Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Gio-an 20:19-23)

 

          Có khi nào chúng ta so sánh đoạn Tin Mừng hôm nay với việc Thiên Chúa tạo dựng trời đất được kể lại trong sách Sáng Thế không?  So sánh như vậy, chúng ta dễ dàng nhận ra vai trò của Chúa Thánh Thần, nhất là trong việc Thiên Chúa tạo dựng trời mới đất mới.

          Chúng ta nhìn lại bối cảnh trước khi Chúa Giê-su ban Thánh Thần cho các môn đệ.  “Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần” chính là thời điểm bắt đầu cuộc tạo dựng mới, giống như  “lúc khởi đầu” Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và con người.  Cũng như “đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm”, khung cảnh nơi các môn đệ Chúa Giê-su tụ họp cũng đầy sợ hãi và thiếu bình an.  Khi sáng tạo vũ trụ, Thiên Chúa dùng Lời của Người để phán và “liền có như vậy”, còn ở đây Chúa Giê-su cũng phán lời ban bình an và “các môn đệ vui mừng”.  Trong Sáng Thế, “thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước”;  còn nơi nhà Tiệc Ly, Chúa Giê-su “thổi hơi vào các ông và bảo: ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần’”.

          Tuy đoạn Tin Mừng không mô tả công việc của Chúa Thánh Thần, nhưng thánh sử Gio-an lại tài tình ám chỉ đến vai trò của Chúa Thánh Thần và sứ mệnh của các môn đệ Chúa là cộng tác với Thánh Thần trong cuộc Tạo dựng Mới.  Đúng vậy, Chúa Giê-su sai chúng ta là các môn đệ hôm nay của Người ra đi rao giảng Tin Mừng cứu độ và ơn tha thứ của Thiên Chúa, để thiết lập “bình an” giữa Thiên Chúa với nhân loại và giữa loài người với nhau.  Tuy nhiên sức mạnh và động lực chính của sứ mệnh ấy là Chúa Thánh Thần, Đấng “đổi mới bộ mặt địa cầu”.  Chúa Thánh Thần là động lực và sức mạnh giúp Chúa Giê-su chu toàn sứ mệnh cứu độ ở trần gian thế nào, thì Người cũng phải là động lực và sức mạnh của chúng ta khi chúng ta được Chúa Giê-su sai đi như vậy.  Cuộc Tạo dựng mới được thiết lập nhờ Chúa Ki-tô, được khởi đầu nhờ Chúa Thánh Thần và được tiếp tục nhờ sự cộng tác của chúng ta.  Chúa Giê-su đã liên kết chặt chẽ hai sự kiện “Thầy cũng sai anh em” và “anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”.  Nói tóm lại, chúng ta không thể ra đi mà không nhận lấy Thánh Thần, và chúng ta sẽ chẳng làm được gì nếu không có Thánh Thần hướng dẫn và giúp đỡ.

 

Sống sứ điệp Tin Mừng

 

          Công cuộc cứu độ của Chúa Giê-su được Chúa Thánh Thần tiếp nối.  Công cuộc ấy sẽ biến đổi lòng người và mang lại bộ mặt mới cho trái đất.  Việc canh tân của Chúa Thánh Thần không diễn ra trong nháy mắt do quyền năng Thiên Chúa, nhưng trong thời gian và không gian của lịch sử nhân loại chúng ta.  Chúa Giê-su sai chúng ta ra đi, trước hết để thay đổi chính con người chúng ta.  Người cũng sai chúng ta đến với xóm giềng và khu phố hoặc bất cứ nơi nào chúng ta tới, với sứ mệnh đem theo quyền năng của Thánh Thần, để Người đổi mới mọi sự trong Chúa Ki-tô.  Sức mạnh của Chúa Thánh Thần hôm nay không chỉ là ngọn lửa hay cơn gió mạnh xuống trên các môn đệ Chúa ngày xưa, nhưng tàng ẩn trong cách cư xử của chúng ta như môn đệ Chúa Ki-tô, qua lời ăn tiếng nói, qua những việc bác ái và thương yêu của chúng ta đối với những người chung quanh.  Nếu lối sống của chúng ta đi ngược lại với lối sống của môn đệ Chúa Ki-tô, thì đúng là chúng ta đang chặn đứng sức mạnh của Thánh Thần và thế giới này vẫn còn là “đất trống rỗng, chưa có hình dạng và bóng tối bao trùm vực thẳm”.

          Lời cầu nguyện của Giáo Hội “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy ngự đến và đổi mới bộ mặt trái đất” cũng phải là lời cầu nguyện mỗi ngày của chúng ta, đang khi chúng ta ý thức sứ mệnh được Chúa sai đi.                                                                                 

 

Lm. Dominic TTL


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C