Lễ Hiển Linh

Hạnh Phúc Của Dân Chúa (Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12)

 

Phúc Âm: Mt 2, 1-12

"Chúng tôi từ phương Ðông đến thờ lạy Ðức Vua".

Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Ðông phương tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói: "Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Ðông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người". Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Ðức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: "Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Ðấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta".

Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: "Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người". Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Ðông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình.

Suy Niệm:

Lễ Hiển Linh

(Ys 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12)

Câu chuyện các nhà đạo sĩ đi thờ lạy Chúa vừa hay vừa dễ hiểu; nhưng không phải vì vậy mà hôm nay Lễ Ba Vua, cho dù chúng ta muốn đồng hóa các đạo sĩ với ba vua. Phúc Âm không nói rõ con số người đi thờ lạy Chúa và nhất là những người ấy không nhất thiết phải là vua. Có lẽ họ là những nhà chiêm tinh. Nhưng vì bài Tin Mừng kể họ dâng 3 thứ lễ vật, nên người ta đã muốn có mỗi người mang một thứ (?). Và khung cảnh câu chuyện một phần đã xảy ra trong đền vua, nên dân chúng dễ coi họ là vua. Hơn nữa Thánh vịnh 72 nói đến các vua Tarsis, Ảrập và Saba đến dâng lễ cho Chúa, lại thêm một cớ cho người ta khẳng định các người đến thờ lạy Chúa trong câu chuyện hôm nay là các vua.

Dù sao, nếu hiểu lễ hôm nay là lễ kính nhớ câu truyện các vua đi thờ lạy Chúa, thì không đúng tí nào. Ngay từ đầu, Phụng vụ đã gọi tên ngày lễ hôm nay là Hiển Linh, tức là Chúa vinh hiển hiện ra, tỏ mình cho chúng ta, mà việc soi sáng cho lương dân đến thờ lạy chỉ là một diện, mặc dầu là diện quan trọng hơn cả. Như vậy Chúa đã hiển linh khi giáng sinh, để cho người ta thấy Người nơi máng cỏ; Người đã hiển linh cho các mục đồng và Người cũng đã hiển linh trong ngày chịu cắt bì và nhận Tên là Yêsu. Nhưng hôm nay Phụng vụ nhấn mạnh đến việc Người tỏ mình ra cho lương dân. Mà vì Giáo hội gồm hầu hết các dân tộc trước kia là lương dân, nên Giáo hội mừng lễ này thật lớn, vì thấy Chúa thương yêu mình quá đỗi.

A. Hạnh Phúc Của Dân Chúa

Hai bài đọc Kinh Thánh đầu tiên nói lên hạnh phúc của Dân Chúa. Isaia say sưa nhìn ngắm vinh quang của Yêrusalem. Ðang khi các dân tộc chìm đắm trong u tối, một mình Yêrusalem nổi lên rực sáng. Không phải tự sức mình nhưng đó là ánh sáng của Chúa chiếu soi, vinh quang của Người tỏa xuống. Các dân tộc liền châu về Yêrusalem: nào thuyền bè từ đại dương, nào lạc đà từ sa mạc, chở muôn dân đến thờ lạy Chúa.

Isaia có bao giờ nhìn thấy một cảnh tượng tưng bừng như thế không? Lịch sử Israel được mấy lúc như thời Salomon, là vua mà bà Saba nghe tiếng đã tìm tới? Chắc chắn Isaia đã tiên báo về thời cứu thế. Những lời tiên tri của ông sẽ chỉ thực hiện hoàn toàn khi, như lời Chúa nói: người phương Ðông phương Tây sẽ tuôn vào Nhà Chúa, trong khi con cái trong nhà sẽ bị đuổi ra ngoài. Chỉ trong ngày Chúa quang lâm mới thực hiện hoàn toàn những lời tiên tri trên.

