Chúa Nhật 6 Phục Sinh Năm C
Thiên Chúa đã đến cư ngụ nơi những kẻ yêu mến Người
(Công vụ tông đồ 15,1-29; Khải huyền 21,10-23; Gioan 14,23-29)
Phúc Âm: Ga 14, 23-29
"Thánh Thần sẽ nhắc nhở cho các con tất cả
những gì Thầy đã nói với các con".
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:
"Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và
Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. Kẻ không yêu mến Thầy, thì không giữ lời
Thầy. Lời các con nghe, không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Ðấng đã sai
Thầy. Thầy đã nói với các con những điều này khi còn ở với các con. Nhưng Ðấng
Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các
con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các
con. Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con.
Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng các con đừng xao xuyến
và đừng sợ hãi. Các con đã nghe Thầy nói với các con rằng: Thầy đi, rồi Thầy
trở lại với các con. Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng vì Thầy
về với Cha, bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy. Giờ đây Thầy nói với các con trước khi
việc xảy ra, để khi việc xảy ra, thì các con tin".
Suy Niệm:
Theo những lời đầu tiên của bài Tin Mừng hôm nay,
chúng ta thấy Chúa đang dặn dò môn đồ những lời cuối cùng trước khi Người ra đi
chịu chết. Bầu khí này hợp để hướng lòng chúng ta về ngày lễ Chúa lên trời cử
hành trong Chúa nhật sau. Nhưng những lời từ biệt cũng là những cảm tình Chúa
để lại mãi mãi nơi Hội Thánh, và nói về Hội Thánh. Hội Thánh đã đón nhận những
lời này để trao ban lại cho chúng ta để mọi thế hệ Kitô hữu thi hành ý Chúa mà
xây dựng Nước Trời.
Bài Tin Mừng sẽ cho chúng ta thấy Hội Thánh đón
nhận Lời Chúa như thế nào; rồi bài sách Công vụ, các Tông đồ sẽ chứng tỏ nhiệt
tình của Hội Thánh, thi hành Lời Chúa; và cuối cùng bài Khải huyền sẽ mở ra cho
chúng ta được chiêm ngưỡng trước vinh quang của Nước Trời, tức là Hội Thánh sau
này nơi Thiên Quốc.
1. Hội Thánh Ðón Nhận Lời Chúa
Tác giả Gioan đã để Chúa Giêsu ngồi nói chuyện lâu
với các tông đồ nơi bàn tiệc ly. Ông muốn dùng khung cảnh ấy để câu chuyện được
thắm thiết. Mỗi lời môn đệ hỏi là một dịp để Chúa Giêsu dốc hết bầu tâm sự của
Người. Ðoạn Tin Mừng hôm nay là Lời Chúa đáp lại câu hỏi của tông đồ Giuđa -
không phải là Iscariốt đâu. Nghe Chúa nói: "Ai yêu mến Người thì Người sẽ
tỏ mình ra cho người ấy", ông Giuđa liền hỏi: "Tại sao Người sẽ tỏ
mình ra cho chúng tôi, chứ không cho thế gian?" Ông đã phát biểu tâm tư
của hết mọi anh em, và có thể nói, của mọi người.
Thật vậy, người ta không chờ Ðức Giêsu là Cứu Thế
sao? Riêng các môn đệ, họ đi theo Người không phải vì tin rằng Người sẽ tỏ vinh
quang của Người ra và họ sẽ được xếp hàng hai bên tả hữu Người sao? Theo quan
niệm của mọi người, Ðấng Cứu Thế phải được hiển vinh. Người sẽ lên cao trong xã
hội và lấy uy quyền, đức độ của mình mà tái lập sự công chính ở trần gian. Thế
mà bây giờ Ðức Giêsu lại bảo Người sẽ chỉ tỏ mình ra cho những kẻ mến Người và
giữ lệnh Người. Số người này ít quá. Sau ba năm Người làm việc, số người đó đang
ngồi cả ở đây chung quanh bàn Tiệc Ly. Cũng có một số môn đệ khác, đông hơn
không có mặt ở đây. Nhưng cũng chưa chắc họ sẽ theo Người mãi mãi. Con số 12 ở
đây là chắc hơn cả, ấy là chưa kể lúc này chỉ còn 11, vì tên phản phúc nộp Thầy
đã ra đi rồi. Vậy nếu Chúa chỉ tỏ mình cho nhóm 12 này thì vinh quang Ðấng Cứu
Thế sẽ như thế nào? Chúng ta phải hiểu thế nào về vai trò Cứu Thế của Ðức
Giêsu? Người có phải là Cứu Thế không? Hay là chúng ta phải thay đổi quan niệm
cứu thế xưa nay của mình? Câu hỏi của tông đồ Giuđa rất quan trọng. Và chắc
chắn ai ai cũng chăm chú chờ đợi câu trả lời.
