Chúa Nhật 2 Phục Sinh Năm C

Chúa sống lại đang ở giữa Hội Thánh

(Công vụ tông đồ 5,12-16; Khải huyền 1,9-19; Gioan 20,19-31)

 

Phúc Âm: Ga 20, 19-31

"Tám ngày sau Chúa Giêsu hiện đến".

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con". Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại". Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Ðiđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: "Chúng tôi đã xem thấy Chúa". Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: "Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin".

Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: "Bình an cho các con". Ðoạn Người nói với Tôma: "Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin". Tôma thưa rằng: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!" Chúa Giêsu nói với ông: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin!"

Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.

 

Suy Niệm:

Chúng ta vừa nghe đọc một bài sách Công vụ các Tông đồ, một bài sách Khải huyền và một bài Tin Mừng theo thánh Gioan. Ðó là ba quyển sách mà Phụng vụ sẽ trích đọc trong tất cả các Chúa nhật Phục sinh năm nay; và cũng theo thứ tự trên. Không nhất thiết mỗi lần ba bài đọc ấy đều ăn ý với nhau; nhưng luôn luôn cả ba đều nói về mầu nhiệm Phục sinh. Cứ chung mà nói, các Tin Mừng sẽ cho chúng ta thấy Chúa sống lại hiện ra với các tông đồ. Các bài sách Công vụ nói Tin Mừng Phục sinh đã xây dựng Hội Thánh thế nào; và các bài sách Khải huyền mở cửa trời cho chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Phục sinh ở trên ấy. Như vậy, trong suốt mùa Phục sinh này, chúng ta sẽ được hiểu biết mầu nhiệm Chúa sống lại ở những bình diện khác nhau và bù đắp cho nhau. Chúng ta sẽ thấy nhờ việc sống lại từ kẻ chết, Chúa Giêsu còn hiện diện và hoạt động hơn trước nơi tâm hồn tín hữu, trong Hội Thánh của Người và hướng dẫn lịch sử các dân tộc nữa.

Chúng ta sẽ cố gắng tiếp thu giáo huấn của phụng vụ trong mùa này để làm sống động ơn Phục sinh mà Chúa đã ban cho chúng ta một cách đặc biệt trong ngày kỷ niệm việc Người sống lại. Và chúng ta sốt sắng đón nhận thêm ơn ấy mỗi khi tham dự thánh lễ. Ðó là những công việc chúng ta bắt đầu làm ngay từ trong thánh lễ này, để hiểu biết hơn và đón nhận nhiều hơn ơn phục sinh của Chúa.

Vậy trước hết, các bài Kinh Thánh đọc hôm nay, nói gì với chúng ta? Chúng ta nên gọi Chúa nhật này là Chúa nhật của thánh Tôma hay là Chúa nhật của Hội Thánh? Thiết tưởng, tuy câu chuyện về thánh Tôma hôm nay rất nổi, chúng ta vẫn không thấy hình ảnh của ông che hết được những sự kiện khác đã xảy đến cho Hội Thánh sau ngày Chúa sống lại. Cả ba bài đọc dường như đều chú trọng đến việc Chúa sống lại đang ở giữa Hội Thánh và chúng ta nên gọi Chúa nhật này là Chúa nhật của Hội Thánh được Chúa sống lại viếng thăm. Ngay cả câu chuyện về thánh Tôma cũng nằm trong bối cảnh chung này. Và vì nó rất nổi, chúng ta hãy bắt đầu với nó.

 

1. Chúa Sống lại Hiện Ra Với Các Tông Ðồ

Câu chuyện Tôma xảy ra vào ngày thứ 8 sau hôm Chúa sống lại tức là vào chính ngày hôm nay, sau khi chúng ta đã mừng lễ Phục Sinh của Chúa vào Chúa Nhật trước. Vì lý do ấy, năm nào phụng vụ cũng đọc bài Tin Mừng này vào Chúa Nhật II Phục Sinh. Nhưng sở dĩ có việc Chúa hiện ra với Tôma là vì 8 hôm trước Chúa đã hiện ra với các môn đệ. Hôm ấy Tôma không có mặt. Ðược anh em nói cho biết Thầy đã sống lại và hiện ra, ông thấy thiệt thòi và thua kém. Nhất nữa ông là người đã giục anh em: "Nào chúng ta hãy lên Giêrusalem với Thầy và chịu chết với Thầy". Ông nghĩ mình có quyền được xem thấy Chúa sống lại ít là như mọi anh em.

Thế nên ông cương quyết không chịu tin lời anh em kể lại về việc Chúa đã hiện ra và ông đòi phải được sờ vào Người. Tên của ông lại có nghĩa là "sinh đôi", nên ông muốn được Chúa lập lại cho ông thấy việc Người đã làm cho anh em.

Chúng ta có quyền nghĩ về tâm lý Tôma như vậy, vì Thánh Kinh đã khẳng định một điều chắc chắn các tông đồ đã được xem thấy Chúa sống lại. Thế mà Tôma cũng là một tông đồ. Ông phải được Chúa sống lại hiện ra để chứng của ông cũng chắc chắn như chứng của mọi anh em. Và rất có thể trong câu chuyện này, tác giả Gioan cũng đã theo thói quen của mình, lấy trướng hợp một cá nhân để làm sáng tỏ việc xảy đến cho nhiều người. Việc Tôma vắng mặt lúc Chúa hiện ra lần đầu tiên với các môn đệ, là hữu ý để người ta lại được thấy Chúa hiện ra nữa và rõ hơn, để không ai còn có thể nghi ngờ được nữa.

Quả vậy, đọc kỹ bài tường thuật hôm nay, chúng ta thấy tác giả Gioan kể hai lần Chúa hiện ra dường in hệt như nhau. Lần sau như chỉ "lập lại" lần trước, chỉ cá biệt và rõ ràng hơn thôi. Chúng ta thấy hai lần đều xảy ra vào ngày Chúa nhật, ngày của Chúa sống lại, ngày Hội Thánh gặp nhau, ngày Chúa phục sinh đến gặp gỡ Hội Thánh. Ðiều đáng để ý là cả hai lần nhà cửa các môn đệ đều đóng kín. Như vậy, lần hiện ra trước chưa đủ làm cho họ trở thành những con người mới sao? Hay là tác giả Gioan còn muốn giữ họ ở lại trong nhà cho đến ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống? Chúng ta có thể nghiêng về ý nghĩa sau, vì hôm Chúa hiện ra có mặt cả Tôma, cửa nhà các môn đệ còn đóng kín nhưng không thấy nói "vì sợ người Do Thái" nữa.

Rồi Chúa cũng đột xuất đứng giữa họ và nói: "Bình an cho các ngươi". Người ta có thể nghĩ Người đã dùng công thức chào hỏi thông thường của người Do Thái, nhưng đang lúc các môn đệ còn ở trong nhà đóng kín cửa, lời chào ấy có một ý nghĩa khác. Nó có tác động trấn an thật sự, nếu chúng ta chưa muốn gán cho nó hiệu lực của mầu nhiệm thập giá đã đem bình an này mới là sự bình an mà Ðức Giêsu trước đây đã hứa với môn đệ rằng: "Thầy để bình an lại cho các con; Thầy ban bình an của Thầy cho các con, sự bình an mà thế gian không thể ban được".

Dù sao, sau đó Người đã cho môn đệ thấy tay và cạnh sườn của Người. Và riêng hôm nay, Người bảo Tôma hãy đem ngón tay đặt vào đấy. Trong cả hai lần cũng là một việc, tuy lần sau có rõ hơn lần trước nhưng cũng chỉ có một ý nghĩa. Chúa làm như vậy không phải để trấn an môn đệ, vì tính cách đột xuất của việc hiện đến có thể khiến họ tưởng Người là ma. Không, ma không thể có thân thể như Người có đây.

Tuy nhiên, Chúa đã nhằm cho môn đệ tin Người đã sống lại. Người đã chết thật, nhưng đã sống lại. Các vết thương làm chứng Người đã chết; nhưng con người đã chịu những vết thương đó bây giờ đang sống giữa họ đây. Người đã sống lại thật. Họ phải tin như vậy.

Lần trước, niềm tin ấy đã khiến họ mừng rỡ. Hôm nay, niềm tin đã được đào sâu và tiến bộ. Họ như nói trong lời tuyên xưng của Tôma: "Lạy Chúa tôi và là Thiên Chúa của tôi". Chúng ta thường để ý đến lời Tôma phát biểu trước đây khi nghe anh em nói rằng Thầy đã sống lại và hiện ra. Nhưng chúng ta lại hay quên lời tuyên xưng của ông hôm nay.

Ðó là lời tuyên xưng đầu tiên và căn bản của Hội Thánh về Ðức Giêsu Kitô sau khi đã ý thức việc Người sống lại. Chính niềm tin về sự Phục Sinh của Người đã khiến Hội Thánh thấy Người là Chúa và là Thiên Chúa của mình. Và Hội Thánh bắt đầu tuyên xưng Người như vậy. Tác giả Gioan đã cho Tôma được vinh dự nói lời tuyên xưng ấy lần đầu tiên ở trong Hội Thánh. Như vậy, tác giả đâu có muốn cho Tôma bị tiếng là cứng lòng tin? Chúng ta phải nghĩ rằng Gioan đã dành cho Tôma vinh dự tiêu biểu cho Hội Thánh: trước chưa tin, rồi đã tin và mỗi ngày càng tin sâu xa hơn, đến nỗi trước mới chỉ vui mừng vì đã tin và đã được cứu độ; sau đã sốt sắng tuyên xưng niềm tin ấy và muốn chia sẻ ơn cứu độ cho mọi người.

Thật vậy, hôm trước thấy môn đệ đã tin thì Chúa Giêsu đã thở hơi ban Thánh Thần cho họ để họ có thể tha tội cho người ta. Hôm nay chúng ta thấy ý tưởng truyền giáo ấy được gói trong câu Chúa bảo Tôma: "Bởi thấy Ta, ngươi đã tin; phúc cho những ai không thấy mà tin". Cả hai hôm đều có sự phân biệt giữa đoàn môn đệ và người ta. Môn đệ nhận được Thánh Thần và đức tin là để người ta được khỏi tội và được tin. Hạng trước phải phục vụ hạng sau. Chúa sống lại hiện ra với các tông đồ là để họ trở thành nhân chứng về sự Phục Sinh của Người ở trước mặt các dân tộc; và để họ thành lập cộng đồng các tín hữu. Chúng ta hãy xem họ có làm nổi công việc này không?

 

2. Các Tông Ðồ Xây Dựng Hội Thánh

Bài sách Công Vụ Các Tông Ðồ hôm nay là một trong ba bản văn tóm tắt tình hình chung của Hội Thánh ở buổi đầu tiên (xem chương 2,42 và 4,32). Thật ra mỗi bản văn đã làm nổi bật một số điểm trên một cái nền chung. Ở đây, tác giả chú trọng đến việc các tông đồ đã làm được nhiều dấu lạ điềm thiêng. Và điều này khá phù hợp với tư tưởng của hai bài Kinh Thánh khác trong thánh lễ hôm nay, nhất là bài Tin Mừng chúng ta vừa đọc.

Nhưng trước hết chúng ta hãy để ý đến nền ảnh chung. Tác giả viết: "Bấy giờ họ đồng tâm nhất trí thường họp với nhau hết thảy nơi trụ lang Salomon". Ðiều này làm chứng cho những lời tác giả nói trước đây. Các tín hữu của Chúa thời bấy giờ hiệp nhất như chỉ có một linh hồn. Và cũng phải nói: họ như chỉ có một thân thể nữa, vì họ không thể nào chịu để cho trong họ có người thiếu thốn. Thế nên ai có sở hữu nhiều thì đã đem bán đi, lấy tiền, đem lại cho các tông đồ để chia sẻ cho những người túng thiếu hơn.

Tuy nhiên, điều đáng để ý nhất ở nơi họ, vẫn là sự đồng tâm nhất trí về tinh thần, biểu lộ đặc biệt trong những khi họ hội họp nhau để nghe giáo huấn các tông đồ và cử hành phụng vụ. Ở đây, chúng ta thấy họ đang có mặt ở tất cả ở các trụ lang Salomon là chỗ khá rộng rãi thuộc đền thờ để tín hữu làm công việc thờ phượng. Chính tại nơi này, xưa kia Chúa Giêsu đã đi đi lại lại (Ga 10,23); và cách đây lít lâu, Phêrô đã làm cho một người què được khỏi tức thì.

Hôm nay, tín hữu của Chúa cũng họp nhau lại đây để nghe giáo huấn và cầu nguyện. "Không ai dám sát lại gần họ". Vì sợ người Do Thái ư? Chắc không phải, vì như sau sẽ nói, số tín hữu cứ mỗi ngày mỗi tăng. Nhưng người ta chưa dám lại gần cộng đoàn dân Chúa chỉ vì đang là giờ phụng vụ riêng của Hội Thánh mà người ta chưa thể tham dự được. Cũng rất có thể những lúc như vậy người ta thấy họ được dồi dào các ơn Thánh Thần và sốt sắng đặc biệt, như tác giả sách Công vụ đã nhiều lần nói (vd. 4,31).

