Chúa Nhật 1 Mùa Chay Năm C
Gương Phấn Ðấu Trước Cơn Cám Dỗ
(Thứ luật 26,4-10; Rôma 10,8-13; Luca 4,1-13)
Phúc Âm: Lc 4, 1-13
"Thánh Thần thúc đẩy Chúa vào hoang địa, và
chịu cám dỗ".
Khi ấy, Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần, liền rời
vùng sông Giođan và được Thánh Thần đưa vào hoang địa ở đó suốt bốn mươi ngày,
và chịu ma quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì và sau thời gian
đó, Người đói. Vì thế, ma quỷ đến thưa Người: "Nếu ông là Con Thiên Chúa,
thì hãy truyền cho đá này biến thành bánh đi". Chúa Giêsu đáp: "Có
lời chép rằng: Người ta không phải chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng lời Chúa
nữa".
Rồi ma quỷ lại đem Người lên cao hơn cho xem ngay
một lúc tất cả các nước thiên hạ và nói với Người rằng: "Tôi sẽ cho ông
hết thảy quyền hành và vinh quang của các nước này, vì tất cả đó là của tôi và
tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông sấp mình thờ lạy tôi, thì mọi sự ấy sẽ thuộc
về ông!" Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: "Có lời chép rằng: Ngươi phải thờ
lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người thôi".
Rồi ma quỷ lại đưa Người lên Giêrusalem, để Người
trên góc tường cao đền thờ và bảo rằng: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì
hãy gieo mình xuống, vì có lời chép rằng: "Chúa sẽ truyền cho Thiên Thần
gìn giữ ông!" Và còn thêm rằng: "Các vị đó sẽ giơ tay nâng đỡ ông
khỏi vấp phải đá". Chúa Giêsu đáp lại: "Có lời chép rằng: Ngươi đừng
thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi!" Sau khi làm đủ cách cám dỗ, ma quỷ
rút lui để chờ dịp khác.
Suy Niệm:
Mùa Chay đã khởi sự từ thứ Tư Lễ Tro. Nó chưa
phải là mùa Thương Khó để chúng ta trực tiếp suy niệm về cuộc Tử Nạn sinh ơn
Cứu Ðộ. Nó là đàng dẫn chúng ta tới chân cây Thánh Giá để được tái sinh, nhờ
Máu hy tế và Nước Thánh Thần từ cạnh sườn Chúa chảy ra. Không ai có thể đi vào
con đường ấy nếu không học phấn đấu...
Ðó là lý do khiến phụng vụ hôm nay nhắc lại việc
Chúa Giêsu bị cám dỗ nơi sa mạc. Chúng ta sẽ đọc lại việc ấy trong sách Tin
Mừng theo thánh Luca. Rồi nhờ ánh sáng của mầu nhiệm Chúa Giêsu, chúng ta sẽ
xem kỹ lại bài Cựu Ước để thấy đây cũng còn là một gương phấn đấu rất hợp thời.
Và chúng ta sẽ được khích lệ để thi hành các lời khuyên nhủ của thánh Phaolô
trong bài Thánh Thư, mạnh mẻ đi tới ngày toàn thắng của lịch sử loài người.
1. Trước Hết, Gương Chúa Giêsu Phấn Ðấu
Cũng như hai tác giả Mátthêu và Máccô, thánh Luca
đã thuật lại việc Chúa Giêsu kháng cự với Satan nơi sa mạc. Bản văn của người
có những nét khác với hai tác giả thánh sử kia và có dụng ý. Nhưng, những nét
giống nhau giữa ba tác giả vẫn nhiều hơn và ý tưởng chung vẫn là một.
Cả ba đã đặt câu chuyện Chúa bị cám dỗ vào lúc
trước khi Chúa ra đi giảng đạo. Câu chuyện xảy ra vào lúc bấy giờ hẳn phải có ý
nghĩa. Nó báo trước cuộc đời công khai đầy phấn đấu cam go của Chúa Cứu Thế.
Nhất là nó cho chúng ta thấy rõ chung cuộc Ðức Giêsu sẽ chiến thắng vinh hiển,
vì ngay từ lúc khởi đầu, công cuộc cứu thế của Người đã làm cho Satan phải tháo
lui.
Cả ba tác giả cũng đã mô tả cuộc đọ sức giữa
Satan và Chúa Giêsu như là một cuộc vận dụng Lời Chúa. Satan biết Thánh Kinh.
Nó dùng Lời Chúa để phục vụ tham vọng riêng của mình. Ðang khi ấy, Ðức Giêsu có
lòng thành kính đối với Lời Chúa và chỉ muốn khiêm cung vâng lời Thiên Chúa mọi
đàng. Người không giống như Adong biết luật Chúa mà vẫn phạm tội. Người cũng
chẳng như dân Do Thái có Lời Chúa mà toàn làm những việc khác ý Chúa. Người cho
chúng ta thấy: không sức mạnh nào xô ngã được kẻ nắm vững Lời Chúa.
Cả ba tác giả cũng đã đồng ý coi việc Satan đến
cám dỗ Chúa Giêsu như là hậu quả của việc Người được Chúa Cha tuyên bố Người là
Con Chí Ái của Ngài. Satan đã bắt đầu cám dỗ Người rằng: nếu ông là Con Thiên
Chúa... Ðiều này khiến chúng ta có thể quả quyết, không thử thách nào không
nhằm tiêu diệt vinh dự của chúng ta được làm con cái Chúa. Nhưng mọi sự cám dỗ
đều bất lực đối với những ai được đầy Thánh Thần, như Ðức Giêsu đã được Thánh
Thần lấy hình chim bồ câu đáp xuống trước khi vào sa mạc để chịu cám dỗ.
Tuy nhiên những nét chung và chính yếu trên đây
đã được một tác giả các sách Tin Mừng trình bày với những nét riêng biệt và sắp
đặt lại để phục vụ một số quan điểm riêng biệt. Ở đây chúng ta để ý đến một số
nét độc đáo của tác giả Luca.
Người đã không tường thuật việc Chúa bị cám dỗ
ngay sau khi Ngài chịu phép Rửa của Gioan ở sông Hòa Giang. Người đã cho xen kẻ
vào giữa hai sự kiện lịch sử này một đoạn sách nói về gia phả của Ðức Giêsu.
Người không muốn thiên hạ biết Ðức Giêsu về phương diện loài người trước khi
Ngài là Con Thiên Chúa. Hoặc nói như thánh Phaolô, dù trước đây có ai biết Ðức
Giêsu về phương diện loài người, thì họ cũng hãy làm như không biết để nhìn
nhận Ngài là Thiên Chúa và là Con Thiên Chúa đã, rồi hãy nhìn lại phương diện
loài người ở nơi Ngài: bởi vì xác thịt nào có ăn thua gì, chỉ có thần khí là
đáng kể. Thế nên Luca đã kể về gia phả của Ðức Giêsu sau khi Ngài đã được tuyên
bố là Con Chí Ái của Thiên Chúa ở bờ sông Hòa Giang.
Và khi viết lại gia phả này, Luca đã không dừng
lại ở Abraham, tức là ở dân tộc Do Thái... Người đã lần lên xa hơn để thấy Ðức
Giêsu là người của tất cả loài người chứ không phải của riêng dân Do Thái. Và
biết đâu khi nói Ðức Giêsu là con ông Adong trước khi Ngài bị Satan cám dỗ,
Luca đã chẳng có ý nhắc nhở chúng ta về câu chuyện cám dỗ đã xảy ra trong vườn
địa đàng? Và chiến thắng của Ngài trong câu chuyện này đã không "phục
thù" cho tất cả loài người sao? Ít nhất khi nhấn mạnh việc Ðức Giêsu là
Con Chí Ái của Thiên Chúa trước khi Ngài bị cám dỗ, Luca đã củng cố truyền
thống của Phúc Âm hơn là đã tạo ra một nét nào khác biệt. Cả hai tác giả
Mátthêu và Máccô cũng đã để cho Satan bắt đầu cám dỗ Chúa bằng câu: Nếu ông là
Con Thiên Chúa...
Trong Mátthêu, Satan nói với Ðức Giêsu hãy
"truyền cho các viên đá này biến thành các ổ bánh". Dường như tác giả
chú trọng đến số nhiều để cám dỗ một người đang đói ăn và để khêu gợi lòng tham
lam của loài người về vấn đề cơm áo. Theo Luca, Satan chỉ cám dỗ Chúa: truyền
cho một viên đá này biến thành bánh mà thôi. Có lẽ Người chú trọng đến vấn đề
quyền năng. Và như vậy Satan không muốn cám dỗ Chúa về vấn đề ăn uống, nhưng về
việc dùng quyền năng, lạm dụng sứ mạng và ơn gọi của mình để phục vụ bản thân
chứ không phải để làm theo ý Chúa. Thế nên, trong Luca, Chúa chỉ đáp vắn tắt
rằng: "Người ta sống không chỉ nhờ bánh", đang khi trong Mátthêu,
Ngài còn nói tiếp: "... nhưng là nhờ vào mọi lời xuất từ miệng Thiên
Chúa".
Rồi từ cám dỗ thứ hai trở đi, hai tác giả còn xa
nhau hơn nữa, Luca đã đảo lộn thứ tự của Mátthêu. Cám dỗ thứ hai nơi Mátthêu
trở thành cám dỗ thứ ba nơi Luca, vì tác giả này luôn muốn Ðức Giêsu đi dần tới
Giêrusalem. người muốn nói rằng mọi việc quan trọng trong cuộc đời Chúa Giêsu
phải xảy ra tại thành thánh, và nếu có thể được tại Ðền Thờ nữa. Ở đây, trong
ba cám dỗ, có một lấy đền thờ làm khung cảnh nên Luca phải lấy nó làm tuyệt
đỉnh cho câu chuyện Người kể. Người đặt nó làm cám dỗ chót, đang khi trong
Mátthêu nó là cám dỗ thứ nhì. Ðàng khác lấy Giêrusalem làm nơi "phân thắng
bại" trong câu chuyện cám dỗ này, Luca muốn báo trước nơi mà Chúa Giêsu sẽ
hoàn tất mầu nhiệm cứu thế trong việc tử nạn phục sinh.
Vậy cám dỗ thứ ba trong Mátthêu đã được Luca lấy
làm cám dỗ thứ hai. Và viết lại cám dỗ này, Luca cũng muốn tỏ ra độc đáo. trong
Mátthêu, Satan đưa Ðức Giêsu lên núi cao chót vót và chỉ cho Người thấy hết các
nước thiên hạ cùng vinh quang của chúng ta mà nói với Ngài: "Tôi hiến cho
Ngài hết mọi điều đó nếu Ngài phục mình bái lạy tôi". Tác giả dường như
muốn gợi lại câu chuyện Môsê được Chúa đưa lên núi Nêbô để nhìn thấy Ðất Hứa ở
đàng xa trước khi chết (Tl 34,1-4); và rõ ràng ông để ý đến "các sự vinh
quang của thế gian".
Trong khi ấy, Luca chỉ nói Satan đem Ðức Giêsu
lên cao; nhưng Người nhấn mạnh rằng "trong nháy mắt" nó chỉ cho Ngài
thấy hết các nước thiên hạ. Hai điểm này làm cho bài của Luca không chân thực
bằng bài của Mátthêu, nhưng siêu thực và hợp với một cám dỗ hơn. Nhất là ở đây
Luca không chú ý đến "uy quyền" của Satan đối với các nước thiên hạ.
Nó tự phụ có toàn quyền định đoạt về thế gian và muốn hiến cho ai tùy ý. Tác
giả Gioan cũng có lần gọi Satan là thủ lãnh của thế gian và gọi chính trị thế
giới hiện nay là "giờ" của nó. Nó muốn Ðức Giêsu về phe của nó và giữ
thế gian này trong quyền hành của nó. Nhưng nó lầm. Ðức Giêsu đến để cứu thế,
tức là để gỡ thế gian ra khỏi uy quyền của Satan, Ngài chỉ có thể nhận quyền
bởi Thiên Chúa. Thế nên Ngài đã trả lời Satan: Ðã viết: Ngươi phải bái lạy
Chúa, Thiên Chúa của ngươi, và chỉ thờ lạy một mình Người.
Nhưng tên cám dỗ không chịu thua. Nó còn cố gắng
một lần nữa. Và lần nữa nó cám dỗ Ðức Giêsu nghi ngờ chính Thiên Chúa. Ngài vẫn
tựa vào Chúa thì nó cần phải làm cho Ngài hoài nghi chính sức mạnh Ngài nghĩ
luôn luôn gìn giữ Ngài.
Do đó, nó đem Ngài đến Giêrusalem, nơi có đền thờ
Chúa. Nó đặt Ngài trên thượng đỉnh đền thờ, để Ngài có cảm giác của thời kỳ
cánh chung, lúc mà tất cả các tín đồ muốn nhìn thấy vị tiên tri nào quyền phép
hơn hết. Và nó xúi Ngài gieo mình xuống đất vì đã viết rằng: Chúa sẽ ra lệnh
cho các Thiên Thần... nâng người trên bàn tay kẻo ngươi lỡ vấp chân phải đá.
Sau này, khi bị treo trên thập giá, Ðức Giêsu cũng sẽ phải nghe một lời thách
thức tương tự: "Nếu ông là Kitô, hãy xuống khỏi Thập Giá... và hãy cứu
mình và cứu chúng ta nữa". Và chính lúc ấy Ngài cũng cảm thấy như bị Thiên
Chúa bỏ rơi. Nhưng lập tức, Ngài đã phản ứng mạnh mẽ. Ngài không thể nào hồ
nghi lòng tốt của Thiên Chúa Cha. Và Ngài bảo: Chớ có thử thách Chúa, Thiên
Chúa của ngươi.
Chúng ta có quyền kiên kết câu chuyện cám dỗ hôm
nay với thử thách sau này đang chờ Ðức Giêsu ở trên cây thánh giá không? Câu
kết bài tường thuật việc cám dỗ trong sách Luca đã trả lời cho chúng ta. Người
viết: "Khi ma quỉ đã xong mọi chước cám dỗ, thì nó lìa bỏ Ngài mà đợi
dịp". Dịp nào? Rồi đây trong cuộc đời công khai truyền giáo, Ðức Giêsu sẽ
có nhiều dịp đụng độ với Satan, đặc biệt những khi Ngài chữa các kẻ bị ma quỉ
ám. Nhưng dịp giáp mặt quyết liệt sẽ là cuộc khổ nạn và nơi thập giá. Chúng ta
sẽ thấy Ngài đắc thắng vì hôm nay trong câu chuyện cám dỗ, Ngài đã chẳng chịu
nhượng Satan một điểm nào.
Như vậy, bài tường thuật hôm nay như đã báo trước
những gì sẽ xảy ra trong giờ phút quyết liệt của mầu nhiệm thập giá. Nó cũng mở
màn cho cuộc đời hoạt động đầy gian khổ và phấn đấu của Ðức Giêsu.
Tác giả Luca còn nói rằng: Thánh Thần đã đưa Ngài
vào sa mạc mà chịu cám dỗ bốn mươi ngày. Con số này gợi lại 40 năm dân Israen
đi trong sa mạc để chịu thử thách. Họ đã bị cám dỗ nặng nề khi thiếu ăn (Xh 16)
thiếu uống (Xh 17) và nhất là khi gặp gỡ tà giáo ở đất Canaan (Xh 23). Họ đã
muốn của cải vật chất; họ đã phàn nàn muốn thử thách Chúa; họ thèm thờ bái ngẫu
tượng. Lần nào Lời Chúa cũng căn dặn họ, đừng sống nguyên vì bánh (Tl 8,2-5);
đừng hoài nghi uy quyền của Thiên Chúa (Tl 6,16) và nhất là luôn chỉ được thờ
một mình Thiên Chúa mà thôi (Tl 6,13). Hôm nay Ðức Giêsu lập lại những lời Kinh
Thánh này để xua đuổi ba cơn cám dỗ nặng nề mà con cái Israen đã vấp ngã. Phải
chăng Ngài chẳng muốn gỡ lại cho loài người những lần thất bại này? Ngài đã làm
lại cuộc hành trình vào Ðất Hứa của dân Do Thái mà toàn thắng Satan để cứu vớt
những kẻ sa ngã trong Cựu Ước. Và đồng thời Ngài cũng muốn đảm bảo chiến thắng
cho những ai sau này đi vào đường lối của Ngài ở trần gian này.
Bốn mươi ngày chịu thử thách của Ngài nơi sa mạc
vì thế đã hướng về tương lai như muốn sửa chữa lại quá khứ. Và khi phụng vụ tổ
chức mùa Chay trong thời gian 40 ngày thì hẳn cũng chỉ muốn chúng ta bắt chước
gương phấn đấu của Chúa, để những tuần lễ mùa Chay không những đưa chúng ta đến
mầu nhiệm thánh giá cứu độ mà còn thao luyện chúng ta cho tất cả cuộc đời trần
gian. Chúng ta phải quý hóa thời gian này và phải luôn nhớ gương phấn đấu của
Chúa để cùng Người chiến thắng mưu chước của Satan không ngớt muốn làm hư hỏng
đời sống của chúng ta, cũng như nó đã không ngừng cám dỗ dân Cựu Ước. Bài sách
Thứ Luật sau đây cho chúng ta thấy một khía cạnh của cuộc cám dỗ trường kỳ này.
2. Một Cám Dỗ Triền Miên
Thoạt nghe, chúng ta không thấy đoạn văn Thứ Luật
hôm nay nói lên một sự phấn đấu nào. Nhưng thật ra nó che dấu một ý chí kháng
cự mãnh liệt.
Theo giả định, đây là những lời Môsê căn dặn con
cái Israen trước khi vào Hứa Ðịa. Nhưng như cả quyển sách Thứ Luật, đây thật là
những lời khôn ngoan đạo đức được đưa ra để khuyên dân sau nhiều năm và nhiều
đời kinh nghiệm tại Ðất Hứa. Trước kia, Israen là dân du mục, nay đây mai đó
nơi sa mạc. Họ được Chúa hứa ban một đất chảy sữa và mật để họ trồng cấy. Sự
phồn thịnh nơi quê hương mới mẻ chẳng tùy thuộc ở mùa màng tốt tươi sao? Chính
dân bản xứ, những người Canaan, đã ý thức điều này. Họ chẳng thờ thần nào khác
ngoài Baals, là những thần của mầu mỡ và sinh sản. Nếu không được báo trước và
đề phòng cẩn thận, chắc chắn con cái Israen khi đặt chân vào Ðất Mới cũng sẽ
quỳ rạp xuống bái lạy Baals. Tôn giáo độc thân sẽ gặp khủng hoảng và người ta
dần dần quên Giavê. Thấy trước hiểm nguy này, Môsê đã cảnh giác con cái Israen
trong bài sách hôm nay. Và chúng ta phải đọc đoạn văn Thứ Luật này trong bối
cảnh đó.
Môsê dạy con cái Israen, khi vào Ðất Hứa, lúc gặt
hái xong, phải đem của đầu mùa mọi thứ hoa lợi đất ruộng đến điện thờ mà dâng
lên cho Chúa. Và ở đó, họ phải nhớ và tuyên xưng rằng: Chính Chúa đã ban cho họ
được đất chảy sữa và mật này để họ có được các thổ sản phong phú hôm nay. Thật
vậy tổ phụ của họ xưa kia là một người Aram phiêu bạt không đất đai, không nhà
cửa. Ông xuống Ai Cập và sinh con đàn cháu đống. Nhưng đám dân đông đảo này
phải nô lệ người bản xứ và phải chịu trăm bề vất vả tủi nhục. Chính Giavê đã
xót thương, ra tay hùng mạnh đưa họ ra khỏi nhà nô lệ và dẫn họ đến Ðất chảy
sữa và mật này. Không có Người và không nhờ quyền năng của Người làm sao ngày
nay họ có mùa màng tốt tươi? Nên không phải Baals mà Giavê, là Chúa của họ. Và
họ phải thờ lạy Người. Họ phải dâng hoa màu và đất này cho Người chứ không phải
cho Baals.
Lời của Môsê thật lý sự... nhưng khó giữ làm sao?
Lịch sử Do Thái cho thấy con cái Israen luôn luôn thờ cúng Baals. Ðó là một cám
dỗ triền miên. Họ chỉ muốn biết có thổ thần và quên Ðấng Thánh đã làm ra lịch
sử cho họ. Loài người nói chung, không giống như họ sao? Loài người luôn chỉ
ngưỡng mộ những nhân tố làm ra của cải và quên Ðấng sinh thành và cứu chuộc họ.
Những lời của sách Thứ Luật luôn có giá trị thức thời. Và việc Môsê dạy con cái
Israen phải làm khi sinh sống tại Hứa Ðịa cũng là việc mà phụng vụ của Hội
Thánh ngày nay bảo chúng ta phải làm. Hằng ngày chúng ta mang bánh rượu đến
dâng lên bàn thờ, đó là hoa màu ruộng đất và lao công của con người, nhưng để
trở nên của ăn, của uống thiêng liêng nuôi sống chúng ta. Và như vậy chúng ta
có quan điểm của Chúa Giêsu Kitô. Người đã chống lại cơn cám dỗ thứ nhất khi
lập lại lời sách Thứ Luật: con người không sống nguyên bằng bánh.
Tuy nhiên để có quan niệm ấy, người ta phải có
niềm tin vào Thiên Chúa của lịch sử, như Môsê đã khuyên con cái Israen và như
thánh Phaolô còn dạy chúng ta rõ ràng hơn nữa trong bài thư hôm nay.
3. Một Niềm Tin Cứu Ðộ
Thánh Tông đồ đang bàn về ơn cứu độ, điều ước
mong duy nhất của mọi người. Của cải, quyền bính và khả năng chỉ là phương tiện
để con người được hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc không nằm trong phương tiện ấy.
Satan đã làm vì tưởng rằng Ðức Giêsu cũng dễ lầm như nhiều người. Họ cứ tưởng
hoặc có của, hoặc có quyền, hoặc có tài là được hạnh phúc. Nhưng không, hạnh
phúc là khi được cứu độ khỏi tội lỗi và sự chết.
Thế mà ơn cứu độ đã được hứa ban cho hết mọi
người chẳng kỳ là Hy Lạp hay Do Thái, văn minh hay chậm tiến, ở nơi Ðức Kitô
Chúa chúng ta. Người ta phải tuyên xưng Người trong tâm hồn và nơi miệng lưỡi,
tức là trong tâm hồn và trong đời sống. Ai tin như vậy sẽ chẳng phải hổ ngươi
trong ngày Chúa xét xử vì Người sẽ cứu họ và độ họ vào Nước Trời.
Chúng ta hết thảy đã có niềm tin như vậy, Hội Thánh
thúc giục chúng ta nhóm lại niềm tin ấy trong mùa Chay này. Ðây là thời gian
thuận lợi. Phụng vụ sẽ làm sống lại các mầu nhiệm cứu thế. Thiên Chúa sẽ ban ơn
dồi dào. Chúng ta hãy tham dự mùa Chay của Hội Thánh. Thời gian 40 ngày này
nhắc lại 40 ngày của Chúa Giêsu nơi sa mạc. Người đã phấn đấu để nêu gương cho
chúng ta. Người sẽ đưa chúng ta vào mầu nhiệm Tử nạn Phục sinh của Người để
chúng ta được cứu độ. Chúng ta hãy yêu mến Người, tuyên xưng Người trong tâm
hồn và đời sống, bắt chước Người chỉ tin tưởng vào Chúa Cha và Lời Sách Thánh.
Mọi mưu chước của kẻ thù loài người là Satan sẽ lại thua, nếu Chúa Giêsu luôn
ngự nơi tâm hồn và trong đời sống của chúng ta.
Giờ đây Người đến nơi bàn thờ để gặp gỡ và đến ở
với chúng ta. Chúng ta hãy sốt sắng đón nhận Người và sống với Người hằng ngày
trong mùa Chay thánh này.
(Trích dẫn từ tập
sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)