CHÚA NHẬT THỨ II MÙA VỌNG, năm C
Lc 3, 1-6
ĐỔI MỚI TÂM HỒN
Đổi mới tâm hồn, chuyển hóa nội
tâm là điều kiện cần thiết nhất để con người được sống tốt hơn, trong sáng hơn
và gần gũi Chúa nhiều hơn. Xem ra việc đổi mới con người, cải tà qui chánh,
biến đổi tâm hồn vẫn là những việc đòi con người phải cố gắng, phấn đấu, hy
sinh từ bỏ. Bởi vì ai cũng ngại vác thánh giá mà thánh giá lại là con đường
giúp người ta nên thánh, con đường giúp con người tốt hơn, đẹp hơn vv…Muốn đổi
mới nội tâm, biến đổi con người nên tốt cần phải có người nhắc bảo, chỉ
vẽ…Thánh Gioan Tẩy Giả đã làm công việc dọn đường cho Chúa, ông kêu gọi con
người ăn năn, sám hối : “ Đồi cao phải bạt xuống, hố sâu phải lấp cho đầy,
quanh co phải uốn cho ngay…”. Đó là lời kêu gọi của Gioan Tẩy Giả để con người
có thể đón nhận được Đấng Cứu Độ.
GIOAN TẨY GIẢ, VỊ NGÔN SỨ DỌN ĐƯỜNG CHO CHÚA ĐẾN: Tin Mừng của thánh Luca 3, 1-6
trình bầy bối cảnh chính trị khi Gioan Tẩy Giả xuất hiện. Các bộ mặt lớn lúc đó
đều hiện nguyên hình : hoàng đế Tibêriô, còn Phongxiô Philatô đại diện hoàng đế
làm tổng trấn miền Giuđêa, Hêrôđê làm tiểu vương miền Galilê, người em là
Philíp làm tiểu vương Iturê và Trakhônít, Lyxania làm tiểu vương miền Abilê,
Hanna và Caipha làm thượng tế. Với thế lực cường quyền mạnh nhất lúc đó, Gioan
Tẩy Giả chỉ là một con người vô danh tiểu tốt, trần trụi và thấp bé theo nghĩa
trần gian: “…Có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Dacaria là ông Gioan trong
hoang địa”
( Lc 3, 2 ). Đã lâu lắm rồi, từ
thời các ngôn sứ, dân Do Thái không được nghe tiếng Thiên Chúa dậy bảo. Hôm
nay, Ngài lại lên tiếng. Tiếng của Ngài không phải qua miệng các Vua chúa quan
quyền, những người có thế lực trong xã hội, mà ngang qua một con người dân dã,
chân quê. Thiên Chúa cũng không lên tiếng trong Đền Thờ, trong nơi thờ phượng
mà Ngài lên tiếng trong vùng hoang địa, gần sông Gio- đan.
Gioan Tẩy Giả là con người dân dã,
nhưng lòng ông không phải tầm thường, trí khôn ông thì khôn lường, ông đầy chữ
nghĩa của các bậc thánh hiền, ông trưng ra những câu sấm ngôn, những lời nói
của ngôn sứ Isaia loan báo cuộc lưu đầy tại Babylon đã chấm dứt, dân Do Thái
trở về quê cha đất tổ và Thiên Chúa đích thân đến an ủi dân của Ngài. Ông Gioan
đi khắp ven vùng sông Gio-đan, rao giảng phép rửa sám hối. Phép rửa của Gioan
là dìm tội nhân xuống nước có ý nói rằng con người phải chết đi cho tội lỗi,
rồi mới được tái sinh mà lãnh nhận ơn cứu độ của Thiên chúa sắp ban cho con
người. Đây là một biểu tượng cụ thể kêu gọi con người “dìm xuống”, tức chết đi,
thay đổi tận cội nguồn gốc rễ để trở thành con người mới mà đón nhận Thiên Chúa
đến. Việc làm của Gioan Tẩy Giả mang theo sự đổi mới của toàn xã hội khiến
những người cầm quyền xã hội và những nhà lãnh đạo tôn giáo lúc đó lo âu, sợ
sệt. Họ hốt hoảng vì sợ ông Gioan, do đó, họ bắt giam và hành hình ông Gioan,
nhưng có người tới sau ông là”ø Chúa Giêsu, người có đầy quyền năng, uy dũng
hơn ông”, lại phải tiếp tục đương đầu với giới cầm quyền và những người lãnh
đạo tôn giáo. Họ sợ Người, nên họ muốn ra tay trừ khử Người vì sợ hậu hoạ.
GIỚI CẦM QUYỀN DO THÁI VÀ NHỮNG NHÀ LÃNH ĐẠO TÔN GIÁO THẤY GÌ LÚC ĐÓ? : Sợ Gioan Tẩy Giả vì những lời
rao giảng thống hối, lãnh nhận phép rửa do ông loan báo, các vị cầm quyền xã
hội và các vị lãnh đạo tôn giáo thời đó đã loại trừ Gioan ra khỏi xã hội con
người bằng việc hành hình man rợ. Chúa Giêsu đến. Họ vẫn sợ Chúa Giêsu. Họ đã tìm
đủ cách để loại trừ Ngài. Nhưng họ đã thấy gì nơi Chúa Giêsu ? Phải chăng họ đã
thấy một Chúa Giêsu ham danh vọng, ham chức tước, một Chúa Giêsu giầu sang, phú
quý. Không, nhất định là không, vì Chúa Giêsu chỉ là vị Vua phục vụ, Vua tôi
tớ: “ Đến để phục vụ, chứ không đến để được hầu hạ “. Chúa đến để thiết lập một xã hội mới, một
Vương Quốc hòa bình và yêu thương. Vương quốc của Ngài không thuộc về thế
gian:” Nước Tôi không thuộc thế gian này “
Chúa là Vua nhưng Vua yêu thương,
Vua hiền hậu, Vua khiêm nhượng, cỡi lừa đi vào Thành Thánh. Chúa đến để khai mở
một tương lai mới, một trời mới đất mới. Chúa đến để thiết lập một Vương Quốc
công bình, hiệp nhất và đầy tình bác ái, một Vương Quốc mà những người có lòng
tin luôn luôn hướng tới và mong chờ.
Gioan Tẩy Giả đã chết đi để nói
lên sự thật, làm chứng cho sự thật và minh chứng cho Đức Kitô Giêsu :” Người
phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại “.
Vâng, “…Có tiếng người hô trong
hoang địa : hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người
đi…Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa “ ( Lc 3, 4-6 ).
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến !
Maranatha, Người ơi, xin mau đến. Amen.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi
DCCT