Dù sao không dám lại gần, nhưng người ta cũng ca tụng họ vì quả thật họ đáng ca tụng khi hội họp nhau đồng tâm nhất trí và sốt sắng như vậy. Dĩ nhiên sự ca tụng này cũng bao gồm cả những lần khác khi người ta thấy các tín hữu ăn ở tốt lành và có lòng bác ái chia sẻ trong đời sống xã hội.

Chính những hình ảnh đẹp đẽ này đã lôi kéo nhiều người gia nhập dân Chúa, mỗi ngày mỗi đông, đoàn đoàn lũ lũ, đàn ông đàn bà. Và gia nhập có nghĩa là tin theo Chúa khiến chúng ta thấy các môn đệ đã thi hành được sứ mạng Chúa giao cho mình. Sau khi sống lại, như bài Tin Mừng hôm nay viết, Chúa đã hiện ra với họ, ban Thánh Thần để họ tha tội, ban đức tin để họ làm cho có nhiều người không thấy Chúa mà vẫn tin. Thế thì bài sách Công vụ hôm nay cho thấy ơn Thánh Thần và đức tin của các môn đệ càng ngày càng lan sang cho đoàn đoàn lũ lũ. Hội Thánh đã thành hình và phát triển nhờ ơn Chúa Phục Sinh vậy.

Ở giữa Hội Thánh này, các tông đồ đóng một vai trò quan trọng, và đặc biệt là Phêrô. Chúa làm cho họ được nhiều dấu lạ điềm thiêng để củng cố lời rao giảng của họ, như Người đã từng hứa; và như họ vẫn thường xin (4,30). Họ biết khả năng tự nhiên của họ quá ít; họ còn ý thức hơn nữa tính cách siêu việt của Lời Chúa và sự khó đoán nhận tự nhiên của xác thịt về phía người nghe. Chúa có trợ sức, lời giảng về Mầu nhiệm Thập giá mới trở thành thần lực. Và khi có dấu lạ điềm thiêng kèm theo, lời giảng Tin Mừng mới có sức mạnh.

Chúng ta hãy chú ý: các dấu lạ điềm thiêng ở đây không hề có tính cách phô trương mê hoặc, nhưng hoàn toàn chỉ bày tỏ ơn Thánh Thần và bác ái. Ðặc biệt hôm nay chúng ta thấy toàn là việc chữa bệnh tật để nói lên ơn tha tội và sự sống Phục Sinh của lời giảng. Và khi nhìn thấy quang cảnh người ta từ khắp nơi khiêng bệnh nhân đến và đặt la liệt trên đường đi cho bóng của Phêrô đi ngang qua rợp trên những người đau yếu, làm sao tự nhiên chúng ta lại không nhớ lại Chúa Giêsu ngày trước đã nhiều lần như thế. Phêrô bây giờ là hình ảnh của người, và là hiện thân của Chúa Phục Sinh, nếu chúng ta nói được như vậy. Nhất là khi Phêrô xua trừ được tà thần, thì rõ rệt sức mạnh của Chúa Giêsu sống lại đang ở với ông và ở trong Hội Thánh. Chúa Giêsu đang ở cùng Hội Thánh hằng ngày cho đến tận thế. Và điều này cũng được bài sách Khải Huyền hôm nay nói lên.

 

3. Hội Thánh Của Chúa Sống Lại

Tác giả Gioan tự giới thiệu mình như là một phần tử đang ở giữa cộng đoàn dân Chúa. Người là anh em với mọi người; và đang đồng hành với anh em. Một thân phận chung đang trùm lên mọi người. Hội Thánh của Chúa ở trần gian đang trong cơn thử thách; nhưng đó là thử thách mang lại vương quyền như cuộc tử nạn của Chúa Giêsu trước đây. Và vì thế Hội Thánh đang kiên nhẫn ở trong Người.

Nói một cách cụ thể hơn, Gioan đang chia sẻ sự bắt bớ mà Hội Thánh đang chịu. Ông, bị đày ra đảo Patmos vì Lời Chúa và vì chứng của Chúa Giêsu. Ông đã thi hành sứ mạng Tông đồ, rao giảng Lời Chúa và làm chứng cho Chúa Giêsu, nên người ta đày ông ra đảo này.

