Thứ Tư Lễ Tro
Sứ điệp của bài Tin Mừng (Mát-thêu
6:1-6.16-18)
Sau bài giảng trên núi, sách Tin Mừng
tiếp tục quảng diễn bài giảng, đi vào từng vấn đề sâu xa hơn. Tuy nhiên có một sợi giây xuyên suốt mọi vấn
đề giúp chúng ta nhận ra chủ ý của Chúa Giê-su là Người muốn nhấn mạnh đến lòng
chân thành khi giữ luật hoặc làm bất cứ việc lành nào. Bài Tin Mừng hôm nay đề cập tới ba việc làm
cốt yếu của một người được gọi là đạo đức:
cầu nguyện, ăn chay và làm phúc bố thí.
Nhưng cách thực hiện những điều này như thế nào, đó mới là điểm sứ điệp
Tin Mừng muốn nói đến. Chúa Giê-su lập
đi lập lại lời căn dặn: hãy kín đáo làm
những việc đạo đức nói trên và tuyệt đối tránh phô trương. Phô trương công đức và giả hình là căn bệnh
Ki-tô hữu mọi thời mọi nơi thường mắc phải.
-
Phô trương công đức: Nói về phô trương
công đức, Chúa Giê-su đan cử việc cụ thể là làm phúc bố thí. Bố thí cho người khác một cách kín đáo là
việc làm phát sinh từ lòng yêu thương đích thực và tôn trọng người nhận của bố
thí. Còn nếu chúng ta phô trương việc bố
thí để gây tiếng tốt cho mình là chúng ta làm tổn thương danh dự của người được
bố thí và làm cớ cho người khác khinh khi người được bố thí. Việc phô trương công đức có thể xảy ra ở bất
cứ nơi nào, ở nơi hội đường cũng như phố xá. Chúa muốn nói rằng việc phô trương công đức có
thể diễn ra ngay trong nhà thờ, giữa cộng đoàn xứ đạo, hay ngoài xã hội. Một giáo dân công đức món tiền lớn cho quỹ
xây dựng thánh đường muốn có một tấm bằng ghi ơn. Hoặc nhiều khi cha xứ cũng sử dụng chiêu “bảng
vàng ghi ơn” để tạo sự ganh đua đóng góp!
Ngoài xã hội thì khỏi nói. Xem TV
đài Việt Nam, chúng ta thường thấy cảnh “tặng hoa” cho các ân nhân đầy kịch
tính phô trương công đức.
-
Giả hình: Đề tài giả hình được Chúa
Giê-su trình bày qua hai việc cầu nguyện và ăn chay. Cầu nguyện là sống mối quan hệ giữa chúng ta
với Chúa và mục đích giúp chúng ta mỗi ngày một yêu mến Chúa hơn. Nhưng nếu chúng ta ưa đứng cầu nguyện giữa hội đường và các ngả đường để thiên hạ trông
thấy, thì quả thực chúng ta đã thay đổi mục đích của cầu nguyện rồi. Trong cầu nguyện đích thực, Chúa là trung
tâm, Đấng đáng được chúc tụng ngợi khen.
Còn trong cầu nguyện giả hình, trung tâm là chúng ta và chúng ta muốn
được người đời chúc tụng.
Cũng
vậy, việc ăn chay là hành vi đạo đức cá nhân.
Chúng ta ăn chay, tức là làm một việc hy sinh dâng lên Chúa hoặc để dành
ra một ít tiền của để giúp đỡ người nghèo.
Nếu chúng ta giả hình ăn chay, làm
cho mặt mũi ủ dột để có vẻ ăn chay trước mặt người ta, thì việc ăn chay ấy
hoàn toàn mất ý nghĩa.
Trong
việc cầu nguyện và ăn chay, Chúa phải là đích điểm gặp gỡ. Cầu nguyện và ăn chay là những phương tiện
đưa chúng ta đến gần Chúa. Đưa chúng ta
đến gần Chúa, đó là cái hồn của việc cầu nguyện và ăn chay. Thiếu cái hồn ấy, việc cầu nguyện và ăn chay
chỉ là diễn kịch, phèng la inh ỏi bề ngoài mà thôi.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Rõ ràng Chúa Giê-su muốn nhấn mạnh đến
tinh thần hoặc cái hồn của những việc đạo đức chúng ta làm, như bố thí, cầu
nguyện và ăn chay. Trong mùa Chay, Giáo
Hội đề cao ba việc đạo đức này, nhưng cũng muốn mượn lời Chúa để nhắn nhủ chúng
ta hãy thay đổi những cách thức không đúng khi chúng ta làm những việc ấy. Đừng để cho người đời thấy việc đạo đức của
chúng ta, nhưng hãy để cho mình Chúa biết thôi, vì Người là Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho chúng ta.
Lm. Dominic TTL