Chúa Nhật Lễ Lá, C

năm 2010

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 22:14 – 23:56)

 

          Bỏ qua những chi tiết phụ thuộc, chúng ta đi thẳng vào những giờ phút nghiêm trọng nhất của cuộc Thương Khó để nhận ra cách hành xử của Chúa Giê-su trước việc người ta tố cáo Người.

          Tại dinh Phi-la-tô và trước mặt vị tổng trấn Rô-ma, Chúa Giê-su điền đạm trả lời cuộc điều tra của ông.  Thánh sử không ghi lại hết cuộc đối thoại, nhưng điều quan trọng hơn ngài muốn cho chúng ta thấy, đó là thái độ an bình và vô tội của Chúa đã thuyết phục được vị quan tòa này.  Ông tuyên bố về Người:  “Ta xét thấy người này không có tội gì”.  Vậy Chúa Giê-su là người vô tội.

          Tại dinh vua Hê-rô-đê, Chúa Giê-su giữ im lặng, không trả lời câu hỏi nào của nhà vua.  Ông ta cũng không thể tìm ra một tội nào nơi Chúa Giê-su cả, nhưng muốn biến Chúa thành trò cười cho thiên hạ.  Hình ảnh Chúa yên lặng làm chúng ta nhớ đến hình ảnh con chiên vô tội bị đem đi sát tế không kêu một tiếng.

          Trở lại dinh Phi-la-tô, Chúa Giê-su phải đối diện với một xã hội bất công.  Rõ ràng Người vô tội, nhưng vẫn bị đánh đòn một cách oan ức.  Người bị dân chúng coi rẻ không bằng một tên tù.  Nhất là ba lần Phi-la-tô tuyên bố Người vô tội, nhưng dân chúng nằng nặc đòi phải xử tử Người bằng nhục hình đóng đinh thập giá.

          Tiếp theo màn xử án là đường thập giá.  Một Chúa Giê-su im lặng giờ đây bắt đầu lại lên tiếng nói.  Người nói bằng ánh mắt cảm ơn ông Si-mon Ky-rê-nê vác đỡ thập giá cho Người.  Người nói với một số phụ nữ theo Người trên đường khổ nạn để an ủi họ.  Đúng là Người đang đóng vai trò người bị thương tích chữa lành thương tích của chúng ta.  Nhưng quan trọng nhất,  Chúa Giê-su nói với Thiên Chúa Cha.  Người xin Cha tha thứ cho những kẻ giết Người. Người nói lời cuối cùng với Chúa Cha để phó thác và đặt tất cả lòng tin nơi Chúa Cha trước khi Người lìa đời.

          Đó là hình ảnh đẹp nhất về Chúa Giê-su chịu cuộc Thương Khó.  Người im lặng, im lặng của kiên nhẫn, của yêu thương, của vâng phục thánh ý Chúa Cha.  Người lên tiếng, nói lời cảm ơn, lời an ủi, lời cầu xin Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta.

 

Sống sứ điệp Tin Mừng

 

          Ở cuối bài Tin Mừng, thánh Lu-ca ghi lại một vài chi tiết làm chúng ta phải suy nghĩ.  Trước hết là lời viên đại đội trưởng người Rô-ma tôn vinh Chúa Giê-su:  “Người này đích thực là người công chính”.  Tiếp theo là đám dân chúng chứng kiến cái chết của Chúa đã trở về nhà và đấm ngực ăn năn.  Những điều này xảy ra trước mặt những người quen biết Chúa Giê-su, họ là những người đứng ở đằng xa.

          Cùng với cộng đồng dân Chúa, chúng ta nhập cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su, nhưng chúng ta thử hỏi mình thuộc hạng người nào.  Chúng ta là viên đại đội trưởng tuyên xưng Chúa Giê-su là Đấng cứu độ và là Con Thiên Chúa?  Chúng ta là đám dân chúng đấm ngực ăn năn và quyết tâm từ nay không tham gia vào cuộc đóng đinh Chúa nữa?  Chúng ta là những người quen biết Chúa, nhưng lại đứng ở đằng xa, không dám mạnh mẽ tuyên xưng đức tin vào Chúa Giê-su?  Mong rằng, dù thuộc hạng người nào, chúng ta cũng biết quý trọng giá trị cứu độ vô cùng lớn lao Chúa Giê-su đã đem lại cho chúng ta và nhận ra lòng yêu thương vô điều kiện của Thiên Chúa muốn cho chúng ta được hạnh phúc vĩnh cửu với Người.                             

 

 Lm. Dominic TTL


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C