Nhưng cho dù bị tách rời anh em về phần xác, Gioan vẫn ở giữa cộng đồng Hội Thánh bằng tinh thần và ngày Chúa nhật hôm ấy, ngày Hội Thánh gặp nhau, ngày Chúa viếng thăm Hội Thánh cách đặc biệt, Gioan được "ngất trí" để sống giữa Hội Thánh và phục vụ Hội Thánh với cương vị tông đồ của mình.

Ông nghe thấy có tiếng nói lên ở đàng sau tựa tiếng loa. Ðó là tiếng "thần thánh" nói trong "đầu óc" ông. Tiếng đó bảo ông phải viết những điều ông trông thấy để gởi các giáo đoàn, tức là cho cả Hội Thánh. Ông phải làm vai trò rao giảng Lời Chúa như ơn Chúa đã kêu gọi ông.

Và ông thấy gì? Có 7 trụ đăng vàng, tiêu biểu cho 7 giáo đoàn sẽ nhận được thư ông. Và giữa các trụ đăng ấy có ai giống như Con Người, mình bận áo chùng, lưng thắt đai vàng. Chẳng thể hồ nghi gì nữa, đó là Chúa Giêsu ở giữa Hội Thánh, mặc áo tư tế và thắt lưng đai vua. Cảnh tượng ấy khiến Gioan lập tức sấp mình kính sợ thờ lạy. Nhưng Chúa Giêsu đã đặt tay hữu lên ông và bảo: đừng sợ! Rồi Người cho ông biết: Người là Ðầu hết và là Sau hết; là Ðấng Hằng Sống, nắm giữ chìa khóa sự chết và âm phủ. Người bảo ông hãy viết những điều này và những điều sau này nữa mà gửi cho Hội Thánh.

Chúng ta hãy hiểu ý của Người, khi xưng mình là Ðầu hết và Sau hết, Chúa Giêsu đã đồng hóa mình với Thiên Chúa theo công thức mà Isaia đã viết trong Cựu Ước. Người ta đừng tưởng Người đã chết trên thập giá. Không, Người đã sống lại và là Ðấng Hằng Sống. Người đã chết và sống lại để nắm được chìa khóa (tức quyền hành) của sự chết và của âm phủ). Những lời mạc khải này quan trọng biết bao! Nó củng cố niềm tin của Hội Thánh về việc Chúa chết và sống lại. Và được nghe trong lúc bị bắt bớ, đày ải, những lời ấy tăng thêm sức mạnh kiên nhẫn cho Hội Thánh hơn hết mọi liều thuốc hồi sinh.

Bài sách Khải huyền, vì thế, rất phù hợp với Hội Thánh thời thánh Gioan. Và đối với chúng ta đang sống trong thân phận lữ khách trần gian, mạc khải vừa nghe cũng đem lại nhiều an ủi. Nhưng nhất là chúng ta phải thấy rõ Chúa Giêsu Phục Sinh hằng ở giữa Hội Thánh như vị Thượng Tế của đạo mới, như vị thủ lãnh có vương quyền và như Thiên Chúa đang nắm giữ vận mạng của lịch sử. Người không ở xa Hội Thánh, nhưng ở giữa. Người không bỏ rơi một phần tử nào, nhưng ban sức cho cả người lưu đày cũng được khả năng thi hành chức vụ. Hoạt động của Người không giảm đi, theo việc Người chịu chết. Trái lại, cả ba bài Kinh Thánh hôm nay đều cho thấy, từ sau ngày sống lại, Chúa Giêsu đã hoạt động hơn trước với quyền lực mới, nắm giữ cả chìa khóa sự chết và âm phủ, khiến tà thần và bệnh tật cũng phải lui mau khi các Tông đồ và Hội Thánh của Người đến gần...

Trong thánh lễ cử hành bây giờ, Chúa Giêsu cũng đến với quyền lực như thế. Người có thể làm ra những Tôma mới; Người ban cho Hội Thánh sự hiệp nhất và sức mạnh mới; Người tỏ ra vẫn hiện diện mới mẻ giữa Hội Thánh. Ước gì chúng ta biết đón nhận Người với lòng tin của Tôma; cộng đoàn phụng vụ chúng ta muốn chứng tỏ tình hiệp nhất và khả năng đổi đời nhiều hơn, để chứng tỏ Ðức Giêsu hôm qua, hôm nay và mãi mãi, là Ðấng Hằng Sống, hằng trị, và hằng cứu độ mọi người. Amen.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C