Lễ Thăng Thiên C
Người Được Đem Lên Trời
Lc 24:46-53: 46 và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ
hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; 47 phải nhân danh Người mà rao
giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha
tội. 48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này. 49 “Phần Thầy, Thầy sẽ
gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến
khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống.”
50 Sau đó,
Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. 51 Và
đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. 52 Bấy giờ
các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ, 53 và hằng
ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.
Đây là cuộc đối thoại
cuối cùng với các tông đồ trước khi Chúa Giêsu lên trời. Người cho họ hiểu lần
cuối sứ mệnh của Người như đã được viết trong các Sách Thánh. Đồng thời Người
giao phó cho họ sứ mệnh sắp đến là làm chứng về tất cả những gì họ đã nghe và
biết về Người; để trợ giúp họ, Người ban cho họ Thánh Thần. Rồi Người lên trời;
còn các tông đồ bắt đầu sứ mệnh của họ. Nằm trong chương 24 trình bày những
biến cố và giáo huấn của Chúa Giêsu sau khi Người sống lại, đoạn 24:44-53 gồm
hai phần: - Giáo huấn các tông đồ bằng cách làm cho hiểu những điều Sách Thánh
nói về Người và giao phó cho họ sứ mạng (24:44-49); - Trình thuật lên trời
(24:50-53).
Giáo huấn các tông đồ về con người và sứ mệnh của Chúa
Giêsu (24:44-49)
Để có thể hiểu dễ dàng
hơn, đoạn nầy được chia thành hai phần: - Ứng nghiệm những điều đã nói trong
các Sách thánh về Chúa Giêsu (24:44-46); - Sứ mạng trao phó cho các tông đồ
(24:47-49).
Các tông đồ bị vấp ngã
trước cái chết trên thập giá của Chúa Giêsu. Họ nghi ngờ về Người như là Đấng
Được Sai Đến. Xem câu chuyện hai môn đệ về làng Emmaus (24:13-35; x. 1Cor
1:23.28-24). Chúa Giêsu hiểu điều nầy; nên Người phải dùng đến các Sách Thánh
để làm chứng về Người. Với dân Israel, các Sách Thánh là nơi ý định của Thiên
Chúa được bày tỏ; đồng thời, họ xem các Sách Thánh là nguồn uy tín nhất để hiểu
và giải thích nhất là những điều liên quan đến đời sống tôn giáo. Câu đầy đủ
nhất là “phải ứng nghiệm tất cả những gì được viết trong luật Môsê và các ngôn
sứ và thánh vịnh về Tôi” (24:44. 45.46). Điều mà các Sách Thánh viết là “Đấng
Kitô chết và sống lại từ kẻ chết vào ngày thứ ba” (24:26; x. 9:22; Cv 17:2-3).
Các tông đồ đã không hiểu các điều nầy, mặc dù Chúa Giêsu đã lấy Sách thánh mà
tiên báo về cái chết và sự sống lại của Người (18:31-34). Bởi đó, họ cần được
mở lòng để hiểu (24:45; 24:25). Lời nầy trong các Sách Thánh chỉ có thể hiểu
được cách tường tận khi nó đã được thực hiện: Đấng Kitô đã sống lại. Đầu tin
mừng khi Chúa Giêsu khởi đầu việc rao giảng công khai, Người tuyên bố là “đã
ứng nghiệm” (4:21) lời Sách Thánh trích trong ngôn sứ Isaia (Is 61:1tt; 58:6),
nói về sứ mệnh của Người. Bây giờ Người lại tuyên bố là “phải ứng nghiệm”
(24:44) để đánh dấu công việc ấy đã hoàn tất. Như thế, Người muốn các tông đồ
nhận biết cách rõ ràng và chắc chắn Người chính là Đấng Kitô do Thiên Chúa sai
đến, và sự chết và sống lại của Người nằm trong chương trình cứu độ của Thiên
Chúa.
Sứ mạng trao phó cho các tông đồ (24:47-49)
Chúa Kitô chết và sống
lại là nền tảng và nội dung căn bản của lời rao giảng sám hối để được tha tội
(24:47; Cv 2:38; 5:31; 17:30). Lời kêu gọi sám hối để được tha tội đã ngỏ với
dân Do thái (1:77; 3:3; 4:18; 5:32; 15:7) để chuẩn bị họ đón nhận tin mừng do
Chúa Giêsu rao giảng. Các tông đồ sẽ tiếp tục
lời kêu gọi nầy, vì họ sẽ bắt đầu thời kỳ mới rao giảng về Chúa Kitô
chết và sống lại; không còn chỉ cho Israel, mà mọi dân tộc. Khi nhân danh Chúa
Kitô rao giảng sự sám hối, các tông đồ
lấy tư cách và uy quyền của Chúa Kitô mà làm việc nầy. Mục đích là tái
lập sự hiệp thông với Thiên Chúa nhờ tin vào Đấng Kitô và nhờ hiệu quả của sự
chết và sống lại của Người mà được tha tội (x. Cv 2:38; 3:16; 4:12.17.18;
5:28.40.41). Việc nầy “khởi đầu từ Giêrusalem”, vì nơi đó sứ mạng của Chúa
Giêsu đã hoàn tất cách dứt khoát. Chúa Giêsu sống lại làm cho họ trở thành
những chứng nhân (24:48; x. 1:2; Cv 1:8.22; 2:32; 3:15; 5:32). “Những điều nầy”
là những sự kiện đã xảy ra và những giáo huấn của Chúa Giêsu mà họ đã chứng
kiến, lắng nghe và cả cảm nghiệm bằng đức tin (Cv 2:22-36). Tiếp theo việc giao
phó sứ mạng làm chứng, Chúa Giêsu loan báo việc ban Thánh Thần do Chúa Cha đã
hứa (24:49; Gio 16:7; 14:16). Khi Người đến, Thánh Thần sẽ làm cho họ hiểu hơn
về Chúa Giêsu như là Đấng Kitô; đồng thời giúp họ chu toàn vai trò làm chứng
cho Người.
