NGÔI SAO
SÁNG
(LỄ HIỂN
LINH)
(Linh Mục Anphong Trần Đức Phương)
Lễ Hiển Linh trước đây gọi là Lễ Ba
Vua vì căn cứ vào ba của lễ qúy giá các ‘Đạo Sĩ’ dâng lên Chúa Hài Nhi: Vàng,
Nhũ hương và Mộc dược (Matthêu 2:11). Ba lễ vật này thời đó rất qúy giá, chỉ có
trong các hoàng tộc; nên lúc đầu, người ta tưởng phái đoàn đến thờ lạy Chúa Hài
Nhi gồm có Ba Vua và gọi lễ này là Lễ Ba Vua. Sau này, khoa khảo cổ tiến bộ, người
ta tìm hiểu kỹ hơn và nhận ra phái đoàn gồm có các nhà “Thông thái” hay “Đạo
sĩ” hoặc “Chiêm tinh” dịch từ chữ ‘Magi’ (số nhiều của chữ ‘magus’) là danh từ
của người Ba Tư thời đó để chỉ những người tài giỏi, thông thái được chọn vào
hàng tư tế, hoặc cố vấn cho các triều vua (New American Bible dùng chữ ‘Magi’;
có những bản dịch khác dùng chữ ‘Wise Men’ ‘những Nhà Thông Thái’).
Trong Thánh Lễ Hiển Linh, Bài Phúc Âm và 2 Bài
Đọc đều giống nhau cho chu kỳ Năm A, B
và C.
Theo bài Phúc Âm hôm nay (Matthêu 2:1-12),
các ‘Đạo Sĩ’ đã được ơn soi sáng qua ngôi sao mới xuất hiện và nhận
ra có một vị ‘Cứu Tinh’ mới sinh ra ở nước Do Thái, và họ lên đường theo ngôi
sao sáng xuất hiện dẫn đường. Các vị này (Đại diện các dân tộc ngoài Do
Thái) từ “Phương Đông” (tức là từ nước Ba Tư hay một nơi nào phía Đông nước Do
Thái), tới nước Do Thái và tìm đến Belem để chiêm bái và tôn kính Chúa Hài Nhi
mới sinh.
Bài Đọc I & Bài Đọc II trong Chúa Nhật
này đều nói lên ý tưởng chính là việc Thiên Chúa tỏ mình ra cho các dân tộc
ngoài Do Thái và mời gọi mọi người đến
cùng Chúa để được hưởng ơn cứu độ.
Bài Đọc I : Tiên Tri Isaia (60: 1- 6)
đã báo trước việc ‘Vinh quang Thiên Chúa sẽ xuất hiện trên các dân tộc và dẫn
đưa mọi người tìm đến Ánh Sáng thật là Thiên Chúa chân thật, Đấng Cứu Độ trần
gian.’ Bài Đọc II trích trong thơ Ephêsô (3: 2-3; 5-6): Thánh Phaolô nói đến việc
các dân tộc ngoài Do Thái cũng được mời gọi để chung phần cứu rỗi của Thiên
Chúa Nhập Thể để cứu chuộc nhân loại.
Căn cứ vào các tư tưởng chính của
Thánh Lễ hôm nay, các Nhà Phụng Vụ ngày nay gọi lễ này là Lễ Hiển Linh để chỉ
việc Thiên Chúa tỏ hiện vinh quang của Ngài cho các dân tộc đến tận cùng trái đất.
(Trong tiếng Anh, Lễ này gọi là ‘The Epiphany’ gốc từ chữ Hy Lạp
‘Epiphaneia’có nghĩa là ‘sự tỏ hiện’).
Thánh lễ hôm nay hướng tâm trí chúng
ta cùng với các ‘Đạo Sĩ’ đến để chiêm bái và thờ lạy Chúa Hài Nhi sinh ra trong
hoàn cảnh khó nghèo; đồng thời cũng dậy chúng ta bài học dấn thân và chia sẻ.
Bài học dấn thân: cũng như các
mục đồng đã bỏ giấc ngủ ngon ban đêm để đến thờ lạy Chúa Hài Nhi trong hang đá
bò lừa, các ‘Đạo Sĩ’ cũng bỏ cuộc sống êm ấm trong gia đình để lên đường
chịu bao mệt nhọc vất vả để tìm đến thờ lạy Đấng Cứu Thế. Chúng ta cũng phải
dám dấn thân chấp nhận mọi vất vả, khó nhọc hàng ngày để đến thờ lạy Chúa, để sống
đức tin chân thật của chúng ta trong thế giới hôm nay.
Bài học chia sẻ: Xin Chúa
cũng giúp chúng ta noi gương các ‘Đạo Sĩ’: biết sống khó
nghèo để dành dụm những gì mình có để dâng lên Chúa, qua việc giúp đỡ những người
nghèo khổ, bệnh hoạn ở các nơi đang cần sự giúp đỡ của chúng ta. Tránh may sắm,
trưng diện quá, ăn uống tiêu xài hoang phí, để tiết kiệm giúp đỡ những người
thiếu thốn. Nhất là khi chúng ta được sống trong hoàn cảnh có công ăn việc làm
vững chắc, nhà ở rộng rãi, cuộc sống phong phú, đầy đủ.
Hơn nữa, mỗi người tín hữu của Chúa
cũng phải là những Ngôi Sao Sáng chỉ
đường cho mọi người nhận ra con đường Sự Thật và Sự Sống, con đường đi đến với
Chúa, bằng đời sống lương thiện, công bằng, hoà hợp yêu thương. Tránh xa những
thói xấu của xã hội hôm nay, như tự do luyến ái, phá thai, li
dị , gian lận trợ cấp, kết hôn giả, cờ bạc, nghiện ngập..vv… Đó là những thói xấu
thế gian, những thói xấu biến chúng ta thành những ‘ngôi sao lạc’ dẫn đưa vào
nơi tăm tối lầm lỗi.
Tất cả chúng ta đều chỉ là những con người
mang nhiều tật xấu, tham lam, ham danh, ham lợi. Chúng ta hãy khiêm nhượng
chiêm ngắm cảnh khó nghèo của Hang Đá Belem và cầu nguyện chung cho nhau, nâng
đỡ lẫn nhau để chúng ta biết sống khó nghèo, khiêm tốn và ngay thẳng, xứng đáng
con cái Chúa.
Xin Chúa ‘thắp sáng lên trong chúng
ta’ ngọn lửa tình yêu để chúng ta nhận ra ‘con đường ngay thẳng’, ‘con đường
công chính’ và dám dấn thân đến với Chúa và đem Chúa đến cho mọi người trong
gia đình chúng ta, nơi sở làm, nơi xưởng thợ; nói chung là cho mọi người chúng
ta gặp gỡ trong cuộc sống hàng ngày.