VUI
LÊN ANH EM !
Chúa Nhật 3C Mùa Vọng.
Xp 3:14-18a
Lc 3:10-18
Pl 4:4-7
Đời là bể khổ hay là một Tin Mừng ?
Chắc chắn không ai có thể phủ nhận niềm vui trong cuộc đời. Thử tưởng tượng cuộc đời hoàn toàn vắng bóng
niềm vui, còn ai muốn sống nữa không ?
Nhưng niềm vui phát xuất từ đâu ?
Niềm vui dễ hay khó ?
NGUỒN SUỐI HOAN LẠC.
Thánh Gioan Tẩy giả vui chừng nào khi thấy kết quả tốt đẹp gặt hái
từ những bài giảng bên bờ sông Giođan.
Nghe ông nói, mặc dù có những điều trái tai, họ vẫn “lũ lượt tuốn đến xin ông Gioan làm phép rửa” (Lc
3:10) như một dấu chỉ lòng sám hối. Sám
hối không chỉ là một hành động thiêng liêng, nội tâm, nhưng được thể hiện ra bên
ngoài bằng những hành vi rất cụ thể, thực tế, đụng chạm đến miếng cơm, manh áo
của con người. Sám hối có nghĩa là sống
công bình và bác ái hơn.
Lần lượt các thành phần dân chúng hỏi ông phải làm gì để hoán cải
cuộc sống, tìm lại được bình an và xứng đáng với ơn cứu độ sắp tới. Oâng đã có những chỉ dẫn sống động cho từng hạng
người trong hoàn cảnh cụ thể. Chắc chắn thực tế những hạng người đó chẳng được
lợi gì khi thi hành những chỉ dẫn đó. Được
lợi gì cho những người dư ăn dư mặc phải chia cơm sẻ áo cho người khác ? Những người sở thuế không còn được ăn hối lộ
? Những quân nhân chỉ sống với số lương
ba cọc ba đồng ?
Rõ ràng cái lợi vật chất không thể tìm thấy trong những hi sinh đó. Nhưng những cử tọa của Gioan Tẩy giả đã sẵn
sàng thực thi công bình xã hội để cho người nghèo và người bị áp bức thấy được
ngày mai. Công chính đã ngự trị, chắc
chắn bình an sẽ đến với muôn người, trước tiên với những người đã biết lấp đầy
hố sâu, san phẳng núi đồi, sửa lối quanh co, lồi lõm. Cuộc sám hối tập thể của
những người nắm quyền trong dân chứng tỏ những bất ổn đã dày vò lương tâm họ từ
trước tới nay. Bên ngoài tưởng chỉ những
người yếu thế mới có lợi. Nhưng thực tế,
họ là những người có lợi nhất, vì chiếm lại được hạnh phúc đích thực từ sự bình
an trong lương tâm. Cuộc đời họ sẽ chan
hòa niềm vui từ khi khám phá ra nền tảng đích thực của hạnh phúc. Hạnh phúc vẫn là điều sâu kín nhất, mầu nhiệm
nhất.
Sau khi dân chúng đã sám hối, tới lượt ông Gioan Tẩy giả nói về con
người đích thực của mình. Danh tiếng ông
lên cao đến nỗi “ai nấy đều tự hỏi : biết đâu ông Gioan lại chẳng là Đấng Mêsia
!” (Lc 3:15) Một người đang ở ưu thế
tuyệt đối như thế không dễ gì nhường địa vị cho một người vô danh tiểu tốt đến
sau. Bao nhiêu quyền lợi có thể đến với
Gioan nếu ông biết khai thác lòng ngưỡng mộ của toàn dân. Nhưng không. Oâng dã hoàn toàn từ bỏ tất cả. Bởi đó, cuộc đời ông tràn ngập niềm vui vì đã
hoàn thành sứ mạng “loan báo Tin Mừng cho” toàn dân (Lc 3:18) Oâng đã khiêm tốn thú nhận : “Phần tôi, tôi
làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi
không đáng cởi quai dép cho Người. Người
sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa.” (Lc 3:16) Một lời thú nhận rất đáng khâm phục. Oâng tự nhận không bằng một tên nô lệ. Oâng đã tìm thấy được bình an và niềm vui
khi khám phá thấy sự thực về mình. Ai cũng
thấy sức mạnh của Gioan Tẩy giả là phép rửa.
