Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa C

Con Chí Ái của Ta

 

Lc 3:15-16.21-22: 15 Dân ngong ngóng và mọi người suy tính trong lòng về Yoan: Có khi chính ông là Ðức Kitô chăng. 16 Nên Yoan đáp lại với mọi người rằng: "Phần ta, ta thanh tẩy các ngươi bằng nước! Sẽ đến Ðấng quyền thế hơn ta, ta không đáng cởi quai dép Ngài; Ngài sẽ thanh tẩy các ngươi trong Thánh thần và lửa.

21 Xảy ra là trong khi toàn dân chịu thanh tẩy, và Ðức Yêsu cũng chịu thanh tẩy và đang cầu nguyện, thì trời mở ra, 22 và Thánh thần lấy hình dáng thể xác như con chim câu, đáp xuống trên Ngài, và tự trời một tiếng phát ra:Con là Con chí ái Ta, kẻ Ta đã sủng mộ

 

Bài tin mừng Chúa nhật nầy gồm các câu thuộc hai phân đoạn khác nhau trong 3:1-4:13. Câu 3:15-16 thuộc phân đoạn đầu 3:1-20 nói về sứ vụ rao giảng và hoạt động của Gioan; các câu 3:20-21 thuộc về phân đoạn tiếp theo 3:21-4:13 nói về các biến cố của Chúa Giêsu trước khi Ngài đi rao giảng công khai. Lời rao giảng của Gioan gồm ba đoạn liên tiếp nhau (3:7-9; 10-14; 15-17), và đoạn thứ ba  liên quan đến Chúa Giêsu Kitô, Đấng sẽ đến theo lời của ông (3:15-17). Sứ vụ của Gioan là loan báo việc Chúa Giêsu đến, và sứ vụ nầy chấm dứt khi ông bị bỏ tù. Tuy nhiên biến cố nầy được tường thuật và đặt trước trình thuật Chúa Giêsu chịu phép rửa (3:18-20). Lời tiên báo về Đấng sẽ đến được thực hiện khi Chúa Giêsu đến và chịu phép rửa. Như thế hai phân đoạn 3:15-17 và 3:21-22 liên hệ rất chặt chẽ với nhau.

         

          Loan Báo Về Đấng Thiên Sai (cc. 15-18)

         

          (Xem thêm bài chú giải Chúa Nhật III Mùa Vọng C, Lc 3:10-18).

          Dân chúng đặt vấn đề với Gioan về Đấng Thiên Sai. Họ trông đợi đấng thiên sai, và họ nghĩ Gioan là đấng ấy. Động từ prosdokaō, “trông đợi” trong Luca, mang đặc tính cánh chung, và gắn liền với Chúa Giêsu như là Đấng Thiên Sai (3:15; 7:19.20; 8:40; 12:46). Không chỉ dân chúng mà cả Gioan cũng mong đợi. Dân chúng đến thắc mắc với Gioan, trong khi Gioan sai môn đệ đến hỏi trực tiếp Chúa Giêsu (7:19.20).

         

          Sang phần nầy, Luca dùng laos, “dân chúng” (3:15.18) thay vì ochlos, “đám đông” (3:7.10). Có gì khác biệt? - Từ laos, “dân chúng” chỉ dân Israel như là dân Chúa chọn. Họ là những người trông đợi Chúa Giêsu (3:15.18); trong khi ochlos “đám đông” chỉ “con cháu của Abraham” xét theo máu huyết (3:8). Họ cần hối cải qua phép rửa của Gioan (3:7.10). Luca phân biệt rất rõ ràng khi dùng hai từ nầy. Từ “đám đông” mang ý nghĩa rất tổng quát và trung tính. Như “dân chúng”, họ cũng đi theo và lắng nghe Chúa Giêsu giảng dạy (6:17). Tuy nhiên “đám đông” đã đứng bên cạnh các thượng tế trong việc tố cáo Chúa Giêsu (23:4), và họ đã nhận ra tội của mình (23:48). “Dân chúng” thì không như thế. Họ gắn liền với việc phụng thờ Thiên Chúa (1:10), được Thiên Chúa viếng thăm và giải thoát (1:68.77), được thiên sứ báo tin Con Thiên Chúa giáng sinh (2:10.31.32tt). Họ rất gắn bó với việc nghe Chúa Giêsu rao giảng (19:48; 21:38). Họ thường ca ngợi Thiên Chúa (18:43). Các thượng tế và luật sĩ thường sợ “dân chúng” (19:48; 20:6.19), chứ không phải “đám đông”. “Kardia”, “tim”, trọng tâm của đời sống tinh thần, nguồn và nơi phát xuất ý nghĩ, đam mê, ước muốn, tình cảm… Sự trông chờ và ý nghĩ của dân chúng hình thành từ trong con tim của họ.

         

          Đấng Christos, “Kitô”, lúc nầy đối với dân chúng mới là sự nhận dạng khởi đầu. Căn tính của Ngài chỉ được mặc khải toàn vẹn trong cuộc thương khó (24:26.46). Đấng Kitô nầy tỏ mình dần dần cho mọi đối tượng: các mục đồng (2:11), Simêon (2:26); dân chúng (3:15), ma quỉ (4:41), Phêrô (9:20), các luật sĩ (20:41), hội đồng công tọa, các thượng tế (22:67; 23:35), người trộm cướp (23:39). Tuy nhiên không phải ai cũng nhận ra Ngài.

         

          Gioan trả lời cho toàn thể dân Israel, pasin, chứ không chỉ những người hiện diện lúc ấy (c. 16). Câu nầy gồm hai vế đối xứng và tương phản nhau, men…. dé, “Tôi, tôi thanh tẩy anh em bằng nước” - “ Ngài, Ngài thanh tẩy anh em trong Thánh Thần và lửa”. Xen vào giữa hai vế là câu “Ngài quyền thế hơn tôi, tôi không đáng cởi dây giày cho Ngài”. Câu giữa nầy liên kết hai nhân vật chính lại: Gioan và Chúa Giêsu. Với cấu trúc nầy, Luca không nhắm đến sự so sánh giữa hai phép rửa cho bằng sự cao trọng hơn của Chúa Giêsu đối với Gioan; và như là kết quả kéo theo, phép rửa của Ngài cũng cao trọng hơn phép rửa của Gioan. “Đấng quyền thế hơn”, ho ischyoteros, có mạo từ chỉ định, nên đọc và quy chiếu về “Đấng Kitô”, cũng có mạo từ xác định ở câu 15. Gioan muốn chỉ “Đấng Kitô” ấy mà dân chúng mong đợi phải là “Đấng Quyền thế hơn”, chứ không phải là chính ông. “Đấng Quyền thế”, ischyros, trong cựu ước là chính Thiên Chúa (Đnl 10:17; 2 Mac 1:24). “Đấng quyền thế hơn” nầy chỉ biết được là Đấng nào khi quy chiếu lời loan báo nầy về câu 3:22, trong đó Thiên Chúa tuyên bố Chúa Giêsu là “Con Ta” (3:22; Cv 19:4). Phần Gioan, ông cũng “quyền thế” trong sứ vụ. Và quyền nầy chỉ là do sứ vụ lãnh nhận từ Thiên Chúa (3:2). Bởi đó, giữa ông và Chúa Giêsu có một khoảng cách chênh lệch rất lớn, được diễn tả bằng hình ảnh “không đáng cởi quai dép cho Ngài”. Động từ erchomai, ở thì hiện tại mà chỉ tương lai, mang tính trông chờ thiên sai.

