NỀN VĂN MINH TÌNH THƯƠNG
Chúa Nhật
7C Thường Niên
1 Sm 26:2.7-9.12-13.22-23
Lc 6:27-38
1 Cr 15:45-49
Ngày Valentine vừa
qua tạo bao nhiêu rạo rực cho những người đang yêu nhau. Tình yêu là một sức
mạnh vô hình nối kết những người không quen biết vào một thực tại. Thực tại đó
là cộng đồng tình yêu. Tình yêu không hề biết đến giới hạn. Nhưng thực
tế, nhiều thách đố vẫn đến với tình yêu. Thách đố lớn nhất chính là
kẻ thù bị đặt ra ngoài vòng tình yêu và cũng là dấu chứng tỏ tình yêu cũng biết
đến giới hạn. Nhưng dưới mắt Đức Giêsu, tự bản chất, tình yêu không có giới
hạn, vì chính Người đã phá tung giới hạn đó.
THÁCH ĐỐ
Cuộc sống tự bản chất
là một cuộc giao lưu giữa những người đang sống. Từ đó biết bao thái độ và
tình cảm đã đưa đẩy con người tới chỗ hợp tan tan hợp. Hỉ nộ ai cụ ái ố dục
là thất tình trong nhịp sống trần hoàn. Có cách nào vượt qua những tình cảm đó
mà vẫn còn là con người không ? Tình cảm có thể đẩy đưa con người vào hố sâu
diệt vong hay nâng cao con người tới đỉnh cao hạnh phúc. Làm cách nào Đức
Giêsu giúp con người vượt qua những cái tầm thường và sống anh hùng trong tình
yêu ?
Khi nói “hãy yêu kẻ
thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em” (Lc 6:27), Đức Giêsu đã đụng tới một điểm yếu
sâu xa nhất của lòng người. Ai có thể chấp nhận được một khuyên nhủ xa rời
thực tế như vậy ? Nhưng đó lại là đặc điểm trổi vượt nhất của Tin Mừng Cứu
Độ. Không chấp nhận đòi hỏi đó, không thể trở nên môn đệ Đức Kitô. Bình
thường ai cũng yêu kẻ thương mình, ghét kẻ thù mình. Không ai muốn nhìn chứ
đừng nói yêu kẻ thù mình. Đời có vay có trả. Ân oán giang hồ. Không
ai có thể xây dựng với kẻ thù. Bởi thế chỉ có hủy hoại, chết chóc, chém giết,
giận hờn. Không thể đội trời chung với kẻ thù.
Đức Giêsu không dạy
chúng ta cách nhận dạng kẻ thù. Nhưng muốn chúng ta nhận dạng người anh em
ngay giữa những kẻ thù đang tìm cách hại chúng ta. Đó là một nghịch lý
! Nhưng Tin Mừng thường được thành hình giữa những nghịch lý như thế. Tai
chúng ta không vui chút nào khi nghe : “Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em,
và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả
má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo
trong” (Lc 6:28-29). Nhưng Tin Mừng không phải là một thứ văn chương hoa mỹ nhằm
thỏa mãn thị hiếu người nghe. Tin Mừng đặt vấn đề rất hắc búa, có sức thức
tỉnh lòng người. Ý chí lớn lao đang ngủ yên trong lòng người. Đức Giêsu
muốn lôi con người vùng dậy khỏi giấc ngủ ngàn năm đó. Người muốn con người
đối diện với kẻ thù với một thái độ cao cả. Kẻ thù có thể là một vấn đề hóc búa
nhất. Nhưng nếu không giải quyết được vấn đề đó, Tin Mừng cũng chẳng
có sức mang lại ơn cứu độ.
Tại sao Đức Giêsu lại
đưa ra một đòi hỏi quá gắt gao như vậy ? Trước hết, “Đức Giêsu không nói về
tình cảm đối với kẻ thù, nhưng về một hành động của ý chí. Bạn không thể
hiểu được loại tình yêu này – Nó đòi một nỗ lực đầy ý thức. Yêu thương kẻ
thù có nghĩa là hành động vì lợi ích tối đa cho họ. Chúng ta có thể cầu
nguyện cho họ, và có thể tìm cách giúp đỡ họ” (Life Application Study Bible
1991:1807).
Cần nhận diện rõ khuôn
mặt kẻ thù. Chắc chắn kẻ thù cũng là tha nhân, nhưng là một thứ tha nhân đặc biệt. Không
thể vì yêu kẻ thù, chúng ta lại tiết lộ hết bí mật và liều mạng trước âm mưu thâm
độc của họ. Yêu kẻ thù một cách thiếu khôn ngoan sẽ dẫn đến những hậu quả
nghiêm trọng. Đối với kẻ thù, Chúa cũng dạy chúng ta “phải khôn như rắn”
(Mt 10:16) trước những âm mưu thâm độc. Nhưng đồng thời cũng không nên đề
phòng quá đến nỗi kẻ thù luôn giữ một khoảng cách nguy hiểm đối với ta. Trái
lại, phải cho họ thấy tất cả sức mạnh Tin Mừng. Chỉ có Tin Mừng mới lấp đầy
khoảng cách giữa kẻ thù và chúng ta. Phải cho họ thấy tất cả những nét hào
hùng của Tin Mừng trong thái độ và hành động của môn đệ Chúa Kitô. Chỉ có
Tin Mừng mới có thể tạo nổi “những hướng dẫn giúp xây dựng Văn Minh Tình Thương
bắt đầu từ việc sám hối cá nhân” (Gioan Phaolô II, Catholic World News Service,
14/2/2001). Quả thực, kẻ thù hiện diện như một dấu chỉ hối thúc chúng ta
phải sám hối. Đừng mong đợi kẻ thù thay đổi, nếu chúng ta không thay đổi
trước.
