CHÚA
NHẬT LỄ LÁ VÀ TUẦN THÁNH
(Linh Mục Anphong Trần Đức Phương)
CHÚA
NHẬT LỄ LÁ (Chúa Nhật Thương Khó) (Phẩm phục màu đỏ) kính nhớ việc Chúa Giêsu
long trọng vào Thành Giêrusalem (Phần Rước Lá) và cuộc Khổ Nạn của Chúa (Thánh
Lễ), và mở đầu Tuần Thánh. Trước Thánh Lễ, có nghi thức Làm Phép Lá và Rước Lá
(mọi người cầm cành lá trên tay) để kỷ niệm việc Chúa Giêsu long trọng vào Thành
Giêrusalem và được dân chúng nồng nhiệt đón rước: Họ chặt cành lá và lấy cả áo
trải trên đường để đón rước Chúa vào Thành: Tay cầm cành lá thiên tuế, miệng hô
to: “Hoan hô! Hoan hô Đấng nhân danh Chúa mà đến!... (Gioan 12: 12-14). Trước
phần Rước Lá, có đọc Bài Phúc Âm (Năm C, Luca 19: 28-40) nói về biến cố trọng
đại này. (Lá đã được làm phép, chúng ta nên mang về để trên bàn thờ gia đình
cho đến trước ngày Thứ Tư Lễ Tro năm sau, sẽ đưa đến Nhà Thờ đốt làm tro dùng để xức tro).
Tiếp theo phần Rước Lá trang nghiêm và long
trọng là Thánh Lễ với bầu khí hướng về cuộc khổ nạn của Chúa. Bài Đọc I (Isaia
50: 4-7: Bài Ca thứ ba về người tôi tớ Chúa) diễn tả sự nhẫn nhục “người Tôi tớ
Chúa” phải chịu đựng trong cuộc khổ nạn để cứu chuộc nhân loại. Bài Đọc II
(Philiphê 2: 6-11) diễn tả sự hy sinh của Chúa để trở nên như một người phàm và
vâng lời chịu khổ nạn, chịu chêt để cứu chuộc tội lỗi nhân loại và sau đó Ngài
đã được tôn vinh. Bài Phúc Âm (Năm C, Luca 22: 14-23, 56) là Bài Thương Khó của
Chúa Giêsu Kitô từ Bữa Tiệc Ly đến cuộc khổ nạn và chết trên Thánh Giá, tháo
xác Chúa xuống và an táng trong mồ.
Với Chúa Nhật Lễ Lá, chúng ta bước vào tuần lễ
quan trọng nhất trong năm Phụng Vụ để kỷ niệm những ngày cuối cùng trong cuộc
thương khó của Chúa Giêsu và chuẩn bị mừng ngày Chúa sống lại trong vinh quang,
vì thế gọi là Tuần Thánh (Holy Week): Các Bài Đọ Sách Thánh các ngày Thứ Hai
(Bài Đọc I: Isaia 42: 1-7), Bài Phúc Âm: Gioan 12: 1-11), Thứ Ba (Bài Đọc I:
Isaia 49: 1-6; Bài Phúc Âm: Gioan 13: 21-33, 36-38), Thứ Tư (Bài Đọc I: Isaia
50: 4-9; Bài Phúc Âm: Matthêu 26: 14-25) không phân biệt Năm Chẵn, Năm Lẻ.
THỨ
NĂM TUẦN THÁNH (Holy Thursday) tưởng niệm Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể và
chức Linh Mục. Buổi sáng chỉ có Thánh Lễ Đồng Tế làm phép Dầu Thánh tại Nhà Thờ
Chính Tòa của mỗi Giáo Phận do Đức Giám Mục chủ tế và các Linh Mục trong Giáo
phận đồng tế để biểu lộ sự hiệp nhất và hiệp thông với Đức Giám Mục giáo phận.