         

          Về việc thanh tẩy, động từ baptizō, “thanh tẩy” trong vế đầu chỉ việc thanh tẩy Gioan thực hiện, ở thì hiện tại và đã trở thành quá khứ khi Chúa Giêsu đến; trong khi đó, việc thanh tẩy mà Chúa Giêsu ban ở thì tương lai đã trở thành hiện tại đối với Luca. Như thế, khi Đấng quyền thế hơn Gioan đến, sứ vụ của Gioan chấm dứt và mọi sự khởi đầu một cách hoàn thoàn mới. Đó thật là một Tin mừng cho toàn dân (3:18).

 

          Phép Rửa của Chúa Giêsu (cc. 21-22)

         

          Bản văn của Luca dựa trên Marcô, tuy nhiên có những khác biệt: - Tên Gioan không được nêu lên, mà tên của Chúa Giêsu (c. 21b); - Dân chúng chịu thanh tẩy đặt song song với việc thanh tẩy của Chúa Giêsu; - Chúa Giêsu cầu nguyện trước khi Thánh Thần ngự xuống. Có thể giải thích ý hướng của Luca qua các đặc điểm nầy là ông chỉ muốn tập trung bản tường thuật vào Chúa Giêsu mà thôi.

         

          Câu 21 gồm hai vế song song liên kết nhau bằng liên từ kai, “và”. Egeneto dè, “Xảy ra là”, Luca bắt đầu một trình thuật mới về Chúa Giêsu; trước đây ông cũng đã làm như thế khi khởi đầu trình thuật về Gioan (3:2). Giới từ dùng với dative của một động từ ở thể nguyên mẫu chỉ sự xảy ra đồng thời: en tō baptisthēnai = hôti ebaptisthē (BDF, 404,2); nghĩa là khi dân chúng chịu thanh tẩy, Chúa Giêsu cũng chịu thanh tẩy. Xem thêm cách dùng tương tự trong Luca: 8:40; 9:34.36; 11:37; 14:1; 19:15; 24:30; Cv 11:15. Động từ baptizō trong cả hai trường hợp đều ở thì thụ động. Tên “Jēsous” được đặt vào đây để nhấn mạnh. Luca muốn nhấn mạnh là Chúa Giêsu tự nguyện xếp mình vào hàng “tội nhân” như dân chúng, và cùng nhận một thanh tẩy như họ; tuy nhiên cách trình bày, “và Chúa Giêsu cũng chịu thanh tẩy”, cho thấy Ngài đứng riêng khỏi nhóm của họ; qua đó ngụ ý là Ngài vẫn khác họ vì Ngài không có tội.

         

          Chi tiết Chúa Giêsu cầu nguyện chỉ có trong Luca. Động từ proseuchomai, “cầu nguyện” ở phân từ hiện tại chỉ sự đồng thời: trời mở ra trong khi Chúa Giêsu cầu nguyện; tuy nhiên việc cầu nguyện đã bắt đầu trước. Đối với Luca, cầu nguyện là điều kiện để có thái độ thích ứng trước mỗi lần tiếp xúc với Thiên Chúa (3:21); Chúa Giêsu đã cầu nguyện trước khi biến hình (9:28tt). “Trời mở ra” thuộc loại văn khải huyền (Êzêk 1:1). Marcô nói là Ngài “đã thấy” (1:10), nghĩa là một thị kiến. Trái lại, Luca mô tả chuyện nầy như một sự kiện lịch sử. Về “trời”, ouranos, trước đây Luca chỉ nói các thiên sứ xuất hiện “trên trời” và “đi khỏi vào trong trời” (x. 2:13.15). Bây giờ “khoảng trời” ấy của Thiên Chúa mở ra. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu đã làm cho trời mở ra cho trần gian và Thiên Chúa lên tiếng với con người.

         

          Câu 22 gồm hai phần ghi lại hành động của Thánh Thần và Thiên Chúa trên Chúa Giêsu.

Thánh Thần trong “hình dáng xác thể”, sōmatikos, ngự xuống trên Chúa Giêsu (c. 22a). Vì mô tả “trời mở ra”như một sự kiện lịch sử, nên Luca cũng mô tả Thánh Thần “trong hình dáng thể xác” để dân chúng có thể thấy được; trong khi với Matthêô và Marcô, chỉ Chúa Giêsu thấy sự kiện nầy thôi trong một thị kiến (Mt 3:16; Mc 1:10). Chúa Giêsu chỉ ban phép rửa “trong Thánh Thần và lửa” (3:16) sau khi Ngài đã lãnh nhận Thánh Thần. Phép thanh tẩy Chúa Giêsu ban liên hệ đến “anh em”, hymas, là toàn thể dân Israel. Luca sẽ xác nhận điều nầy trong Cv 1:15 và 11:6. Thánh Thần được ban khi Chúa Giêsu đã sống lại.

         

          Lời dẫn vào phần hai “Từ trời có tiếng phán ra” (c. 22b) chỉ lời Thiên Chúa sắp nói về Con của Ngài. Câu “Con là Con chí ái Ta”, có hậu cảnh là Thánh vịnh 2:7: “Con là Con Ta, hôm nay Ta đã sinh ra Con”, mặc khải điều đã ẩn dấu cho đến lúc nầy. Thiên Chúa đã dùng một trong những tương quan gắn bó nhất của con người là cha-con để diễn tả cách ẩn dụ tương quan của Ngài với Chúa Giêsu, “Con là Con Ta”. Tính từ agapētos, “chí ái”, chỉ dùng cho Chúa Giêsu mà thôi. Eudokeō, nghĩa của động từ nầy rộng hơn cách hiểu thông thường là “hài lòng”, “well-pleased” xét về mặt tình cảm. Nó bao hàm ý tưởng sự hài lòng về một hành động hay một quyết định. Bản dịch “kẻ Ta đã sủng mộ” (Nguyễn Thế Thuấn) dễ bị hiểu cách khác. Cách dịch nầy hiểu Chúa Giêsu là túc từ trực tiếp. Trong khi đó, nguyên bản là en soi eudokēsa, “trong con Ta hài lòng”. Câu nầy không có ý nói Thiên Chúa hài lòng về Chúa Giêsu trong thâm tình Cha Con cho bằng Ngài hài lòng trong quyết định về Con Một Ngài như là Đấng Thiên Sai. Sự  hài lòng nầy bao gồm tất cả con người của Chúa Giêsu và việc Ngài làm theo chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Câu Mt 12:18 nói diễn giải nhiều hơn về sự hài lòng nầy: “Này tôi tớ Ta, kẻ Ta đã chọn, kẻ chí ái mà hồn Ta sủng mộ, Ta sẽ đặt Thần khí Ta trên Ngài, và Ngài sẽ rao truyền chính đạo cho muôn dân”. Luca dùng động từ nầy thêm một lần nữa trong 12:32, trong đó sự hài lòng nầy đi kèm theo quyết định là “ban Nước Trời cho các ngươi” (12:32). Vậy điều làm Thiên Chúa hài lòng liên quan đến sự cứu độ của con người: Ngài ban Con Một của Ngài cho trần gian được cứu độ.

 

          Lời tuyên bố của Thiên Chúa và hành động ngự xuống của Thánh Thần trong đoạn 3:21-22 kết thúc chủ đề  “thanh tẩy” liên kết đoạn nầy với đoạn 3:15-16; đồng thời lời tuyên bố nầy là câu trả lời dứt khoát cho thắc mắc của dân chúng về Đấng Kitô (c. 15). Gioan đã trả lời cho dân chúng, nhưng ông chưa xác nhận cách rõ ràng Đấng đến sau ông là ai. Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa mới thật sự là Đấng Thiên Sai mà dân Israel đã mong đợi từ lâu.

 

Lm. Luigi Gonzaga Đng Quang Tiến


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C