Nhưng phép rửa của ông chỉ có tính cách bên ngoài, cùng lắm gợi lên lòng
sám hối ăn năn. Còn phép rửa của Đức Giêsu
hoàn toàn thấm nhập vào tận tâm hồn. Không
gì có thể tồn tại trong lửa. Thánh Thần chính là lửa sẽ thiêu đốt tận tâm can.
Không những thế, Thánh Thần còn đẩy sứ mạng của Đức Giêsu đến mức
toàn hảo tột cùng. Mức toàn hảo đó được
thực hiện trong tình yêu. Quả thực,
Gioan Tẩy giả chỉ dừng lại ở lãnh vực luân lý.
Đạo thật khô khan và nặng nề với những luật điều cứng ngắc. Đức Giêsu không thỏa mãn với giới hạn chật hẹp
đó. Luân lý trở thành truyện nhỏ. Đạo không dừng lại ở đó. Thật vậy, mức độ phóng tới chính Người đã vạch
ra : “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”
(Mt 5:48) Luân lý mới dừng lại ở mức hoàn thiện con người. Làm cách nào đạt tới mức hoàn thiện của Chúa
Cha, nếu không có sức mạnh Thánh Linh ?
NIỀM VUI ÒA VỠ.
Chỉ có Thánh Linh mới có thể biến bể khổ này thành một Tin Mừng và qui
tụ tất cả vào trong gia đình Thiên Chúa.
Mọi người sẽ là anh em vì cùng có một Cha. Tình yêu sẽ là động lực thúc đẩy mọi người sống
cho nhau. Hạnh phúc không phát sinh từ
những toan tính ích kỷ hay những nỗ lực qui ngã. Trái lại, con người chỉ thực sự hạnh phúc
khi biết phục vụ lẫn nhau. Từ đó, niềm vui sẽ òa vỡ trong mọi cảnh ngộ cuộc đời. Chính vì thế, thánh Phaolô dám nói với tín hữu
Philipphê : “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại : vui lên anh em ! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa,
rộng rãi, Chúa đã gần đến.” (Pl 4:4-5)
Niềm vui này không ai cướp mất được !
Vì “Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi
đang ngự giữa ngươi, Người là Vị cứu tinh là Đấng anh hùng.” (Xp 3:17) Thế nên, dù đau khổ trăm bề, Kitô hữu luôn được
trấn an : “Đừng sợ, chớ kinh hãi rụng rời.” (Xp 3:16)
Hạnh phúc không tìm thấy nơi những bảo đảm vật chất bên ngoài. Hạnh phúc nằm ngay trong tâm hồn. Thật thế, “Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa
các ông.” (Lc 17:21) Chỉ cần trở vào nội
tâm, con người có thể tìm gặp Thiên Chúa.
Chính trong tâm hồn con người sẽ diễn ra một đại hội. “Vì ngươi, Chúa sẽ
vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương cuả Người mà đổi mới ngươi. Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng, như
trong ngày lễ hội.” (Xp 3:17-18a) Hình ảnh tuyệt vời này đủ diễn tả tất cả niềm vui lớn
lao của người tín hữu.
Niềm vui ấy chính Đức Maria đã cảm nghiệm sâu xa trong bài kinh
Magnificat. Chính “Đức Mẹ dạy chúng ta
muốn mang hòa bình và niềm vui đến cho thế giới, trước tiên cần nồng hậu tiếp đón
vị Hoàng Tử Hòa Bình đến trong tâm hồn chúng ta. Và nguồn vui là chính Đức Đức Giêsu Kitô vậy.”
(ĐGH Gioan Phaolô II, VietCatholic 19/12/2000)
Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP