Chúa Nhật
Lễ Thánh Gia Thất Năm C
Chúa
Giêsu và Gia Ðình
(Huấn ca
3,2-14; Côlôssê 3,12-21; Luca 2,41-52)
Phúc Âm: Lc 2, 41-52
"Hai Ông Bà gặp Chúa Giêsu đang
ngồi giữa các thầy tiến sĩ".
Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen
lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi,
cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những
ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ
Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai
ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ
quen biết.
Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông
bà trở lại Giêrusalem để tìm Người. Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người
trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả
những ai nghe Người nói đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người
đáp lại.
Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc
nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: "Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như
thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con". Người thưa với hai ông bà
rằng: "Mà tại sao cha mẹ tìm Con? Cha mẹ không biết rằng Con phải lo công
việc của Cha Con ư?" Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói.
Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về
Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà. Maria mẹ Người ghi nhớ những việc đó
trong lòng. Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân
sủng, trước mặt Thiên Chúa và người ta.
Suy Niệm:
Chúa Giêsu sống ở Nadarét khoảng 30
năm. Mái nhà Người ở tất nhiên đã được đầy sự thánh thiện. Và chúng ta có lý để
nói đến Thánh gia thất. Nhưng chúng ta lại không được quên rằng thời gian Chúa
sống ở Nadarét là thời gian ẩn dật đến nỗi khi rao giảng về đời sống của Người,
giáo huấn của các Tông đồ chỉ bắt đầu từ lúc Người chịu phép rửa của Gioan cho
đến khi Người chịu chết, sống lại, lên trời và sai Thánh Thần xuống.
Do đó, lấy Thánh gia làm gương cho đời
sống gia đình, không phải là điều dễ. Chính Phụng vụ khi chọn các bài đọc Thánh
Kinh cũng đã nhận thấy điều ấy. Và để đạt được cả hai mục tiêu, vừa nói về các
nhân đức gia đình, vừa nói về thời gian Chúa ở Nadarét, tức là ở với Ðức Mẹ và
Thánh Giuse, phụng vụ đã dùng hai bài đọc trước chung cho chu kỳ ba năm liền,
còn bài Tin Mừng thì thay đổi mỗi năm. Như vậy dường như chúng ta được phép coi
hai bài đọc Kinh Thánh đầu như không trực tiếp dính liền với bài Tin Mừng và chúng
ta có thể suy nghĩ về một sự kiện trong cuộc đời của Chúa Giêsu vượt lên trên
mọi ưu tư về đạo đức gia đình.
Dĩ nhiên nối liền hai việc đó lại được
với nhau thì càng tốt. Và đó là điều chúng ta cố gắng làm hôm nay để xin ánh
sáng Tin Mừng cứu độ của Chúa chiếu soi, hướng dẫn và sưởi ấm đời sống gia đình
của chúng ta.
1. Chúa Giêsu và Gia Ðình
Tác giả Luca kể rằng hằng năm cha mẹ
Chúa Giêsu vẫn hành hương lên Giêrusalem vào dịp lễ vượt qua. Các người thuộc
thành phần lao động nghèo khó trong dân, nhưng vẫn tiết kiệm để có thể làm
những cuộc hành hương như thế vì lòng đạo đức.
Mọi năm không xảy ra truyện gì sao mà
tác giả không kể? Người chỉ kể về lần hành hương khi Chúa Giêsu lên 12 tuổi.
Hay là tác giả Luca đã chịu ảnh hưởng của bầu khí văn chương tôn giáo thời bấy
giờ? Có tác giả nghĩ rằng khi Ðanien tỏ ra khôn ngoan trong câu chuyện minh oan
cho bà Suzanna, Ðanien mới 12 tuổi. Nhiều tác giả khác cũng nói khi Salômon
phân xử một cách đầy khôn ngoan vụ hai người đàn bà giành giựt nhau một đứa
con, bấy giờ Salômon cũng mới 12 tuổi. Ấy là chưa kể việc Flavius Josèphe, một
tác giả viết sử thời danh ở thời Luca cũng nghĩ rằng Samuen bắt đầu nói tiên
tri ở tuổi 12. Và chúng ta biết có nhiều nét tương tự giữa câu chuyện Samuen kể
trong Kinh Thánh với những lời Luca viết về trẻ Gioan và trẻ Giêsu. Vậy nếu
Luca đã có một dụng ý nào như các tác giả trên đây khi thuật lại câu chuyện xảy
ra vào lúc Chúa Giêsu lên 12 tuổi, thì hẳn người cũng muốn nhấn mạnh đến sự
khôn ngoan của Chúa như các tác giả kia đã muốn nói đến sự khôn ngoan của
Ðanien, Salômon, Samuen. Và chúng ta thấy có điều đó trong câu truyện này.
Nhưng để tránh mọi hiểu lầm có thể,
chúng ta nên biết ngay rằng theo quan điểm Thánh Kinh, người khôn ngoan là kẻ
biết các mầu nhiệm và đường lối của Thiên Chúa để luôn đem ra thi hành và sống
trung tín với Thiên Chúa cùng luật pháp của Người. Chúng ta sẽ thấy Chúa Giêsu
khôn ngoan theo nghĩa đó; Và đó là điều mà tác giả Luca muốn nhấn mạnh, trong
câu truyện hành hương hôm nay.
Chúng ta không cần nhắc lại phần nói
rằng Thánh gia thất đã theo tục lệ hằng năm lên Giêrusalem vào dịp lễ vượt qua.
Sau lễ, cha mẹ Ðức Giêsu đã ra về; còn Người thì ở lại. Lúc không thấy Người đi
về với bà con thân thuộc, các người đã lên lại Giêrusalem và ba ngày sau tìm
thấy Người trong đền thờ. Ðiều lạ là các người thấy Con mình đang ngồi giữa các
tấn sĩ mà nghe và hỏi họ. Người ngồi chỗ nào mà tác giả nói rằng "giữa các
tấn sĩ". Chỗ của các em nhỏ tuổi như Người không phải là ở dưới chân các
luật sĩ sao? Nhưng chúng ta cũng đừng quên trong Kinh Thánh đã có những trường
hợp hy hữu: các kỳ mục đã nói với trẻ Ðanien: "Lại đây, ngồi giữa chúng
tôi, cho chúng tôi biết, em nghĩ sao; Vì Thiên Chúa đã cho em tư cách của bậc
lão thành rồi" (13,50). Và Ðanien đã ngồi ghế danh dự mà xử kiện. Cũng như
Salômon đã ngồi mà xử vụ hai người đàn bà tranh nhau một đứa con...
Nhưng không cần nói đến "chỗ
ngồi"; hãy xem trẻ Giêsu đang nghe và hỏi các tấn sĩ. Tác giả Luca viết
"Mọi kẻ nghe Ngài đều sửng sốt về trí thông minh, và các lời Ngài đối
đáp". Chúng ta nghĩ: tất nhiên Chúa thông minh rồi. Nhưng với những người
đang nghe Chúa nói, họ chỉ biết Ngài là một thiếu niên 12 tuổi; thế mà tuổi nhỏ
như vậy mà đã làm cho các tấn sĩ trong đạo phải sửng sốt. Ðiều này không đánh
một dấu hỏi lớn trong đầu óc họ ư? Luca viết như vậy là để chúng ta biết: Ðây
là một mạc khải, một hiển linh nữa về Chúa. Và phụng vụ thật có lý đem câu
truyện này vào kể trong mùa Giáng sinh là mùa Chúa tỏ mình ra. Ngài cho chúng
ta thấy Ngài đầy khôn ngoan, am tường đường lối của Thiên Chúa để có thể dạy dỗ
chúng ta.
Chúng ta đừng tưởng đây là một mạc khải
nhỏ. Luca viết: Các tấn sĩ đã sửng sốt... Còn chính cha mẹ Ðức Giêsu thì sao?
Các người đã thất kinh. Ðối với các người, quang cảnh các người đang xem thấy
thật lạ lùng, kỳ diệu. Thường ngày ở Nadarét Ðức Giêsu có như vậy đâu! Do đó
đây là một mạc khải lớn lao cho các người, không ve vuốt lòng tự phụ của các
người vì có một người con như thế đâu, nhưng, càng đưa các người vào lòng kính
sợ Thiên Chúa. Các người được sự khôn ngoan của con trẻ làm cho khôn ngoan đạo
đức hơn...
Tuy nhiên đường lối khôn ngoan của
Thiên Chúa, không làm cho xác thịt được ung dung sung sướng. Ðức Maria vừa lên
tiếng nhẹ trách con tại sao làm thế để cho mẹ phải đau khổ đi tìm? Thì trẻ
Giêsu đã đáp lại hầu như từng điểm: tại sao tìm con? Lại còn không biết là con
đang ở nơi nhà Cha con sao?
