Chúa Nhật IV Mùa Vọng

(Lu-ca 1: 39-45)

 

          Chuẩn bị tâm hồn người ta để đón tiếp Chúa Giê-su là sứ mệnh của ông Gio-an.  Giới thiệu Chúa cho người khác biết và theo là việc làm nói lên lòng khiêm nhượng và chân thành của sứ mệnh ấy.  Nhưng còn một người có sứ mệnh cao cả nhất liên hệ tới việc đưa Chúa đến với người khác thì không ai hơn ngoài Mẹ Ma-ri-a.  Cuộc viếng thăm của Mẹ đến với bà chị họ Ê-li-sa-bét không chỉ là một cuộc viếng thăm của con người với nhau, nhưng nó còn mang chiều kích lịch sử cứu độ thể hiện sứ mệnh của Đấng Em-ma-nu-en, Thiên Chúa ở cùng chúng ta.  Cuộc viếng thăm ấy cũng trở thành mẫu gương mỗi Ki-tô hữu phải noi theo để chu toàn sứ mệnh truyền giáo mà Mẹ Ma-ri-a đã thực hiện với tính cách một Ki-tô hữu tiên khởi.

 

1)  “Bà Ma-ri-a lên đường, vội vã đi đến miền núi”

 

          Sau khi chấp nhận lời sứ thần truyền tin và cưu mang Đấng Cứu Thế, Mẹ Ma-ri-a trở thành “Thân Mẫu Chúa tôi” như danh xưng mà bà Ê-li-sa-bét đã dùng để thân thưa với Mẹ.  Ki-tô hữu nghĩa là có Chúa Ki-tô.  Do đó Mẹ Ma-ri-a là một Ki-tô hữu đích thực trên cả hai phương diện thể xác lẫn tinh thần.  Mẹ có Chúa Ki-tô trong lòng, một Chúa Ki-tô là “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1:14).

          Có Chúa Ki-tô không có nghĩa là sở hữu một cái gì đó như ta có nhà, có xe hơi, có nữ trang..., nhưng là có tất cả những gì thuộc thần linh và con người, như trong kinh Tin Kính ta tuyên xưng Chúa Ki-tô là Thiên Chúa thật và người thật.  Có Chúa Ki-tô là có những gì cốt yếu và sống còn của cuộc đời ta, vì Người là “đường, sự thật và sự sống” của ta (Ga 14:6).  Hoặc diễn tả theo lối nói của thánh Phao-lô:  “Với tôi, sống là Đức Ki-tô” (Pl 1:21), hoặc “chính tôi đã được Đức Ki-tô Giê-su chiếm đoạt” (Pl 3:12).  Ki-tô hữu không chỉ là cái tên, nhưng là một thực tại sống động gồm có sự hiện diện của Chúa ở trong ta và hiện diện của ta ở trong Người.

          Mẹ Ma-ri-a có Chúa Ki-tô, vị Truyền giáo tối cao được Thiên Chúa Cha sai đến gian trần.  Do đó, sứ mệnh của Người cũng là sứ mệnh của Mẹ, là đến với mọi người.  Không cần phải đợi đến ba mươi năm sau Chúa Giê-su mới khởi hành truyền giáo, nhưng Người đã nhờ đôi chân yếu mềm của Mẹ, tình yêu tha nhân nồng nhiệt của Mẹ... để đến với Gio-an và bà Ê-li-sa-bét.  Hẳn là Mẹ đã thấu hiểu được lòng nhiệt thành truyền giáo của Con, nên Mẹ “vội vã đi đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa”.  Ta có thể tưởng tượng cảnh Mẹ Ma-ri-a trên hành trình truyền giáo này qua hình ảnh được ngôn sứ I-sai-a mô tả:  “Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ và nói với Xi-on rằng:  Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị” (Is 52:7).

 

2)    Cuộc gặp gỡ ơn cứu độ

 

Lâu ngày chị em không gặp gỡ, giờ đây tay bắt mặt mừng.  Tuy nhiên thánh Lu-ca đưa ta vượt qua những tình cảm thường ngày để chiêm ngưỡng một thực tại thiêng liêng, đó là niềm vui vì được ơn cứu độ.  Niềm vui ấy khởi đi từ lời chào có thần lực làm cho một thai nhi nhảy mừng lên trong lòng mẹ.  Khách chào là người đã được sứ thần gọi là “niềm vui, đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng” (Lc 1:28), giờ đây lại đem chia sẻ niềm vui, ân sủng và chính Thiên Chúa với người chị em, thì làm sao đứa con trong bụng người chị em lại không nhảy mừng lên được!  Cả hai mẹ con bà Ê-li-sa-bét có lý do để vui mừng, là  được Thiên Chúa viếng thăm.  Cuộc viếng thăm này là một ân phúc Thiên Chúa ban cho họ qua Mẹ Ma-ri-a và Chúa Giê-su.  Nhận ra được niềm vui là một thực tại thiêng liêng, họ cũng nhận ra được những người đem lại niềm vui là ai.  Cả hai mẹ con khách viếng thăm đều là những người được Thiên Chúa chúc phúc.

Trực giác của một bà mẹ lúc nào cũng bén nhậy.  Chỉ một cử động nhỏ của thai nhi trong bụng cũng đủ cho bà nghĩ tới một thực tại tâm lý của em bé.  Ở đây, bà Ê-li-sa-bét cảm nghiệm được niềm vui của con bà vì em được gặp gỡ những người bà coi là được Thiên Chúa chúc phúc đặc biệt.  Bà đã “được đầy Thánh Thần” qua lời chào của người em họ, nên khi nhắc đến việc được Thiên Chúa chúc phúc là bà đã nghĩ đến chức phận của những người được chúc phúc, tức là sứ mệnh cứu thế của Chúa Giê-su và thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Ma-ri-a.  Từ đó, bà Ê-li-sa-bét nhận ra thân phận mình và bà thốt lên:  “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” 

Một bài học bà Ê-li-sa-bét học được từ cuộc thăm viếng này là bài học đức tin.  Nếu ông chồng Da-ca-ri-a của bà là người thiếu đức tin trong cuộc truyền tin trong Đền Thờ, thì trái lại, Mẹ Ma-ri-a là gương mẫu đức tin cho mọi Ki-tô hữu.  Bà phát biểu:  “Em thật có phúc, vì đã tin...”

 

3)  Sứ mệnh lên đường truyền giáo của Ki-tô hữu

 

          Xét bản chất cuộc viếng thăm của Mẹ Ma-ri-a đến với bà Ê-li-sa-bét, đó quả thực là việc đem Tin Mừng đến cho người khác.  Tin Mừng cứu độ là chính Chúa Giê-su đã được Đức Mẹ đem đi từ Na-da-rét qua miền đồi núi và đến thành phố nơi bà Ê-li-sa-bét cư ngụ.  Sau đó Mẹ Ma-ri-a đã cống hiến cho trần gian vị Sứ giả Tin Mừng khi Mẹ để cho Chúa Giê-su lên đường thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng.  Mẹ đã sống lý tưởng của Ki-tô hữu đích thực, là có Chúa Ki-tô và ban tặng cho tha nhân tất cả những gì mình có.

          Xét lại danh nghĩa Ki-tô hữu là xét lại sứ mệnh của ta.  Nếu ta thực sự có Chúa Ki-tô, trở nên giống Chúa Ki-tô, thuộc về Chúa Ki-tô, sống theo gương Chúa Ki-tô... ta mới có thể nhận mình là Ki-tô hữu.  Nếu không thì đó thật là mỉa mai và đúng là hữu danh vô thực vậy.

          Chuẩn bị tâm hồn cử hành mầu nhiệm Giáng Sinh là nhìn vào mẫu gương Mẹ Ma-ri-a, nhất là tinh thần truyền giáo của Mẹ, để ngay bây giờ ta được “đầy Ân Sủng” tức là đầy Chúa Ki-tô, thì ta mới có thể đem chia sẻ Ân Sủng ấy cho anh chị em ta.

 

4)  Suy nghĩ và cầu nguyện

         

          Tưởng tượng tôi được theo Đức mẹ đi thăm viếng bà Ê-li-sa-bét, tôi sẽ nghe Đức Mẹ nói gì với tôi và ngắm nhìn tư cách của Mẹ tôi nhận ra được những điểm nào?

          Mỗi khi rước lễ là mỗi lần Chúa ngự đến nhà linh hồn tôi.  Vậy tôi có được những tâm tình của Gio-an và bà Ê-li-sa-bét không?

          Trong viễn tượng truyền giáo, tôi sẽ theo gương Mẹ Ma-ri-a thi hành sứ mệnh như thế nào?  Ai là những Gio-an và Ê-li-sa-bét của tôi hôm nay?

 

Cầu nguyện

 

          “Lạy Mẹ Ma-ri-a,

          khi đọc Phúc Âm,

          lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.

          Mẹ đi giúp bà I-sa-ve, rồi đi Bê-lem sinh Đức Giê-su.

          Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.

          Mẹ tìm Con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Ca-na.

          Mẹ đi thăm Đức Giê-su khi Ngài đang rao giảng.

          Và cuối cùng Mẹ đi theo Ngài đến tận Núi Sọ.

          Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi

          âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,

          từ con người hay từ Thiên Chúa.

          Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giê-su

          trong mọi bước đường của cuộc sống.

          Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.

          Có những con đường đầy máu và nước mắt.

          Xin Mẹ dạy chúng con

          đừng sợ lên đường mỗi ngày,

          đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa

          dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.

          Xin giữ chúng con luôn đi trên đường Giê-su

          để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ

          đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.”

                             (Trích RABBOUNI, lời nguyện 51)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C