Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa Năm C

Con Là Con Chí Ái Của Ta

(Isaia 42,1-7; Công vụ Tông đồ 10,34-38; Luca 3,15-22)

 

Phúc Âm: Lc 3, 15-16. 21-22

"Khi Chúa Giêsu đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra".

Khi ấy, trong lúc dân chúng đang mong đợi, và mọi người tự hỏi trong lòng rằng: "Gioan có phải là Ðấng Kitô không?", Gioan lên tiếng bảo mọi người rằng: "Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Ðấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!"

Vậy khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính lúc Chúa Giêsu cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán: "Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha".

 

Suy Niệm:

Tự nhiên chúng ta không thích việc Chúa Giêsu chịu phép rửa bởi tay ông Gioan. Chính ông này khi thấy Chúa đến xin rửa cũng đã bắt đầu từ chối: Vì Chúa là Ðấng Công Chính và Cứu Thế lẽ nào còn phải và còn cần phải được rửa? Hơn nữa, Gioan sánh với Chúa là gì mà dám giơ tay dội nước rửa cho Ngài? Nhưng ý nghĩ là loài người của chúng ta không như ý nghĩ của Chúa. Phụng vụ - và đặc biệt phụng vụ Ðông phương - đã khám phá ra ý nghĩa của việc Chúa xin chịu phép rửa của Gioan, nên muốn cử hành ngày lễ hôm nay thật long trọng.

Phụng vụ coi lễ này như một phần của mùa Hiển linh, tức là mùa Chúa tỏ mình ra trong việc giáng sinh làm người. Hơn nữa, có thể nói đây là tột đỉnh của việc Chúa Hiển Linh, nên đáng dùng để kết thúc mùa phụng vụ Giáng Sinh, là mùa cử hành mầu nhiệm Chúa tỏ mình ra.

Thoạt đầu Người tỏ mình nơi máng cỏ cho một số mục đồng, rồi Người đã cho Simêon và Anna được bồng ẵm trong đền thờ; Và cho các đạo sĩ từ xa đến thờ lạy. Lớn lên, Người đã hành hương Giêrusalem để bắt đầu khiến các luật sĩ phải kinh ngạc. Nhưng những lần hiển linh này chỉ như những tia sáng vừa lóe ra đã vội tắt đi: chẳng ai biết Ðức Giêsu trong 30 năm ở Nadarét đã làm gì và như thế nào...? Mãi cho đến hôm nay, Người đi giữa quần chúng, tiến lên xin ông Gioan rửa cho, và có tiếng từ trời tuyên bố Người là Con chí ái của Thiên Chúa.

Thời gian ẩn thân của Người đã chấm dứt: từ nay Người trở thành nhân vật công khai và được chú trọng nhiều nhất. Lễ Người chịu phép rửa hôm nay không phải là tuyệt đỉnh của việc Hiển Linh sao? Nó bộc lộ con người Ðức Giêsu khi đã "trưởng thành". Nó cho chúng ta thấy con người sắp thi hành công cuộc Cứu Thế là ai? Nó kết thúc mùa Giáng sinh vì nó hoàn tất việc Ðức Giêsu tỏ mình ra cho chúng ta biết rõ con người của Ngài.

Do đó chúng ta hãy nhờ phụng vụ hôm nay để biết rõ, biết hết về con người sắp sửa đi làm công việc cứu thế. Chúng ta sẽ nhờ các bài đọc Kinh Thánh để hiểu Ðức Giêsu thành Nadarét là ai, trước khi quan sát các hoạt động cứu thế của Người mà các Chúa nhật sau đây sẽ kể lại. Chúng ta nhờ các bài sách Isaia chuẩn bị trước để hiểu bài Tin Mừng. Và chúng ta sẽ dùng bài sách Công vụ để biết Ðức Giêsu còn là người thế nào đối với chúng ta ngày nay.

 

1. Này Ðây Tôi Tớ Của Ta

Bài sách Isaia là bài mở đầu cho một loạt bốn bài của tác giả nói về Người Tôi Tớ (49,1-6; 50,4-9; 52,13-53,12).

Phần này rất quý trong sách Isaia. Nhà tiên tri loan báo rằng đến thời kỳ đã định, Thiên Chúa sẽ ra tay oai hùng cứu dân nhờ Người Tôi Tớ của Ngài. Ai là người tôi tớ này? Isaia đã không chỉ đích danh Ngài, nhưng đã mô tả Ngài dưới nhiều nét độc đáo để hậu thế có thể nhận ra Ngài khi Ngài xuất hiện.

Ðoạn trích hôm nay cho chúng ta biết những nét đầu tiên. Người Tôi Tớ mà Thiên Chúa đã tuyển chọn, nâng đỡ và sủng mộ, sẽ được Chúa tấn phong, không phải bằng dầu thơm như các vua chúa, tiên tri và tư tế trong dân Chúa, nhưng với chính Thần Khí của Chúa. Dĩ nhiên đã có nhiều người nhận được Thần Khí của Chúa để làm công việc của Người từ thời Abraham cho tới nay. Ðặc biệt không có Thần Khí của Chúa, các tiên tri đã không thể tuyên sấm. Nhưng khi Isaia viết như trên, ông nghĩ đến lời hứa rằng: trong những ngày ấy, tức là đến thời kỳ sung mãn cứu độ, Thiên Chúa sẽ đổ Thần Trí của Người trên Israen mới và người ta sẽ trở nên dân mới không còn bội phản giao ước nữa. Và như vậy, người Tôi Tớ mà Chúa dùng để làm công việc cứu độ hẳn phải nhận được Thần Trí Chúa trước hết và đầy đủ nhất. Hơn nữa, Chúa sẽ ban Thần Trí cho tôi tớ một cách công khai, thay thế lễ nghi xức dầu mà người ta vẫn coi như là dấu hiệu tấn phong kẻ được Chúa chọn. Chính việc ban Thần Khí công khai và trực tiếp bởi tay Chúa như vậy đánh dấu sự khác thường và trổi vượt của việc tuyển chọn người Tôi Tớ. Không ai trong quá khứ và tương lai được giới thiệu và chứng thực như vậy. Và việc này là dấu chỉ đầu tiên về ưu vị của Người Tôi Tớ trong chương trình cứu độ của Người.

Dĩ nhiên Phụng Vụ hôm nay đã chọn bài đọc này vì điều mà Isaia vừa mô tả, tức là vì việc Thiên Chúa đã ban Thần Trí của Người cho Người Tôi Tớ. Chúng ta sẽ thấy trong bài Tin Mừng, Ðức Giêsu sẽ nhận được Thần Trí như thế nào. Nhưng hơn nữa, Phụng vụ còn muốn chúng ta để ý đến chính danh xưng Người Tôi Tớ trong bài sách Isaia để nhìn Ðức Giêsu đến chịu Gioan rửa như là Người Tôi Tớ đích thực của Thiên Chúa.

Isaia trong đoạn văn hôm nay mô tả người Tôi Tớ có sứ mạng làm "rạng phán quyết ra cho các nước", tức là làm cho các dân tộc nhận biết sự xét xử của Thiên Chúa về các việc lành dữ, và về các người tốt xấu. Ngài sẽ hủy sự tội lỗi và thiết lập sự Công chính. Và nói theo tâm lý người dân Cựu Ước thì Ngài sẽ giải cứu người ngay và trừng phạt kẻ dữ. Ðặc biệt Ngài sẽ quan tâm đến số phận những người nghèo khó, để kẻ mù được xem, người tù được phóng thích và dân cư bóng tối sẽ được đưa vào nơi sáng láng.

Sứ mạng ấy, Ngài không thi hành bằng võ lực, nhưng theo cách khiêm cung, từ tốn. Ngài không la lối, và lên tiếng to, Sậy đập Ngài không nỡ bẻ; tim đèn leo lét, Ngài không dập tắt. Ngài dùng lẽ thật mà làm rạng phán quyết. Dĩ nhiên Ngài sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng Ngài sẽ không nao núng vì "này lời của Thiên Chúa:

"Chính Ta đã gọi ngươi...

Ta nắm tay ngươi"...

Vinh quang của Ta, Ta sẽ không ban cho người khác".

Tất cả những lời tiên tri ấy đều rất quý. Chúng ta có thể dựa vào mà tìm hiểu con người của Ðức Giêsu. Nhưng có lẽ hôm nay phụng vụ không cần đến những quan niệm phong phú như vậy. Phụng vụ chỉ cần chúng ta lưu ý: Ðức Giêsu là người Tôi Tớ đích thực của Thiên Chúa và Ngài đã được Thiên Chúa ban Thần Trí tấn phong làm việc cho các dân tộc. Ðiều phụng vụ muốn hơn nữa, là danh từ Người Tôi Tớ hãy gợi lên trong đầu óc chúng ta những nội dung cốt yếu của toàn loạt bốn bài ca về Người Tôi Tớ trong sách Isaia, để không những chúng ta thấy Ngài khiêm nhu, từ tốn như trên vừa nói, mà còn bị đánh đập và giết đi vì tội lỗi của loài người. Chính những tư tưởng này lại càng có ích cho việc hiểu biết Ðức Giêsu trong việc chịu phép rửa hôm nay. Quả vậy khi muốn chúng ta biết Ngài là Người Tôi Tớ của Thiên Chúa, luôn luôn phụng vụ ngầm hiểu Ngài là Người Tôi Tớ đau khổ, bởi vì trong sách Isaia không thể biết có người Tôi Tớ mà lại không thấy đó là người Tôi Tớ đau khổ. Quan niệm này sẽ giúp chúng ta dễ hiểu câu chuyện kể trong bài Tin Mừng.

 

2. Con Là Con Chí Ái Của Ta

Phần đầu cho chúng ta thấy Gioan giới thiệu Ðức Giêsu là Người quyền thế hơn sẽ đến, bởi vì Ngài sẽ không rửa bằng nước, nhưng trong Thánh Thần và lửa. Ðiều này có nghĩa là phép rửa của Gioan cũng thua kém phép rửa của Ðức Giêsu. Một đàng chỉ rửa bằng nước để được ơn tha tội; đàng kia sẽ rửa trong Thánh Thần và lửa, tức là trong ơn thánh hóa và thiêu hủy tội lỗi. Nhưng điều ấy cũng có nghĩa là Ðức Giêsu vượt trội hơn Gioan. Ông chỉ là tiền hô cho Ngài. Ông dọn đường để Ngài đến. Chính Ngài sẽ đến rửa trong Thánh Thần và lửa, tức sẽ là công chính hóa người này và thiêu hủy người kia. Ngài đến để xét xử, y như Isaia đã loan báo...

Thế mà khi Ngài đến chúng ta có thấy như vậy đâu. Phần sau bài Tin Mừng nói rõ Ðức Giêsu đã đến ở giữa toàn dân. Ngài cũng chịu rửa. Nhưng rồi, đang khi Ngài cầu nguyện thì trời mở ra, Thánh Thần lấy hình bồ câu đáp xuống và tự trời có tiếng phán ra: "Con là Con Chí Ái Ta, hôm nay Ta đã sinh ra con".

Tác giả Luca đã kể quá vắn tắt. Ông nghĩ rằng ai ai cũng đã biết rõ chuyện Chúa chịu phép rửa của Gioan. Ðó là điều đầu tiên các Tông đồ giảng về Chúa Giêsu cho mọi người theo dàn bài tường thuật về Ngài "từ khi chịu Gioan rửa cho đến khi chịu chết sống lại, lên trời và sai Thánh Thần xuống". Luca thấy không cần nhắc lại dài dòng làm gì. Ông viết thật vắn tắt, tức là chỉ giữ lại những nét thật cốt yếu. Do đó những lời ông kể trở nên rất giá trị.

Luca cho chúng ta thấy Ðức Giêsu đã đến ở giữa toàn dân. Ngài đi ở giữa họ. Và họ đến với Gioan để xưng thú tội lỗi và chịu phép rửa. Kẻ đứng ngoài phải liệt Ngài vào hạng tội nhân. Và Ngài muốn như vậy, vì Ngài được sai đến gánh tội thiên hạ, Ngài là Người Tôi Tớ Thiên Chúa muốn mang lấy mọi vết hằn của loài người chúng ta...

Những lần Ngài tỏ mình ra trước đây, chưa bao giờ Ngài hạ mình xuống sâu như vậy. Khi sinh ra nơi hang đá máng cỏ, thiên tính đã hạ mình, nhưng còn mặc lấy thân thể một hài nhi dễ thương. Lúc được đưa vào dâng trong đền thờ Simêon vẫn còn chào Ngài là ánh sáng muôn dân. Và hôm ở trong đền thờ hồi 12 tuổi, Ngài đã làm cho nhiều luật sĩ kinh ngạc. Còn hôm nay, ở đây Ngài để người ta coi mình như một tội nhân ở giữa toàn dân tội lỗi. Ngài chia sẻ thân phận khốn nạn nhất của loài người vậy.

Tại sao Ngài làm thế? Chính lúc đó chẳng ai giải thích được. Ngay Ðức Giêsu cũng đã từ chối cắt nghĩa cho Gioan hiểu thái độ của Ngài khi ấy. Ngài chỉ hứa sau này sẽ hiểu; còn lúc này cứ làm theo ý Thiên Chúa. Và Gioan đã làm theo ý Ngài và rửa cho Ngài. Nhưng sau này, khi đã được Thánh Thần soi sáng, các tông đồ đã hiểu. Bấy giờ đã có cây Thánh Giá. Ðức Giêsu đã bị treo lên như một tội nhân ở giữa những kẻ gian phi. Ngài chịu rửa một lần nữa - và lần này bằng máu - như lòng Ngài ao ước. Nhờ vậy các tông đồ đã hiểu ra ý nghĩa của lần rửa nơi sông Giođan. Hôm ấy Ðức Giêsu đã muốn báo trước cuộc tử nạn của Ngài. Có thể nói Ngài đã tập dượt cuộc tử nạn. Ngài đóng vai trò Người Tôi Tớ mang lấy tội lỗi của đồng loại. Ngài là Con Chiên gánh tội thiên hạ. Ngài đã chọn lần xuất hiện công khai với dân chúng để làm công việc này là có tính toán: để tỏ lòng liên kết với nhân loại tội lỗi; để nói với mọi người rằng; Ngài sẽ đưa họ vượt qua khỏi tội khi mang tội của họ trên thân thể của Ngài; để họ biết rằng Ngài được sai đến để xóa tội chứ không phải làm công việc nào khác; để rồi đây họ sẽ thấy Ngài chịu rửa trong máu để ban nước rửa trong Thánh Thần.

Vậy việc chịu rửa hôm nay là hình ảnh về cuộc tử nạn mai ngày thì phải có hình ảnh về việc phục sinh kèm theo vì chẳng bao giờ có tử nạn tách rời phục sinh. Do đó đã có cảnh trời mở ra, Thánh Thần đáp xuống, và tiếng Chúa Cha tuyên bố từ trời cao: "Con là Con Chí Ái Ta, hôm nay Ta đã sinh ra Con". Theo thánh Phaolô, đây là lời Thiên Chúa nói với Ðức Giêsu trong mầu nhiệm phục sinh. Luca là môn đệ của Thánh Thần, hẳn đã phải hiểu theo ý đó; và theo truyền thống của kinh Thánh, đây cũng là công thức Vua Cha quen dùng để Ngôi cho thái tử kế vị trong ngày đăng quang. Luca biết truyền thống này và hẳn đã muốn tuyên xưng Vương quyền của Chúa Giêsu trong Mầu nhiệm Phục sinh.

Nhưng rõ rệt ở đây, ai ai cũng thấy Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa, vì tiếng từ trời phán ra không mập mờ tí nào. Lời ấy đã đi kèm việc ThánhThần lấy hình bồ câu đã xuống, khiến đó thật là lời tấn phong và việc Thánh Thần ngự xuống là hành vi xức dầu từ trước tới nay trong lịch sử dân Chúa. Và như vậy lời sách Tiên tri Isaia hôm nay đã ứng nghiệm. Ðức Giêsu là Người Tôi Tớ của Thiên Chúa tuyển chọn, sủng mộ và nâng đỡ để làm rạng phán quyết cho các nước tức là đưa các dân tộc khỏi lầm lạc và tội lỗi để được đưa vào nước Chân lý và Thánh thiện. Do đó chưa bao giờ Ðức Giêsu tỏ mình ra như hôm nay, vừa công khai vừa với nhiều tước hiệu và những tước hiệu cao quý hơn cả. Chúng ta được biết Ngài là Con Thiên Chúa, được Chúa Cha sủng mộ. Ngài được tấn phong trong Thánh Thần để được xưng tụng là Kitô một cách đặc biệt hơn hết vì chẳng ai được "xức dầu" như Ngài. Vẻ khiêm cung khó nghèo của Ngài chỉ làm chứng Ngài thật là Người Tôi Tớ của Thiên Chúa mà sách Isaia đã loan báo. Người Tôi Tớ ấy sẽ đau khổ vì tội lỗi loài người đến nỗi bị giết, bị đâm nhưng sẽ được tôn vinh; nên hôm nay chúng ta thấy Ðức Giêsu đứng trong hàng ngũ tội nhân và chịu Gioan rửa. Ngài làm trước cuộc tử nạn sau này và do đó Chúa Cha hôm nay cũng báo trước việc Ngài sẽ phục sinh. Và dòng sông Giođan hôm nay chứng kiến những sự kiện này cũng được trở nên hình ảnh về phép rửa tái sinh nhân danh Ðức Giêsu chịu chết và sống lại. Do đó nói như nhiều Giáo Phụ đã nói; Ðức Giêsu hôm nay xuống dòng sông Giođan là để thành hóa nước thánh tẩy tội nhân sám hối sau này.

