BỤI
TRO
(THỨ
TƯ LỄ TRO và CHÚA NHẬT I MÙA CHAY, NĂM C)
(Linh Mục Anphong Trần Đức Phương)
Mùa Chay là thời gian 40 ngày ăn năn sám
hối, thanh tẩy tâm hồn, canh tân cuộc sống , để chuẩn bị mừng Đại Lễ Phục Sinh.
Mùa Chay cũng là thời gian để chúng ta dành nhiều thì giờ cầu nguyện, xin Chúa
soi sáng cho chúng ta nhìn rõ hơn con người của chúng ta; nhìn rõ hơn những
khuyết điểm để sửa đổi và biến cải cuộc đời chúng ta nên tốt đẹp hơn trước mặt
Chúa và mọi người; làm cho tình yêu của chúng ta đối với Chúa và tha nhân được
mạnh mẽ hơn (Bài Đọc I Thứ Tư Lễ Tro: Sách Tiên Tri Gio-en 2: 12-18).
Chúng ta bắt đầu vào Mùa Chay Thánh với
ngày Thứ Tư Lễ Tro. Trong Thánh Lễ (sau Bài Giảng), chúng ta được dự nghi thức
làm phép tro. Sau đó, chúng ta được xức tro trên trán theo hình Thánh Giá với
lới mời gọi “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” và chúng ta nghe ca đoàn
hát bài “Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro, một mai người sẽ trở về bụi tro…”
Tất cả đều nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta đã được dựng nên bằng tro bụi
và có ngày thân xác chúng ta sẽ trở thành tro bụi sau cái chết. Điều đó không
phải để hù dọa chúng ta, nhưng là để nhắc chúng ta rằng cuộc sống trần gian này
chỉ là tạm bợ trong một thời gian, rồi chúng ta sẽ qua cuộc đời này để bước
sang cuộc sống vĩnh cửu (Sinh Ký Tử Quy: Sống Gửi Thác Về). Chúng ta sẽ được
hưỏng phúc trên Nước Chúa, nếu chúng ta biết ăn năn sám hối lỗi lầm, từ bỏ thói
hư tật xấu, sống đạo đức, lương thiện theo tinh thần Tin Mừng Chúa Giêsu đã rao
giảng. Chúng ta đã được dựng nên khác với mọi loài; chúng ta được “dựng nên
theo hình ảnh của Chúa” (Sách Khởi Nguyên 1: 27), có hồn và xác, có trí khôn,
có tự do; chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình trước mặt Chúa
là Đấng đã dựng nên chúng ta.
Mùa Chay cũng là “thời gian thuận tiện”
(Bài Đọc II Thứ Tư Lễ Tro: 2Corintô 5:20-6:2) để chúng ta ý thức về sự
yếu đuối của con người. Là con người, chúng ta luôn luôn bị cám dỗ sống theo
dục vọng, danh, lợi, sự giầu có mà bỏ rơi lề luật Chúa và gây tác hại cho người
khác vì tính “ích kỷ hại nhân.”Trong Bài Phúc Âm Chúa Nhật I Mùa Chay (Luca 4:
1-13), Chúa Giêsu cũng để cho ma qủy cám dỗ, để cho chúng ta thấy con người
chúng ta luôn bị cám dỗ nên phải luôn đề phòng và thắng vượt cám dỗ.
Để thắng vượt cám dỗ, chúng ta phải dựa
vào ơn Chúa qua việc cầu nguyện, hy sinh, hãm mình. Chúng ta làm những điều đó
không phải để khoe mình là người đạo đức như các người Pharisiêu khi xưa, nhưng
làm với lòng mến Chúa, yêu người (Bài Phúc Âm Thứ Tư Lễ Tro: Matthêu 6: 1-6,
16-18).
Việc giúp đỡ những người nghèo túng,
bệnh tật cũng là một trong những điều rất quan trọng trong việc sống đạo
của chúng ta. Đó là việc từ thiện mà ngày xưa thường được gọi là “làm
phúc bố thí”. Danh từ này không được thích hợp, vì chúng ta giúp người khác là
chúng ta dâng cho Chúa (Bài Đọc I Chúa Nhật Mùa Chay: Sách Thứ Luật 26: 4-10),
giúp chính Chúa (Matthêu 25: 31-46). Sự giúp đỡ những người hoạn nạn không phải
là một sự “thí bỏ”, nhưng là một sự chia sẻ tình thương với người khác đang cần
sự giúp đỡ. Hơn nữa, điều quan trọng là: chúng ta làm không phải để khoe
khoang, không làm cách trịch thượng, nhưng làm với tinh thần khiêm tốn, thầm
lặng, không cần ai biết đến, “tay phải làm mà tay trái không biết” (Bài Phúc Âm
Thứ Tư Lễ Tro: Matthêu 6: 1-6, 16-18).
Trong
Mùa Chay, chúng ta sẽ Ăn Chay và Kiêng Thịt ngày Thứ Tư Lễ Tro và ngày Thứ Sáu
Tuần Thánh; kiêng thịt các ngày Thứ Sáu Mùa Chay. Tuổi ăn chay là từ 18 đến 60. Tuổi kiêng thịt là từ 14 trở
lên.
Vậy, chúng ta hãy cầu nguyện chung cho
nhau để trong Mùa Chay, chúng ta biết dành nhiều thì giờ hơn để cầu nguyện,
dâng Thánh Lễ sốt sáng, làm nhiều việc hy sinh, hãm mình, xa tránh các dịp tội,
như cờ bạc, ăn uống say sưa, xem phim ảnh, báo chí xấu… Tránh hoang phí trong
việc mua sắm, tiệc tùng, nhưng để dành tiền của cho việc từ thiện , bác ái, xã
hội.
Xin Chúa chúc lành cho chúng ta, gia
đình chúng ta, để chúng ta sống hoà hợp yêu thương và cùng chuẩn bị mừng Đại Lễ
Phục Sinh và chúng ta cũng được đổi mới, được “phục sinh” thật với Chúa.
Xin Mẹ Maria, Thánh Giuse và các Thánh chuyển cầu cho chúng ta. Xin tiếp tục
cầu nguyện cho Quê Hương và Gíao Hội Việt Nam, cũng như Gíao Hội ở các nơi đang
bị bách hại.