Chúa Nhật Lễ Chúa
Ba Ngôi Năm C
Những Bảo Ðảm Chắc
Chắn
(Cách ngôn 8,22-31;
Thư Rôma 5,1-5; Tin Mừng Gioan 16,12-15)
Phúc Âm: Ga 16, 12-15
"Tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy;
Thánh Thần sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con".
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:
"Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể
lĩnh hội được. Khi Thần Chân lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật,
vì Người không tự mình mà nói, nhưng Người nghe gì thì sẽ nói vậy, và Người sẽ
bảo cho các con biết những việc tương lai. Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì
Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con. Tất cả những gì Cha
có đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói: Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan
truyền cho các con".
Suy Niệm:
Chúa Thánh Thần đã hiện xuống và đã "đưa các
tông đồ vào tất cả sự thật", như lời Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm
nay. Nhờ đó ngày nay chúng ta được hiểu biết mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Dân Cựu
Ước ngày xưa đã không hề hay biết. Các tông đồ khi sống với Ðức Giêsu cũng chưa
hiểu rõ lắm. Phải đợi đến khi Chúa Thánh Thần hiện xuống soi sáng và hướng dẫn,
dần dần Hội Thánh mới được đưa vào mầu nhiệm cao cả này. Ðiều này nhắc nhở
chúng ta phải cầu xin ơn Chúa Thánh Thần và phải nhờ Người giúp đỡ chúng ta mới
có thể đến được với Chúa Ba Ngôi. Mà đó là việc mà phụng vụ muốn làm cho chúng
ta hôm nay. Trong ba bài đọc Kinh Thánh, phụng vụ đã chọn hai bài về Chúa Thánh
Thần để nhờ Người hướng dẫn con cái Hội Thánh hiểu biết Thiên Chúa Ba Ngôi.
Nhưng bài đọc Cựu Ước cũng quý hóa vì ít nhất nó cũng làm cho chúng ta thấy rõ
hạnh phúc của những người đã được lãnh nhận Chúa Thánh Thần, vì khi Người chưa
đến soi sáng tâm hồn, thì con người có nhiều thiện chí cũng hãy còn rất chập
chững trên đường hiểu biết sự thật về Thiên Chúa.
1. Những Cố Gắng Khó Khăn Của Cựu Ước
Bài Cựu Ước hôm nay trích trong sách Cách ngôn
thuộc bộ sách khôn ngoan. Ðây là bộ sách suy tư thần học của người Do Thái.
Những người này đã nhận được ánh sáng mạc khải từ thời Abraham và Môsê. Họ đã
đón nhận Lời Chúa và tin như vậy. Có thể nói, họ không suy nghĩ gì thêm nữa.
Nhưng từ ngày nhiều người trong họ phải lưu đày sang Babylon, mà nhất là từ khi
mất chủ quyền dân tộc, con cái Israel khi bị Ai Cập, lúc bị Hy Lạp đô hộ bó
buộc phải tiếp xúc với những nền văn minh và tư tưởng khác lạ. Dù muốn dù
không, những cuộc gặp gỡ này cũng làm giao đông nền thần học cổ truyền. Có
nhiều đầu óc Do Thái đã suy nghĩ. Phong trào viết các sách Khôn ngoan đã phát
triển trong bối cảnh lịch sử ấy, và chúng ta có sách Cách ngôn để đọc hôm nay.
Ðoạn văn chúng ta vừa nghe nói về khôn ngoan của
Thiên Chúa trong công việc tạo dựng. Ðiểm nổi rõ trong đoạn văn này là trình
bày nhân cách hóa. Sự khôn ngoan lên tiếng nói như một nhân vật. Ðiều này rất
mới trong truyền thống Cựu Ước. Nhất nữa là nhân vật khôn ngoan ở đây lại ở gần
Thiên Chúa và hầu như là chính Người. Ðiều này không thể nào tưởng tượng được ở
thời Môsê và các tiên tri là dạy dỗ và bảo vệ nền tôn giáo độc thần. Israel chỉ
được tin một Chúa, chỉ được thờ lạy duy mình Người và phải coi mọi thần dân
ngoại tôn thờ là ngẫu tượng, giả trá và hư vô. Israel cũng không được tạc tượng
Chúa mình tôn thờ. Họ không được vẽ, họa hình toàn năng... Ðối với chúng ta
những đòi hỏi này quá tự nhiên. Nhưng ở thời con cái Israel, đó là những luật
hầu như không thể giữ nổi. Do đó Israel đã sa đi ngã lại trong cám dỗ thờ ngẫu
tượng. Và câu chuyện họ đúc con bê vàng để hình dung và thờ lạy sức mạnh của
Thiên Chúa đã cứu họ ra khỏi Ai Cập, không đáng tức cười như chúng ta có thể
nghĩ đâu. Tâm lý người ta thời bấy giờ muốn thờ nhiều thần và muốn có nhiều
tượng.
Vậy, để bảo vệ và duy trì chính nghĩa độc thần,
Môsê và các tiên tri đã phải có những nỗ lực phi thường. Các người luôn nhắc
nhở lại lệnh của Chúa: Không được thờ thần nào khác Giavê, không được nghĩ có
nhân vật nào ở bên cạnh Người. Giavê là đấng độc tôn. Ngoài Người ra tất cả đều
là hư vô. Vật gì cũng chỉ như cỏ rác đối với Người.
Thế mà hôm nay chúng ta thấy sách Cách ngôn nói về
một nhân vật mật thiết với Thiên Chúa như vậy. Việc sách đó không bị cấm, bị
đốt mà còn được kể là sách Thánh và được đưa vào kinh quy, làm chứng tâm lý con
cái Israel đã thay đổi nhiều. Họ đã trưởng thành khá về mặt tôn giáo. Ðạo độc
thần đã chắc chắn đến nỗi người ta có thể viết những bài Cách ngôn này mà không
sợ bị hiểu lầm là có khuynh hướng đa thần công nhận có những nhân vật giống như
Giavê.
Không, ở đây vẫn là đức tin độc thần. Chỉ có Giavê
là Chúa. Sự khôn ngoan chỉ là một tạo dựng, cho dù có là tiên thường, tức là có
trước mọi loài đi nữa. Theo tác giả thì từ đời đời, tức là từ xa xưa, trước khi
có tạo dựng, đã có sự khôn ngoan được Thiên Chúa sinh ra. Người dựng nên sự
khôn ngoan sớm nhất như vậy là để sự khôn ngoan tham dự vào công việc Người sẽ
làm khi dựng nên trời đất vạn vật. Thế nên trước khi có hỗn mang, tức là vực
thẳm lỏng đã có sự khôn ngoan. Rồi từ vực thẳm này sẽ có núi non mọc lên; mặt
đất sẽ nhô ra với đồng nội và cát bụi; trời cũng được chống lên và biển cũng
được khoanh lại; còn sông ngòi như là những cánh tay của hỗn mang vươn ra trên
mặt đất.
Sự khôn ngoan được chứng kiến tất cả công trình
tạo dựng ấy. Hơn nữa còn như đứa trẻ được Thiên Chúa quý mến, sự khôn ngoan và
niềm vui thú của Người đang lúc Người làm việc tạo dựng. Có lẽ vì vậy mà người
ta có thể nghĩ sự khôn ngoan đã giữ một vai trò tích cực hơn khi vũ trụ được
tạo thành. Thiên Chúa đã nhìn ra sự khôn ngoan khi làm việc, thì công trình
Người làm ra mang hình ảnh sự sống của sự khôn ngoan. Sự khôn ngoan đồng tạo
dựng với Thiên Chúa; vạn vật là công trình, là hình ảnh, là nơi ở của sự khôn
ngoan. Tuy nhiên không nơi nào được sự khôn ngoan chiếu cố như nơi con cái loài
người. Sự khôn ngoan tìm thấy vui thú ở nơi họ. Sự khôn ngoan đã muốn hiện diện
ở nơi họ...
Tất cả những lời này đều đẹp. Tác giả sách Cách
ngôn tỏ ra sâu sắc và tài tình. Ít ai có thể ca tụng sự khôn ngoan của Thiên
Chúa như ở đây. Những lời nhân cách hóa chúng ta vừa nghe khéo đến nỗi chúng ta
như được nhìn tận mắt hiện thân của sự khôn ngoan. Và vì lý do này, bài sách đã
được chọn để đọc hôm nay. Nhân vật mật thiết với Thiên Chúa trong việc tạo dựng
kia là ai, nếu không phải là Ngôi Lời và Ngôi Hai Thiên Chúa? Người được các
sách Tân Ước xưng tụng là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Nhưng nhân vật ấy cũng
có thể là Chúa Thánh Thần và Ngôi Ba Thiên Chúa vì Người là thần Chân lý. Phụng
vụ không dứt khoát bó buộc chúng ta phải hiểu cách nào. Phụng vụ chỉ muốn chúng
ta biết rằng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi đã không được Cựu Ước nói đến sớm sủa
vì sợ có hại cho tôn giáo độc thần; nhưng dần dần chân lý ấy đã được khơi lên
trong các sách khôn ngoan để chuẩn bị xa xa cho việc mạc khải toàn diện của Tân
Ước. Do đó chúng ta phải nhận ra đặc ân dành cho mình trong Ðức Giêsu Kitô và
phải nhờ thần trí của Người mà quý mến. Chúng ta hãy làm công việc này nhờ bài
Tin Mừng.
2. Những Mạc Khải An Ủi Của Tân Ước
Ðây là một đoạn trong câu chuyện Ðức Giêsu nói với
môn đệ trước khi ra đi chịu chết. Nó là chúc thư Người để lại cho họ. Do đó đây
là những lời thắm thiết nhất, an ủi nhất.
Phụng vụ hôm nay chỉ đọc cho chúng ta nghe mấy câu
thôi. Những câu này hướng về tương lai, nói đến Ðấng là Thần khí sự thật sẽ đến
giúp đỡ các môn đệ. Muốn hiểu đầy đủ về Người phải đọc ít nhất cả bài tường
thuật câu chuyện Chúa nói hôm nay. Chúng ta không làm như vậy được. Chúng ta
theo ý phụng vụ dừng lại nơi mấy câu vừa nghe.
Trong đoạn này Ðức Giêsu chỉ giới thiệu Ðấng an ủi
mà Người sẽ gửi đến từ nơi Chúa Cha cho các môn đệ là Thần Khí Sự Thật. Họ cần
phải có Người vì Ðức Giêsu còn nhiều điều nữa muốn nói với họ nhưng lúc này họ
không mang nổi. Nói đúng ra không phải Ðức Giêsu chưa nói hết với các môn đệ.
Người là mạc khải toàn vẹn. Người đã không tiếc với môn đệ một điều gì. Hơn
nữa, Người đã nói không úp mở, như có lần Người đã tuyên bố. Nhưng chính Người
đã tự ví như hạt giống và như người gieo giống. Người đã gieo hết Lời Chúa đấy,
nhưng các lời này còn phải mọc lên và sinh hoa trái. Vai trò của Ðấng an ủi sẽ
đến là "đưa các ngươi vào tất cả sự thật", vì sự thật đã đến, đã nói
và đang ở trước mặt các môn đệ, nhưng họ vẫn chưa vào và chưa có khả năng để
vào tất cả sự thật. Họ chưa hiểu Người đang nói với họ đủ; họ chưa bắt được hết
ý của Người. Họ cần phải được trợ giúp thêm. Và đó sẽ là công việc của Chúa
Thánh Thần.
Người được giới thiệu là Thần Khí Sự Thật, không
phải vì chỉ nơi Người mới có tất cả chân lý. Sự thật đã có ở nơi Thiên Chúa và
được Ngôi Lời mang xuống trần gian trong con người, cuộc đời và giáo huấn của
Ðức Giêsu. Thánh Thần không có điều gì mới lạ, vì "không phải tự mình mà
Ngài nói, nhưng nghe gì Ngài sẽ nói ra..." "Ngài sẽ lấy của Ta mà
thông báo cho các ngươi". Và đó cũng chẳng phải là lời của Ta, nhưng là
của Ðấng đã sai Ta vì "mọi sự Cha có, hết thảy là của Ta".
Với những lời lẽ thật đơn sơ ấy, Ðức Giêsu đã dạy
chúng ta về sự duy nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh
Thần sẽ đến với Hội Thánh sau Chúa Con, nhưng cũng chỉ để làm việc Chúa Con và
đưa công việc này đến chỗ hoàn tất. Ðó là việc mạc khải Lời Chúa, mạc khải
chính Thiên Chúa, mạc khải mọi sự Chúa Cha có mà Chúa Con đã nhận được tất cả,
để rồi Chúa Thánh Thần sẽ thông ban tất cả cho chúng ta. Ba Ngôi làm việc cho
chúng ta trong lịch sử theo thời gian trước sau và theo cách thức khác nhau.
Nhưng cũng chỉ là một công việc, một ý chí, một chân lý, một cơ sở chung là
chính bản tính Thiên Chúa.
Chính chúng ta vì yếu đuối không thể chấp nhận và
mang nổi tất cả ngay từ đầu. Dân Cựu Ước vì mang quan niệm độc thần đã khó nên
đã chỉ được mạc khải về một Thiên Chúa. Các môn đệ và người đồng thời với Ðức
Giêsu đã thấy, đã nghe, và đã sống với Người; nhưng quan niệm hiểu biết của họ
về Người và về Ðấng đã sai Người đến vẫn chưa được rõ ràng. Ấy là chưa kể họ
không chịu nổi những lời loan báo về tử nạn, phục sinh. Phải đợi Chúa Thánh
Thần đến giúp đỡ, dần dần họ mới nhớ lại và hiểu rõ về Ðức Giêsu. Bấy giờ họ
mới tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Chúa và là Con Thiên Chúa.
Vậy, nếu những điều về chính Ðức Giêsu và cuộc
sống của Người mà họ cũng chưa hiểu được, thì huống nữa là những điều mà Người
bảo là sẽ đến, tức là về Thánh Thần và Hội Thánh của Người, họ mang nổi lập tức
sao được? Nhưng khi Thánh Thần đã đến, lập tức họ thấy ngay Thiên Chúa đã ban
cho họ Lời hứa. Lời hứa của Ðức Giêsu trước khi ra đi là sai Thánh Thần đến,
lời hứa của Thiên Chúa sẽ đổ đầy Thần Khí xuống trong thời đại mới. Họ thấy
ngay Thánh Thần là Thiên Chúa. Rồi nhờ Người, họ biết Ðức Giêsu Kitô là Chúa,
đúng như lời Chúa nói hôm nay: Thánh Thần đã làm vinh hiển Người. Và như vậy họ
hiểu Thiên Chúa Ba Ngôi; họ rõ những lời Ðức Kitô đã mạc khải về Thiên Chúa Ba
Ngôi. Ðang khi ấy dần dần họ hiểu về mầu nhiệm Hội Thánh mà họ cũng nghe Ðức
Giêsu nói, nhưng chưa hiểu. Và đó là công việc của Chúa Thánh Thần mà hôm nay
Ðức Giêsu đã khẳng định sẽ đến "loan báo cho môn đệ những điều sẽ
đến".
Thế là với Chúa Thánh Thần, chúng ta đã được đưa
vào tất cả sự thật, không phải sự thật ở trần gian thay đổi này, nhưng là sự
thật của Thiên Chúa, của chương trình cứu độ để chúng ta được giải thoát tội
lỗi mà đi vào sự sống và hạnh phúc chân thật. Sự thật cứu rỗi là nhận biết Chúa
Cha toàn năng đã yêu thương loài người đến nỗi đã ban Con Một Người cho chúng
ta; và nhận biết Ðức Giêsu là Ðấng Kitô, Người sai đến là Chúa; và nhận biết
Chúa Thánh Thần là Ðấng an ủi đang đưa chúng ta vào tất cả sự thật.
Ðó là sự nhận biết mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, căn cứ
vào lịch sử cứu độ, nên chắc chắn, khác hẳn những hình ảnh và lời lẽ rất đẹp
trong các sách Cựu Ước. Ðiều này khiến chúng ta phải tạ ơn và phấn khởi, như
lời thư Phaolô hôm nay khuyên bảo chúng ta.
3. Những Bảo Ðảm Chắc Chắn Của Chúng Ta
Ngay từ đầu, thánh Tông đồ xác định chúng ta là
những người đã được Thiên Chúa công chính hóa, nhờ đức tin. Thật vậy, đức tin
là sự thật cứu độ chứ không phải là chân lý thỏa mãn trí óc con người. Chúng ta
tin Chúa Ba Ngôi để thấy Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần cứu độ chúng ta
chứ không phải để biết về Thiên Chúa như là mầu nhiệm mà trí tuệ muốn khám phá
để thỏa mãn. Nhờ tin vào Chúa và chịu phép rửa nhân danh Ba Ngôi, chúng ta đã
được công chính hóa, tức là khỏi tội và được ơn nghĩa với Thiên Chúa. Do đó,
chúng ta được sống trong bình an với Người, tức là được ở trong thế giới ân
sủng đầy tình thương của Người.
Nhưng hiện tại vẫn chưa là gì sánh với tương lai.
Khi chúng ta được với Người diện đối diện. Niềm trông đợi này không hão huyền
vì hiện nay Thiên Chúa đã đổ Thánh Thần của Người xuống lòng chúng ta. Người là
Lời Hứa của mọi Lời Hứa. Người đã được ban cho ta thì chúng ta đã nắm được phần
chắc của mọi Lời Hứa. Niềm trông cậy của chúng ta được đảm bảo chắc chắn nhờ
việc Thánh Thần đã hiện xuống. Và hiện nay Người đang từ từ làm việc để biến
đổi lòng con người và cả thế giới cho đến ngày Ðức Giêsu Kitô hiện ra trong
vinh quang.
Thế nên ngay đến cả những sự đau khổ và thử thách
ở đời này cũng trở thành niềm kiêu hãnh cho chúng ta, vì chúng chỉ đem thêm hào
quang đến cho định mệnh của chúng ta đã được đảm bảo trong việc chiếm hữu Thánh
Thần.
Như vậy tất cả chỉ tùy thuộc ở việc chiếm hữu này.
Thiên Chúa đã đổ Thánh Thần của Người xuống. Chúng ta có lãnh nhận và bảo toàn
được không? Thánh Lễ là cơ hội để chúng ta vừa lãnh thêm vừa củng cố hơn các ơn
Thánh Thần. Không phải chỉ cần dự lễ sốt sắng là đủ. Nhưng như lời sách Cách
ngôn nói, phải như có Thánh Thần khi làm các việc thì đó mới là tạo dựng tốt
đẹp, và mới là xây dựng thánh thiện. Và khi có Thánh Thần ở bên như vậy, chúng
ta sẽ được đưa vào tất cả sự thật về Thiên Chúa Ba Ngôi để chúng ta là những
người tôn thờ chân thật. Chúng ta hãy cầu xin sốt sắng cho nhau được thêm ơn
Thánh Thần để luôn kính yêu Thiên Chúa Cha tạo dựng, Thiên Chúa Con Cứu Thế và
Thiên Chúa Thánh Thần đang làm việc trong Hội Thánh, để khi ở giữa trời đất
chúng ta biết yêu mến Chúa, khi làm việc chúng ta biết hợp tác với Người, khi
sống trong xã hội chúng ta lấy tình thương của Người mà đối xử, để đời sống
chúng ta là của Thiên Chúa Ba Ngôi.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)