Lễ Chúa Giê-su Chịu Phép Rửa

 

          Có ba dịp Chúa Giê-su tỏ mình là Đấng Cứu độ:  Lễ Hiển Linh, Chúa chịu phép rửa của Gio-an và khi Chúa làm phép lạ đầu tiên tại Ca-na.  Mỗi dịp mang một sắc thái riêng biệt, nhưng nhắm cùng một mục đích là giới thiệu Chúa Giê-su là Đấng cứu độ nhân loại.  Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại khẳng định của ông Gio-an Tẩy giả về con người và sứ mệnh của Đấng Ki-tô là Chúa Giê-su, trong khi Thiên Chúa Cha trịnh trọng giới thiệu với toàn thể nhân loại Chúa Giê-su là Con yêu dấu được Người sai đi để thực hiện kế hoạch cứu độ.  Việc giới thiệu này đã được ngôn sứ I-sai-a tiên báo và ngài còn nói rõ hơn về sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Chúa Ki-tô.  Còn thánh Phao-lô với cái nhìn thần học, lại nhìn Chúa Giê-su là “Ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người”.

 

1.  Ông Gio-an Tẩy giả và “tiếng từ trời” nói gì về Chúa Giê-su?  (bài Tin Mừng – Lu-ca 3:15-16.21-22)

 

          Nếu ta lấy sự kiện Thiên Chúa Cha (“tiếng từ trời”) giới thiệu Chúa Giê-su là Con yêu dấu Người làm điểm cốt yếu thì việc Chúa Giê-su chịu phép rửa của ông Gio-an chỉ là bối cảnh cho việc giới thiệu.  Vậy trước hết ta xét qua bối cảnh khi Chúa Giê-su chịu phép rửa.  Thánh Lu-ca đề cập đến tình trạng dân chúng trông đợi Đấng Mê-si-a.  Đã bao năm sống dưới kìm kẹp thống trị của đế quốc Rô-ma, người dân Ít-ra-en trông đợi “đấng mê-si-a” đến giải phóng quốc gia và đem lại tự do cho họ.  Đó là quan niệm thường tình thời bấy giờ.  Ngay cả các Tông đồ cũng nghĩ và một niềm trông đợi như thế (x. Cv 1:6-7).  Ông Gio-an biết rõ dân chúng mong đợi như vậy và biết họ lầm tưởng ông với “đấng mê-si-a”, nên ông muốn giải thích cho họ hiểu.  Ông lấy chính công việc ông đang làm phép rửa để giúp họ hiểu vai trò và sứ mệnh của Đấng Mê-si-a đích thực.  So sánh thân phận ông với thân phận của Đấng Mê-si-a, ông “không đáng cởi quai dép cho Người”.  Ông cũng thầm nhắn nhủ dân chúng rằng:  nếu anh chị em đã tỏ lòng ngưỡng mộ tôi và việc làm của tôi, thì xin hãy hướng về “Đấng quyền thế hơn tôi đang đến”;  tôi là kẻ chỉ đường, còn Người mới chính là con đường và đích tới;  tôi làm nghi thức rửa để giúp anh chị em chuẩn bị tâm hồn, còn Người mới có quyền năng và tư cách tha thứ và xóa bỏ tội lỗi anh chị em.  Phép rửa Chúa Giê-su sẽ chịu (Mc 10:39) là cuộc Thương khó và cái chết thập giá của Người.  Phép rửa ấy được thực hiện dưới tác động và hướng dẫn của Thánh Thần cũng như do lửa yêu mến Chúa Giê-su dành cho Thiên Chúa và anh chị em đồng loại của Người (Ga 15:13).  Không biết có bao nhiêu người đã hiểu và chấp nhận sứ điệp ông Gio-an nói về Chúa Giê-su đây?

          Tuy nhiên ngay sau “tiếng dưới đất” của ông Gio-an, ta được nghe “tiếng từ trời” của Thiên Chúa Cha quả quyết về sứ mệnh của Chúa Giê-su.  Trước hết, “Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu” và sẽ dẫn dắt Người qua suốt những năm tháng thi hành sứ vụ cứu độ.  Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giê-su còn chứng nhận cho lời giải thích của ông Gio-an về Đấng Mê-si-a đích thực như ta vừa thấy ở trên.  Còn về “lửa” yêu mến trong Chúa Giê-su thì chính Thiên Chúa Cha đã làm chứng khi Người phán trước toàn thể nhân loại:  “Con là Con yêu dấu của Cha;  Cha hài lòng về Con”. 

