Chúa Nhật III Mùa Vọng

(Lu-ca 3: 10-18)

 

          Câu truyện ông Gio-an Tiền hô được tiếp tục với bài Tin Mừng hôm nay.  Trong Chúa Nhật trước, Phụng vụ Lời Chúa giới thiệu thân thế, sứ mệnh và sứ điệp của ông Gio-an.  Tiếng hô trong hoang địa là cách nói để diễn tả cường độ mạnh mẽ lời hô của ông, chứ không có ý nói là tiếng hô chìm vào tĩnh mịch của sa mạc.  Vậy tiếng hô ấy đã vang động khắp nơi và người người muôn ngả lũ lượt kéo về miền ven sông Gio-đan để xin ông Gio-an một lời khuyên thực tế cho việc sám hối của họ.  Ai ai cũng hỏi ông cùng một câu hỏi:  Thưa ngài, tôi phải làm gì đây?  Đáp lại, ông Gio-an cho mỗi người một câu trả lời ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề, vào nhu cầu sám hối của họ.  Nói khác đi, ông Gio-an đã giúp những người thời ấy và những người hôm nay ý thức nhu cầu sám hối và tìm những việc làm cụ thể để thực thi sám hối.

 

1)  Nhu cầu sám hối

 

          Nếu Đức Giáo Hoàng Pi-ô XII đã nói lên hiểm họa luân lý thời nay là con người không còn ý thức về tội lỗi nữa, thì điều kế tiếp sẽ là con người nghĩ rằng không cần phải sám hối hoặc thay đổi.  Ngay thời ông Gio-an, ông đã nói lên cái não trạng không cần sám hối của nhiều người.  Trong số “đám đông lũ lượt kéo đến xin ông Gio-an làm phép rửa”, ngoài những người thành tâm sám hối ra lại có những người Pha-ri-sêu và Xa-đốc (xem Mt 3:7) coi phép rửa của ông như một thứ bùa phép giúp họ tránh cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.  Họ đến xin ông rửa không phải để bắt đầu một hành trình sám hối nội tâm, nhưng để tỏ ra họ lành thánh trước mặt người khác.  Họ luôn mang thái độ cao ngạo, giống hệt như người Pha-ri-sêu cầu nguyện trong Đền Thờ vậy.  Họ đâu thấy cần phải đấm ngực gục đầu thưa với Chúa:  Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi (Lu-ca 18:9-14).

          Ông Gio-an vạch ra cái cao ngạo của họ.  Họ cậy mình là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham.  Ngày nay cũng thiếu gì những người như vậy.  Người ta tự hào mình là dân đạo gốc, là những người hăng say làm việc tông đồ, là những người Công giáo đạo đức...  Gốc gác như thế thì cần gì phải sám hối.  Sám hối là dành cho những kẻ tội lỗi.  Tôi không phải là kẻ tội lỗi!

          Nhưng sám hối đâu phải chỉ là ăn năn tội lỗi, mà là một hành trình quay lưng lại với tội lỗi và tiến lên hướng mặt về Thiên Chúa.  Hoặc nói theo sứ điệp rao giảng của Chúa Giê-su, là hãy thay đổi và tin vào Tin Mừng (Mc 1:15).  Chúa còn dùng một hình ảnh cụ thể diễn tả sự sám hối:  “Thầy bảo thật anh em:  nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt. 18:3).  Trẻ em là hình ảnh đơn sơ và trong trắng, gần giống như con người A-đam nguyên thủy trước khi phạm tội.  Ta cần phải trải qua một cuộc đổi đời, cởi bỏ khỏi tội lỗi và những tác hại của nó để “trở lại mà nên như trẻ em”.  Ta cũng được nghe cùng những lời thiên sứ nói với những người chăn chiên tại Bê-lem:  “Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2:12).  Vậy thì được mời gọi hãy trở lại mà nên như trẻ em có nghĩa là ta được mời gọi mỗi ngày một thay đổi để nên giống như “Trẻ Em nằm trong máng cỏ” là Chúa Giê-su vậy.

 

2)  Cần có những việc làm cụ thể để thực thi sám hối   

 

          Ông Gio-an có những câu trả lời cho các câu hỏi “Chúng tôi phải làm gì?”, rõ ràng, ngắn gọn và rất trực tiếp.  Ông không lý thuyết dông dài, nhưng nhìn thẳng vào vấn đề của từng người.  Đó chính là bí quyết của sám hối. 