Vì lý do mục vụ, Thánh Lễ làm phép Dầu Thánh có thể chuyển vào một ngày nào
trước đó để toàn thể Linh Mục, Tu sĩ nam nữ và Giáo dân có thể tham dự đông đủ
hơn. Phần Phụng Vụ Lời Chúa gồm Bài Đọc I (Isaia 61: 1-3, 6-8), Bài Đọc II
(Khải Huyền 1: 5-8), Bài Phúc Âm (Luca 4: 16-21). Sau bài giảng của Đức Giám
Mục hướng về chức Linh Mục, là nghi thức lặp lại Lời Hứa Trung Thành trong Sứ
Mệnh linh mục của các Linh Mục trước mặt Đức Giám Mục và cộng đồng Dân Chúa.
Tiếp theo, Đức Giám Mục làm phép các Dầu Thánh để các linh mục mang về Nhà Thờ
Giáo xứ của mình dùng (trong suốt năm) vào việc cử hành các Bí Tích Rửa Tội,
Thêm Sức và Xức Dầu Bệnh nhân: Dầu Dự Tòng (O.S.), Dầu Thánh (S.C hay O.C.),
Dầu Bệnh nhân (O.I.). Sau đó là phần cử hành Phụng Vụ Thánh Thể như thường lệ,
mọi người được mời gọi rước cả Mình và Máu Thánh Chúa.
Buổi chiều thứ Năm Tuần Thánh, tại mỗi nhà thờ
giáo xứ long trọng cử hành Thánh Lễ (đồng tế) vào giờ thuận tiện để giáo dân
trong xứ có thể tham dự đông dủ. Thánh Lễ chiều nay kỷ niệm Bữa Ăn Tình Thương
“Agape” (Bữa Tiệc Ly): Chúa Giêsu và các Tông Đồ ăn Lễ Vượt Qua với nhau, sau
đó Chúa Giêsu ra đi tự nộp mình để chịu chết chuộc tội nhân loại. Trong Bữa Ăn
Tình Thương này, Chúa Giêsu đã cúi xuống rửa chân cho các Tông Đồ để thanh tẩy
các ngài và dạy các ngài bài học khiêm tốn phục vụ lẫn nhau trong tình thương;
sau đó, Chúa Giêsu đã lập Bí Tích Thánh Thể và chức Linh Mục. bài Đọc I (Sách
Xuất Hành 12: 1-8, 11-14), Bài Đọc II (Sách 1 Corintô 11: 23-26), Bài Phúc Âm
(Gioan 13: 1-15). Sau bài giảng là nghi thức Rửa Chân; tiếp đó là phần Phụng Vụ
Thánh Thể như thường lệ.
Sau Thánh Lễ là phần kiệu Mình Thánh Chúa đến Bàn
Thờ Phụ và chầu Thánh Thể chung đến nửa đêm. Hôm nay, chúng ta hãy cầu xin cho
chúng ta được thêm lòng sùng kính Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể và dâng nhiều
hy sinh hãm mình và cầu nguyện xin Ơn Thánh Hóa cho các Linh Mục trên toàn thế
giới, đặc biệt trong Nam Linh Mục này.
THỨ
SÁU TUẦN THÁNH (Good Friday) (ăn chay và kiêng thịt) kỷ niệm cuộc khổ nạn
và cái chết của Chúa. Hôm nay không có cử hành Thánh Lễ, nhưng có cuộc tưởng
niệm sự Thương Khó Chúa vào buổi chiều (thích hợp nhất là vào lúc 3 giờ chiều):
Phần I là Phụng Vụ Lời Chúa (Bài Đọc
I: Isaia 52: 13-53 ?; Bài Đọc II: Thư gởi Do Thái 4: 14-16, 5: 7-9); Bài Thương
Khó: Gioan 18: 1-19, 42); tiếp theo là những lời nguyện cho các nhu cầu của
Giáo Hội và Thế Giới. Phần II là Suy
Tôn Thánh Giá và Hôn Kính Thánh Giá. Phần
III: Long trọng rước Mình Thánh Chúa trở lại Bàn Thờ Chính, đọc Kinh Lạy
Cha và cho chịu Lễ và Lời Nguyện Kết Thúc. Hôm nay, các giáo xứ thường tổ chức
Ngắm Đàng Thánh Giá trọng thể vào giờ thích hợp để tất cả giáo dân cùng tham dự
đông đủ.