Lời giới thiệu của Thiên Chúa Cha cũng được coi như lời nhắn nhủ và khích lệ Chúa Giê-su trước khi Người lên đường rao giảng Tin Mừng và chữa lành nhân loại.  Lời ấy cho thấy Chúa Cha hoàn toàn tin tưởng Con yêu dấu Người chắc chắn sẽ chu toàn sứ mệnh cứu độ thế gian.  Thật là một khung cảnh trang trọng, nhưng đơn sơ và đầy ắp tình Cha Con thắm thiết.

 

2.  Cái nhìn của ngôn sứ I-sai-a về ngày trọng đại Thiên Chúa giới thiệu Đấng cứu độ  (bài đọc Cựu Ước – I-sai-a 49:1-5.9-11)

 

          Những gì xảy ra bên bờ sông Gio-đan hôm nay cũng là điều được tiên báo do ngôn sứ I-sai-a trong Cựu Ước và được suy niệm do Tông đồ Phao-lô trong Tân Ước.  Vậy I-sai-a đã nhìn thấy gì trong ngày trọng đại này? 

          Trước hết ngôn sứ báo tin vui cho Giê-ru-sa-lem rằng “thời phục dịch của Thành đã mãn và tội của Thành đã đền xong”.  Ngài muốn nhân loại hướng nhìn về trời mới đất mới, đó là Triều Đại Thiên Chúa hoặc thời cứu độ đã đến gần, nói cho rõ hơn, Thiên Chúa cứu độ là Chúa Giê-su Ki-tô đang tới.  Liền sau đó, I-sai-a đã tự cho mình là “tiếng hô trong sa mạc” mời gọi mọi người hãy chuẩn bị đón nhận “vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện”.  Giê-ru-sa-lem nằm trong tay ngoại bang là hình bóng của một nhân loại đang bị tội lỗi khống chế.  Muốn được giải thoát, nhân loại phải làm một cuộc sám hối trở về với Thiên Chúa.  Hình ảnh dọn một con đường cho Chúa đến cũng đã được ông Gio-an Tẩy giả lập lại khi ông làm phép rửa bên sông Gio-đan và rao giảng sám hối.

          Tiếp đến, ngôn sứ I-sai-a mô tả sứ vụ của “kẻ loan tin mừng” cho Xi-on và Giê-ru-sa-lem.  Kẻ loan tin mừng sẽ “trèo lên núi cao, lên Giê-ru-sa-lem, đến các thành miền Giu-đa…, cất tiếng lên cho thật mạnh” để loan báo cho mọi người biết Tin Mừng Thiên Chúa cứu độ.  Vậy kẻ loan tin mừng đây là ai?  Chắc chắn ta có thể hiểu ngôn sứ muốn nói về Chúa Giê-su và sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Người.  Như chúng ta thấy qua những trang sách Tin Mừng, Chúa Giê-su đã đi khắp nơi thực hiện những điều I-sai-a và Cựu Ước nói về Người.  Đây cũng là sứ vụ Chúa Giê-su lên đường chấp hành sau khi được Chúa Cha, “tiếng từ trời”, long trọng sai đi.  “Thần khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn…” (Is 61:1).  Ngôn sứ I-sai-a đã nhìn thấy trong thị kiến của ngài quang cảnh Thiên Chúa sai Chúa Giê-su đi:  “Con là Con yêu dấu của Ta”.  Phụng vụ Lời Chúa quả thực đã sắp đặt tuyệt vời các bài đọc Cựu Ước và bài Tin Mừng, tuy nhiên không thể bỏ qua bài suy niệm của thánh Phao-lô trong thư gửi ông Ti-tô.

 

3.  Thánh Phao-lô suy niệm về việc Thiên Chúa biểu lộ ơn cứu độ  (bài đọc Tân Ước – Ti-tô 2:11-14;3:4-7)

 

          Trước biến cố trọng đại Thiên Chúa giới thiệu Con yêu dấu của Người là Đấng cứu độ, thánh Phao-lô chia sẻ một vài tâm tình về “lòng từ bi và nhân ái của Thiên Chúa”.  Ngài gọi Chúa Giê-su là “Ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ”.  Thánh Gio-an Tông đồ cũng đồng quan điểm khi nhìn Chúa Giê-su là “Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật”, để “từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1:14.16).  Ân sủng ấy đến “mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2:7) để dạy ta sống cuộc sống mới của con cái Thiên Chúa (Tt 2:12), chết để cứu chuộc ta khỏi tội lỗi, quy tụ ta thành dân Thiên Chúa (Tt 2:14).

          Đối với việc Thiên Chúa ban cho ta Ân Sủng vô cùng lớn lao ấy, thánh Phao-lô xác tín đó là vì “Thiên Chúa biểu lộ lòng từ bi và nhân ái của Người”.  Ân sủng là quà tặng của Thiên Chúa, dấu chỉ nói lên lòng Thiên Chúa yêu thương ta.  Ân sủng Thiên Chúa ban, đó là ơn cứu độ, hay nói đúng hơn, đó là Đấng cứu độ, là “Con yêu dấu” của Người.  Động lực khiến Thiên Chúa cứu độ ta không phải từ phía ta, nhưng đơn phương từ phía Thiên Chúa, “là vì Người thương xót”.  Người cha đâu nỡ để con cái mình bị hư hỏng, nhưng cố gắng cứu vớt nó.  Còn hơn thế nữa, Thiên Chúa muốn làm mọi cách để cứu ta khỏi hư mất đời đời.  Do đó, Người đã thực hiện một kế hoạch diệu kỳ “nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng cứu độ chúng ta”.  Phép Rửa của Chúa Giê-su hay cái chết của Người giúp cho ta được sinh lại với danh phận làm con Chúa.  Thánh Thần của Người đổ xuống trên ta để dẫn dắt ta sống lý tưởng làm con Chúa.  Nghĩ đến tất cả những gì Thiên Chúa thực hiện nhờ Chúa Giê-su để cứu độ ta, thánh Phao-lô muốn hiến cả cuộc đời để rao giảng cùng ca ngợi lòng từ bi và nhân ái của Thiên Chúa.  Đó cũng là động lực thúc đẩy ngài hăng say trong những hành trình truyền giáo để mang Tin Mừng đến cho anh chị em Dân ngoại.  Ngài mong mọi người hãy lắng nghe “lời dạy của Ân sủng” (tức là Chúa Ki-tô), để “từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này” (Tt 2:12), đồng thời cũng phải tin tưởng và hết sức đáp lại lòng từ bi và nhân ái Thiên Chúa dành cho ta.

 

4.  Sống Lời Chúa

 

          Có lẽ ta không cần thiết phải đặt ra những câu hỏi về sự kiện Chúa Giê-su chịu phép rửa của ông Gio-an, nhưng hãy nhìn vào điểm chính Phụng vụ Lời Chúa muốn trình bày, đó là việc giới thiệu Chúa Giê-su là Đấng cứu độ trần gian.  Diễn tiến bên bờ sông Gio-đan chỉ là khung cảnh của buổi lễ “Sai đi” thật trang trọng, với sự hiện diện của ông Gio-an Tẩy giả, dân chúng, nhất là sự hiện diện và chủ sự của Thiên Chúa Cha, “tiếng từ trời”. 

          Chúa Giê-su đã đến để loan báo Tin Mừng và tiếp tục dạy dỗ ta.  Biến cố Chúa chịu phép rửa hoặc được long trong giới thiệu đã mở đầu cho Mùa Thường niên của niên lịch phụng vụ.  Ta sẽ được nghe giáo huấn của Người và chiêm ngưỡng việc Người làm qua Phụng vụ Lời Chúa của các Chúa Nhật và mọi ngày mùa Thường niên.  Điều quan trọng là ta có thực sự lắng nghe và thực hành hay không.

 

Suy nghĩ:  “Ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người”.  Những lời này của thánh Phao-lô muốn nói gì với tôi?  Tôi có thực sự tiếp nhận Ân sủng này như tiếp nhận chính Chúa Giê-su không?  Tôi có tâm tình nào trước lòng từ bi và nhân ái của Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi?

 

Cầu nguyện:  Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, khi Đức Ki-tô chịu phép rửa tại sông Gio-đan và Thánh Thần ngự xuống trên Người, Chúa đã long trọng tuyên bố Người là Con chí ái.  Xin cho chúng con là đoàn nghĩa tử được tái sinh bởi nước và Thánh Thần, hằng bền vững thi hành ý Chúa.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa).

 

Lm. Đaminh Trần đình Nhi      

             

         

         


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C