Nhưng hiện nay đã khởi sự thực hiện rồi! Ngôi sao đã đứng lại trên nhà Hài Nhi ở; Yêrusalem bừng sáng chính là con người Ðức Kitô mà các đạo sĩ đến thờ lạy; và việc muôn dân ngày nay gia nhập Giáo hội để thờ lạy Chúa làm chứng Hội Thánh là Yêrusalem mới; mỗi giáo đoàn, mỗi nhà thờ, mỗi người tín hữu - đền thờ của Chúa - là một Yêrusalem được rực sáng nhờ mang trong mình sự thánh thiện của Chúa. Ðó là ân sủng đã được ban phát cho ta, như lời thư Phaolô nói; và là mạc khải đặc biệt của Tân Ước.

Như vậy, khi nói đến hạnh phúc của Dân Chúa, phải nghĩ đến vinh dự của người dân tín hữu của hết thảy chúng ta, để mỗi người cảm mến hồng ân của Chúa đã đoái thương chọn mình làm nơi cho Người hiển linh. Từ ngày chịu phép Rửa tội, mọi tín hữu đã được trao cây nến cháy để trở thành ánh sáng của Chúa giữa thế gian, để nên Yêrusalem rực sáng trước mắt tiên tri Isaia. Hôm nay chúng ta hãy nhận ra vinh quang của mình, tức vinh quang của Chúa sáng trên ta, để chúng ta sáng lên trước mắt mọi người.

Nhưng đặc biệt chúng ta phải nghĩ đến Hội Thánh, đến các giáo hội và giáo đoàn. Chúng ta phải cầu xin, phải xây dựng để mọi cộng đoàn Kitô giáo làm tròn sứ mệnh của mình; trở nên các Yêrusalem rực sáng cho mọi người mang lễ vật đến thờ lạy Chúa, kết hợp mọi dân vào gia nghiệp Lời Hứa. Và cho được như vậy, cho được có những Giáo hội bừng sáng, phải có những đạo sĩ đi thờ lạy, phải có chúng ta nối tiếp truyền thống các đạo sĩ. Và vì thế phải suy nghĩ câu truyện Tin Mừng hôm nay.

B. Các Ðạo Sĩ Ði Thờ Lạy Chúa

Các bài tường thuật trong Phúc Âm thường vắn tắt, không thỏa mãn mọi thắc mắc vụn vặt của ta. Các đạo sĩ kia từ bên Ðông tới nhưng thuộc nước nào? Hêrôđê đã cặn kẽ hỏi họ về thời gian ngôi sao đã hiện ra khi nào, nhưng thánh Matthêô không ghi lại câu trả lời. Và nhất là làm sao họ đã nhận ra ngôi sao lạ đó, biết ngay là dấu chỉ một vua Dothái mới sinh ra, và vì sao lại phải thờ lạy vua đó? Thánh Matthêô dường như không để ý đến những chi tiết chúng ta vừa nêu lên. Ngài chỉ khẳng định một điều: các đạo sĩ tin chắc chắn Hài Nhi mới sinh là Vua và là Chúa, tức là Chúa Cứu thế mà muôn dân trông đợi. Thế nên họ đã mang theo vàng, nhũ hương và mộc dược làm lễ vật. Ðó là những sản phẩm quý giá của miền Ảrập, dùng trong đền vua. Mà ở phương Ðông, vua cũng là chúa nên đền vua sơn son thiếp vàng thường phảng phất mùi hương. Và mộc dược được dùng trong việc ướp hoặc liệm xác các hoàng đế.