Có rất nhiều điều cần thay đổi.  Nhưng quan trọng là phải làm sao thay đổi từ gốc.  Kinh nghiệm nhổ cỏ giúp ta nhận ra bí quyết này.  Khi nhổ cỏ ba lá, ta đừng vội thấy đâu nhổ đó.  Trông nó như một đám cỏ lan rộng, nhưng thực ra chỉ có một gốc chính.  Ta lần theo những dây lan nhỏ tìm tới cái rễ chính, đào sâu xuống tận chân rễ và từ từ kéo lên tất cả đám cỏ.  Sám hối cũng vậy.  Cần nhìn rõ vấn đề thay đổi từ điểm chính nào để bắt đầu.  Sau khi đã nhận ra phải bắt đầu từ đâu, ta cần có những hành động cụ thể và ở trong tầm tay.  Thí dụ, để trả lời đám dân chúng, ông Gio-an bảo họ hãy sống tinh thần chia cơm sẻ áo.  Chỉ một điều thôi, nhưng là điều cốt yếu và thực tế.

Việc sám hối bao giờ cũng có hai mặt:  đừng làm điều này và hãy làm điều kia.  Không phải là hai điều hoàn toàn khác biệt, trái lại liên hệ mật thiết với nhau.  Nết xấu và nhân đức bao giờ cũng là hai điều tương phản nhau, thí dụ yêu thương và thù ghét, chăm chỉ và lười biếng...  Như vậy, muốn làm điều này ta phải bỏ điều kia.  Ông Gio-an khuyên đám binh lính:  “Anh em chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, nhưng hãy an phận với số lương của mình”.

Hành trình sám hối là một hành trình liên tục suốt cuộc đời, có lúc tiến nhưng cũng có khi lùi.  Ta cứ làm hết sức mình, còn bao nhiêu là phần của Chúa.  Vậy Chúa sẽ cộng tác thế nào với ta trong hành trình sám hối của ta?

 

3)  Vai trò thanh luyện của Chúa Thánh Thần

 

          Ông Gio-an biết giới hạn của ông.  Ông chỉ làm phép rửa bằng nước, một nghi thức đem lại một hiệu quả rất hạn hẹp.  Nhưng ông lại chỉ cho ta thấy một “Đấng quyền thế” sẽ giúp ta thay đổi trong Thánh Thần và lửa.  Đấng ấy là Chúa Giê-su.  Người sẽ giúp ta được thanh luyện trong Thánh Thần.

          Ta không thể thực hiện cuộc sám hối theo tinh thần riêng của ta, nhưng trong tinh thần của Chúa Ki-tô, tức là trong Thánh Thần.  Sự hiện diện của Thánh Thần là cần thiết, nếu không có Người, ta sẽ không biết đi về đâu trong hành trình sám hối.  Chúa Ki-tô đã thi hành sứ mệnh thanh tẩy trần gian trong Thánh Thần (Lc 4:1), thì ta cũng phải “trở về và nên như trẻ thơ” trong sự hiện diện của cùng một Thánh Thần.  Thánh Phao-lô tông đồ còn diễn tả cuộc sám hối trong Thánh Thần một cách cụ thể hơn khi ngài nói về “đời sống mới trong Thánh Thần”, hay nói khác đi, thực thi sám hối nghĩa là từ bỏ con người cũ tội lỗi của ta để sống đời sống mới trong Thần Khí của Chúa Ki-tô.

 

4)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Có khi nào tôi thấy mình không cần phải thay đổi gì hết không?  Nếu có thì tại sao?  Làm thế nào để xác tín nhu cầu phải sám hối?

          Trong mùa Vọng này, tôi đưa ra một điều cần phải thay đổi nhất và phương thức thực hiện sự thay đổi ấy.  Mỗi buổi tối trong giờ xét mình, tôi kiểm điểm lại điều dốc lòng và cầu nguyện xin Chúa giúp tôi tiếp tục.

 

Cầu nguyện

 

          “Lạy Chúa Giê-su,

          sám hối không phải là điều dễ dang,

          bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn để nhận mình lầm lỗi.

          Chúng con ngỡ ngàng

          khi thấy Chúa là Đấng vô tội

          mà lại đứng chung với các tội nhân,

          chờ Gio-an ban phép rửa.

          Chúa đã muốn nên bạn đồng hành

          với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con.

          Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh

          lối nghĩ và lối sống của mình,

          tỉnh táo để khỏi rơi vvào ảo tưởng,

          thành thật để khỏi tự dối mình.

          Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải,

          dám đi đến những hành động cụ thể,

          và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau.

          Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con

          niềm vui của Gia-kêu,

          hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến.”

                             (Trích RABBOUNI, lời nguyện 89)

 

Lm. Đaminh Trần đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C