CHÚA ĐẾN
Chúa Nhật 1C Mùa Vọng.
Gr 33:14-16
Lc 21:25-28.34-36
1 Tx 3:12 – 4:2
Vũ trụ
và thế giới đang đi dần đến giai đoạn cuối cùng. Tất cả sẽ trải qua những giây phút thật kinh
hoàng. Làm cách nào có thể đứng vững
trong những ngày đó ? Niềm tin có thể bảo
đảm cho người tín hữu tìm được nơi trú ẩn an toàn giữa lúc bao người run sợ chăng
?
BIẾN CỐ
VĨ ĐẠI.
Vũ trụ
sẽ đi về đâu ? Chắc chắn theo định luật
thiên nhiên, vật chất sẽ có ngày tàn lụi.
Chỉ mới nghĩ tới những ngày đó thôi, đã thấy bàng hoàng và chán nản. Cuối cùng mọi sự sẽ bị tận diệt. Thế thì xây dựng để làm gì ? Tại sao phải giữ các luật lệ pháp lý và luân
lý ?
Thật
ra, có thể có nhiều cái nhìn về cùng một sự kiện. Trước những biến động thiên nhiên vô cùng
kinh hoàng, “muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những
gì sắp giáng xuống địa cầu.” (Lc 21:26)
Giữa lúc đó, Đức Giêsu vẫn cho thấy một điểm tựa vững chắc nơi “Con Người
đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây.” (Lc 21:27) Quyền năng của Người được biểu lộ mãnh liệt
nhất khi cứu độ con người thoát cơn biến động đó. Phải có một sức mạnh vạn năng mới đủ bảo đảm
một nơi trú ẩn an toàn như vậy.
Trước
những biến cố lớn lao đó, Đức Giêsu căn dặn : “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện
luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.”
(Lc 21:36) Tỉnh thức tức là “đề phòng,
chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời” (Lc 21:34) quá
mức đến nỗi cứ tưởng chỉ có đời này mà thôi.
Cầu nguyện để củng cố niềm tin về một tương lai đầy hứa hẹn bên kia những
gì đổ vỡ. Quả thế, cuộc sống đích thực
chỉ bắt đầu khi “Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong mây trời mà đến.”
(Lc 21:27) Chính Người đã mạc khải :
“Trong nhà Cha của Thầy có nhiều chỗ ở.” (Ga 14:2) Đó mới là nơi an cư lạc nghiệp. Trần gian chỉ là một cuộc hành trình về nhà
Cha.
Cuộc hành trình đó trải dài với những bước đi của những người “đứng thẳng
và ngẩng đầu lên.” (Lc 21:28 l) Đó là tư
thế của một người tự do, chứ không phải một tên nô lệ. Đó cũng là thái độ của những người sống
“theo lẽ công bình chính trực” (Gr 33:15) và tin theo “Đức-Chúa-là-sự-công-chính-của-chúng-ta.”
(Gr 33:16) Đức Giêsu chính là Con Người sẽ trở lại vinh quang trong thời cánh
chung (Đn 7:13), vì “Người trở lại như trưởng tử của một nhân loại mới,” (Faley
1994:14) một nhân loại hoàn toàn được cứu độ.
Chính dân
thành Thessalônica cho thấy ơn cứu độ đã hoạt động mãnh liệt nơi họ như thế nào
(x.1 Tx 3:12). Lớn lên trong tình yêu tương đương với sự thánh
thiện và là một bảo đảm cho ơn giải thoát và cứu độ khi Chúa quang lâm.” (Faley
1994:13) Khi yêu thương, chúng ta sẽ thấy
tất cả quyền năng và vinh quang của Con Người đến trong đám mây. Nói khác, tình yêu giúp chúng ta “đủ sức thoát
khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.” (Lc 21:36) Chính khi yêu là lúc chúng ta “tỉnh thức”
(Lc 21:36) để có thể tránh được những kinh hoàng. Chỉ Thiên Chúa mới có sức cứu ta khỏi những
tai nạn bất ngờ và khỏi móng vuốt tử thần bủa giăng khắp nơi. Vì Thiên Chúa là chủ tể thống trị cả thời
gian lẫn không gian. Tất cả đều xảy ra
trong lòng bàn tay đầy ắp tình yêu của Thiên Chúa.
Càng yêu
nhau bao nhiêu, càng được Chúa che chở bấy nhiêu. Thánh Phaolô khuyên nhủ: “Xin
Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng đậm
đà thắm thiết. Như thế, Chúa sẽ cho anh em được bền tâm vững chí trong ngày Đức
Giêsu, Chúa chúng ta quang lâm.” (1 Tx 3:13)
Ngày ấy là một ngày vô cùng vui mừng đối với những người biết yêu thương
tha nhân. Chỉ biết yêu mình không thể
tìm thấy niềm vui tròn đầy ấy. Yêu mình
chỉ là mức đo cho thấy phải yêu thương tha nhân như thế nào. Tình yêu dừng lại
chính mình là một tình yêu bệnh hoạn, không đủ sức giúp ta đứng vững trong ngày
cánh chung.
Tình yêu
mang chiều kích cánh chung. Bởi đó, cánh
chung không phải là một hiện tượng chỉ xảy ra một lần ngày tận thế, nhưng diễn
ra hằng ngày. Chính vì thế, mỗi giây phút
đều phập phồng chờ mong Chúa đến. Niềm
hi vọng không bao giờ chấm dứt vì đức tin luôn chiếu sáng lên lời hứa cứu độ. Đó không phải là mơ ước xa xôi, nhưng là một
thực tại. Đức Giêsu đến mạc khải thực tại
rất sống động về niềm hi vọng cánh chung. Không có niềm hi vọng này, tất cả giá
trị cuộc đời đều là hư không.
CÁNH
CHUNG HÔM NAY
Tới lúc nào đó, con người có thể có một cái nhìn bi quan về cuộc
đời, sau khi trải qua bao thăng trầm cuộc sống,. Thực tại trần thế vẫn bị coi là mộng ảo, như
thi sĩ Tản Đà đã viết :
“Nghĩ đời
lắm lúc không bằng mộng,
Mộng lắm
bao nhiêu lại chán đời.”
Đúng như
Nguyễn Công Trứ than thở : “Cuộc đời như
mây nổi như gió thổi như chiêm bao.” Nhưng nếu đời không bằng mộng, đời còn
lại gì cho con người bám víu ?
Cần phóng
tầm nhìn tới tận điểm cánh chung, mới thấy tất cả sự thật đằng sau những biến ảo
hôm nay. Điểm cánh chung đó sẽ nối kết tất
cả để làm nên một tuyệt tác trọn vẹn, bao gồm cả đất trời. Điểm cánh chung đó chính là Đức Kitô Giêsu, Đấng
hòa giải Thiên Chúa với con người. Từ đó,
con người mới có thể tìm thấy con đường hòa giải với nhau. Con đường hòa giải bắt đầu từ cuộc đối thoại. “Đối thoại là con đường duy nhất xứng hợp với
con người trong những căng thẳng chống đối cá nhân và tập thể con người hôm
nay.” (ĐGH Gioan Phaolô II : Zenit 21.11.03)
Bạo động hay khủng bố không làm cho con người xích lại gần nhau. Chỉ trong đối thoại, con người mới tìm lại
chính mình và tha nhân. Khi đối thoại,
con người tôn trọng nhau và sẽ làm cho tương quan đầy vẻ êm thắm. Cuộc đời sẽ đẹp hơn ta tưởng.
Không đối
thoại, con người chỉ còn tìm cách áp đặt lên nhau những ý nghĩ hay đường lối độc
đoán. Bởi thế, trong đạo cũng như ngoài đời
đầy dẫy những hạng người “độc quyền yêu nước”, “độc quyền yêu Chúa”. Họ không nhìn xa hơn cái tôi của mình. Thiếu hẳn một tầm nhìn cánh chung. Những cuộc tranh chấp bất tận xoay quanh những
quyền lợi cá nhân hay phe nhóm. Không có
lối thoát.
Lối thoát
duy nhất cho thân phận con người hôm nay là chính Đức Giêsu Kitô. Vì Người “là
con đường, là sự thật và là sự sống.” (Ga 14:6)
Chỉ một mình Người mới có thể lấp đầy “khát vọng ghi sâu trong lòng người,
khát vọng tìm kiếm và hiểu biết Thiên Chúa.” (ĐGH Gioan Phaolô II : Zenit
21.11.03) Khát vọng căn bản đó đang bị đủ
thứ tham vọng vùi lấp. Giáo hội hiện diện và hành động để khơi dậy khát vọng đó.
Khi phục
vụ những nhu cầu vật chất và tinh thần, Giáo hội muốn cho mọi người thấy có một
chiều kích cánh chung trong các hoạt động bác ái hôm nay. Nói khác, “Kitô hữu chúng ta biết rằng chỉ nơi
Đức Giêsu mới có câu trả lời đích thực và mãn nguyện cho nhiều nỗi lo âu trong
con tim nhân loại. Để thông truyền cho
thế giới tình yêu đã đón nhận được nơi Đức Kitô, Giáo hội không ngừng thiết lập
các cơ sở từ thiện và hiến dâng con cái làm việc tông đồ nhằm khơi dậy ý nghĩa
và giá trị Tin mừng trong những công cuộc bác ái.” (ĐGH Gioan Phaolô II : Zenit 21.11.03)
Chính
vì thế, Giáo hội đang làm bừng lên niềm vui Phục sinh trong những thực tại dẫy chết
đó đây. Chiều kích cánh chung đã không làm
lu mờ những giá trị hiện tại. Trái lại,
càng mong chờ Chúa đến, càng tìm ý nghĩa và hạnh phúc trong từng giây phút sống
hôm nay.
Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP