CHÚA NHẬT THỨ III MÙA VỌNG, năm C
Lc 3, 10-18
HÃY ĐỂ CHO CHÚA MỘT CƠ HỘI
Mùa vọng là mùa của hy vọng, mùa
của đợi chờ, mùa của niềm tin. Thiên Chúa không bao giờ chùn bước, ngã lòng
trước con người. Dù rằng con người phản bội, yếu hèn, tội lỗi, Thiên Chúa vẫn luôn
tiếp tục công trình cứu rỗi của Người trong lịch sử cứu độ nhân loại. Cho dù
con người sa ngã, Thiên Chúa vẫn yêu thương con người vì con người họa lại hình
ảnh của chính Ngài. Do đó, mùa vọng kêu gọi con người ăn năn, sám hối, trở về
với Thiên Chúa tình thương. Các bài sách
thánh hôm nay nói lên ý nghĩa thâm sâu ấy.
DÂN CHÚNG XÔN XAO ĐI TÌM GẶP HỎI ÔNG GIOAN TẨY GIẢ : Nghe Gioan Tẩy Giả rao giảng,
kêu mời dân chúng sám hối và lãnh nhận phép rửa sá tội. Dân chúng đổ xô tới gặp
ông Gioan Tẩy Giả và xin ông làm phép dìm nước cho họ. Cứ lần lượt, dân chúng
thuộc mọi thành phần: người thu thuế, binh lính đều hỏi Gioan Tẩy Giả:” Chúng
tôi phải làm gì ? “ ( Lc 3, 12 ). Ông Gioan Tẩy Giả nói với những người thu
thuế :” Đừng đòi hỏi gì quá mức ấn định cho mình “ ( Lc 3, 13 ). Còn đối với
các binh lính, ông trả lời :” Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy
an phận với số lương của mình” ( Lc 3, 14 ). Thánh Gioan Tẩy Giả không đưa ra
những nguyên tắc trừu tượng, những lời dậy dỗ không thực tế mà Ngài khuyên họ
hãy giữ đức công bình, sống bác ái, yêu thương và như thế giống như Đức Giêsu
Kitô đã nói trong đoạn Tin Mừng của thánh Matthêu về ngày chung thẩm:” Ta đói
các ngươi đã cho Ta ăn, Ta khát các ngươi đã cho uống, Ta mình trần các ngươi
đã cho mặc, Ta ở tù các ngươi đã viếng thăm vv…” ( Mt 25, 31-46 ). Thánh nhân đã không đòi hỏi những người này
phải có tâm tình đạo đức, thay đổi quan niệm, thay đổi nghề nghiệp nhưng Ngài
đòi hỏi họ phải sống cụ thể và hành động cụ thể. Thời của thánh Gioan Tẩy Giả,
dân chúng khó chịu về thái độ của các môn đệ của Ngài. Họ chỉ chấp nhận giáo
huấn của Gioan Tẩy Giả mà không hiểu biết những mới mẻ của Tin Mừng. Thánh Luca
xác nhận giáo huấn của ông Gioan Tẩy Giả cũng là giáo huấn của Chúa Giêsu.
Thánh sử còn phân biệt rõ vai trò của Gioan trong lịch sử cứu độ. Ông không
phải là Đấng Thiên Sai, nhưng ông chỉ là tiếng kêu trong sa mạc dọn đường cho
Chúa đến. Thánh Gioan cũng bộc bạch : “
Ông không đáng cởi giây giầy cho Người “ và “ Người phải lớn lên, còn
tôi phải nhỏ lại “ ( Ga 3, 30 ). Thánh Luca còn phân biệt rõ ràng hai phép rửa:
“ Phép rửa của Gioan là một việc tẩy rửa bằng nước, một nghi thức thông thường
về tôn giáo của người Do Thái. Phép rửa của Chúa Giêsu là phép rửa của Chúa
Thánh Thần, phép rửa trong thần khí và lửa “.
MÙA VỌNG LÀ MÙA CHIA SẺ, MÙA THỰC HÀNH BÁC ÁI : Thánh Gioan Tẩy Giả kêu gọi :”
Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy” (
Lc 3, 11 ). Rõ ràng, thánh nhân kêu mời dân chúng sống chia sẻ, sống cảm thông,
yêu thương và sống bác ái . Người thanh niên giầu có mà Chúa Giêsu đề cập tới
vì anh quá bám víu lấy của cải vật chất, nên anh đã không sẵn sàng nghe lời đòi
hỏi của Chúa :” Hãy về bán của cải anh có mà phân chia cho người nghèo khó, rồi
hãy đi theo Ta “. Anh thanh niên đã giữ lề luật ngay từ thuở nhỏ, nhưng anh lại
thiếu thực hành bác ái. Anh chỉ giữ đạo chứ chưa sống đạo đích thực. Mùa vọng
là mùa hy vọng. Hy vọng vì Chúa sẽ đến. Mùa vọng là mùa sám hối. Sám hối là
nhìn vào bản thân, để chuyển hoá nội tâm, biến đổi con người, biến đổi cuộc
sống để sẵn sàng chờ đón Chúa đến gần trong ngày lễ Giáng Sinh, và đợi chờ Ngài
lại đến trong vinh quang, trong ngày sau hết của mỗi người. Mùa vọng là mùa
chia sẻ. Chia sẻ là sống lưu tâm thiết thực, cụ thể đến nỗi khốn cùng của anh
em mình đến nỗi mỗi người phải ý thức, phải cảm nghiệm sâu sắc: “ Chúa là hiện
thân của người nghèo, người đói, người khát, người bơ vơ vất vưởng đầu đường xó
chợ, người neo đơn, người cô thân cô thế, thấp cổ bé họng vv…” và thương giúp
những người đó là chính làm cho Chúa. Chúa đòi hỏi mỗi người phải tỉnh thức, sám
hối và cầu nguyện để chờ ngày Chúa quang lâm.
Chờ đón Chúa đến có nghĩa là con
người phải khiêm nhượng, phải đơn sơ và chóng vánh nhạy bén nhìn ra càng dấu
chỉ của thời đại. Chúa Giêsu đã lên án gắt gao những Biệt phái, những Pharisiêu
không phải họ thiếu đạo đức nhưng vì họ tự mãn, tự cao, tự đại và như thế họ
sống bên Chúa mà vẫn không nhận ra Chúa.Sống mùa vọng, mọi người chúng ta hãy
dành cho Chúa một cơ hội.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng
con một tấm lòng quảng đại để chúng con luôn
biết chia sẻ những gì chúng con có
với những anh em đang gặp khó khăn, khốn khó. Amen.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT