Chúa Nhật 6 quanh năm

(Lu-ca 6: 17, 20-26)

             

          Chúa Giê-su tuyển chọn mười hai người trong số các môn đệ và đặt họ làm Tông đồ.  Họ sẽ được huấn luyện đặc biệt và ở bên cạnh Chúa Giê-su để tập việc.  Họ cần phải am hiểu giáo lý của Người hơn ai hết, để đến lượt họ sẽ phải loan truyền giáo lý ấy cho dân chúng.  Giáo lý ấy có những điểm đặc biệt giúp người nghe căn cứ vào đó mà làm phát triển những gì là độc đáo nơi con người họ.  Những điểm đặc biệt ấy được gọi là những Mối phúc trong bài giảng khai mạc của Chúa Giê-su.  Ta thường quen thuộc với Tám Mối phúc trong Tin Mừng Mát-thêu.  Còn bài Tin Mừng của thánh Lu-ca hôm nay lại trình bày những Mối phúc ấy với một kết cấu hơi khác biệt.

 

1)  Bối cảnh quen thuộc:  Chúa Giê-su ngước mắt nhìn các môn đệ

 

          Trước khi ghi lại bài giảng hay diễn từ của Chúa Giê-su, thánh Lu-ca thường mở đầu bằng cách mô tả khung cảnh tụ họp của các môn đệ hoặc dân chúng kéo đến với Chúa.  Ngài cũng không quên nhắc tới một số việc làm của Chúa Giê-su, như làm phép lạ và chữa lành bệnh tật.  Điều ấy cho thấy Lu-ca muốn diễn tả Chúa Giê-su đang thi hành sứ vụ mà ngôn sứ I-sai-a đã tiên báo (Lc 4:18-19).  Từ đầu sách Tin Mừng tới giờ, ta chỉ mới nghe nói về Chúa Giê-su giảng dạy tại nơi này nơi kia, nhưng chưa có dịp nghe một bài giảng của Người.  Hôm nay ta được nghe bài giảng khai mạc của Chúa.  Chắc chắn phải là một bài giảng hết sức quan trọng, vì tất cả những gì ta được nghe sau đó sẽ là những điều được khai triển từ chủ đề của bài giảng khai mạc.

          Một chi tiết khác giúp ta hiểu tầm quan trọng của bài giảng, đó là nó được công bố ngay sau việc Chúa tuyển chọn mười hai Tông đồ.  Các ông không thể vắng mặt trong biến cố quan trọng này được.  Trong buổi lễ nhậm chức, tân tổng thống Hoa-kỳ bao giờ cũng có một bài diễn văn, và mọi người, từ các tổng trưởng tới mọi người dân đều chăm chú lắng nghe.  Thí dụ ấy giúp ta hiểu khung cảnh trang trọng của bài giảng khai mạc Chúa Giê-su nói hôm nay.

          Bài giảng trong Tin Mừng Mát-thêu dành cho dân chúng.  Còn bài giảng trong Tin Mừng Lu-ca lại đặc biệt nhắm đến các môn đệ Chúa.  “Đức Giê-su ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói”.  Dĩ nhiên là có cả đám đông dân chúng cũng có mặt.  Nhưng Lu-ca nói đến cử chỉ Chúa ngước mắt nhìn các môn đệ là ngài muốn ta hiểu rằng bài giảng của Chúa nhắm mô tả chân dung người môn đệ thập toàn.  Từ các Tông đồ cho tới đám dân chúng theo Chúa, ai mà chẳng phải làm môn đệ thập toàn của Chúa?  Cử chỉ ngước mắt nhìn các môn đệ ngầm nói lên một mong ước hoặc mời gọi đầy thiết tha của Chúa.  Cử chỉ ấy cũng giúp ta hiểu lời lẽ trong các mối họa (“Khốn cho...”) không phải là lời nguyền rủa ngăm đe, nhưng là lời kêu gọi người ta hối cải, đừng sống theo não trạng đi ngược lại giáo lý của Chúa.

 

2)  Bài giảng khai mạc hay niềm vui nỗi buồn của Chúa Giê-su về các môn đệ

 

          Bài giảng này Chúa đặc biệt dành cho các môn đệ đang ở trước mặt Người lúc ấy cũng như dành cho các môn đệ mọi thời mọi nơi trong tương lai.  Nó chứa đựng tất cả tâm tình của Chúa Giê-su đối với những ai muốn làm môn đệ Người.  Nếu những người đó sống theo đường lối Người chỉ dạy thì đó là một ân sủng cho họ, vì ân sủng ấy sẽ là con đường đưa họ tới sự hoàn hảo.  Môn đệ được như vậy, hẳn người hạnh phúc nhất phải là Thầy của họ.  Còn nếu môn đệ sống ngược lại với giáo lý của Thầy thì quả thực là một tai họa lớn lao cho họ.  Trường hợp này Thầy sẽ buồn rầu lắm, những mong họ hối cải ăn năn.  Vậy Chúa Giê-su muốn các môn đệ Người hãy trở nên loại người nào và phải ăn năn hối cải trong những trường hợp nào?

          Chắc chắn có rất nhiều đức tính tốt của người môn đệ, nhưng ở đây Lu-ca chỉ ghi lại bốn loại tiêu biểu cho mẫu người môn đệ trong tình huống lúc ấy của cộng đoàn Ki-tô.

          Trước hết người môn đệ phải là “những kẻ nghèo khó”.  Nghèo khó trong Tin Mừng Lu-ca được hiểu theo hai ý nghĩa.  Có thể là người nghèo khó về vật chất tiền của, như ta thấy Chúa Giê-su thường quan tâm tới họ (Lc 14:13,21; 16:20).  Nhưng cũng có thể là người sống khiêm nhu, bé mọn (Lc 18:14; 10:21).  Chính Chúa Giê-su cũng là người nghèo khó gương mẫu, nghèo tiền bạc nhưng giầu sự khiêm nhường.

          Tiếp đến, người môn đệ phải là những người hiện tại đang đói, đói của ăn thiêng liêng là lời Chúa và luôn ước mong theo đó mà sống, để qua cơn đói thiêng liêng đời này họ sẽ được no thỏa trong ngày cánh chung.  Chúa Giê-su thường nói:  Lương thực của tôi là làm theo ý Cha tôi.

          Thứ ba, con đường làm môn đệ đòi ta phải “bỏ mọi sự, vác thập giá mà theo Thầy”.  Dù ta có phải trả giá làm môn đệ Chúa bằng bao nước mắt thì cũng không có nghĩa đó là mối họa, vì chính Chúa cũng phải trả giá bằng cái chết khổ nhục để thi hành thánh ý Chúa Cha.

          Mối phúc sau hết là chấp nhận mọi thiệt thòi khi làm môn đệ Chúa.  Không hẳn chỉ là những bách hại hay cái chết như những Ki-tô hữu thời Lu-ca đã phải gánh chịu, nhưng cũng là những thiệt thòi hôm nay khi ta can đảm sống theo những giá trị Tin Mừng.

          Đó là những điều kiện căn bản người môn đệ Chúa mọi thời phải lấy làm mẫu mực để sống theo.  Tuy nhiên hành trình làm môn đệ luôn gặp trở ngại, từ nội tâm cũng như từ bên ngoài.  Nếu người môn đệ không sống theo những đòi hỏi trên của Tin Mừng thì là điều bất hạnh cho họ.  Chọn lựa duy nhất khi ấy là phải ăn năn hối cải để trung thành với lý tưởng làm môn đệ Chúa.

          Tóm lại, ta có thể hiểu những mối phúc họa trong bài giảng khai mạc của Chúa Giê-su chính là những đặc tính người môn đệ phải có để theo Chúa và những nguy hiểm họ phải đề phòng để khỏi phản bội lý tưởng sống theo gương Người.

 

3)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Suy nghĩ về người môn đệ của Chúa hôm nay, tôi thấy điều kiện nào là khó khăn nhất cho tôi:  nghèo khó và khiêm nhu?  luôn khát khao nên trọn lành?  phải biết khóc để mà trở về với lý tưởng làm môn đệ Chúa sau những vấp ngã?  chấp nhận thiệt thòi trước mặt người đời?  Tại sao khó, và tôi sẽ làm gì để thắng vượt?

          Trong tất cả những điều kiện làm môn đệ thập toàn, tôi có luôn luôn nhìn lên gương mẫu là Chúa Giê-su không?  Tôi đã học được nơi Người những gì trong từng điểm Người dạy?

          Nếu tôi phải nghe Chúa nói với tôi những lời “Khốn cho anh em...”, thì tôi hiểu thế nào về tâm tình của Chúa Giê-su đối với tôi?  Tôi có sẵn sàng đáp lại lòng yêu thương của Chúa muốn tôi ăn năn hối cải không?  Và tôi sẽ làm gì?

 

Cầu nguyện

 

          “Lạy Chúa Giê-su,

          sống cho Chúa thật là điều khó.

          Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.

          Chúa đòi con cho Chúa tất cả

          để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.

          Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa

          để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.

          Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà

          để cây đời con sinh thêm hoa trái.

          Chúa cương quyết chinh phục con

          cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.

          Xin cho con dám ra khỏi mình,

          ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan

          để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,

          dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

          Ước gì con cảm nghiệm được rằng

          trước khi con tập sống cho Chúa

          và thuộc về Chúa

          thì Chúa đã sống cho con

          và thuộc về con từ lâu.  A-men.”

                             (Trích RABBOUNI, lời nguyện 30) 

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

2-2-2007

         

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C