Lễ Hiển Linh

Giáng Sinh 2009

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Mát-thêu 2:1-12)

          Câu truyện Ba Vua đi tìm Chúa Hài Đồng để thờ lạy đã quá quen thuộc với chúng ta, quen đến độ chúng ta không mấy để ý tới câu truyện ấy muốn nói với chúng ta điều gì nữa.  Thực ra ý nghĩa câu truyện thật phong phú và dạy chúng ta nhiều bài học.  Nhưng điều làm chúng ta ngạc nhiên nhất có lẽ là hành trình đến gặp Chúa của ba vị Đạo sĩ, bởi vì hành trình ấy nhiều khi rất giống với hoàn cảnh của chúng ta.

          Thánh Mát-thêu thường kể truyện Chúa Giê-su với nhiều chi tiết tỉ mỉ.  Những lời nói và hành vi của ba Đạo sĩ có thể giúp chúng ta nhận ra được cuộc hành trình đi tìm Chúa của họ.  Cuộc hành trình của họ bắt đầu từ lúc nào và ra sao trước khi họ tới Giê-ru-sa-lem thì chúng ta không rõ.  Nhưng tại Giê-ru-sa-lem, hành trình ấy đã diễn tiễn thế nào đều đã được thánh Mát-thêu ghi lại đầy đủ.  Chúng ta có thể suy nghĩ về hành trình ấy như sau:

-  Mục đích của hành trình:  Khi lên đường, các Đạo sĩ đã có mục đích, nhưng đến Giê-ru-sa-lem họ mới tuyên bố.  Vua người Do-thái mới sinh… và chúng tôi đến để triều bái Người.  Thật kỳ lạ.  Họ là những người Dân ngoại ở Đông-phương mà lại đến triều bái vua người Do-thái, hơn nữa lại là vị vua mới sinh ra!  Rõ ràng đây là việc làm của Chúa Giê-su, Thiên Chúa giáng trần.  Người muốn tỏ mình ra cho Dân ngoại, cũng như Người sẽ tỏ mình ra cho dân Do-thái khi chịu phép rửa của ông Gio-an tại sông Gio-đan và cho các môn đệ tại tiệc cưới Ca-na.  Dĩ nhiên lúc nào Chúa cũng muốn tỏ mình ra cho chúng ta, qua tất cả những dấu chỉ to nhỏ trong cuộc sống hằng ngày.  Do đó, đến gặp Chúa cũng là mục đích hành trình trần thế của chúng ta.

-  Hành trình đòi hỏi nhiều cố gắng và tìm hiểu:  Khó khăn trước khi họ tới Giê-ru-sa-lem là điều chắc chắn vì đường xa hiểm trở.  Nhưng gần đến đích điểm, họ vẫn phải tìm tòi hỏi han.  Theo lý giải bình thường, vua mới sinh phải là ở nơi đền vua, nên các Đạo sĩ đã tới gặp và hỏi vua Hê-rốt.  Vua hỏi các vị lãnh đạo tôn giáo.  Sau khi tra cứu Kinh Thánh họ cho nhà vua biết địa điểm vua mới sinh ra là Bê-lem.  Được vua cho biết, các Đạo sĩ lên đương đi Bê-lem.  Hành trình gặp gỡ Chúa của chúng ta đòi hỏi chúng ta phải tìm hiểu, qua cầu nguyện, đọc và suy niệm Lời Chúa, sống và làm chứng đức tin…

-  Ngôi sao dẫn đường:  Và kìa, ngôi sao họ xem thấy ở Đông phương lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài nhi ở.  Không phải là ngôi sao đứng yên một chỗ và lấp lánh trên bầu trời đêm, nhưng là ngôi sao “biết đi”.  Thật là sống động.  Họ vui mừng với ngôi sao ấy.  Ngôi sao đức tin của chúng ta cũng phải “biết đi” như thế, chứ không thể nằm bất động, như thánh Gia-cô-bê nói:  Đức tin không biểu lộ bằng hành động là đức tin chết.  Rồi chúng ta cũng vui mừng với đức tin của chúng ta nữa chứ!

-  Họ đã quì gối xuống, sụp lạy Người:  Quì gối và sụp lạy là hành vi biểu lộ đức tin và lòng thờ phượng Thiên Chúa.  Trong đời ba Đạo sĩ, đây là lần đầu tiên họ biểu lộ hành vi thờ phượng đối với một Hài nhi kỳ lạ.  Họ đã đạt mục đích của hành trình đức tin.  Đức tin không biểu lộ bằng cái đầu suy nghĩ, nhưng bằng đầu gối quì xuống.  Càng khiêm nhượng, đức tin càng mạnh.  Gương của Mẹ Ma-ri-a cho chúng ta thấy rõ điều ấy.  Hành vi của các Đạo sĩ nhắc chúng ta hãy nhìn lại đức tin của chúng ta, mà nền móng là lòng khiêm nhượng đích thực.

 

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Ba vị Đạo sĩ nhận được lời mộng báo “đừng trở lại với Hê-rốt”, họ đã qua đường khác, trở về xứ sở mình.  Cũng như họ, chúng ta gặp gỡ Chúa rồi thì đừng trở lại với con đường tội lỗi, nhưng hãy đi con đường thánh thiện mà làm chứng cho Chúa trong đời sống thường ngày.

 

Lm. Dominic TTL       

         


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C