Chúa Nhật 4 Phục Sinh, Năm C
Cánh đồng truyền giáo bát ngát
cho đến mút cùng trái đất
(Công vụ tông đồ 13,14.43-52; Khải huyền 7,9.14b-17; Luca
10,27-30)
Phúc Âm: Ga 10, 27-30
"Ta ban cho các
chiên Ta được sống đời đời".
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán rằng: "Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta
cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể
cướp được chúng khỏi tay Ta. Ðiều mà Cha Ta ban cho Ta, thì cao trọng hơn tất
cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Ta. Ta và Cha Ta là một".
Suy Niệm:
Hôm nay Hội Thánh
chúng ta trên toàn thế giới cử hành ngày ơn Thiên triệu. Chúng ta thành khẩn
cầu xin Thiên Chúa sai thêm thợ đến đồng lúa và vườn nho của Người. Không phải
ở nơi nào cũng đã đủ số tông đồ đâu. Rất nhiều nơi thiếu linh mục tu sĩ và
thiếu một cách trầm trọng. Và nạn thiếu hụt này có hại cho cả chúng ta chứ
không riêng gì người ở nơi ấy, vì toàn thể Giáo Hội chỉ là một thân thể mầu
nhiệm và một bộ phận đau yếu phải được mọi bộ phận khác thông cảm và giúp đỡ vì
lợi ích chung của toàn thể. Chúng ta phải xin Chúa ban thêm ơn cho giới trẻ ở
những nơi đang thiếu linh mục, tu sĩ được nghe biết tiếng gọi của Chúa và của
các linh hồn để dấn thân tận hiến đời mình cho sứ mạng cứu thế.
Chúng ta còn cần phải
cầu nguyện sốt sắng hơn nữa để các linh mục, tu sĩ nhiệt thành sống đúng với ơn
gọi của mình và làm tốt mọi phận sự Chúa trao phó. Có lẽ chúng ta không hiểu
được những phấn đấu gay go và khó khăn mà linh mục tu sĩ luôn phải cố gắng
trong ơn gọi của mình đâu. Họ cần được trợ lực bằng lời cầu nguyện và giúp đỡ
cụ thể để vững vàng và nhiệt tình chu toàn sứ mạng. Những thành công của họ sẽ
làm vẻ vang cho Hội Thánh và chúng ta, nên chúng ta phải hợp ý với Chúa Giêsu
mà cầu nguyện để họ ra đi và mang lại nhiều hoa quả và những hoa quả tồn tại
muôn đời.
Chúng ta có nghĩa vụ
soi sáng, hướng dẫn con cái chúng ta ngay từ nhỏ đã biết nghĩ đến ơn gọi Phục
vụ. Và cho được làm tốt những công tác trên đây, chúng ta cần nghe lại Lời Chúa
hôm nay để hiểu rõ tương quan giữa mục tử và chiên, để giúp mục tử làm tốt ơn
gọi của mình và để chiên biết phải cư xử thế nào cho tốt.
1. Tương Quan Giữa
Mục Tử Và Chiên
Chúng ta vẫn gọi các
người lãnh đạo trong Hội Thánh chúng ta là mục tử hay là chủ chăn. Kiểu nói này
đã bắt nguồn sâu xa trong Kinh Thánh. Ngay thời Cựu Ước Chúa đã dùng miệng tiên
tri Êzêchien (34), để báo trước, lúc thời sung mãn đến, chính Chúa sẽ đến chăn
dắt Israen như mục tử săn sóc chiên, thay thế hết hàng đầu mục lãnh đạo dân từ
trước tới nay. Và khi Ðức Giêsu đến, Người tự xưng mình là mục tử và là mục tử
tốt. Chẳng ai đáng danh xưng này, vì họ toàn là những kẻ chăn thuê. Mà kẻ chăn
thuê khác với mục tử ở điểm căn bản này là đang khi họ sống nhờ chiên thì người
mục tử lại sống cho chiên và chết cho chiên nữa. Thế nên nói thật ra, ở trong
Hội Thánh chỉ có một mục tử mà thôi. Chính Chúa Kitô chăn dắt Hội Thánh của
Người, không phải là nhờ nhưng là nơi các người đã được chọn làm tông đồ, tức
là được sai đi để làm các công việc của Người.
