Lễ Giáng Sinh C (Rạng
Đông)
Hãy Qua Bêlem Mà Xem
Lc 2:15-20: 15
Và khi các thiên thần đã từ giã họ mà về trời, mục đồng bảo nhau: "Chúng
ta hãy qua Bêlem mà xem điều đã xảy ra, và Chúa đã khấng tỏ cho ta biết". 16
Họ hối hả đi đến và đã gặp Maria và Yuse cùng hài nhi đặt nằm trong máng cỏ. 17
Thấy rồi, họ nói ra cho biết điều họ đã được phán dạy về Hài nhi. 18 Và mọi người
nghe đều kinh ngạc về các điều mục đồng đã thuật lại cho mình. 19 Còn Maria thì
bà giữ kỹ mọi điều ấy và hằng suy đi nghĩ lại trong lòng. 20 Rồi các kẻ mục đồng
lui về tôn vinh và ca ngợi Thiên Chúa vì mọi điều họ đã được nghe và thấy, chiếu
theo lời đã phán dạy họ.
Đoạn nầy nằm trong văn mạch câu chuyện giữa các thiên thần và mục đồng
(2:8-20), sau mô tả việc hạ sinh của Chúa Giêsu (2:1-8). Sau lời thiên thần báo
tin, các mục đồng vội vã đến Bêlem, và tìm thấy Hài nhi (2:15-21). Ngay sau đoạn
nầy, Luca thuật lại câu chuyện xảy ra tại đền thờ Giêrusalem, nơi Chúa Giêsu được
trình dâng lên sau tám ngày (2:21-38). Rồi cha mẹ đưa Ngài về lại Nazaréth
(2:39-40). Phần cuối cùng của chương hai là trình thuật Chúa Giêsu lên Giêrusalem
lần đầu tiên, khi Ngài lên 12 tuổi (2:41-52).
Câu chuyện giữa các
thiên thần và mục đồng (2:8-20) phân thành hai màn: thiên thần xuất hiện từ trời
và loan báo Đấng Kitô sinh ra trong thành Đavít (2:8-14), và các mục đồng ra đi
tìm đến Bêlem (2:15-20). Từ “các mục đồng”, poimēn,
(cc. 8 và 20) và “vinh quang”, doxa,
(c. 9) - “tôn vinh”, doxazō, (c. 20) đóng
khung câu chuyện. Vinh quang của Thiên Chúa đã đến và hiện diện giữa họ. Họ đã
thấy và tôn vinh Ngài. Chủ đề của đoạn là việc loan báo Đấng Cứu Thế đến và phản
ứng của người đón nhận. Luca dùng các từ ngữ liên quan đến vương quyền như “thành
Đavít”, “Đấng Cứu Thế” “Đấng Kitô”, và nhất là “vinh quang”, “vinh quang trên
cao thẳm”, “tôn vinh” và bình an dưới thế”. Các mục đồng tìm đến và đã thấy “Hài
Nhi đặt nằm trong máng cỏ” (c. 16) mà thiên thần đã loan báo như một dấu hiệu
(c. 12). Dấu hiệu nầy quy chiếu ngược lên về màn hạ sinh của Chúa Giêsu được mô
tả rất ngắn gọn chỉ trong một câu (c.7): “bà vấn Hài Nhi trong khăn và đặt nằm
trong máng cỏ”. Việc tìm thấy nầy kết thúc đoạn.
Trong đoạn 2:15-21
Luca chú trọng đến việc khám phá Hài Nhi và phản ứng trước sự việc nầy; bởi đó ông
dùng các từ ngữ thuộc giác quan nhiều lần, vì chúng liên qua đến một dấu hiệu hữu
hình, như laleō, “nói” (cc.
15.17.18.20), rēma, “sự việc” (cc.
15.17.19), oraō, “thấy” (cc.
15.17.20). Nhân vật chính của đoạn là các mục đồng. Họ ước muốn xem thấy điều đã
được loan báo (c. 15), và khi đã thấy, họ sẽ loan báo cho người khác (c. 20). Đoạn
2:15-20 làm thành một đơn vị duy nhất, và có thể chia thành hai phần: - Khám phá
của các mục đồng (2:15-17); - Các phản ứng (2:18-20). Từ poimenes, “mục đồng”: họ đi
đến Bêlem (c. 15) và trở về (c. 20) đóng khung phần nầy.
