Chúa Nhật 7 quanh năm

(Lu-ca 6: 27-38)

         

          Các mối phúc đã phác họa dung mạo người môn đệ Chúa Giê-su, biết chấp nhận những thua thiệt trong cuộc đời và bị bách hại về thể xác cũng như tinh thần vì họ muốn sống theo giáo lý của Người.  Phản ứng tự nhiên của người bị bách hại là không thể đội trời chung với kẻ thù là người bách hại mình, chứ nói chi tới việc yêu thương kẻ thù.  Có lẽ vì thế mà Tin Mừng Lu-ca đặt vấn đề yêu thương kẻ thù ngay sau các mối phúc, coi như một điều kiện căn bản để có thể sống những mối phúc nói trên.  Vậy bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục quảng diễn những mối phúc bằng những trường hợp cụ thể rút từ lối sống của người đời và đòi hỏi người môn đệ phải sống ngược lại lối sống ấy thì mới nói lên được căn tính của người đi theo Chúa.

 

1)  Yêu thương kẻ thù

 

          Đã chọn đi ngược với lối sống của thế gian, môn đệ Chúa không thể đồng hành với người đời ở bất cứ nơi nào và dĩ nhiên đã trở thành thù địch với nhau rồi.  Môn đệ Chúa sống theo quy luật của các mối phúc, còn người đời sống theo quy luật của các mối họa.  Người môn đệ Đức Ki-tô lấy Thiên Chúa làm điểm tựa, vì chính Người mới là nơi cư ngụ vĩnh viễn (Nước Thiên Chúa), sự no đủ đích thực, hạnh phúc trường sinh và phần thưởng lớn lao.  Ngược lại, người đời lấy chính họ làm cứu cánh và lấy thế gian cùng những gì thuộc về nó làm phương tiện, đó là sự giàu có sang trọng, no nê phè phưỡn, vui chơi trác táng và tiếng tăm địa vị.

          Từ sự khác biệt ấy, môn đệ Chúa trở thành cái gai trước mắt người đời và luôn luôn phải đối phó với việc bị tẩy chay và bách hại.  Trước tình trạng phũ phàng ấy, Chúa Giê-su đưa ra một bài học độc đáo và thực tế.  Ở đây ta nhận thấy hoàn cảnh khác với hoàn cảnh trong Tin Mừng Mát-thêu.  Là Tin Mừng viết cho người Do-thái, Mát-thêu đưa ra những so sánh như:  “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa...  Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết”.  Còn Lu-ca là Tin Mừng viết cho anh em Dân ngoại nên không trưng dẫn Lề Luật, mà chỉ đề cao Chúa Giê-su là Luật tối cao:  “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây”.  Vậy Chúa Giê-su đã nói gì về những điều môn đệ Người phải làm khi gặp trường hợp bị kẻ thù bách hại?

          Trước hết, hãy yêu thương kẻ thù, đó là nguyên tắc căn bản thứ nhất.  Để sống tình yêu thương này, người môn đệ phải lấy đức mà đáp lại oán, lấy việc lành mà trả cho việc dữ.  Nguyên tắc thứ hai là mức độ yêu thương và làm ơn ít ra phải tích cực và hơn mức bình thường, vì yêu thương bao giờ cũng vượt trên mức công bằng.  Yêu thương đòi ta phải đi bước trước và chủ động.  Với yêu thương, người môn đệ làm chủ được mình.  Thay vì theo thói đời là nguyền rủa lại kẻ nguyền rủa mình, người môn đệ biết tự chế, bắt mình phải theo lệnh truyền của lòng yêu thương mà nói điều tốt cho kẻ thù.  Họ thắng được lòng tham tự nhiên lúc nào cũng muốn giữ cho mình, mà sẵn sàng quảng đại cho đi.

          Tuy nhiên, nghe nói vậy nhưng thực hành lại là vấn đề khó khăn vô cùng.  Tại sao ta lại phải làm một điều “trái tự nhiên” như vậy?  Chúa Giê-su có đòi hỏi quá đáng không?  Dựa vào đâu mà ta có thể biện minh cho việc yêu thương kẻ thù?  Chúa Giê-su cho ta câu trả lời.

 

2)  Có yêu thương kẻ thù, “anh em mới là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác”

 

          Cha nào con nấy.  Đó là lý do.  Ta phải yêu thương kẻ thù, vì chính Thiên Chúa, Cha chúng ta, yêu thương kẻ thù của Người.  Nhưng kẻ thù của Thiên Chúa là ai?  Là những kẻ dữ, những kẻ tội lỗi.  Nói như thế thì mọi người đều là kẻ thù của Thiên Chúa, vì tất cả chúng ta đều là những người tội lỗi, chứ có ai là vô tội trước mặt Người đâu.  Thế mà Người vẫn thương ta, vẫn sai Con Một Người đến để kêu gọi những người tội lỗi và Con Một Người còn chấp nhận chết khổ nhục để xóa bỏ tội lỗi ta.

          Nếu Thiên Chúa, Cha chúng ta, đã và vẫn đang yêu thương ta là “kẻ thù” của Người, thì ta phận làm con cái Người lại có thể làm ngược lại với đường lối của Người hay sao?  Chúa Giê-su đề cập tới vấn đề ân nghĩa ở đây.  Việc Thiên Chúa yêu thương ta mặc dù ta thân phận tội lỗi, đó là một ân nghĩa.  Ân nghĩa thuộc bình diện yêu thương, chứ không phải công bằng.  Cho nên đối với kẻ thù, ta không chỉ đối xử công bằng, nhưng phải tích cực hơn để đi vào lãnh vực yêu thương.  Trong công bằng có sự tính toán và sòng phẳng.  Còn yêu thương thì chỉ nghĩ đến cho đi, vì yêu thương là ân huệ.  Thiên Chúa đã yêu thương ta nên cho ta mọi thứ ân huệ và cuối cùng cho ta Ân Sủng đầy tràn tức là Con Một Người.

 

3)  “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ”

 

          Mỗi tác giả Tin Mừng có một cách để định nghĩa thế nào là nên thánh.  Mát-thêu thì nêu lên định luật:  “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48).  Còn Lu-ca thì thực tế hơn:  “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6:36).

          Mặc dù ta là “kẻ thù” của Thiên Chúa, nhưng Người vẫn đối xử nhân từ với ta.  Đối xử nhân từ là đối xử không theo lẽ công bằng, nhưng theo lẽ tình yêu.  Mà tình yêu thì có những lý lẽ riêng của nó, nhiều khi không hiểu được.  Cụ thể là tình yêu Thiên Chúa.  Con tim của Thiên Chúa có những lý lẽ ở ngoài lối suy nghĩ của con người.  Nhân từ của Thiên Chúa là phong cách đặc biệt để biểu lộ tình yêu của Người.  Người yêu thương kẻ thù của Người bằng cách tỏ ra nhân hậu đối với chúng.  Chẳng những Người không xét đoán, không lên án, mà còn tha thứ nữa.  Thật không thể hiểu được Thiên Chúa yêu thương cách đó!  Đấy là đấu Thiên Chúa đong cho ta và Người cũng muốn ta đong như vậy cho người khác.

 

4)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Chúa Giê-su đã sống định luật “yêu thương kẻ thù” như thế nào?  Tôi đọc thấy gì trong những sách Tin Mừng về điểm này?  Có khi nào tôi chiêm ngưỡng Chúa Giê-su trong lãnh vực này không?

          Kẻ thù đáng kể nhất của tôi hiện giờ là ai?  Tôi có kế hoạch nào thực thi lời Chúa để yêu thương họ?

          Hay xét đoán là một nết xấu thường tình.  Vậy tôi sẽ làm cách nào để tập không xét đoán người khác?  Trong ý nghĩ?  Trong lời nói?

 

Cầu nguyện

 

          “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,

          có những ngày

          đón nhận những người khác

          là điều vượt quá sức con,

          vì con kiêu hãnh, tự hào và yếu đuối.

          Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,

          có những ngày

          con không thể nào kính trọng kẻ khác được,

          vì ý kiến, vì màu da, vì cái nhìn của người ấy.

          Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,

          có những ngày

          mà yêu mến người khác

          làm cho tim con đau nhói,

          vì nỗi sợ hãi, nỗi khổ đau

          và những giới hạn của bản thân con.

          Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,

          trong những ngày khó khăn đó,

          xin hãy nhắc cho con nhớ rằng

          tất cả chúng con đều là con cái Chúa

          và đừng để con quên lời Chúa nói:

          “Điều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất

          là làm cho chính Ta.”    - Trích trong PRIER

                             (Trích RABBOUNI, lời nguyện 112)

 

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

30 Tết Đinh Hợi

17-2-2007


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C