Chúa Giêsu đã lên tiếng. Người lặp lại ý đã nói:
Ai mến Người thì sẽ giữ Lời Người và Cha Người sẽ yêu mến kẻ ấy. Rồi Người tiếp
- và đây là lời Người đáp lại câu hỏi của môn đệ: "Chúng ta sẽ đến với nó
và sẽ đặt chỗ ở nơi mình nó."
Những ai nhớ Kinh Thánh hẳn đã thấy Chúa trả lời
rất đầy đủ và gẫy gọn. Nhưng sợ các tông đồ không thể hiểu hết ý của Người. Thế
nên Người còn thêm một ý tưởng tiêu cực để giúp họ dễ hiểu hơn. Người nói:
"Ai không mến Ta thì không giữ lời Ta". Và lẽ ra Người đã phải nói
thêm: "Và chúng ta sẽ không đến với nó và sẽ không đặt chỗ ở nơi mình
nó". để các tông đồ thấy rằng: quả thật Chúa sẽ chỉ tỏ mình ra cho những
kẻ mến Người và giữ lời Người mà thôi. Còn kẻ không mến Người và không giữ lời
Người sẽ không được Người tỏ mình ra. Là vì lời Người nói không phải của Người
nhưng là của Ðấng đã sai Người là Chúa Cha. Nếu người ta từ khước Lời Thiên
Chúa thì làm sao Chúa Cha và Người có thể tỏ mình ra cho họ?
Nhưng dù ý Chúa đã khá rõ như vậy, các Tông đồ
vẫn chưa thể hiểu hết. Và có lẽ chính chúng ta cũng vậy. Chúng ta hết thảy cần
được giải thích thêm. Và đây là công việc của Chúa Thánh Thần mà hôm nay Chúa
Giêsu hứa sẽ đến với các tông đồ và nhắc nhở dạy dỗ họ biết mọi sự và hiểu mọi
lời Chúa nói. Chúng ta không nên thắc mắc nhiều vì sao Chúa Giêsu đã không làm
cho môn đệ hiểu hết và hiểu ngay tức khắc sự thật mà Người muốn nói với họ. Mầu
nhiệm của Người cốt yếu nằm trong việc Người tử nạn phục sinh. Việc này chưa
xảy đến thì các sự thật về Người khó mà tỏ hiện hoàn toàn được. Trái lại, sau
khi đã tham dự việc Người chịu chết và sống lại, người ta mới có khả năng hiểu
mọi chân lý cứu độ mà Người thông tri cho họ.
Vậy nhờ ánh sáng của mầu nhiệm Tử nạn Phục sinh
chúng ta bây giờ mới lãnh hội được ý nghĩa sâu xa của Lời Chúa đáp lại câu hỏi
của tông đồ Giuđa. Ông này muốn biết vì sao Chúa chỉ tỏ mình ra cho môn đệ, chứ
không cho thế gian. Ông quan niệm Nước của Chúa phải đến theo ý nghĩa xác thịt.
Ông cũng như mọi người cứ tưởng rằng Ðấng Cứu Thế sẽ làm Vua thiên hạ ở đời
này... Ðang khi đọc lại lời các tiên tri và theo dõi giáo huấn của Chúa Giêsu
từ ngày Người ra đi giảng đạo, chúng ta phải công nhận quan niệm như vậy không
đúng tí nào. Ngay từ đầu, khi Chúa gọi các tổ phụ, Người vẫn bảo đảm rằng Người
ở với họ. Và đó là dấu hiệu họ được tuyển chọn. Lúc nhờ Môisê tập họp con cái
Israen lại thành dân riêng, Người cũng khẳng định sẽ ở với họ nếu họ giữ giao
ước của Người. Vẫn biết Người đã ban cho họ những dấu hiệu làm chứng Người ở
với họ, như Lều Giao Ước, Hòm Bia Thánh v.v... Nhưng đó chỉ là dấu hiệu và một
vài dấu hiệu thôi. Sự hiện diện của Người còn rõ rệt trong nhiều dấu hiệu khác
và đặc biệt trong cách Người dẫn dắt lịch sử Israen, như mục tử chăn dắt đàn
chiên. Dân Chúa nhận biết Người ở với họ khi Người ra tay cứu họ khỏi kẻ thù
hơn là tựa vào những dấu hiệu bề ngoài như Hòm Bia Thánh hay là Lều Giao Ước.
Chắc chắn khi thấy Chúa lấy hình lửa, khói vào đầy đền thờ mới xây, Salomon đã
cảm tạ Chúa vô vàn vì Người là Ðấng mà cả trời đất không chứa nổi, đã khấng đến
ở với dân Người trong đền thờ...
Nhưng rồi Êzêchien đã thấy khói lửa ở đền thờ bốc
lên, và đi theo đoàn người lưu đày... Những người có khuynh hướng xác thịt vẫn
ước mong được thấy có ngày đền thờ được tái thiết, Chúa lại đến ở với dân trong
đền thờ mới... Nhưng những người có tâm hồn cao thượng và ý nghĩ tiến bộ đã
nghe lời Giêrêmia và các tiên tri để trông đợi ngày Giao Ước mới được ký kết
ngay trong tâm hồn người ta và Thần khí của Chúa sẽ được đổ xuống trên tôi tớ
nam nữ của Chúa, chứng tỏ Ðấng Emmanuen, Ðấng Thiên Chúa ở cùng chúng tôi sẽ
không ở nơi các đền thờ bằng đá, gạch nhưng cần nhất là nơi tâm hồn dân Chúa...
Ðức Giêsu từ ngày ra giảng đạo không ngớt hướng
tâm trí mọi người theo hướng ấy. Và hôm nay Người khẳng định với môn đệ: Ai mến
Người sẽ giữ lệnh Người, kẻ ấy sẽ được Thiên Chúa yêu mến; và Cha Người với
Người sẽ đến cư ngụ nơi mình họ. Dĩ nhiên Người không thể đến cư ngụ với thân
thể Người đang mang khi ngồi nói với họ đây. Nhưng khi Người đã được tôn vinh
nơi Thiên Chúa trong mầu nhiệm Phục sinh, Người sẽ ở trong vinh quang Chúa Cha
và bấy giờ cùng Chúa Cha đến ở trong tâm hồn những kẻ yêu mến Người và giữ lệnh
Người. Còn những kẻ không tin và giữ Lời Người thì tự họ đã đặt cản trở cho
Thiên Chúa đến ở với họ. Và dấu chỉ rõ ràng việc Người sẽ tỏ mình ra cho những
kẻ giữ lệnh Người là việc Thánh Thần sẽ được ban xuống cho họ, nhân danh Chúa
Giêsu Kitô.
Tất cả những điều này xảy ra. Ðức Giêsu đã ra đi
biến đổi thân xác của mình. Sau đó Người đã trở lại tỏ mình ra cho môn đệ, chứ
không cho thế gian. Rồi cũng chỉ có các môn đệ được lãnh nhận Thánh Thần, khiến
thiên hạ phải công nhận Thiên Chúa đang ở với các môn đệ của Người...
Tuy nhiên, như đã nói, khi ở bàn tiệc ly, các
tông đồ chưa được thấy những việc này. Họ chưa hiểu được lời của Chúa. Họ lại
sắp sửa vấp phải thử thách của mầu nhiệm thập giá. Chúa Giêsu thương họ. Người
phải an ủi, nên đã nói thêm với họ: "Ta để lại bình an cho các
ngươi". Ðây không phải là sự bình an theo nghĩa thế gian. Cũng không phải
là sự bình an theo như người Do Thái hiểu khi chào nhau để cầu xin cho nhau
được sự độ trì của Thiên Chúa. Nhưng đây là sự bình an của chính Chúa Giêsu, sự
bình an Người "mua sắm" được trong mầu nhiệm thánh giá, để giảng hòa
tội nhân với Thiên Chúa, để đưa tội nhân vào thân thể mầu nhiệm của Người cho
họ được ơn tha thứ tội lỗi và trở nên Con Thiên Chúa, để họ được Thiên Chúa làm
Ðấng ở cùng họ.
Do đó, cho dù chưa đi chịu chết và sống lại, và
chưa làm cho môn đệ trở nên đền thờ Thiên Chúa ngay được, Ðức Giêsu khi để lại
sự bình yên cho họ, đã như bảo đảm cho họ sẽ được Thiên Chúa ở cùng, để khi gặp
thử thách thập giá, họ có thể vững tâm. Họ không có gì phải sợ vì rồi đây Chúa
sẽ trở lại và tỏ mình ra cho họ chứ không cho thế gian. Hơn nữa họ còn phải vui
mừng vì việc Người ra đi. Xét về bản tính nhân loại, Người vẫn ở dưới Chúa Cha
và việc Người về với Chúa Cha chỉ có lợi cho Người và cho họ. Người về để được
lại vinh quang mà Người vẫn có nơi Chúa Cha để cùng Chúa Cha trở lại với họ
trong vinh quang ấy, khiến cộng đoàn của họ sẽ không như hiện giờ nữa nhưng sẽ
đổi mới và vinh quang khác thường.
Và những điều này thật sự đã xảy ra. Sau khi Chúa
Giêsu sống lại và ban Thánh Thần xuống, cộng đoàn môn đệ đã mau biến dạng. Mọi
người phải kinh ngạc, và ai nấy phải nhận là Thiên Chúa đã đến ở cùng cộng đoàn
những người yêu mến Chúa và giữ lệnh Người. Chúng ta hãy nhìn xem cộng đoàn ấy
sinh hoạt trong bài sách công vụ hôm nay.
2. Chúa Ở Cùng Hội Thánh
Bài sách chỉ giữ lại đoạn đầu và đoạn cuối câu
chuyện. Chúng ta biết có chuyện một số người từ Giuđê xuống Antiôkia. Họ cũng
là Kitô hữu nhưng trước đây ở trong Do Thái giáo và giữ Luật Môisê. Ðến
Antiôkia họ gặp các tín hữu mới, đã trở lại từ lương dân. Những người này chỉ
mến Chúa và giữ lệnh Người truyền chứ không để ý đến những bó buộc của luật
Môisê, đặc biệt luật cắt bì. Thấy vậy, những anh em ở Giuđê đến không chịu. Họ
bảo phải cắt bì và giữ luật Môisê. Họ phản đối Barnaba và Phaolô trong vấn đề
này, vì chính hai ông từ đầu, đã không biết dạy lương dân khi tòng giáo phải
giữ luật Môisê. Và họ làm cho cả miền đất ngoại cũ này xôn xao, mất bình an.
Thế là giáo dân ở Antiôkia, phải cử Phaolô và Barnaba lên Giêrusalem với mấy
anh em để gặp gỡ các bậc lãnh đạo Hội Thánh ở Giuđê.
Ðến nơi, người ta càng thấy vấn đề nghiêm trọng.
Hội Thánh ở Giuđê cũng rất xôn xao, trước cả Antiôkia nhiều. Người ta bàn tán
rất nhiều về việc Phaolô và Barnaba không bắt lương dân tòng giáo, phải chịu
cắt bì và giữ luật Môisê. Những người chống đối thái độ "dễ dàng" này
dường như muốn bám víu uy tín của tông đồ Giacôbê đang lãnh đạo Hội Thánh ở
Giêrusalem. Nhưng Phaolô và Barnaba biết ai là người có uy quyền thật sự. Các
ông đến với Phêrô xin vị tông đồ trưởng này kể lại cho mọi người rõ Chúa Thánh
Thần đã dạy dỗ ông thế nào. Và ông đã lên tiếng thuật lại việc đã xảy ra tại
nhà Cornêliô. Nhiều người lương dân đang nghe ông giảng thì đã nhận ra được
Thánh Thần hiện xuống, khiến Phêrô dạy phải rửa tội ngay cho họ mà không cần bó
buộc phải cắt bì.
