Chúa Nhật III Phục Sinh

2010

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Gio-an 21:1-19)

 

          Sách Tin Mừng Lu-ca kể lại câu truyện ông Phê-rô và các bạn theo lời chỉ dạy của Chúa Giê-su, đã thả lưới và bắt được rất nhiều cá.  Ông “sấp mặt dưới chân Chúa”, nhìn nhận thân phận tội lỗi bất xứng và ông được Chúa hứa:  “Đừng sợ, từ nay anh sẽ bắt người như bắt cá” (Lc 5:1-11).  Đấy là câu truyện xảy ra lúc Chúa Giê-su bắt đầu thi hành sứ vụ và khi Người kêu gọi những môn đệ đầu tiên.  Ba năm sau, lại có một mẻ lưới đầy cá nữa và những người lưới cá cũng vẫn là ông Phê-rô và các bạn.  Nhưng lần này nó xảy ra sau khi Chúa sống lại và hiện ra với các ông, có lẽ ở cùng một địa điểm với lần trước.   

          Phản ứng của ông Phê-rô gặp Chúa lần này cũng khác.  Ông không còn bối rối lo sợ, nhưng rất vui mừng.  Vừa nghe người bạn nhắc nhở “Chúa đó!”, ông Si-mon Phê-rô ở trên thuyền còn cách xa bờ gần trăm thước đã “vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển”.  Ba năm trước, ông run sợ nói với Chúa:  “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”.  Còn bây giờ, ông không thể chờ đợi thêm dăm ba phút nữa để thuyền cập bến, mà nhảy ùm xuống biển để mau được ở bên Chúa!

          Điều gì đã làm cho Phê-rô thay đổi như vậy?  Chắc chắn ba năm theo Chúa trên bước đường rao giảng Tin Mừng và được đào tạo trong trường truyền giáo của Thầy Giê-su, ông Phê-rô đã trưởng thành trong đức tin và ý thức sứ mệnh.  Nhưng phát triển đáng kể là lòng yêu mến Thầy, lòng yêu mến mà Chúa Giê-su muốn ông nói lên trước mặt Người và các bạn Tông đồ của ông sau bữa ăn.  “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”.  Đúng vậy, lòng mến là điều kiện căn bản nhất để một người dám dấn thân hoạt động tông đồ cho Chúa, cho Giáo Hội và thế giới.  Chúa Giê-su Phục Sinh đã biến đổi mọi sự, nhưng sứ mệnh thì vẫn thế, là chinh phục nhân loại về cho Thiên Chúa.  Các Tông đồ cũng như tất cả chúng ta cần được biến đổi để trở thành dụng cụ “bắt người như bắt cá”.  Biến đổi đây là biến đổi lòng yêu mến.  Chúng ta hãy  để ý ba lần Chúa hỏi ông Phê-rô có yêu mến Người không.  Lần thứ nhất Chúa hỏi Phê-rô có yêu mến Thầy “hơn các anh em này” không.  Rồi lần thứ hai và thứ ba Người chỉ hỏi ông có yêu mến Người không.  Điều ấy có nghĩa là Chúa muốn tình yêu mến phải chắc chắn và mỗi ngày một tăng thêm.  Mà muốn biết có chắc chắn và tăng thêm hay không thì cần phải so sánh với người khác.  Một khi đã thực sự có lòng yêu mến Chúa rồi, người ta chỉ còn biết có một mình Chúa thôi.  Do đó, Chúa mới hai lần hỏi Phê-rô:  “Anh có yêu mến Thầy không?” Nghĩa là lòng yêu mến Chúa phải đạt tới mức độ tuyệt đối.

 

Sống sứ điệp Tin Mừng

 

          Có lẽ chúng ta nghĩ câu truyện Chúa hiện ra với các Tông đồ qua bài Tin Mừng hôm nay chỉ áp dụng cho Đức Giáo Hoàng, các giám mục và các linh mục thôi.  Không phải vậy đâu.  Các ngài thi hành bổn phận rao giảng Tin Mừng theo chức phận của các ngài.  Chúng ta là giáo dân tham gia vào sứ mệnh ấy theo hoàn cảnh và giới hạn của chúng ta.  Nếu các ngài là những người lưới cá thì tại sao chúng ta không thể là những chiếc lưới?  Thiên Chúa không phải là Đấng sử dụng cả người lưới cá cùng với những chiếc lưới hay sao?  Chúa Ki-tô Phục Sinh đã biến đổi họ như thế nào, Người cũng biến đổi chúng ta như vậy.  Tài năng, học thức, kỹ thuật có thể khác biệt giữa các ngài với giáo dân, nhưng lòng yêu mến Chúa cần được biến đổi thì giống nhau và đòi hỏi cùng một câu trả lời:  “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”.

 

 Lm. Dominic TTL


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C