Khi vấn đề kẻ thù đã
được giải quyết bằng tình yêu thương lớn lao đó, tình yêu trở thành sức mạnh vô
song. Lịch sử Giáo hội cho thấy Thày Chí Thánh đã vạch ra con đường dẫn kẻ
thù vào sự sống đích thực, bình an và hạnh phúc. Muốn đạt đến mục tiêu lớn
lao, Kitô hữu cần phải đi bước trước. Bước đầu tiên Thày chí thánh đã thực
hiện khi bước lên thập giá. Thày đã xin Chúa Cha tha thứ cho kẻ giết
mình. Sở dĩ Thày làm được như thế, vì Thày đã noi gương Chúa Cha “là đấng
nhân từ” (Lc 6:36). “Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác” (Lc
6:35). Còn hành vi nào vô ân và độc ác bằng việc giết Chúa không ? Nhưng
chính ở hành vi tha thứ, Đức Giêsu cho thấy tình yêu Thiên Chúa mạnh hơn tội ác.
NOI GƯƠNG THÀY CHÍ THÁNH
Chỉ một mình Thiên
Chúa mới có thể tha thứ cho kẻ thù. Chúng ta chỉ là phàm nhân, làm
sao có một tấm lòng đại lượng như Thiên Chúa ? Đòi hỏi của Đức Giêsu
thật gắt gao. Nhưng nếu đòi hỏi một điều gắt gao đó, tất nhiên Đức Giêsu
muốn nhìn thẳng vào thực tế. Thực tế đó, chính Đức Phật cũng đã vạch ra :
“lấy oán báo oán, oán oán chập chùng”. Ngày xưa chính vua Đavít có một hành vi
anh hùng chỉ vì ông nhận ra Saulê là “đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong” (1 Sm
26: 11). “Đó là một nhận thức về trách nhiệm thánh, chứ không phải là một hành
vi tha thứ hay xót thương” (Faley 1994:177). Cao hơn một bậc, Đức Giêsu đã tha
thứ cho kẻ thù ngay khi đang quằn quại trong vũng máu đào. Chính sự
tha thứ ấy cho thấy không còn lý do gì khiến chúng ta phải trả miếng cho kẻ
thù. Không ai là kẻ thù đối với những người tin tưởng tuyệt đối vào
Thiên Chúa. Tất cả mọi người đều là hình ảnh Thiên Chúa và đều đáng được xót
thương. Ngay chính khi tha thứ, chúng ta cũng cần được tha thứ. Thực
tế chúng ta cần được tha thứ nhiều hơn mức ta tưởng. Tất cả đều là
con cái của Đấng giàu lòng thương xót. Là hình ảnh Thiên Chúa, chúng ta không
thể nào không có tấm lòng bao dung trước những lỗi lầm tha nhân. Nói khác,
mỗi lần đối xử tệ hại với người khác, nhất là với kẻ thù, vô tình
chúng ta đã làm mờ hình ảnh Thiên Chúa nơi chúng ta. Vả lại, nếu không biết thương
xót, chúng ta cũng sẽ chẳng được Thiên Chúa xót thương. Đó là điều Chúa nói
: “Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha” (Lc 6:37).
Không những là hình ảnh
Thiên Chúa, “chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến” (1 Cr 15:49) cứu
độ muôn dân. Chính Người là hiện thân của lòng Chúa xót thương. Đó là
động lực mạnh nhất giúp ta thắng vượt những xung động hay quyền lợi nhất thời, để
hết sức hoạt động phục vụ quyền lợi thiết thực của kẻ thù. Quyền lợi
đó chính là ơn cứu độ Chúa đã dầy công tạo lập cho họ. Tất cả sự nghiệp của
Người là qui tụ muôn dân. Nếu còn phân biệt bạn với thù, làm sao sự nghiệp
của Người có thể hoàn thành trong trần gian ? Làm sao chúng ta có thể hoàn
thành được những gì còn dở dang trong công cuộc cứu chuộc của Chúa ?
Một hoạt động ngoạn
mục của Giáo hội đang diễn ra tại Ấn độ. Giữa lúc bị một tổ chức Ấn giáo cực
đoan cản trở, Giáo Hội vẫn hiên ngang đến cứu giúp 50,000 gia đình nạn nhân vụ động
đất tàn khốc vừa xảy ra ngày 26/01/2001. Tổ chức đó đã từng là thủ phạm giết
nhiều linh mục, giáo dân và tấn công nhiều giáo xứ Công giáo tại Ấn độ
(VietCatholic, 15/02/2001). Chắc chắn Giáo hội đã vượt qua những ranh giới thường
tình để thực hiện đòi hỏi Tin Mừng hôm nay. Giáo hội đã cống hiến cho nhân
loại một tình yêu tròn đầy của Thiên Chúa ngay trên mặt đất này.
Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP