Chúa Nhật 2 Mùa Chay Năm C
Chúa Ðến Ðể Biến Ðổi Thân Xác Khốn Hèn Của Loài Người
(Khởi Nguyên 15,5-15; Philíp 3,17-4,1; Luca 9,28-36)
Phúc Âm: Lc 9, 28b-36
"Ðang khi cầu
nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường".
Khi ấy, Chúa Giêsu
đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện. Và đang khi cầu nguyện, diện
mạo Người biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng. Bỗng
có hai vị đàm đạo với Người, đó là Môsê và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự
chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem. Phêrô và hai bạn ông đang ngủ mê,
chợt tỉnh dậy, thấy vinh quang của Chúa và hai vị đang đứng với Người. Lúc hai
vị từ biệt Chúa, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con
được ở đây thì tốt lắm; chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê,
và một cho Êlia". Khi nói thế, Phêrô không rõ mình nói gì. Lúc ông còn
đang nói, thì một đám mây bao phủ các Ngài và thấy các ngài biến vào trong đám
mây, các môn đệ đều kinh hoàng. Bấy giờ từ đám mây có tiếng phán rằng:
"Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người". Và khi tiếng
đang phán ra, thì chỉ thấy còn mình Chúa Giêsu. Suốt thời gian đó, các môn đệ
giữ kín không nói với ai những điều mình đã chứng kiến.
Suy Niệm:
Chúa Nhật trước đã
đưa chúng ta vào 40 ngày Chay của Chúa Giêsu và đã cho chúng ta thấy Người lướt
thắng các cơn cám dỗ của Satan như thế nào, để chúng ta biết phấn đấu theo
gương Người trong Mùa Chay này và trong suốt cả đời sống. Hôm nay phụng vụ nhắc
lại chuyện Chúa biến hình trên núi như là hình ảnh báo trước vinh quang Phục
sinh đang chờ Người ở bên kia Mầu nhiệm Thập giá. Và như vậy Chúa nhật hôm nay
muốn cho chúng ta thấy trước quang cảnh của cuối mùa Chay, đang khi Chúa nhật
trước đã khai mạc mùa này và các Chúa nhật sau sẽ nói về quãng giữa của đầu và
cuối mùa Chay Thánh. Chúng ta sẽ tìm hiểu việc Chúa biến hình và nhờ đó sẽ suy
nghĩ về hai bài đọc Thánh Kinh kia để làm cho ngày hôm nay rực lên ánh quang
vinh của Chúa.
1. Việc Chúa Biến
Hình
Chúng ta sẽ theo sát
bản văn của Luca. Người bắt đầu cho một chi tiết đáng kể. Theo Người, câu
chuyện Chúa biến hình trên núi xảy ra chừng 8 ngày sau hôm Người báo tin cho
môn đệ biết: Con Người sẽ phải chịu nhiều đau khổ... bị giết đi và ngày thứ ba
sẽ sống lại. Người cũng bảo: Ai muốn đi theo sau Người, thì hãy chối bỏ chính
mình và vác lấy khổ giá của mình mỗi ngày mà đi theo Người. Những lời ấy không
làm cho môn đệ an tâm, nên Người đã hứa sẽ cho một số môn đệ có mặt hôm đó được
thấy vinh quang của Người. Và hôm nay, Người đem ba ông: Phêrô, Gioan, Giacôbê
lên núi với Người.
Như vậy, câu chuyện
Chúa biến hình hôm nay là để thi hành Lời Người đã hứa. Ba môn đệ sẽ được xem
thấy vinh quang của Người để bù lại những lời tiên báo việc Người sẽ bị nộp, bị
giết. Phải chăng đây không phải là khía cạnh vinh quang của mầu nhiệm thập giá?
Ðó là mầu nhiệm Phục sinh phải đi liền với mầu nhiệm Tử nạn. Các môn đệ được
thấy trước ánh sáng Phục sinh để họ khỏi nao núng khi thấy Người chịu đau khổ
và chúng ta được phấn khởi đi vào con đường mùa Chay mà hôm nay khai mạc, chúng
ta đã thấy là con đường phấn đấu.
Nhưng vì việc biến
hình lại xảy ra khoảng 8 ngày sau hôm Chúa Giêsu nói về việc Tử nạn? Chúng ta
có được phép nghĩ rằng ngày thứ 8 cũng là ngày thứ nhất trong tuần lễ của người
Kitô hữu không? Do đó cả việc Tử nạn cả việc Phục sinh đều được loan báo trong
cùng một ngày, ngày Chúa nhật, ngày của Chúa, ngày cử hành các mầu nhiệm cứu
thế trọng đại của Chúa chúng ta.
Người chỉ đem theo
Phêrô, Gioan, Giacôbê vì ba người này sẽ được thấy Người hấp hối trong vườn Cây
Dầu, để làm chứng những ai đã tham dự mầu nhiệm Tử nạn cũng sẽ được chia sẻ
vinh quang Phục sinh. Và cũng như ở vườn Cây Dầu sau này, hôm nay ở đây Ðức
Giêsu mãi miết trong cầu nguyện đang khi các môn đệ "li bi giấc ngủ".
Nhiều việc quan trọng đã hoặc sẽ xảy ra trong hoàn cảnh tương tự. Chính những
khi Ðức Giêsu cầu nguyện nhiều là có những việc trọng đại đã đến.
Hôm nay, đang lúc
Người cầu nguyện, dung nhan Người đã ra khác. Y phục Người cũng sáng hẳn lên.
Luca không chú trọng lắm đến những thay đổi này. Ông không coi việc biến hình
là chính, nếu chúng ta được phép nói như vậy. Ông quan tâm đến nội dung hơn là
hình thức. Ông tìm hiểu bản chất hơn là hiện tượng. Những nét xa lạ về sắc diện
và y phục cho thấy đang có gì khác thường xảy đến cho Người.
Quả thật, có hai nhân
vật đến trao đổi với Ðức Giêsu. Ðó là Môsê và Êli, một ông luật pháp và một nhà
tiên tri. Ðó là cả Cựu Ước đang tâm sự với Người. Cũng có thể hiểu hai ông đã
mang đến một bầu khí cánh chung. Nhiều người nghĩ rằng Êli phải đến trước để đi
tiền hô cho Ðấng Thiên Sai. Sự hiện diện của ông ở đây chứng tỏ thời đại Thiên
Sai đã đến. Và Môsê nhà luật pháp của đạo cũ, nay đến chào mừng và "bàn
giao" với nhà luật pháp mới...
Nếu thế thì sao sự
việc không xảy ra trên núi Sion? Ngọn núi đang có sự hiện diện của ba vị chỉ là
ngọn núi quen thuộc của Ðức Giêsu. Người hay lui tới đây cầu nguyện. Sion bị
truất phế rồi ư? Chúng ta phải hiểu như vậy; vì thời đại thiên sai và cánh
chung không còn ưu tiên cho nơi nào và dân nào nữa. Người ta không còn cần phải
chọn Giêrusalem hay Garizim làm điện thờ duy nhất nữa. Người ta chỉ cần tìm đến
với Ðức Giêsu mà cả Luật pháp (đạo cũ) và Tiên tri (đạo mới) đều đang tuyên
chứng.
Môsê và Êli hiện ra
trong vinh quang, vì họ đã tham dự vào công cuộc của Chúa và vì họ trở lại
trong ánh sáng Phục sinh. Họ nói với Ðức Giêsu về cuộc ra đi sắp tới của Người
sẽ xảy ra ở Giêrusalem tức là cuộc tử nạn Phục sinh vượt qua của Người... Chúng
ta có thể bảo Môsê đã san sẻ kinh nghiệm cho Người không? Bởi vì khi ông được
tiếp xúc với vinh quang của Thiên Chúa lần đầu tiên ở núi Horeb trước bụi gai
cháy một cách kỳ diệu, ông đã được sai đi để tổ chức vượt qua cho con cái
Israen. Ai trong lịch sử Cựu Ước có kinh nghiệm hơn ông về vấn đề này. Cuộc
vượt qua Biển Ðỏ do ông tổ chức đã trở thành tiêu biểu cho mọi lần Chúa muốn
cứu dân. Hôm nay ông đến để nói với Ðức Giêsu về cuộc sắp ra đi của Người. Lễ
Vượt Qua của đạo mới sẽ bao trùm và kiện toàn lễ vượt qua đạo cũ khi Môsê cũ đã
trò chuyện hết với Môsê mới là Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta.