Nghe Phêrô làm chứng như vậy, Giacôbê đã lên
tiếng ôn hòa hơn và làm cho Hội Thánh chấp nhận giải pháp hôm nay. Hội Thánh
phủ nhận việc làm của những anh em đã từ Giuđê đến gây xáo trộn ở Antiôkia: họ
đã làm việc tự ý chứ không có ủy nhiệm. Bù lại, Hội Thánh nhất trí cử lại một
phái đoàn đến lập lại bình an. Hội Thánh cũng lấy lại uy tín cho Phaolô và
Barnaba là những anh em kính mến đã tận hiến đời mình cho công cuộc của Chúa.
Nhất là Hội Thánh ban như nói rõ: "Thánh Thần và chúng tôi quyết định
không chất thêm gánh nặng nào cho anh em (lương dân trở lại), trừ vài điều cần
kíp này..." nhưng không có vấn đề cắt bì nói riêng và luật Môisê nói
chung.
Ðó là thắng lợi cho Phaolô và Barnaba; sự vui
mừng của anh em ở Antiôkia đã không nhỏ. Nhưng đó là những điều nhất thời. Kết
quả lâu dài và tồn tại là chính sự bình an mà Hội Thánh đã đạt được ở hết mọi
nơi, tại Giuđê cũng như ở Antiôkia. Sự bình an này thật sâu rộng và phải nói là
bởi trời. Nó đem lại sự nhất trí nơi các tông đồ; nó xiết chặt. Hội Thánh Mẹ
với các Hội Thánh con; nó làm cho Hội Thánh Mẹ thấy Chúa đang ban cho mình được
các dân tộc; nó khiến các dân mới ý thức vinh dự đồng thừa tự trong Ðức Kitô.
Rõ ràng đây là việc của Thánh Thần. Chính Người đã thắng khi làm cho mọi người
hiểu ý của Người đã tỏ ra tại nhà Cornêliô. Người đã đem môn đệ của Chúa vào sự
thật và đã nhắc nhở, soi sáng để họ hiểu mọi lời Chúa đã nói. Thế nên không
phải vô lý mà các môn đệ của Chúa đã để tên Chúa Thánh Thần ngay ở văn kiện đầu
tiên của Công đồng thứ nhất của Dân Chúa. Và điều này nói lên rằng: Thiên Chúa
ở cùng Hội Thánh. Người không thụ động trong Hội Thánh nhưng luôn sinh hoạt với
Hội Thánh, làm cho Lời Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay thành sự thật
ở trước mắt mọi người: Hễ ai yêu mến Chúa và giữ lệnh Người thì Cha Người và
Người sẽ đến ở nơi mình họ... Người sẽ ban Thánh Thần đến, dạy dỗ họ và cho họ
được bình an, sự bình an đặc biệt của Người mà thế gian không có cũng chẳng ban
được.
Những điều này khiến chúng ta vững vàng đi với
Hội Thánh. Và cùng Hội Thánh hướng về tương lai mà sách Khải Huyền hôm nay mô
tả.
3. Hội Thánh Là Giêrusalem Mới
Tác giả Gioan đã trỏ cho thấy Tân nương, hiền thê
của Chiên Con. Quang cảnh xảy ra trên một ngọn núi hùng vĩ và cao chót vót.
Không phải là núi Sion nữa để cho thấy cũ đã qua, mới đã đến. Và Giêrusalem
hiền thê của Chiên Con chưa có sẳn ở đó, nhưng rồi đã từ trời xuống, để ai nấy
đều biết đây là tạo dựng mới hoàn toàn, phát xuất từ nơi Thiên Chúa. Hơn nữa nó
còn chói lại vinh quang của Người và ánh sáng của nó tỏa ra rất là linh diệu,
không bút nào tả xiết. Tác giả Gioan đã viết những điều như thế để chúng ta
đừng ngộ nhận, tưởng rằng thiên quốc và đời sống hạnh phúc mai này chỉ nối dài
những điều mắt thấy tai nghe ở đời này. Không, mọi sự đều mới hẳn và đến từ
Thiên Chúa.
Tuy nhiên, Giêrusalem thiên quốc vẫn liên hệ mật
thiết với Hội Thánh dưới đất, vì kìa Gioan thấy nó có tường cự đại, trổ 12 cổng
có khắc tên 12 chi tộc con cái Israen, để chứng tỏ dân cũ đã đóng vai trò lịch sử
của nó là mở đường cho thiên hạ đi vào Nước Trời. Chúng ta không nên tưởng 12
thiên thần đứng ở 12 cổng có nhiệm vụ canh gác... Thời gian lựa chọn đã qua
rồi. Họ đứng đó để tiếp rước và để nói lên vinh dự của con cái Thiên Chúa từ
nay được ở với các thiên thần. Và như lời Kinh Thánh đã hứa, những kẻ ở bên
đông, bên tây, bên nam và bên bắc sẽ đến dự tiệc Nước Trời, nên ở đây sau khi
nói đến 12 cổng, tác giả Gioan đã ghi rõ mỗi phía đều có 3 cổng. Ông lập lại ý
tưởng đã viết chỉ để nhấn mạnh rằng mọi lời hứa đều đã thực hiện. Và tuy rằng
12 cổng đều mang tên 12 họ con cái Israen, tất cả tường thành đều xây trên nền
móng 12 tông đồ của Chiên Con, để nói lên sự mật thiết giữa dân mới và dân cũ,
dân mới đã duy trì dân cũ, cũng như bây giờ cả hai dân đã được Thiên Chúa đổi
mới hoàn toàn để làm thành Giêrusalem mới xuống tự trời cao, tự nơi Thiên Chúa.
Ðiều đáng để ý nhất trong Giêrusalem mới này là
không có điện thờ nữa cũng như không có mặt trời, mặt trăng nữa; Vì Thiên Chúa
toàn năng và Chiên Con nay là điện thờ của thành và vinh quang của các Ngài là
ánh sáng chiếu soi Giêrusalem mới. Những điều này thật ý nghĩa, vì như vậy rõ
ràng đã thực hiện Lời Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: Cha Người và Người sẽ
đến cư ngụ nơi cộng đoàn môn đệ của Người và Hội Thánh của Người có Thiên Chúa
ở cùng họ.
Do đó, chúng ta có thể kết luận về giáo huấn của
ba bài Kinh Thánh hôm nay rằng: nhờ mầu nhiệm tử nạn phục sinh của Chúa Giêsu
Kitô, Thiên Chúa đã đến cư ngụ nơi những kẻ yêu mến Người và giữ lệnh Người.
Cộng đoàn những kẻ ấy trở nên Ðiện thờ mới của Thiên Chúa ở trần gian để Người
là Thiên Chúa ở cùng họ mọi ngày trong đời sống. Bây giờ cộng đoàn ấy đang mở
cửa để dân ngoại mọi nơi tuôn đến đợi khi thời gian sung mãn, tất cả những gì
chúng ta đang thấy nơi Hội Thánh trần gian sẽ được siêu thăng. Vinh quang của
Chiên Con và của Thiên Chúa sẽ đổi mới Hội Thánh và biến Hội Thánh nên Tân
nương trang sức rực rỡ của Chiên Con. Người ta sẽ thấy Thiên Chúa hiện thân ở
cùng Hội Thánh mãi mãi và vô tận. Và lời Chúa nói với môn đệ ở bàn tiệc ly sẽ
được thực hiện hoàn toàn nơi Giêrusalem thiên quốc.
Cho đến ngày ấy, mỗi khi cử hành thánh lễ lời của
Chúa lại được hiện tại hóa. Tất cả những ai sốt sắng tham dự mầu nhiệm tử nạn
phục sinh sẽ được Chúa ngự đến nơi tâm hồn. Người ta trở thành Kitô hữu nhiều
hơn và trở nên con cái Thiên Chúa hoàn toàn hơn. Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trong
họ, và Chúa Thánh Thần hoạt động với họ. Họ và cộng đoàn giáo xứ của họ phải mở
cửa đón nhận mọi người từ đông tây nam bắc để Thiên Chúa ở cùng mọi người, để
mọi người dần dần được vinh quang đời sống và giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô
chiếu soi và làm cho trong sáng đợi ngày tất cả trở nên Giêrusalem thiên quốc
bình an và hạnh phúc.
(Trích dẫn từ tập
sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)