Hôm nay, chúng ta ăn chay kiêng thịt, và dâng
nhiều hy sinh, hãm mình để tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa và cầu xin cho
bao nhiêu người đang đau khổ trên thế giới vì chiến tranh, thiên tai, bệnh
hoạn, nghèo đói. Xin cho mọi người chúng ta biết can đảm “vác Thánh Giá hàng
ngày theo chân Chúa.”
THỨ BẢY
TUẦN THÁNH (Holy Saturday): Hợp cùng Mẹ Maria Sầu Bi, chúng ta tiếp tục cuộc tưởng
niệm cuộc thương khó của Chúa, đặc biệt Chúa chịu táng trong mồ. Không cử hành
Thánh Lễ cho đến giờ cử hành Đêm Vọng Phục Sinh.
ĐÊM
VỌNG PHỤC SINH (giờ thích hợp nhất là vào nửa đêm):
Phần I: Làm phép Nến Phục
Sinh ở cuối nhà thờ (đèn trong nhà thờ tắt tối), long trọng rước Nến lên Cung
Thánh với ba lần quỳ gối tôn kính và hát to câu “Ánh Sáng Chúa Kitô!” (Cộng
Đoàn thưa “Tạ Ơn Chúa!”), rồi long trọng tuyên bố Tin Mừng Phục Sinh, mọi người
đứng và cầm nến cháy sáng trên tay (lửa từ Cây Nến Phục Sinh được châm truyền
sang cho nến của giáo dân).
Phần II: Phục vụ Lời Chúa gồm
các Bài Đọc trong Cựu Ước (7 Bài). Sau mỗi bài Đọc và Đáp Ca là Lời Cầu Nguyện
thích hợp. Sau các Bài Đọc Cựu Ước thì long trọng hát kinh Vinh Danh và rung
chuông (chỉ sự vui mừng, hoan hỉ, vì Chúa đã phục sinh); sau đó, Chủ Tế đọc Lời
Cầu Nguyện, rồi đọc bài Thánh Thư (Roma 6: 3-11), rồi long trọng hát Alleluia
và Đáp Ca và đọc Bài Phúc Âm (Năm C, Luca 24: 1-12).
Phần III: Phụng vụ Phép Rửa
Tội: Đọc Kinh Cầu Các Thánh, làm phép Nước Rửa Tội; ban phép Rửa Tội và Thêm
Sức cho các dự tòng; lập lại Lời Tuyên Hứa khi chịu Phép Rửa Tội và vẩy Nước
Thánh trên Cộng Đoàn. Vì đã có lời tuyên xưng khi chịu Phép Rửa Tội, nên không
đọc Kinh Tin Kính, nhưng có đọc Lời Nguyện Giáo Dân; sau đó tiếp tục phần Phụng
Vụ Thánh Thể như thường lệ.
Các Giờ Phụng Vụ trong Tuần Thánh thường kéo dài
nhiều giờ; nhưng đây là dịp để chúng ta hy sinh nhiều thời giờ hơn vào việc cầu
nguyện, suy ngẫm Lời Chúa và sống các Mầu Nhiệm trong Tuần Thánh.
Xin hãy cầu nguyện chung cho nhau để trong
những ngày trọng đại này, chúng ta hy sinh nhiều hơn trong sự suy ngẫm các mầu
Nhiệm cuộc đời đau khổ, chịu nạn, chịu chết và phục sinh của Chúa Giêsu Kitô,
Chúa chúng ta. Xin Mẹ Maria, Thánh Giuse và các Thánh chuyển cầu cùng Chúa cho
chúng ta được chết đi với tội lỗi, cải thiện đời sống để được cùng sống lại với
Chúa trong đời sống trong sạch, hoà hợp yêu thương và nhiệt thành phụng sự Chúa
và mọi người trong cuộc sống hàng ngày.