CHÚA NHẬT THỨ I MÙA VỌNG, năm C
Lc 21, 25-28.34-36
PHẢI TỈNH THỨC và CẦU NGUYỆN
Những ngày mưa lũ vừa qua ở nhiều
vùng, nhiều nơi , gió, lũ làm cho mùa màng, ruộng vườn, đường sá bị sạt lở, gây
ách tắc giao thông vv…có nơi còn thiệt hại cả về mạng sống…Đây là những hiện
tượng thiên nhiên thông thường, tuy nhiên việc mưa bão đã làm cho nhiều đất
nước, nhiều vùng, nhiều tỉnh, nhiều huyện, nhiều nơi bị thiệt hại không ít về
của cải vật chất và có nơi bị thiệt hại:” nhiều người bị chết, bị gió, nước
cuốn trôi vv”…Con người bị bão tố ập đến
bất ngờ, họ không kịp xoay sở và có kịp biết những cơn tai biến cố thể xẩy ra,
con người cũng chỉ có thể chạy để cứu vớt mạng sống của mình. Với những kẻ có
lòng tin, Chúa nói:” Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát
khỏi mọi điều sắp xẩy đến và đứng vững trước mặt Con Người “ ( Lc 21, 36 ).
CHÚA KITÔ VẪN TIẾP TỤC ĐẾN TRONG THẾ GIỚI : Các bài đọc trong phụng vụ Chúa
Nhật I mùa vọng vẫn hướng chúng ta về một niềm hy vọng, niềm tin vào Đấng Cứu
Độ sẽ đến. Bài đọc I, ngôn sứ Giêrêmia loan báo: “ ngày Thiên Chúa làm nẩy sinh
một sự công chính”. Thiên Chúa sẽ can thiệp vào lịch sử nhân loại, Đấng Cứu Thế
sẽ được sinh ra trong dòng họ Vua Đavít và Ngài sẽ mang lại ơn cứu rỗi và niềm
hạnh phúc cho nhân loại, cho con người. Đấng Cứu Độ mà ngôn sứ Isaia, Giêrêmia
và nhiều ngôn sứ khác loan báo đã đến trong lịch sử con người và Ngài còn tiếp
tục đến trong lịch sử cứu độ. Nhân loại càng lúc càng xa Thiên Chúa, Chúa Kitô
vẫn tiếp tục đến để mang lại hạnh phúc, ơn an bình và sự cứu rỗi. Nhân loại sẽ
tiếp tục được đón nhận Đấng là Đường, là Sự Thật, là Sự Sống đến hướng dẫn con
người và cứu rỗi mọi người. Bài thánh thư trích từ thư thánh Phaolô gửi cộng
đoàn tín hữu Thessalonica, Ngài khuyên mọi người ở mọi thời luôn phải sống tinh
thần mùa vọng và gia tăng lòng thương xót, cảm thông và yêu thương nhau để đón
chờ Chúa đến. Do đó, quên đi quá khứ tội lỗi, thật lòng ăn năn sám hối trở về
với Thiên Chúa và với anh em của mình là tâm tình sâu đậm của mùa vọng. Tâm
tình này là hướng về đích điểm cuối cùng là Đức Kitô cứu thế. Chúa Giêsu đã đi
vào lịch nhân loại chỉ có một lần duy nhất, nghĩa là Ngài sinh ra tại Bêlem,
mặc xác phàm làm người như lời thánh Phaolô nói trong thư gửi tín hữu
Philipphê: “ Đức Giêsu kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết
duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế… và để tôn
vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng : Đức Giêsu Kitô là
Chúa “ ( Philip. 2, 6-11 ). Đức Giêsu Kitô đã đi vào lịch sử con người, Ngài
vẫn luôn tiếp tục đến với ta và Ngài lại đến lại với nhân loại trong vinh quang
ngày tận thế, ngày cùng tận...
GIÁO HỘI TIẾP TỤC LOAN TRUYỀN VIỆC CHÚA LẠI ĐẾN : Bài Tin Mừng của thánh Luca hôm
nay cho thấy viễn tượng của bức tranh cánh chung, nghĩa là hình ảnh ngày Chúa
đến lại. Ngày tận thế được Hội Thánh luôn loan báo, ngày Chúa sẽ đến trong uy
quyền. Vậy, ngày tận thế bao giờ sẽ đến ?
Đọc toàn bộ Tin Mừng Nhất Lãm và Tin
Mừng thứ 4 của thánh Gioan, chúng ta không hề thấy Chúa loan báo lúc nào, ngày
nào, giờ nào, Chúa sẽ đến. Chúa không vén lộ bí mật ấy và con người cũng không
hề giải được mật mã của Chúa. Chúa chỉ nói đến những điềm báo thời cánh chung
như mặt trời, mặt trăng, tinh tú dời đổi, những thay đổi trên trời, những biến
động dưới đất: bão lụt, núi lửa, chiến tranh, thiên tai, ôn dịch vv…Đó là những
điềm báo khiến con người phải thức tỉnh và rút ra những bài học cho cuộc đời.
Mùa vọng nhắc nhở nhân loại, nhắc
nhớ mỗi người chúng ta về việc Chúa đến lần thứ I trong lịch sử cứu độ, và
chuẩn bị con người đón chờ ngày Chúa lại đến trong vinh quang, trong uy quyền,
ngày đó Chúa Giêsu không nói rõ lúc nào, Ngài chỉ nói nó đến thật bất ngờ như
kẻ trộm đến vào giờ con người không ngờ, không hay biết, như sự chết đến một
cách thình lình như “ chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất “ ( Lc
21, 35 ). Chúa đã đến để kêu gọi con người về với Ngài thật bất ngờ và hết sức
thình lình.
Chính vì thế, Chúa mời gọi con người:
“ …Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo
lắng sự đời….”( Lc 21, 34 ). Chúa nói con người :” Phải tỉnh thức và cầu nguyện
“ ( Lc 21, 36 ). Tỉnh thức để nhận ra Chúa đến với mỗi người trong ngày cùng
tận của mỗi người, vì Chúa đến một cách rất bất ngờ. Cầu nguyện để mỗi người
luôn sẵn sàng ra trước mặt Chúa. Như những thiên tai bão lụt, mưa gió và những
hiện tượng khác, nếu con người luôn tỉnh thức, sẵn sàng và cầu nguyện, chắc
chắn con người sẽ gặp được may mắn, tốt đẹp hơn.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
mỗi người luôn biết tỉnh thức và cầu nguyện để chúng con sẵn sàng ra đón Chúa
như năm cô trinh nữ khôn ngoan mang đèn mà lại mang theo dầu. Amen.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi
DCCT