Các đạo sĩ tin như vậy chỉ vì một ánh sao, đang khi các tư tế và luật sĩ Dothái có sách Thánh và thuộc Thánh Kinh lại không nhận ra Chúa vừa giáng sinh. Ðó là điều thánh Matthêô muốn nhấn mạnh trong bài trường thuật này, với một cảm tình chua chát trong lòng. Ngài như muốn phác họa trước câu truyện tử nạn của Chúa ở đây. Hêrôđê đóng vai chính quyền sẽ ra lệnh giết Chúa, nhưng chính hàng tư tế và luật sĩ sẽ cung cấp cho ông tài liệu để thi hành tội ác kia. Trong khi đó, lương dân được Ơn Chúa soi sáng, đã nhận biết Chúa và thờ lạy Người. Các đạo sĩ ở đây tiêu biểu cho họ. Các ông diễn tả khuôn mặt đức tin của những người được Chúa kêu gọi và soi sáng. Thấy ánh sao, các ông đã bỏ hết mọi suy nghĩ cũ kỹ, từ giã mọi sự để lên đường hân hoan và đơn thật đến nỗi dường như không đoán biết ý đồ đen tối của Hêrôđê, cũng như không ngần ngại sấp mình thờ lạy một Hài Nhi mà bề ngoài xem ra chẳng có gì khác thường.

Chúng ta có thể bắt chước niềm tin như vậy không?

C. Nếp Sống Ðức Tin

Không những chúng ta có thể mà còn phải bắt chước niềm tin của các đạo sĩ, vì mục tiêu của ngày lễ hôm nay là vậy. Chúng ta chỉ cần từ bỏ thái độ của hàng tư tế và luật sĩ Dothái là có thể theo chân các đạo sĩ. Thật ra, nếu không cẩn thận, chúng ta luôn sống như các tư tế và luật sĩ Dothái. Như họ, chúng ta có Thánh Kinh ở trong tay; chúng ta thuộc giáo lý của Chúa nữa; ai hỏi chúng ta tư tưởng đạo đức nào, chúng ta có thể trả lời ngay. Nhưng chúng ta chẳng bao giờ thực hành, chẳng muốn sống theo lời Chúa dạy bảo. Chúng ta chỉ muốn quên các đòi hỏi của Tin Mừng để sống theo bản năng, dục vọng; cố gắng hưởng đời theo các phương tiện ích kỷ. Chúng ta mất rồi lòng nhiệt thành của hồi được Chúa soi sáng, như khi rước lễ lần đầu, chịu phép Thêm sức, hoặc Hôn phối, tĩnh tâm và được những ơn đặc biệt. Những hồi ấy, chúng ta đã quên mình, chỉ nhiệt thành mến Chúa và muốn cứu giúp các linh hồn, dấn thân xây dựng Giáo hội và xã hội theo công bình bác ái. Thái độ nhiệt thành của những người mới theo đạo nhắc lại cho ta nhớ tâm tình và nếp sống của mình trong những hồi sốt sắng kia. Và chắc chắn chúng ta phải công nhận con người chúng ta lúc đó thật rực sáng, khác nào Yêrusalem được bừng sáng dưới vinh quang của Chúa.

Xã hội mới đang thúc giục ta từ bỏ con người và nếp sống cũ kỹ. Giáo hội Việt Nam đang muốn vươn lên trong giai đoạn mới. Phụng vụ Thánh Thể luôn luôn đưa chúng ta vào mầu nhiệm Phục sinh, tức là sống lại, sống mới. Mỗi Thánh lễ là một cuộc hiển linh của Chúa. Ở đây, hương nến đang mời chúng ta đến thờ lạy Chúa. Phụng vụ của chúng ta sẽ chân thật, khi bắt chước các đạo sĩ, hôm nay chúng ta ra về "bằng con đường khác", tức là vào đời với thái độ mới, nhiệt thành xóa bỏ cái cũ, xây dựng cái mới để như lời thư Êphêsô: mọi dân, mọi người đồng thừa kế, đồng tham dự, đồng chia sẻ Lời Hứa của Thiên Chúa nhờ Tin Mừng cứu độ của Ðức Yêsu Kitô.

Đức Cố GM Bartholomeo Nguyễn Sơn Lâm


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C