Khám Phá của Các Mục Đồng (2:15-17)
Sau ghi nhận các thiên
thần ra đi, Luca mô tả cuộc gặp gỡ của các người thiện tâm đầu tiên (c. 14), là
các mục đồng với Hài Nhi. Các mục đồng là người đầu tiên nhìn thấy vinh quang của
Thiên Chúa nơi Hài Nhi. Lời các mục đồng nói với nhau gồm hai phần: “Chúng ta hãy
qua Bêlem” và “chúng ta hãy xem điều đã xảy ra mà Chúa đã tỏ cho chúng ta biết”.
Phần thứ hai là lý do thúc đẩy hành động của phần thứ nhất. Hai động từ dierchomai, “đi qua”, và horaō, “thấy”, ở thể cầu khẩn
(subjunctive) chỉ sự khích lệ nhau giữa các mục đồng; heōs, “cho đến” chỉ một khoảng cách và đích đến. Luca không cho biết
chiều dài lộ trình, mà thái độ của các mục đồng trên lộ trình ấy (c. 16). Họ muốn
đi đến Bêlem cách vội vã để nhìn thấy Hài Nhi. “Bēthleem” là tên gọi khác của “kinh thành Đavít” (cc. 4.11). “Sự việc”,
rēma mà các muốn thấy là “lời” của các
thiên thần về Đấng Cứu Thế mà họ đã nghe, liên quan đến họ và toàn dân (cc.
10-12). Các mục đồng sẽ làm một hành vi tương tự là nói cho dân chúng về Đấng Cứu
Thế khi họ đã thấy tận mắt (c.20). “Sự việc” nầy bây giờ họ nhận ra là bởi Chúa,
ho kurios. Chúa làm cho họ biết, gnōrizō, sự cứu độ bắt đầu ngay từ việc
sinh hạ của Đấng Kitô (cc. 15.17). Vậy sự việc đã được loan báo và đã xảy ra. Phản
ứng đầu tiên trước sự việc nầy là quyết định ra đi để tìm gặp.
Phản ứng tiếp theo là
các mục đồng “vội vã ra đi”, steudō (c.
16). Tin mừng Luca ghi nhận sự vội vã của ba người: Đức Maria (1:39), các mục đồng
(2:16) và Giakêu (19:5.6), và trong cả ba lần đều liên quan đến sự ân cần muốn
gặp Chúa Giêsu. Họ vội vã đến một nơi, và ở đó họ gặp một Đấng chứ không phải một
nơi chỗ: ở Bêlem có Đấng Cứu Thế, tại nhà Giakêu Chúa Giêsu đến. Động từ “tìm gặp”,
“khám phá”, aneuriskō, chỉ được dùng ở
đây và Cv 21:4, có đối tượng là người. Các mục đồng đã tìm thấy “Maria, Giuse và
Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ”. Đến lúc nầy các mạo từ xác định đi trước brephos, “Hài Nhi” và phanē, “máng cỏ” ám chỉ điều đã được
loan báo trước (2:7.12).
Việc khám phá nầy đóng
khung lại bằng các hạn từ đã được dùng ở câu 15: “các mục đồng”, “thấy”, “sự việc”,
“nói”, “tỏ cho biết” (c. 17). Tuy nhiên ở đây có hai sự khác biệt so với câu 15.
Động từ gnōrizō “tỏ cho biết” bây giờ
có chủ ngữ là các mục đồng, chứ không phải là Chúa nữa. Đối tượng của hành động
nầy vẫn là “lời”, “điều trình bày”, rēma,
đã được nói cho họ. Và Luca không cho biết ngay trong câu nầy đối tượng gián tiếp
của hành động nầy là ai, mà chờ sang câu 18.
Các Phản Ứng (cc. 18-20)
Các câu nầy mô tả các
phản ứng trước biến cố “Hài Nhi vấn khăn đặt nằm trong máng cỏ”: những người
nghe (c. 18), Maria (c. 19) và các mục đồng (c. 20).