Câu chuyện giữa các
Ngài ở ngoài tai các môn đệ; cũng như sau này trong vườn Cây Dầu họ chẳng biết
gì về việc Chúa hấp hối. "Phêrô và các bạn li bì giấc ngủ". Xác thịt
của họ còn nặng nề, chưa hiểu được mầu nhiệm Tử nạn, khi ánh sáng Phục sinh
chưa làm họ tỉnh dậy.
Bấy giờ bừng mắt ra,
họ thấy vinh quang của Ðức Giêsu và thấy hai người đang đứng với Người, tức là
trước đây họ chưa thấy dung nhan mặt Người đã ra khác và y phục của Người đã
trở nên trắng ngời. Họ là những kẻ ngu mê cho đến khi chuyện ra đi tử nạn đã
qua.
Nhiệm vụ của Môsê và
Êli cũng đã rồi. Họ ra đi, để lại Ðức Giêsu đứng với môn đệ của Người. Luật
pháp và tiên tri đã tuyên chứng cho công cuộc cứu thế của Người, thì đến sinh
hoạt của Hội Thánh Phêrô lên tiếng xin làm ba lều cho Chúa Giêsu, cho Môsê và
cho Êli. Luca bảo rằng: Phêrô không biết mình nói gì. Mà quả thật, ông không
thấy Môsê và Êli đã ra đi rồi sao? Ðàng khác sao lại có chuyện tất cả lịch sử
dừng lại ở đây? Chỉ có mấy người được ở trên núi hạnh phúc này sao? Còn muôn
muôn, ứu ức, triệu triệu con người của các dân tộc phải được tề tựu về đây nữa
chứ? Không, câu nói của Phêrô chưa để ý đến mọi khía cạnh. Nó chỉ có giá trị
nói lên một sự thật, sự thật ở đây là hạnh phúc...
Thiên Chúa không phủ
nhận một tấm lòng thành như vậy. Người cho một đám mây rợp xuống trên tất cả
mọi người. Người hứa và bảo đảm sẽ cho mọi người được hạnh phúc và chia sẻ vinh
quang. Người muốn nói, mọi người sẽ được đưa vào sự sống của Chúa Giêsu tử nạn
phục sinh, miễn là người ta hãy nghe lời Ngài.
Là vì có tiếng phán
ra từ trong đám mây, y như hôm nào ở bờ sông Giođan. Chỉ thêm một điều hôm nay
Thiên Chua bảo mọi người hãy nghe lời Con của Người. Và như vậy cuộc hiển linh
hôm nay không nhằm tấn phong Ðức Giêsu làm Tôi Tớ Thiên Chúa đến để thi hành sứ
mạng cứu thế, cho bằng đặt Người đứng trên mọi loài sau khi Người đã tử nạn phục
sinh. Người sẽ là Chúa của Hội Thánh sau khi ơn cứu độ đã được ban cho mọi
người.
Thế nên, sau khi lời
tuyên bố, các môn đệ chỉ còn nhìn thấy một mình Chúa Giêsu. Họ đã nín thinh,
chờ ngày các mạc khải hôm nay trở thành sự thật. Và sau khi Ðức Giêsu đã chịu
chết, sống lại và lên trời, họ đã ra đi khắp nơi công bố Người là Chúa để thâu
nạp mọi dân tộc đến nghe Lời Người mà được chia sẻ vinh quang phục sinh.
Câu chuyện Chúa biến
hình vì thế, không còn cho chúng ta thấy một Ðức Giêsu phấn đấu để lướt thắng
các cơn cám dỗ như trong Chúa nhật trước nữa. Chúa nhật hôm nay báo trước vinh
quang của Người sau Mầu nhiệm Thánh giá, để chúng ta cũng như ba môn đệ ngày
xưa được vững lòng đi vào con đường khổ nạn của Người. Chúng ta được hạnh phúc
hơn Abraham trong bài Cựu Ước hôm nay biết bao! Ðọc lại câu chuyện này, chúng
ta sẽ thêm phấn khởi tin vào ơn cứu độ đang được dành cho chúng ta.
2. Abraham Tin Vào
Chúa
Câu chuyện sẽ thêm
nhiều ý nghĩa, nếu chúng ta nhớ rằng nó đã không được viết vào thời Abraham (vì
thời đó làm gì Do Thái đã có chữ viết) nhưng mãi về sau này. Chúng ta có thể
nghĩ đây là tác phẩm của một thần học gia rất đạo đức, sống ở đất Do Thái vào
khoảng trước hoặc sau lưu đày. Ông thấy hoàn cảnh thật đen tối. Ðất nước này
không còn là của con cái Israen nữa. Sản nghiệp Lời Hứa đã hoàn toàn tiêu tan.
Cứ như thế này mãi sao? Hay là sẽ có lúc Thiên Chúa ngoảnh mặt lại? Phần đa số
trong dân không còn hy vọng nữa vì sự thật quá phủ phàng. Nhưng niềm tin, niềm
tin của các tổ phụ dân vẫn còn ăn sâu trong tâm hồn nhiều người, trong đó có
tác giả của đoạn văn hôm nay. Niềm tin ấy tìm cách lóe lên trong đêm tối, vươn
lên khi sắp bị giập xuống. Nó mượn đời sống của chính tổ phụ Abraham để chỗi
dậy. Nó viết lại một câu chuyện trong cuộc đời của vị tổ phụ để lấy lại nghị
lực.
Tình cảnh của tổ phụ
Abraham bấy giờ không bi đát sao? Thân ông càng ngày càng già yếu. Bạn ông, bà
Sara, cũng đã hết thời sinh sản. Thế mà hai người vẫn chưa có lấy một mụn con!
Ðang khi ấy Chúa vẫn phán: Dòng dõi của Abraham sẽ đông đúc nhiều hơn sao trên
trời và cát ngoài biển. Abraham tin Chúa, nhưng quả là tin trong đêm tối.
Rồi Chúa còn hứa cho
ông một Ðất Nước làm quê hương. Ðiều hứa này được tác giả bài sách hôm nay để
ý. Nó động đến điều ông đang thắc mắc. Vị tổ phụ ngày xưa được hứa ban Ðất Nước
này khi người không có quyền trên một tấc đất ở đây. Ngày nay con cái Israen có
còn nên hy vọng làm chủ được Ðất Nước này khi nó đang nằm trong tay quân xâm
lược hay không? Tác giả nhìn vào niềm tin của vị Tổ Phụ mà thêm phấn chấn. Ông
viết lại niềm tin này để phấn khởi đồng bào của ông. Do đó chúng ta được bản
văn hôm nay.
Nó cho chúng ta thấy
Abraham như đã ép được Chúa phải cho ông một bảo đảm về Lời Hứa. Khi Người hứa
ban Ðất Nước này cho ông, ông đã bạo dạn thưa: "Lạy Chúa Giavê, làm sao
tôi biết là tôi sẽ được nó làm cơ nghiệp?" Và Chúa đã phải ban cho ông một
bằng chứng. Ðó là Giáo Ước. Người bảo ông lấy một con bê, một con dê, một con
cừu, một con chim gáy và một con bồ câu. Abraham đem hết các vật ấy lại, rồi bổ
đôi ba con vật lớn, đặt mỗi phần đối chiếu với phần kia. Theo tục lệ thời ấy,
hai bên ký kết giao ước sẽ đi qua những phần thịt này để cam kết số phận mình
sẽ bị phanh thây ra như thế nếu mình không giữ lời giao ước. Vậy, Abraham cũng
chờ Chúa đến để đi qua... Và khi mặt trời đã lặn, thì này một lò lửa nghi ngút
khói và một đuốc cháy đã ngang qua giữa những mảnh thịt. Abraham biết rằng Chúa
đã đến và đã cam kết. Lửa khói và đuốc sáng là dấu hiệu hiện diện của Người.
Người cam kết một mình để tỏ ra ưu vị và sự quyết tâm của Người, khiến Abraham
chỉ còn biết sấp mình thờ lạy và đặt hết tin tưởng vào Chúa.