Người ở ngoài cuộc sẽ bảo những lời này
cứng cỏi. Nhưng ai tinh mắt sẽ thấy như cha mẹ Ngài. Rõ ràng ở đây Ðức Giêsu
muốn nhấn mạnh bản chất siêu phàm của Ngài. Cha Ngài không phải là Giuse, nhưng
là Thiên Chúa, nên Ngài có một sự tự lập nào đó với các liên hệ xác thịt. Ðời
Ngài phải chu toàn các phận sự gia đình ư? Nhưng đồng thời cũng phải để cho
Ngài chu toàn các phận sự đối với Cha trên trời. Ở đây, lúc này, tại đền thờ
Ngài phải thi hành các bổn phận đối với Chúa Cha... cũng như rồi đây khi trở về
Nadarét Ngài sẽ "hằng phục tùng" hai ông bà.
Dựa vào đây, chúng ta có thể bảo Ngài
đã chu toàn cả hai phận sự đạo đời và làm gương ấy cho chúng ta trong đời sống
gia đình. Nhưng ở đây, có lẽ Ngài chỉ muốn tỏ mình ra để từ nơi con trẻ 12 tuổi
thành Nadarét, người ta nhận thấy sự hiện diện của Thần linh: Con Thiên Chúa
đang ở giữa loài người và muốn dùng câu chuyện hôm nay để hiển linh. Ngài muốn
rằng khi người ta thấy Ngài mỗi ngày mỗi "tấn tới thêm vừa khôn ngoan và
vóc dáng", tức là trưởng thành thêm, thì cũng đầy ân sủng thêm, và không
những trước mặt người ta, nhưng đồng thời, trước mặt Thiên Chúa nữa. Ở nơi
Ngài, yếu tố nhân linh và thần linh, đạo và đời, không xung khắc nhưng hòa hợp.
Ngài thật là Con Người - Thiên Chúa hay là Thiên Chúa làm Người.
Tuy nhiên như Luca đã chú thích,
"ông bà đã không hiểu lời Ngài nói với họ". Mạc khải và hiển linh này
chưa sáng tỏ như chúng ta vừa nói. Và như mọi trường hợp khác, sự kiện hôm nay
phải đợi ánh sáng phục sinh - hiện xuống mới tỏ hiện hoàn toàn. Mà thực vậy nếu
chúng ta đem đoạn văn này đọc với đoạn sách Luca viết về các phụ nữ sáng Chúa
nhật Phục sinh ra đi thăm mồ ba ngày sau khi Chúa chịu đóng đinh (chương 34)
chúng ta thấy có nhiều nét tương tự về lời văn, cách bố cục và tư tưởng. Thiên
Thần cũng nói với các bà: Tại sao lại tìm Ðấng sống giữa những người chết? Lại
còn không biết Con Người đã bị nộp... và sống lại sao?
Nếu thế thì Luca đã muốn dùng câu
chuyện hôm nay để nói về Con Người Tử Nạn - Phục sinh của Ðức Kitô. Ít ra Người
đã đặt câu chuyện trong khung cảnh của mầu nhiệm này. Và khi mầu nhiệm này chưa
đến, thì Ðức Maria chỉ có thể có thái độ "giữ kỹ các điều ấy trong
lòng" để suy niệm và chờ đợi mạc khải hoàn toàn. Ðó là thái độ Người vẫn
có mỗi khi được báo về Mầu nhiệm Cứu độ như khi nghe lời mục đồng kể và lời
Simon tiên báo.
Chúng ta cũng phải có thái độ như vậy
sau khi nghe bài Tin Mừng hôm nay. Ðức Giêsu đã tỏ ra cho chúng ta thấy sự khôn
ngoan của Ngài, đẻ chúng ta biết Ngài là Thiên Chúa, nhưng là Thiên Chúa làm
người; Ngài sống đầy đủ các phận sự ở trần gian nhưng không ngớt ở nơi nhà
Thiên Chúa Cha tức là nơi vinh quang của Người, mà vinh quang của Người nơi
trần gian chính là kế hoạch cứu độ, nên nhiều khi người ta đã dịch câu "ở
nơi nhà Cha con" là "lo các công việc của Cha con". Dù sao một
nếp sống theo sự khôn ngoan như vậy cũng không ung dung cho xác thịt. Và vì thế
đường lối khôn ngoan của Thiên Chúa là mầu nhiệm thánh giá Chúa Kitô mà hôm nay
tác giả Luca cũng đã nhìn thấy và muốn trình bày trong câu chuyện này.
Câu hỏi cuối cùng của chúng ta là sự
kiện kể trong bài Tin Mừng hôm nay có soi sáng gì cho đời sống gia đình của
chúng ta không?
2. Gia Ðình Công Giáo Phải Thế Nào?
Dĩ nhiên chúng ta đã gặp thấy nhiều bài
học về đời sống gia đình trong câu chuyện Chúa Giêsu hồi lên 12 tuổi. Chúng ta
thấy thái độ đạo đức của Thánh gia thất và chúng ta biết Chúa Giêsu hằng phục
tùng cha mẹ trần gian của Ngài. Trẻ em cũng có thể xem gương Chúa mà hỏi thưa
chăm chỉ khôn ngoan với các bậc "tấn sĩ đạo" nữa. Nhưng trên hết,
chúng ta hãy chiêm ngưỡng sự khôn ngoan của Chúa để luôn muốn biết hơn các mầu
nhiệm cứu độ và đem ra thi hành.
Ðạo đức phải là nền tảng của đời sống
gia đình. Ðó cũng là quan điểm của hai bài đọc Kinh Thánh kia. Bài sách Huấn ca
chỉ giá trị hơn những bài luân lý đạo đức gia đình ở chỗ lấy Chúa làm đối tượng
mà cha mẹ, con cái, phải nhìn, phải yêu, phải cầu xin, phải trông đợi. Còn như
các bài thư Phaolô rõ ràng khuyên nhủ mọi người, với tư cách là thánh (hữu)
được Thiên Chúa tuyển chọn và yêu mến, hãy mặc lấy mọi tâm tình và thái độ của
chính Chúa. Chúng ta chẳng cần kể lại hết những tâm tình và thái độ này, và
chính tác giả Phaolô cũng đã chẳng muốn kể hết. Người chỉ dùng lại một số từ
ngữ quen dùng trong Kinh Thánh để nói lên lòng thương xót của Thiên Chúa khi
còn sống ở trần gian này. Tức là thánh Phaolô chỉ muốn nhắc đến tư cách đặc
biệt của Thiên Chúa và của Chúa Giêsu là lòng mến. Thế nên sau khi khuyên ai
nấy hãy mặc lấy những tâm tình và thái độ của Chúa, Thánh Tông đồ đã viết một
cách tổng quát: "Anh em hãy mặc lấy Ðức mến là giềng mối của sự trọn
lành".
Chúng ta cũng có thể nói một cách tương
tự. Các đức tính về đời sống gia đình thật là nhiều; nhưng giềng mối nối kết
mọi dự tính ấy là lòng mến. Lòng mến hãy ngự trị trong lòng chúng ta và trong
gia đình chúng ta, thì chúng ta sẽ có tất cả mọi sự khác.
Lòng mến này sẽ tăng thêm mãi khi chúng
ta biết tạ ơn Thiên Chúa bằng lời ca, tiếng hát của Thần Khí, tức là có tâm
tình phụng vụ thờ phượng chân thật và sốt sắng. Nó sẽ đem an bình của Chúa Kitô
đến trong lòng chúng ta và đem chính Ngài đến ngự trị trong tâm hồn chúng ta.
Nhờ vậy chúng ta sẽ có những tâm tình và thái độ của Ngài để đối xử với nhau.
Mối tương quan giữa chúng ta sẽ đầy tính chất Kitô hữu. Và như vậy không thể
nào chúng ta thiếu ơn cứu độ được.
Giờ đây, chúng ta
đang ở trong bầu khí phụng vụ. Chúng ta hãy nghe lời thánh Phaolô mà cố gắng
chân thật và sốt sắng dâng lễ Tạ ơn, để đón nhận ơn bình an của Ðức Kitô, để
rước lấy chính Ngài, để tâm tình của Ngài chi phối, thấm nhuần mọi cảm nghĩ
hành động của chúng ta. Sự khôn ngoan của mầu nhiệm thập giá của Ngài sẽ hướng
dẫn, nâng đỡ chúng ta trên đường đời. Chắc chắn đời sống chúng ta được thêm cứu
độ và gia đình mọi người cũng được thêm hạnh phúc.
Đức Cố Giám Mục Barthôlômêô Nguyễn Sơn Lâm