắt người như bắt cá.
2) “Dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”
Giờ đây, Lu-ca đưa ta trở lại với việc lưới cá sau khi đã
nói đến việc Chúa giảng. Chúa bảo ông
Si-môn đi thả lưới bắt cá. Ta nhận thấy
ngay phản ứng của ông trước mệnh lệnh của Chúa.
Đã vất vả suốt đêm mà chẳng được mống cá nào, bây giờ có thả lưới nữa
cũng chỉ vô ích thôi. Nhưng “dựa vào lời
Thầy, tôi sẽ thả lưới”. Khẳng định của
ông Si-môn hết sức ý nghĩa. “Dựa vào lời
Thầy” là cảm nghiệm của Si-môn sau khi chứng kiến Chúa Giê-su giảng dạy cho dân
chúng. Lời Chúa đã thay đổi cuộc sống
con người, đã làm thỏa mãn khao khát đón nghe sự thật. Ông đã nhận ra hiệu lực của lời Chúa. Lòng tin của ông đã bắt đầu nhen nhúm trong
lòng. Ông không còn tin vào khả năng tay
nghề của mình nữa, nhưng vào uy thế của vị ngư phủ thiêng liêng đang ra lệnh
cho ông thả lưới. Ta có thể mường tượng
ra dáng điệu của Si-mon khi ông thẳng thắn nói với Chúa: “Dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”. Mắt ông nhìn thẳng vào Chúa và từng lời ngắn
gọn của ông nói lên sự cương quyết hành động.
Một lần nữa, ta thấy đức tin và hành động phải luôn đi đôi với nhau.
Hành động đức tin của Si-môn đã đem lại kết quả bất ngờ,
càng chứng tỏ quyền năng của lời Chúa.
Không phải nhờ tài năng của ông Si-môn và các bạn, cũng không phải do
những mắt lưới đã được giặt sạch mà những tay chài Ga-li-lê đã bắt được mẻ cá
lớn, nhưng hoàn toàn là do lời truyền phán của vị ngư phủ thiêng liêng đang
hiện diện. Sự hiện diện ấy tỏa ra một uy
quyền, một tình yêu hoặc tình bạn, một lời mời gọi cao cả chứ không tầm thường
như đánh lưới cá, khiến cho ông Si-môn Phê-rô nhận biết được Đấng đang hiện
diện là ai. Ông thưa với Chúa Giê-su: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội
lỗi”. Nhưng vị ngư phủ thiêng liêng có
khi nào lại chịu bỏ con cá lớn sau khi đã bắt đàn cá con! Người nói như ra lệnh: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ bắt người như bắt
cá”. Si-môn không sợ sao được! Có nhiều lý do để sợ. Mà sợ là phải, khi ông nhìn lại thân phận tội
lỗi và yếu đuối. Ông thấy mình không
xứng đáng hiện diện trước mặt Chúa, nói chi đến việc lãnh nhận một sứ vụ còn
khó khăn hơn cả việc đánh lưới cá. Nhưng
Chúa không để ý tới thân phận tội lỗi, mà chỉ nhìn thấy lòng tin của Si-môn. Ông đã mạnh dạn và tin tưởng nói với Chúa
trước khi thả lưới, thì bây giờ, sau khi ông lưới được cá, Chúa cũng mạnh dạn
và tin tưởng cam kết với ông rằng chính Người sẽ biến đổi ông cho xứng với sứ
mệnh mới.
3) “Từ nay, anh sẽ bắt người như bắt cá”
Chúa Giê-su nói với ông Si-môn chắc như đinh đóng cột. “Từ nay” diễn tả khởi đầu của một sứ
mệnh. Đời ông bước sang một khúc quặt
mới. Nó đưa ông tới đâu đây? Chỉ có Đấng gọi ông mới biết. Người chỉ đòi ông một điều kiện: quảng đại bỏ mọi sự và đi theo Người. Người là một huấn luyện viên đại tài, không
phải bằng mớ lý thuyết suông, nhưng bằng lời giảng dạy thực tế và nhất là bằng
gương sáng. Người huấn luyện bằng chính
những kinh nghiệm bản thân.
Học với Thầy Giê-su, môn đệ Si-môn cũng không phải là một
học trò xuất sắc. Văn hóa thì kém. Tài năng thì ngoài nghề lưới cá có lẽ ông
không biết gì hơn. Tính tình nóng nảy,
bộc trực. Chỉ được lòng hăng say và
quảng đại bù lại. Ông vẫn luôn là anh
chàng “Si-môn” như cái tên cha mẹ đặt.
Nhưng ở đây, ta nhận thấy một chi tiết rất ý nghĩa, đó là thánh sử Lu-ca
viết tên ông ở đây bằng một cái tên kép đôi:
Si-môn Phê-rô. Đây là lần duy
nhất Tin Mừng Lu-ca gọi ông như thế.
Phê-rô là cái tên Chúa Giê-su đặt cho ông. Con người ông có hai chiều kích: loài người
và Thiên Chúa, con người và sứ mệnh, nỗ lực của loài người và quyền năng của
Thiên Chúa. Hai bề mặt ấy đan quyện
nhau, nâng đỡ nhau và dần dần biến đổi ông từ tay lưới cá thành kẻ bắt người.
Khi gọi ta làm môn đệ Người hôm nay, Chúa cũng nói với ta y
như vậy: Từ nay, con sẽ bắt người như
bắt cá. Việc Chúa gọi ông Si-môn là một
gương mẫu. Nhưng liệu ta có dám “bỏ hết
mọi sự mà theo Người” không?
4) Suy nghĩ và cầu nguyện
Sứ mệnh “bắt người như bắt cá” có ý nghĩa gì đối với
tôi? Đâu là những người tôi cần phải
bắt? Trong gia đình? Nơi sở làm?
Hoặc bất cứ nơi nào tôi đến và những người tôi gặp gỡ?
Tôi có dám “bỏ hết mọi sự” để theo Chúa không? Những gì là “mọi sự” và “theo Chúa” được hiểu
với ý nghĩa nào?
Cầu nguyện
“Lạy Chúa,
chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Si-môn,
một người đánh cá ít học và đã lập gia đình,
để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.
Chúa xây dựng Giáo Hội
trên một tảng đá mong manh,
để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.
Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con
theo Chúa, sống cho Chúa,
đặt Chúa lên trên mọi sự:
gia đình, sự nghiệp, người yêu.
Chúng con chẳng thể nào từ chối
viện cớ mình kém đức kém tài.
Chúa đưa chúng con đi xa hơn,
đến những nơi bất ngờ,
vì Chúa cần chúng con ở đó.
Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Si-môn,
bỏ mái nhà êm ấm để lên đường,
hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. A-men.”
(Trích RABBOUNI, lời nguyện 79)
Lm. Đaminh Trần Đình
Nhi
2-2-2007