Con cái Israen thời
của tác giả bản văn này, làm sao không phấn khởi khi nghe nói như vậy? Tổ phụ
của họ vì tin mà được Ðất Nước này. Họ cũng sẽ giữ và lấy lại được Ðất Nước nếu
có niềm tin như thế. Và cơ sở của niềm tin chính là Giáo Ước. Thiên Chúa đã
hứa, hứa một cách long trọng và có khế ước nghiêm chỉnh. Chính Người sẽ thực
hiện điều ấy.
Chúng ta cảm phục tác
giả. Nhưng sánh với ông hạnh phúc của chúng ta thật to lớn biết bao! Chúng ta
được hứa ban sản nghiệp Nước Trời là sự sống đời đời. Nhưng chúng ta không phải
chỉ có Lời Hứa và giao ước, mà còn có bảo chứng cụ thể là việc Ðức Giêsu sống
lại từ cõi chết và đã ban Thánh Thần của Ngài cho chúng ta. Sự kiện Ngài sống
lại, ai chối được nữa? Bài Tin Mừng hôm nay đã báo trước. Môsê và Êli đã tuyên
chứng. Các Tông đồ đã được nếm thử. Phêrô đã mãn nguyện rõ ràng... Chúng ta hãy
tin vào mầu nhiệm Phục sinh để đi con đường mùa Chay, con đường của đời sống.
Chúng ta hãy nghe thánh Phaolô đoán chắc về hạnh phúc phục sinh của chúng ta
mai ngày.
3. Chúa Sẽ Biến Ðổi
Thân Xác Khốn Hèn Của Chúng Ta
Thánh Tông đồ khuyên
hết mọi người bắt chước Người và bắt chước những kẻ sống theo gương mẫu của
Người, vì Người tin tưởng và hoàn toàn sống theo mầu nhiệm Thánh Giá. Ðang khi
ấy có lắm kẻ sống như thù địch với thập giá của Ðức Kitô. Họ lấy bụng làm Chúa
và chỉ nghĩ đến những sự dưới đất. Họ đặt vinh quang nơi những điều đáng phải
xấu hổ, ngay cả nơi phép cắt bì của người Do Thái. Họ là những người chỉ cậy
vào sức mình và chỉ lấy những mối lợi trước mắt làm hạnh phúc, Họ sẽ đi tới
diệt vong. Con đường của họ, không nên đi vào.
Trái lại, quê hương
của chúng ta là trời cao, tự đó sẽ đến vị Cứu Chúa là Ðức Giêsu Kitô. Người sẽ
biến đổi thân xác khốn hèn của chúng ta nên giống như thân xác vinh quang của
Người. Chính vì vậy mà chúng ta phải đi vào con đường thập giá, là con đường đã
dẫn Chúa chúng ta đạt tới vinh quang.
Hôm nay bài Tin Mừng
đã cho chúng ta thấy rõ điều ấy. Tác giả bài sách Khởi Nguyên đã khuyên con cái
Israen đặt niềm tin vào quê hương họ. Chúng ta còn phấn khởi biết bao khi theo
lời thánh Phaolô mà nghĩ đến quê hương trên trời, nơi Ðức Giêsu sẽ ngự đến
trong vinh quang để lấy sự vinh quang của Người bọc lấy và đưa chúng ta về hạnh
phúc đời sau, như các môn đệ của Người hôm nay đã được nếm thử trên núi Biến
hình. Vậy chúng ta hãy tin vào mầu nhiệm thập giá. Hãy sống cuộc đời không lấy
bụng làm Chúa, nhưng biết nhìn xa hơn những điều dưới đất...
Giờ đây, trong Thánh
Lễ chúng ta đang làm như thế. Chúng ta nhìn xa hơn bánh rượu để thấy Mình Máu
Thánh Chúa. Chúng ta nhìn xa hơn thánh giá để thấy hy vọng phục sinh. Ðồng thời
chúng ta cũng nhìn nhau xa hơn những nét bên ngoài để thấy anh em là chi thể
của nhau trong Ðức Giêsu Kitô. Như thế không còn cho phép ta sống theo xác thịt
nữa, nhưng như đã lột xác, đợi ngày biến hình thật sự với ngày Chúa trở lại
trong vinh quang mà lễ Chúa Biến hình hôm nay đã báo trước.
(Trích dẫn từ tập
sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)