“Những người nghe”, pantes oi akousantes, là những người được
kể lại (2:18; 1:66). Họ là dân chúng nói chung. Họ không chứng kiến tận mắt sự
việc. Động từ thaumazō có liên hệ bởi
gốc với động từ theaomai, “thấy”, chỉ
sự kinh ngạc do việc thấy gợi lên. Trong trình thuật về việc đặt tên cho Gioan,
người kinh ngạc là người tham dự nghi lễ hôm ấy (1:63), và người nghe kể lại là
những người sống chung quanh vùng Giuđêa (1:65-66); thế mà những người nầy lại nhận
ra hành động của Thiên Chúa trên trẻ nầy, “Vì bàn tay Chúa đã trên trẻ nầy”. Ở những nơi khác trong tin
mừng Luca, chỉ người chứng kiến tận mắt mới có thái độ kinh ngạc. Họ kinh ngạc
vì nhận ra những hành động quyền năng của Thiên Chúa được thực hiện qua Chúa Giêsu
(1:66; 2:33; 4:22; 8:25; 9:43; 11:14; 20:26; 24:12). Ở đây Luca ghi nhận là những
người nghe kinh ngạc. Họ kinh ngạc về “Hài Nhi vấn khăn đặt nằm trong máng cỏ” (2:7.12.16),
theo như lời thuật lại của các mục đồng. Các mục đồng đã trở thành một chứng nhân
sống động. Qua lời họ, người nghe nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong Hài
Nhi nầy. Vậy một hành động hoặc hiện diện của Thiên Chúa có thể gây kinh ngạc
cho con người; và trong thái độ nầy con người đã gặp được Thiên Chúa rồi.
Maria cũng có phản ứng
trước lời thuật lại của các mục đồng (c. 19). Maria không kinh ngạc, vì mẹ đã được
loan báo về Hài Nhi nầy. Tuy nhiên, Maria mở lòng đón nhận lời của các mục đồng,
vì mẹ chưa biết tất cả. Luca ghi nhận phản ứng của Maria trong hai dịp khác
nhau: tại đây (2:19), và trong đền thờ (2:51). Trong cả hai trường hợp cụm từ
“tất cả các điều ấy…. trong tâm hồn mẹ” được giữ lại. Syntēreō, “cất giữ cách cẩn thận trong tâm trí”; symballō, “đặt lại với nhau”, “đánh giá”,
“suy đi nghĩ lại”. Rēma, “lời”, mà các
mục đồng thuật lại là lời hoặc sự việc liên quan đến Hài Nhi (2.15.17.19). Các điều
họ thông tin cho biết về Hài Nhi thì Maria chưa hề nghe biết. Hài Nhi được gọi
là “Đấng Cứu Độ”, “Đấng Kitô” và “Chúa” (2:11). Các tước hiệu nầy nhấn mạnh sứ
vụ cứu độ của Ngài; trong khi trong ngày truyền tin Maria chỉ nghe nói đến “Con
Đấng Tối Cao” và “vương quyền Đavít” (1:32). Mẹ giữ cẩn thận các lời ấy và suy đi
nghĩ lại trong tâm hồn để có thể hiểu tường tận.
Tương phản với thái
độ của Maria là giữ các điều ấy trong lòng của Maria, các mục đồng ra về trong
tôn vinh và ca ngợi Thiên Chúa (c. 20). Những điều thiên thần loan báo đã thành
hiện thực. Luca dùng thường động từ doxazō,
“tôn vinh” vào cuối mỗi trình thuật về phép lạ để cho thấy thái độ của những người
được chữa lành. Họ luôn luôn “tôn vinh Thiên Chúa”: người bại liệt (5:25tt); người
chết (7:16); người phụ nữ còng lưng (13:13); người phong hủi (17:15); người mù
(18:24). Trong hành động của Chúa Giêsu, họ nhận ra Thiên Chúa đã đến và cứu độ
dân Ngài (x. 4:15.16-21). Như thế các mục đồng tôn vinh và ca ngợi Thiên Chúa vì
họ đã nghe và thấy “Đấng Cứu Độ”, “Đấng Kitô”, “Chúa” đến giữa họ trong “Hài
Nhi vấn trong khăn đặt nằm trong máng cỏ”. Sự hiện diện và hành động của Ngài
chính là “Thiên Chúa đã viếng thăm và cứu độ dân Ngài” (7:16).
Lời thiên thần loan
báo liên kết toàn bộ trình thuật. Lời về Đấng Cứu Độ giáng trần. Lời nầy loan
ra lớn dần: thiên thần- mục đồng- dân chúng. Bởi thấy tận mắt như các mục đồng
hay nghe kể lại như dân chúng, lời hay sự kiện nầy đều làm cho người lãnh nhận
đầy niềm vui, vì Thiên Chúa và vinh quang của Ngài đã bao trùm mọi người.