Biến cố Chúa Giêsu lên trời (24:50-53)
Biến cố nầy được trình
bày cách chi tiết hơn trong Cv 1:4-14. Có thể phân chia đoạn nầy như sau: -
Bêtania nơi Chúa lên trời (24:50a); - Hành động của Chúa trước khi lên trời
(24:50b-51); - Các tông đồ sau khi Chúa đã lên trời (24:52-53). Bêtania
(24:50a), nơi Chúa lên trời, được ghi nhận gần hơn là ngọn núi Cây Dầu (Cv
1:12). Các tông đồ được Chúa Giêsu dẫn đến đó có tên trong danh sách Cv 1:13.
Việc “được đem lên trời” được diễn tả cách khác là “đám mây che Người khỏi mắt
họ” (Cv 1:9). Đám mây tượng trưng cho “nơi” Thiên Chúa cư ngụ. Vậy “lên trời”
là đi vào trong vinh quang của Thiên Chúa (x. 24:24.46), và mắt con người không
thể nhìn thấy “nơi” nầy.
Giữa trình thuật lên
trời và trình thuật giáng sinh có nhiều chi tiết tương đồng. Rất có thể Luca cố
ý trình bày như vậy để nhấn mạnh sứ mạng đã khởi đầu của Chúa Giêsu, nay kết
thúc. Trong trình thuật giáng sinh, Luca mô tả các thiên thần xuất hiện và loan
báo cho các mục đồng Đấng Kitô xuống trần gian (2:9-11). Trong trình thuật lên
trời, cũng chính các thiên thần loan báo cho các tông đồ là Người đã về trời
rồi (Cv 1:11). Như thế, sứ mạng ở trần gian đã kết thúc. Chúa Giêsu trở về nơi
Người đã đến. Luca nói đến “niềm vui lớn” cả khi Chúa sinh ra lẫn khi Người về
trời (2:10 và 24:52). Niềm vui khởi đầu là Đấng Cứu Thế, cũng là Đấng Kitô, đã
sinh ra cho mọi người (2:10-11). Người là sự cứu độ mà muôn dân trông đợi
(2:30; 3:6). Bởi đó mọi người đều vui mừng: các mục đồng (x. 2:15-20), Zacharia
(1:64.68-79), Simêon (2:28-32). Sự cứu độ ấy nay được Đấng Kitô thực hiện trong
cái chết và sống lại của Người (24:46.52). Bởi đó các tông đồ vui mừng vì họ đã
chứng kiến được việc quyền năng nhất Thiên Chúa đã làm trong Đấng Kitô. Luca
khởi đầu tin mừng với việc tế tự của Zacharia trong đền thờ (1:8-10) để cầu xin
Thiên Chúa nhớ lại dân của Người mà ban ơn cứu độ. Ông (1:64), Simêôn (2:28),
Elizabeth (1:42) và Maria (1:46-55) đã chúc tụng Thiên Chúa khi nhận ra những
dấu hiệu cứu độ khởi đầu. Kết thúc tin mừng, Luca nói đến việc các tông đồ trở
lại đền thờ để chúc tụng Thiên Chúa (24:55). Họ sẽ còn tiếp tục lui tới đền thờ
để cử hành việc bẻ bánh và chúc tụng Thiên Chúa (2:26-47), cầu nguyện (3:1) và
rao giảng Chúa Giêsu là Đấng Kitô (5:42). Vậy, với trình thuật lên trời kết
thúc tin mừng, Luca cho thấy sứ mạng cứu độ của Chúa Giêsu đã hoàn tất đúng
theo chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Thiên Chúa đáng mọi lời chúc tụng
(2:14, 24:53).
Chúa Giêsu đã hoàn tất
chương trình cứu độ Thiên Chúa muốn. Bây giờ Người đi vào trong vinh quang của
Cha Người. Người là gương mẫu của những người tôi tớ trung tín (x. 19:12-27).
Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến