Giáng Sinh – Lễ Nửa Đêm

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 2:1-14)

 

          Mặc dù thánh Lu-ca đặt biến cố Giáng Sinh trong cuộc kiểm tra dân số của hoàng đế Au-gút-tô, nhưng lời sứ thần Chúa loan báo Tin Mừng cho những người chăn chiên lại nói đến hiện tại:  Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa”.  Thời gian và biến cố này, mỗi chi tiết của sứ điệp đều mang ý nghĩa đặc biệt, không chỉ với những người chăn chiên được sứ thần loan báo, nhưng với mọi người ở mọi thời và mọi nơi.

          Trước hết là biến cố giáng sinh của Đấng Cứu Độ, Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa.  Thiên sứ đã nêu ra liên tiếp ba danh hiệu của Chúa Giê-su giáng sinh.  Ba danh hiệu ấy nói lên con người và sứ mệnh của Chúa Giê-su.

- Là Đấng Cứu Độ, Chúa Giê-su có sứ mệnh xóa bỏ tội lỗi nhân loại.  Người sẽ giải phóng con người khỏi ách nô lệ tội lỗi, biến đổi thân phận con người từ thù địch của Thiên Chúa trở thành con cái của Thiên Chúa. 

-  Nhưng muốn thi hành và chu toàn sứ mệnh ấy, Chúa Giê-su phải đóng vai trò của Đấng Ki-tô hoặc là Đấng Mê-si-a, nghĩa là người Tôi trung của Thiên Chúa, sẵn sàng chấp nhận con đường khổ giá và cái chết để đền bù tội lỗi nhân loại. 

-  Đức Chúa hay Chúa chúng ta là danh hiệu đi liền với thánh danh Giê-su Ki-tô, ám chỉ quyền chủ tể và vương đế của Chúa Giê-su là do Thiên Chúa ban, vì Người là nguyên lý quy về một mối để đưa muôn vật muôn loài về với Thiên Chúa.  “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu… Và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: ‘Đức Giê-su Ki-tô là Chúa’” (Pl 2:9.11).

Như vậy, tin mừng do thiên sứ loan báo nhắc nhở chúng ta phải biết Đấng chúng ta mừng sinh nhật của Người là ai và có sứ mệnh gì.  Sứ mệnh thiêng liêng và cao cả của Người đòi hỏi chúng ta phải chuẩn bị tâm hồn sao cho thích hợp, chứ không phải là những chuẩn bị trang hoàng hào nhoáng bề ngoài.  Thiên sứ còn nói rõ:  Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em.  Có nghĩa là chúng ta cũng ở trong số những anh em đó, vì ơn cứu độ là ơn phổ quát.

Ngoài ra, trạng từ chỉ thời gian Hôm nay cho chúng ta thấy việc cứu độ luôn diễn tiến trong hiện tại, nơi mọi người muốn tiếp nhận ơn cứu độ ở đây và bây giờ.  Do đó, mừng Chúa Giáng Sinh không chỉ là nhớ về một kỷ niệm, nhưng là mở lòng đón nhận Chúa đến trong tâm hồn chúng ta và để Người biến đổi con người chúng ta mỗi ngày nên hoàn hảo hơn.

 

Sống sứ điệp Tin Mừng

 

          Thiên sứ đã loan báo Tin Mừng Chúa giáng sinh và cho các người chăn chiên một dấu hiệu để giúp họ nhận ra Hài Nhi Giê-su.  Dấu hiệu về Hài Nhi thật là đơn sơ, dễ nhận:  một trẻ sơ sinh bọc tã nằm trong máng cỏ.  Chắc chắn họ đã gặp được Chúa theo dấu hiệu ấy, vì sau đó “họ ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa”.

          Hình ảnh những người chăn chiên tìm đến Hài Nhi Giê-su cũng phải là hình ảnh chúng ta tìm gặp Chúa trong cuộc đời.  Chúa Giê-su lịch sử giáng sinh vào ban đêm.  Còn Chúa Giê-su Cứu Độ sẵn sàng “sinh ra” trong tâm hồn chúng ta bất cứ lúc nào chúng ta mở lòng đón tiếp Người, khi chúng ta cầu nguyện, khi chúng ta giúp đỡ người khác, khi chúng ta dự Thánh Lễ và rước Chúa vào lòng.  Gặp Chúa rồi, chúng ta còn phải “vừa đi (trong cuộc đời) vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa nữa”.

 

 Lm. Dominic TTL 

         

           

  


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C