Tất cả những ý nghĩa ấy không làm cho ngày lễ hôm nay nên long trọng sao? Chúng ta phải sống thế nào cho xứng đáng?

 

3. Ngài Thi Ân Giáng Phúc

Bài sách Công vụ hôm nay là mấy câu đầu trong bài diễn từ của Phêrô tại nhà một viên sĩ quan Rôma. Ông đã đến đây theo lệnh Thánh Thần vì Ngài muốn cho cả lương dân cũng được ơn cứu độ của Ðức Giêsu Kitô. Ông thấy rõ: Thiên Chúa không thiên vị ai, nhưng chiếu cố đến mọi người có lòng ngay. Ngài đã sai đến cho tất cả chúng ta một Ðấng Giêsu Kitô, đã được Ngài xức dầu bằng Thánh Thần và quyền năng để ngang qua đâu, Ðức Giêsu cũng thi ân giáng phúc và chữa lành mọi kẻ bị quỷ ma áp bức thống trị.

Dĩ nhiên Phêrô đã ám chỉ đến những lần Ðức Giêsu chữa bệnh và xua đuổi tà thần ra khỏi những kẻ bị quỷ ám. Nhưng những phép lạ ấy chỉ là dấu hiệu nói lên sứ mạng của Ngài là cứu nhân loại tội lỗi ra khỏi quyền lực của Satan. Và như vậy, những lời Phêrô nói hôm nay như muốn kéo dài việc hiển linh ở bờ sông Giođan. Ông giới thiệu việc làm của Ðức Giêsu sau khi chịu phép rửa. Lời ông nói không những phù hợp với lễ hôm nay mà còn gợi ý, để chúng ta thấy ảnh hưởng của Ðức Giêsu Kitô còn kéo dài cho những "người kính sợ Chúa và làm lành" ở mọi thời và mọi nơi, chẳng thiên vị hoặc kỳ thị ai.

Chúng ta vẫn tin như vậy, nhưng cần giục thêm lòng tin mỗi khi đến với Chúa Giêsu Kitô, dặc biệt trong những giờ thánh lễ như bây giờ. Chúng ta sẽ được tiếp xúc với Ngài trong Thánh Thể.

Ðây cũng là mầu nhiệm tử nạn phục sinh. Bánh rượu bề ngoài cũng tầm thường thôi; nhưng lời truyền phép cho chúng ta biết giá trị đã thay đổi rồi. Không có gì giống như trong việc Ðức Giêsu chịu phép rửa sao? Hôm ấy bề ngoài Ngài là phận tôi tớ, nhưng tiếng Thiên Chúa đã tuyên dương Ngài là Con Chí Ái cùng lúc với Thánh Thần đã lấy hình bồ câu đáp xuống trên Ngài. Nếu chúng ta đã chấp nhận những lời Thánh Kinh về việc Ngài chịu rửa, thì chúng ta hãy lãnh nhận Thánh Thể với niềm tin mạnh mẽ như thế, để như lời Phêrô nói, Ðức Giêsu đi ngang qua sẽ thi ân giáng phúc và cứu chúng ta khỏi quỷ ma áp bức thống trị.

Hơn nữa, rồi ra sau thánh lễ, chúng ta phải theo gương Ngài đi giữa trần gian. Chúng ta cũng có thể làm nhiều việc bác ái thương người! Chúng ta cũng có thể làm nhiều việc bác ái thương người! Và chúng ta cũng có thể xua đuổi ảnh hưởng và áp lực của quỷ ma nếu chúng ta kính sợ Thiên Chúa và làm lành với sự trợ giúp của ơn Ngài. Còn nói gì nữa, khi chúng ta lại muốn như Ngài trở thành Người Tôi Tớ Thiên Chúa sẵn sàng mang các gánh nặng của anh em! Sự thật, có làm như vậy, chúng ta mới tỏ ra đã hiểu việc Chúa Giêsu đã chịu phép rửa hôm nay và đã để cho việc ấy sinh ơn cứu độ cho mình. Cầu chúc chúng ta làm được như vậy.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C