ƠN CỨU ĐỘ MUÔN DÂN.

Chúa Nhật 2C Mùa Vọng

 

Br 5:1-9

Lc 3:1-6

Pl 1:4-6.8-11

 

Mùa Giáng sinh đã theo khí lạnh mang đến niềm vui trải nhẹ khắp trời đất và lòng người.   Nhiều nhà đã bắt đầu giăng những chùm đèn rực rỡ.   Các đại nhạc hội, ca vũ, hội thảo, tĩnh tâm góp phần đào sâu mầu nhiệm Giáng Sinh.   Hôm nay, niềm vui bắt đầu với hình ảnh của một vị ngôn sứ tự xưng mình là “tiếng kêu trong hoang địa” (Lc 3:4) càng như một sức mạnh đẩy lùi những trở ngại, giọn đường cho Chúa đến.

CHUẨN BỊ

Bao ngàn năm dân Do thái đã phập phồng chờ đợi ngày Chúa đến viếng thăm.   Càng gần ngày Chúa đến, niềm hi vọng càng lớn lao.   Chính vì thế thánh Gioan Tẩy Giả đã thành công khi kêu gọi đoàn người đông đảo đến sông Giođan “chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (Lc 3:3) hầu xứng đáng đón chào Đấng Cứu Thế.   Ơn cứu độ không lơ lửng trên chín tầng mây, nhưng “được xác định rõ trong bối cảnh lịch sử rộng lớn.  Thánh Luca đã làm nổi bật vai trò của những nhân vật thời đại thuộc lãnh vực chính trị và tôn giáo : hoàng đế, toàn quyền xứ Palestin, các nhà cầm quyền Do thái, và giới lãnh đạo tôn giáo.” (Faley 1994:28)

Ơn cứu độø bao trùm cả vũ trụ.   Không một ai đứng ngoài chương trình của Thiên Chúa.   Chính ông Gioan đã phóng lên tầm nhìn phổ quát đó của ngôn sứ Isaia khi lên tiếng với quần chúng : “Mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.” (Lc 3:6) Đức Giêsu chính là mặt trời công chính, là vinh quang Thiên Chúa xuất hiện giữa trần gian.   Người đến để cứu độ toàn thể nhân loại, chứ không chỉ riêng dân Do thái.   “Vì Thiên Chúa sẽ cho khắp cả hoàn cầu thấy hào quang rực rỡ của ngươi.” (Br 5:3)   Vui chừng nào khi biết Thiên Chúa muốn cứu độ muôn dân.

Tiếng nói ngôn sứ của thánh Gioan áp đảo tất cả những ồn ào chính trị và tôn giáo đương thời vì “có lời Thiên Chúa phán cùng ông Gioan, con ông Dacaria, trong hoang địa.” (Lc 3:2)   Sứ mệnh Gioan bắt đầu từ nơi dân Do thái hành trình về Đất Hứa.   Hoang địa gợi lên sứ mệnh Đức Giêsu như nhà lãnh đạo cuộc xuất hành mới.   Oâng Gioan đã chung nhịp bước với dân Chúa chuẩn bị cho Đức Giêsu xuất hiện với sức mạnh Thiên Chúa.

Chính vì là một ngôn sứ, hơn nữa còn là vị tiền hô, nên ông mới có thể dõng dạc hô toàn dân : “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.” (Lc 3:4)   Con đường cong queo giấu ẩn lối sống bất chính của nhân loại.   Đó không phải con đường tốt đẹp, thích hợp đón bước chân Đấng Công Chính, Vua Hòa Bình.   Bởi vậy, phải nỗ lực sửa đường cho ngay thẳng.   Nếu không, cuộc sống con người vẫn mãi chìm đắm trong bất công, đau khổ.   Vì “Bình an xây dựng trên công chính.” (Br 5:4)

Oâng Gioan có lý khi đưa lên những hình ảnh ngôn sứ Isaia để đập vào mắt quần chúng : “Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng.” (Lc 3:5)   Ngổn ngang trước mắt ngôn sứ Gioan toàn những đồi núi, thung lũng, ổ gà.   Mở một đường lối xứng đáng cho Đấng Cứu thế đòi bao nhiêu mồ hôi nước mắt.   Bao nhiêu công việc lớn lao phải chuẩn bị trong một thời gian kỷ lục, vì “cái rìu đã đặt sát gốc cây.” (Mt 3:10)   Công việc đã vượt sức nhân loại.   Bởi vậy chỉ  Thánh Linh mới chuẩn bị cho Đấng Cứu thế đến với con người.   Oâng Gioan chính là một dụng cụ của Người.   Sa mạc chính là môi trường xứng hợp nhất để Thánh Linh chuẩn bị cho Đức Giêsu dẫn cả nhân loại vào Đất hứa.

GIÁO HỘI LÀ CON ĐƯỜNG

Nếu thế, không một hoàn cảnh, một lối sống nào không cần chuẩn bị cho bước đường Đức Giêsu đến cứu độ con người.  Bởi vậy, mọi Kitô hữu đều phải chuẩn bị cho Người đến với đồng loại.   Đúng hơn, “tự bản chất, đời sống Kitô hữu là một con đường hay một lối đi (Cv 9:2; 18:25)” (Faley 1994:29) dẫn mọi người về Đất Hứa.   Niềm vui sẽ tràn ngập muôn dân.  “Vì Thiên Chúasẽ dẫn Israel đi trong hoan lạc, dưới ánh sáng vinh quang của Chúa, cùng với lòng từ bi và sự công chính của Người.” (Br 5:9)  Không thể nào dẫn người khác đến hạnh phúc tuyệt vời đó, nếu trước tiên mình không “khoác vào mình áo choàng công chính của Thiên Chúa và đội lên đầu triều thiên vinh quang Đấng Vĩnh Hằng ban tặng.” (Br 5:2)

Các tín hữu sơ khai đã chuẩn bị sẵn sàng cho bước đường Chúa đến.  Thánh Phaolô đã cho thấy nét tích cực trong cộng đoàn Philip : “Từ buổi đầu cho đến nay, anh em đã góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng.” (Pl 1:5)   Rao giảng Tin Mừng chính là một hồng ân ngôn sứ vì trực tiếp đưa nhân loại vào miền hoan lạc, tràn ngập ánh vinh quang Thiên Chúa.  Tín hữu cộng đoàn tiên khởi đã dọn đường cho Chúa đến bằng cả một đời sống luân lý tốt đẹp, đến nỗi thánh Phaolô không ngưng được cảm xúc khi nói với họ : “Tôi hết lòng yêu quý anh em tất cả, với tình thương của Đức Kitô  Giêsu.” (Pl 1:8)   Họ đã chuẩn bị cho Chúa bằng cả tấm lòng, bằng cả cuộc đời.   Bởi vậy họ đáng được hưởng lời cầu nguyện của thánh nhân : “Tôi cũng xin cho anh em được nên tinh tuyền và không làm gì đáng trách, trong khi chờ đợi ngày Đức Kitô quang lâm.” (Pl 1:10)   Giáo hội tiên khởi đã hoàn thành sứ mệnh cách xuất sắc khi làm chứng cho mọi người biết Đức Giêsu Kitô.

Ngày nay Giáo Hội cũng trở thành con đường cho người ta đi về với Thiên Chúa.   Nhưng muốn chu toàn sứ mệnh đó, Giáo Hội đang lắng nghe để hiểu rõ người đồng loại hơn.   Có thật tình đi đến với nhân loại, có mở cõi lòng cho mọi người, Kitô hữu chúng ta mới trở thành con đường dẫn mọi người về Thiên Chúa.   Trong nỗ lực hôm nay, chúng ta phải chú trọng tìm “những cách diễn tả mới mẻ về các chân lý ngàn đời, phải hòa giải với những lập trường cố cựu bằng những suy tư và những triển khai sâu xa hơn.”

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C