Chúng ta cần hiểu rõ
điều này, đặc biệt trong ngày ơn Thiên Triệu hôm nay. Chúng ta đừng dừng con
mắt lại nơi những con người đang làm phận sự chăn chiên. Chính họ không phải là
mục tử. Vị mục tử tốt lành, chân thật của chúng ta là Chúa của họ và cũng là
Chúa của chúng ta. Chúng ta phải nhìn lên Ðức Giêsu Kitô để thấy Người là mục
tử tốt. Duy mình Người có khả năng chăn nuôi các linh hồn và Hội Thánh. Nói rằng
Người săn sóc chiên của Người nhờ các vị tông đồ mà chúng ta thường gọi là đại
diện cho Người, cũng không hoàn toàn đúng. Nói như vậy cũng còn là theo quan
niệm loài người. Ðức tin bảo chúng ta biết rằng, chính Chúa Giêsu đang trực
tiếp chăn chiên nơi các người lãnh đạo ở trong Hội Thánh. Chính Người nói Lời
Chúa cho chiên, chính Người dọn bàn tiệc bí tích cho chiên, chính Người hướng
dẫn và ban sứ mạng cho chiên sống đời bác ái. Cái nhìn đức tin này dạy chúng ta
phải suy nghĩ lại quan hệ giữa mục tử và chiên kẻo chúng ta có thể hiểu lầm về
vai trò các linh mục và giám mục, đòi hỏi những sự không nên đòi hỏi, và từ
chối những sự lẽ ra phải đón nhận. Và để làm công việc này, bài Tin Mừng hôm
nay rất quý hóa.
Chúa Giêsu phán:
Chiên của Ta thì nghe tiếng Ta và Ta biết chúng; chúng theo Ta và Ta ban cho
chúng sự sống đời đời, không bao giờ chúng bị diệt vong vì không ai giựt chúng
khỏi tay Ta được.
Chúng ta hãy đọc các
câu văn trên như vậy để thấy rõ các tương quan giữa chiên và mục tử. Trước hết,
chiên thì nghe tiếng mục tử và mục tử sẽ biết chiên. Ðiều này chỉ có thể xảy ra
được, nếu mục tử đã cất tiếng để chiên có thể nghe thấy. Do đó, quan hệ giữa
mục tử và chiên phát xuất từ việc rao giảng Lời Chúa. Người sai tông đồ đi rao
giảng để như Người nói: Ai nghe chúng con là nghe Ta. Chính Người đang nói
trong Hội Thánh nơi lời giảng của các Tông đồ được sai đi. Và lời Người ban đức
tin làm cho người ta trở thành tín hữu và môn đệ "sáng sáng có tai môn đệ
để nghe Lời Chúa". Tương quan giữa mục tử và chiên tiên vàn là tương quan
giữa người nói và người nghe, không phải nói và nghe lời loài người, nhưng là
Lời Thiên Chúa có sức cứu độ linh hồn người ta. Người ta phải nói và nghe thế
nào để nhờ đấy mục tử biết chiên.
Từ ngữ
"biết" này thật thâm thúy. Trong Cựu Ước nó có thể ám chỉ việc nam nữ
và vợ chồng biết nhau. Nó gợi lên ý tưởng mục tử từng biết con chiên để săn sóc
mỗi con cho thích hợp, để chiên cảm thấy lòng thương xót cứu độ của Thiên Chúa
đã đến với mình và đang hồi sinh mình. Thật ra chính Lời Chúa làm công việc này
chứ không phải người rao giảng. Khi Lời Chúa được đón nhận vào lòng tin yêu sâu
xa, thì linh hồn được Chúa biết và tiếng của Chúa lưu lại nơi linh hồn sẽ phân
rẽ tâm can con người theo sự biết của mình và cải tạo đổi mới linh hồn khiến
người ta càng ngày càng biết Chúa và yêu Chúa. Người rao giảng sẽ làm việc cho
con chiên theo chiều hướng ấy.
Và nếu chiên theo mục
tử, chấp nhận đi vào đường lối của mục tử như Lời Chúa cho thấy và như mầu
nhiệm thập giá Ðức Kitô đã vạch, thì mục tử là chính Chúa Kitô sẽ ban cho chiên
được sự sống đời đời, mà các bí tích của Hội Thánh đang phân phát một cách dồi
dào.
Do đó, sau khi lo rao
giảng Lời Chúa, các người có nhiệm vụ chăn chiên, phải trao ban các mầu nhiệm
thánh để con chiên được sống đời đời. Và công việc này không dễ đâu, vì không
phải tự nhiên con chiên biết lãnh nhận các bí tích như sự sống trường sinh.
Phải có một mục vụ sâu xa và kiên trì. Phải có nhiều sự sống thánh thiện trong
các cử hành phụng vụ. Giáo dân muốn giúp đỡ các linh mục và làm cho sinh hoạt
của Hội Thánh càng ngày càng thêm phong phú, thì còn phải cố gắng nhiều hơn nữa
để cùng các linh mục chuẩn bị, tổ chức cử hành, lãnh nhận các bí tích một cách
sống động và sung mãn hơn. Nhờ vậy đoàn chiên mới dồi dào sự sống đời đời.
Và khi mọi người đã làm
như thế, nghĩa là đã làm cho Lời Chúa và các bí tích thật sự sinh động trong
Hội Thánh, thì Chúa nói: không bao giờ chiên bị diệt vong vì không ai giựt
chúng khỏi tay Ta được. Ðã đành Satan như sư tử rình mò cắn xé chiên và chiên
luôn như ở giữa sói rừng, đã đành sự sống đời đời là Lời Chúa và các ơn bí tích
trong tâm hồn là những kho tàng đựng trong bình sành lọ đất là xác thịt tội lỗi
yếu hèn của chúng ta, nhưng sức mạnh nào có thể lôi chiên ra khỏi tay Chúa để
tiêu diệt chiên. Chính Người đã so sánh giữa mục tử tốt và kẻ chăn thuê. Người
mục tử sẽ thí mạng cho chiên. Ðức Kitô đã chết cho chiên của Người. Người đã
cầm giữ được chìa khóa của sự chết và âm phủ vì sự phục sinh của Người đã toàn
thắng, kẻ thù cuối cùng của loài người là sự chết, nên kẻ tin Người sẽ được
sống, và dù có chết cũng sẽ sống lại. Satan không giựt được kẻ ấy khỏi tay
Người đâu.
Và điều này cho phép
chúng ta nghĩ đến phận sự thứ ba của những người đang có nhiệm vụ chăn chiên.
Họ phải điều khiển dân Chúa sau khi đã rao giảng Lời Chúa và cử hành các bí
tích. Công việc điều khiển này không nặng về mặt tiêu cực, giữ chiên khỏi bị
xâu xé sao? Cai trị trong Hội Thánh chỉ là phục vụ. Và phục vụ trong Hội Thánh
là giữ chiên luôn được điều kiện lắng nghe Lời Chúa và lãnh nhận các bí tích trường
sinh. Mọi tổ chức đều quy về những việc này. Và chỉ có như thế người ta mới
thấy rõ ở trong Hội Thánh chính Chúa là mục tử; còn các Tông đồ môn đệ của
Người chỉ là những đầy tớ phải làm nhiều nhưng phải thú nhận là vô dụng.
Chúng ta không thể
bảo đó là ơn gọi dễ dàng được. Thế nên phải có ơn Chúa giới trẻ mới biết lắng
nghe và đáp trả tiếng gọi làm tông đồ. Và càng phải có nhiều ơn Chúa giúp đỡ
hơn nữa, các tông đồ mới bền chí nhiệt thành chu toàn phận sự. Chúng ta phải
cầu nguyện nhiều là vì thế, để có nhiều thanh thiếu niên dâng hiến đời mình cho
Chúa và để các người đã dâng hiến luôn xứng đáng với ơn gọi đã nhận được. Ước
gì Hội Thánh chúng ta luôn có nhiều tông đồ như Barnaba và Phaolô mà bài sách
Công vụ Tông đồ hôm nay đã thuật chuyện.
2. Nhiệm Vụ Tông Ðồ
Hai ông được Thánh
Thần đặc cử đi truyền giáo ở những vùng xa xôi (13,2). Cả Hội Thánh biết việc
này, vì hôm đó mọi người đang thờ phượng và ăn chay thì Thánh Thần đã dạy như
vậy. Và người ta đã đặt tay trên đầu các ngài và tiễn các ngài đi, để các ngài
thật sự là tông đồ, tức là được sai đi. Mà quả thật các ngài đi mãi không
ngừng, cho đến khi đạt tới biên giới của thế giới thời bấy giờ là Rôma. Các
ngài nhắc nhở cho mọi người được gọi làm tông đồ luôn nhớ Lời Chúa căn dặn
trước khi về trời: Các con hãy đi đến tận cùng trái đất và đến với hết mọi tạo
vật, rao giảng Tin Mừng cho họ, để làm cho tất cả trở nên môn đệ của Thầy.
Barnaba và Phaolô đã
ra đi, hết thành này sang thành khác, hết đảo này đến đảo kia. Tới đâu các ngài
cũng lợi dụng ngày Hưu lễ có người Do Thái hội họp, để rao giảng về Chúa Giêsu
Kitô. Ở đây, chúng ta thấy người Do Thái không đón nhận Lời khiến các tông đồ
phải phủi bụi chân ra đi khỏi xã hội của họ và đi đến với lương dân, thực hiện
lời sách Isaia đã viết: Ta đã đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân.
Không phải các Tông
đồ hiểu câu đó về mình đâu. Lời ấy chỉ áp dụng cho Ðức Giêsu như Simêon đã nhìn
thấy. Nhưng chính Người đã gọi các tông đồ và sai họ đi. Họ đi đây là vì Người
và để làm công việc của Người. Chính Người đến với lương dân nơi con người của
các tông đồ.
Tuy nhiên có phải vì
vậy mà từ này người Do Thái bị bỏ rơi không? Chắc chắn khi kể lại câu chuyện
hôm nay, tác giả Luca muốn đánh dấu một giai đoạn mới trong lịch sử truyền
giáo. Người vẫn chú ý đến dân ngoại. Và khi mở đầu cuốn sách Tin Mừng của Người
bằng những câu chuyện xảy ra ở Galilê, thánh Luca đã có ý cho chúng ta thấy
công việc của Chúa khởi sự ở Galilê dân ngoại. Và Người đã chẳng bỏ qua một dịp
nào để nhấn mạnh rằng: Ðức Giêsu khi còn tại thế đã nhiều lần tiếp xúc và ban
ơn cho dân ngoại. Nhưng hôm nay khi để các tông đồ nói: "Này chúng tôi
quay sang dân ngoại", Luca muốn công cuộc truyền giáo cho lương dân từ nay
bước sang giai đoạn mới, quyết liệt hơn.
Câu chuyện có vẻ làm
cho người ta hiểu rằng vì người Do Thái khước từ Lời Chúa, nên các tông đồ mới
quay sang dân ngoại. Việc truyền giáo cho lương dân dường như được xúc tiến vì
thái độ phủ nhận của người Do Thái... Thật ra không phải như vậy. Như trên đã
nói: ngay từ đầu Ðức Giêsu đã được chào mừng là ánh sáng muôn dân. Các tông đồ
không kỳ thị hạng người nào và chính Chúa Thánh Thần đã chấp nhận cả gia đình
Cornêliô là dân ngoại đang khi họ nghe lời Phêrô giảng. Nhưng dần dần Thiên
Chúa đã dùng hoàn cảnh này hoàn cảnh kia để các tông đồ nhớ lại những lời tiên
tri đã viết trước, tức là kế hoạch sâu nhiệm của Thiên Chúa.
Những lời ấy viết
rằng: vào lúc cánh chung, tức là vào thời đại Ðấng Cứu Thế, Israen và
Giêrusalem sẽ mở đường cứu độ cho muôn nước và có trách nhiệm phổ cập. Những
lời ấy đã được Chúa Giêsu tóm tắt lại trong câu Người bảo môn đệ phải trở thành
chứng nhân cho Người khởi sự từ Giêrusalem nhưng cho đến mút cùng trái đất.
Nói cách khác, Lời
Chúa tự bản chất muốn được đem gieo ở mọi nơi; các tông đồ là những người được
sai đi; đoàn chiên Chúa có trách nhiệm đem hết mọi chiên lạc về...
Nhiệm vụ tông đồ là
nhiệm vụ truyền giáo. Trong ngày cầu nguyện cho ơn gọi tông đồ, chúng ta phải
nhìn ra cánh đồng truyền giáo bát ngát cho đến mút cùng trái đất. Bấy giờ chúng
ta mới thấy thiếu các tông đồ đến mức nào và các tông đồ mới hiểu mình chưa làm
được một phần nhỏ của ơn gọi. Phải có thêm những Barnaba và Phaolô. Phải tăng
thêm nhiều ý thức và ưu tư truyền giáo trong tâm hồn mọi người trong ngày hôm
nay. Phải làm cho mọi người thấy bề rộng của vấn đề...
Và cả bề sâu nữa,
theo bài sách Khải Huyền trong thánh lễ này.
3. Trách Nhiệm Dân
Chúa
Thánh Gioan lại được
nhìn thấy một cảnh tượng lạ lùng ở trên trời: một đoàn lũ đông đảo không biết
cơ man nào mà kể thuộc đủ mọi sắc dân và ngôn ngữ, mình mặc áo chùng trắng
tinh, tay cầm tàu lá vạn tuế, đang lớn tiếng tung hô Thiên Chúa và Chiên Con.
Ðó là quang cảnh mai ngày ở trên thiên quốc. Ðó là Hội Thánh toàn thắng mà Hội
Thánh lữ thứ trần gian đang sửa soạn và cưu mang.
Do đó sẽ có lợi cho
suy niệm của chúng ta hôm nay, nếu nhờ lời tác giả sách Khải Huyền viết, chúng
ta tìm hiểu về dân Chúa và Hội Thánh đang ở trần gian. Cộng đoàn dân Chúa và
Hội Thánh hiện nay, không bao gồm đủ mọi sắc dân và ngôn ngữ sao? Còn về áo
trắng tinh và cành vạn tuế, chúng ta hãy theo lời thánh Gioan mà hiểu. Chính
người đã được cắt nghĩa cho biết: đó là dấu hiệu của sự thắng trận và đời sống
sạch tội.
Quả vậy, đám dân hạnh
phúc kia đã từ cuộc quẫn bách lớn lao mà đến. Kiểu nói này ám chỉ các thử thách
của thời kỳ cánh chung và đặc biệt là thử thách giữ vững niềm tin khỏi bị các
tiên tri giả mê hoặc. Thế mà thời đại cánh chung đã khởi sự từ ngày Ðức Giêsu
ra đời và đặc biệt từ khi Người được tôn vinh trên thánh giá để trở thành người
xét xử kẻ sống và kẻ chết. Từ ngày đó, đức tin đều là những người thắng trận
thế gian, như lời Gioan viết: chiến thắng của chúng ta chính là đức tin. Và ai
tin vào ơn cứu độ của Chúa nhất định không phải hổ ngươi.
Còn áo trắng của các
thánh, tác giả nói đó là những cái áo đã được đem giặt trong Máu Chiên Con. Làm
sao giặt trong máu lại có thể trắng được, nếu chúng ta không hiểu theo ý nghĩa
thiêng liêng? Chính nhờ máu Chúa Kitô đổ ra trên thập giá, đã có Nước Thánh
Thần chảy ra ban ơn tha tội trong nước thanh tẩy. Chúng ta hết thảy được sạch
tội nhờ Máu Chúa Giêsu đã rửa chúng ta trong bí tích Tử nạn Phục sinh của
Người.
Vậy, giữ vững đức tin
nhờ nghe Lời Chúa như nắm cành vạn tuế trong tay, và được tâm hồn sạch tội như
vận áo chùng trắng tinh nhờ lãnh nhận các ơn bí tích, chúng ta được đoàn tụ
trong một Hội Thánh như dưới một mái nhà, một mái Ðền Thờ. Chúng ta không còn
đói khát nữa, vì lời sách Khải Huyền viết, Chiên Con sẽ chăn dắt chúng ta, luôn
đưa chúng ta đến nguồn mạch sự sống, làm chứng chính Chúa Kitô là mục tử của
Hội Thánh như chúng ta đã nói. Và chắc chắn cuối cùng Thiên Chúa sẽ lau sạch
nước mắt chúng ta khỏi cuộc đời trần gian nhiều đau thương này để đưa Hội Thánh
lữ khách trần gian trở nên Hội Thánh hạnh phúc trên trời.
Giờ đây chúng ta đang
làm thành Hội Thánh ở dưới đất. Ngay giờ phút này Hội Thánh ấy đang ở giữa
chúng ta.
Ở đây có lời Chúa, có
bí tích của mọi bí tích là bí tích Thánh Thể, có hàng linh mục dẫn dắt chúng
ta, có đủ phương tiện để chúng ta được thêm đức tin, được lòng trong sạch, được
no nê lương thực trường sinh, để chúng ta tiến về Thiên quốc.
Chúng ta hãy cảm tạ
tung hô Chúa. Chúng ta cầu xin luôn luôn có tông đồ làm việc cho chúng ta, cho
các tông đồ ấy thánh, cho chúng ta luôn thích nghe Lời Chúa, lãnh nhận bí tích
và tham gia vào đời sống Hội Thánh để mọi dân mọi nước làm thành một đoàn chiên
với một Chúa chiên là Ðức Giêsu Kitô chúng ta.
(Trích dẫn từ tập
sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)