Chúa Nhật 3 Mùa Chay Năm C
Chúa Kêu Gọi Thống Hối
(Xuất Hành 3,1-8a.13-15; 1Corintô 10,1-6.10-12; Luca 13,1-9)
Phúc Âm: Lc 13, 1-9
"Nếu các ngươi
không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy".
Khi ấy, có những kẻ
thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho
máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Ngài lên tiếng bảo: "Các ngươi
tưởng rằng mấy người xứ Galilê bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn
tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng
nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt
như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi
tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không
phải thế. Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị
huỷ diệt như vậy".
Ngài nói với họ dụ
ngôn này: "Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả
ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: "Kìa, ba năm nay
ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán
đất làm gì!" Nhưng anh ta đáp rằng: "Thưa ông, xin để cho nó một năm
nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng
không năm tới ông sẽ chặt nó đi".
Suy Niệm:
Với Chúa nhật hôm
nay, chúng ta đã đi vào giữa Mùa Chay. Phụng vụ hối thúc chúng ta phải làm công
việc quan trọng nhất trong mùa này, là thống hối ăn năn tội lỗi và trở về với
Chúa. Những tư tưởng này được trình bày rõ rệt trong bài Tin Mừng và bài Thánh
Thư. Nhưng chúng ta cần xem bài Cựu Ước trước, để thấy Chúa thương xót những
người khổ sở như thế nào và Người sẵn sàng giải thoát họ. Ðược niềm tin như
vậy, chúng ta sẽ sung sướng đón nhận Lời Chúa kêu gọi ăn năn thống hối để được
cuộc hành trình mùa Chay nói riêng và đời sống nói chung của chúng ta sẽ tốt
đẹp hơn cuộc hành trình của con cái Israen nơi sa mạc mà bài Thánh thư hôm nay
còn gợi lại. Chúng ta hãy bắt đầu với bài Cựu Ước.
1. Chúa Muốn Cứu Dân
Bài sách Xuất Hành
hôm nay thuật chuyện Chúa gọi Môsê đi cứu dân. Chính ông đã được cứu ra khỏi
nước khi mới sinh được ít tháng. Hoàng đế Ai Cập bấy giờ ra lệnh giết hết con
trai mới sinh của người Do Thái. Mẹ của Môsê thương con, dấu diếm trong nhà cho
đến ngày không dấu được nữa. Bà bỏ con vào thúng đã trét hắc ín và đem đặt bên
bờ sông, nhằm lúc Công chúa của Pharaôn đến tắm. Nàng thấy đứa bé xinh, cho tìm
vú nuôi và sau đem vào hoàng cung giáo dục. Khi đã thành nhân, một hôm ra khỏi
đền vua, Môsê thấy cảnh nô lệ man rợ của đồng bào mình. Ông đã giết một tên Ai
Cập để bênh vực một người đồng hương; và sau đó sợ lộ chuyện, ông phải trốn đi
và trở thành mục tử chăn dê cừu cho nhạc phụ là Jếthro ở đất Mađian.
Hôm nay Môsê lùa đàn
vật đi ăn, ngang qua sa mạc và đến núi của Thiên Chúa. Người Do Thái miền Bắc
gọi núi này là Horeb; còn người miền Nam gọi nó là Sinai. Và dân của cả hai
miền đều coi nó là núi thánh và là núi của Thiên Chúa. Vì nó vẫn là nơi có điện
thờ và có sự hiện diện của Chúa một cách đặc biệt, hay nó chỉ mới trở nên thánh
địa kể từ ngày có câu chuyện Chúa hiện ra hôm nay với Môsê? Béthel (Kn 28,11)
cũng là một nơi giống như vậy. Israen đến đó và mơ thấy có một bậc thang bắc từ
đất đến trời. Ông bừng dậy và nhận ra nơi này là thánh địa. Nơi ấy xưa nay vẫn
thánh, hay mới chỉ thánh từ khi Israen được Chúa hiện ra trong chiêm bao ở trên
đất này? Dù sao việc Chúa hiện ra cũng đã làm cho những nơi kia trở nên thánh
địa một cách khác thường. Và mỗi khi Người hiện ra, các tác giả Thánh Kinh đều
nói rằng "thần sứ" của Người hiện ra chứ không dám nói rằng chính
Người xuất hiện. Và từ ngữ "thần sứ Giavê" đã trở thành công thức nói
về "Thiên Chúa hiện ra".
Vậy hôm nay thần sứ
Giavê đã hiện đến với Môsê trong ngọn lửa giữa bụi gai. Thoạt đầu Môsê đâu có
biết. Ông chỉ thấy một ngọn lửa cháy giữa bụi gai mà gai không bị thiêu hủy.
Thấy lạ, Môsê muốn mon men lại gần để quan sát. Nhưng từ trong lửa giữa bụi gai
có tiếng gọi: "Môsê, Môsê"; rồi bảo ông chớ lại gần vì đây là nơi
thánh địa.
Ðối với chúng ta, một
hình thức Chúa hiện ra như vậy tỏ ra thế nào ấy! Nhưng đối với người xưa đó là
hình thức quá tự nhiên để họ khỏi khiếp đảm. Họ vẫn quan niệm thần linh ở trong
lửa, trong khói. Có ngọn lửa lạ lùng giữa một bụi gai như vậy là dấu chắc chắn
có thần linh muốn hiện ra với người ta. Trong tiếng Do Thái, chữ bụi gai cũng
na ná như chữ Sinai. Và vì thế lửa cháy giữa bụi gai hôm nay, như báo trước một
ngày nào đó lửa cũng sẽ nghi ngút trên đỉnh Sinai khi Chúa muốn ký kết giao ước
với đoàn dân mà Môsê vừa dẫn ra khỏi Ai Cập. Chúa giữa bụi gai cũng là Chúa ở
núi Sinai, Người đã hiện diện đến với Môsê ban cho ông những mạc khải vô cùng
quan trọng.
Người tự xưng là Chúa
của Abraham, Isaac và Giacob, những tổ phụ xa xôi của con cái Israen. Người đã
thấy những nỗi thống khổ của họ bên Ai Cập. Người đã nghe tiếng roi của các đốc
công người Ai Cập quất trên họ. Người nghe hết những tiếng kêu đau khổ của con
cái Israen. Người sẽ ra tay cứu họ ra khỏi Ai Cập, và đưa họ vào Ðất Hứa chảy
sữa và mật. Thế nên Người bảo Môsê: "Vậy bây giờ ngươi hãy đi! Ta sai
ngươi đến với Pharaô; ngươi hãy đem dân của Ta, con cái Israen ra khỏi Ai
Cập".
Lệnh truyền đầy cương
quyết và thật an ủi. Nó nói lên lòng thương đầy thông cảm và hiểu biết của
Chúa. Nó cho thấy Chúa quan tâm săn sóc những người khổ sở. Họ là "phần
riêng" của Người. Họ sẽ trở thành "sở hữu" của Người. Chúng ta
muốn nhận được tình thương của Chúa, hãy đứng vào hàng ngũ những thành phần khó
nghèo và khổ sở. Nhất định chúng ta sẽ nhận được nhiều tình thương cứu độ, nếu
chưa dám nói là nhận được tất cả lòng thương xót của Chúa...
Mà chúng ta đâu có cần
đứng vào hàng ngũ những thành phần đáng thương ấy. Bản chất chúng ta là tội
nhân đầy những yếu đuối và rồi đây sẽ phải chết. Không ai khổ sở và đáng thương
hơn chúng ta; chỉ có điều chúng ta dễ quên và muốn quên thân phận của mình.
Chúng ta tự ái muốn che dấu tội lỗi của chúng ta. Chúng ta muốn bám vào những
lớp sơn có thể che dấu được con người thật của mình. Chúng ta che thân bằng
quần áo thì cũng muốn che tâm hồn và đời sống hèn hạ dưới những cái
"mã" tưởng là dễ coi. Chính sự bỏ quên cũng là một bình phong và là
một tấm màn phủ lên con người xấu xa của chúng ta...
Nhưng vô ích, lương
tâm như một con sâu luôn rúc rỉa tâm hồn. Bài Kinh Thánh hôm nay, những Lời
Chúa vừa tuyên bố, mùa Chay đang cử hành, tất cả kêu gọi chúng ta hãy giác ngộ,
thú nhận tội lỗi và cầu xin ơn tha thứ. Thiên Chúa đang đến. Người đầy lòng xót
thương. Người muốn cứu kẻ lầm than khổ sở. Người sai một Môsê Mới đi cứu những
ai thú nhận mình yếu đuối. Ðó là Ðức Giêsu Kitô. Nhưng để hiểu biết Người,
chúng ta hãy tiếp tục xem Môsê cũ.
Nghe Chúa muốn sai
mình đi cứu dân. Ông xin được muốn đích danh của Người để khi con cái Israen
hỏi ông biết đàng mà thưa. Nhưng không lẽ ông chưa biết danh Giavê! Và chắc
chắn ông cũng đã biết con cái Israen vẫn dùng danh Giavê mà xưng tụng Chúa. Có
lẽ ở đây tác giả viết như vậy là vì muốn giải thích danh Giavê và muốn cho lời
giải thích này khởi sự từ Môsê và từ miệng Chúa. Người trả lời cho Môsê: Ta là Ðấng "Ta có".
Vẫn biết lời của Chúa nói ở đây khó dịch ra tiếng Việt Nam. Nhưng trong mọi
thứ tiếng và ngay trong tiếng Do Thái, ý nghĩa của câu Chúa trả lời để mạc khải
Danh của Người cũng thật khó hiểu. Nó khó hiểu đến nỗi có thể nói được rằng
nghe rồi người ta cũng chẳng hiểu gì hơn. Và điều này chứng tỏ không từ ngữ và
quan niệm nào có thể diễn tả được Thiên Chúa. Người là Ðấng Vô Danh theo nghĩa
của Lão Tử, tức là theo nghĩa không thể nào gọi tên được. Mọi danh xưng đều bất
lực nói về bản tính Thiên Chúa.
Nhưng khi nói Giavê Ðấng đang có, người ta cũng có thể nghĩ đến sự trường
tồn của Người, đang khi hết thảy là phù vân không có nền tảng hiện hữu. Nhất là
tựa vào ý nghĩa ấy, người ta có thể nghĩ rằng Giavê là Ðấng luôn hiện diện với
Môsê và với dân Người để ở với họ, hướng dẫn họ, giúp đỡ họ thi hành kế hoạch
của Người. Và điều này sẽ được triển khai khi cũng tác giả Xuất Hành viết:
Giavê là Chúa chạnh thương, huệ ái, bao dung, đầy nhân nghĩa và tín thành
(34,6). Mà quả thật mọi trang Kinh Thánh mạc khải đều nói lên lòng từ nhân của
Thiên Chúa Giavê. Người không ở xa con cái loài người, nhưng hằng quan tâm độ
trì họ.
Ðặc biệt trong bài sách Xuất Hành hôm nay Người tỏ ra thông cảm, lo lắng
cho số phận con cái Israen. Người hiện ra với Môsê với tâm trạng ấy, thì khi
Người giải thích danh xưng Giavê của Người, chúng ta có thể và có lẽ phải hiểu
theo ý nghĩa từ nhân này. Và phụng vụ hôm nay cũng muốn chúng ta biết Thiên
Chúa là Ðấng đầy lòng thương xót đang muốn cứu độ chúng ta. Chúng ta hãy nghe
thêm lời Con của Người nói trong bài Tin Mừng để hiểu Người hơn và mến Người
hơn nữa.
2. Chúa Kêu Gọi Thống Hối
Thánh Luca kể, hôm ấy người ta đưa tin cho Ðức Giêsu biết: Pilatô mới giết
một số người Galilê, khi họ dâng lễ. Vụ này ai cũng biết nên tác giả không cần
nói rõ thêm. Ðàng khác Pilatô đã làm nhiều vụ như vậy mà sử sách còn kể lại. Phản
ứng của Ðức Giêsu không chính trị tí nào, mà chỉ hoàn toàn đạo đức. Người đáp:
các ngươi tưởng đó là những người tội lỗi hơn mọi người Galilê khác sao? Không
đâu, nếu không hối cải, các ngươi hết thảy cũng sẽ bị tiêu diệt như thế.
Người còn nói thêm về vụ 18 người bị tháp Silôam đổ xuống đè chết. Vụ này
chắc cũng phải thời danh lắm. Ai nghe nói cũng hiểu tức thời. Nhưng 18 người
kia có phải là hạng tội lỗi hơn mọi kẻ cư ngụ ở Giêrusalem không? Không đâu,
Người nói: "Nếu các ngươi không hối cải, các ngươi cũng sẽ bị tiêu diệt in
như thế".
Trong phản ứng của
Người, chúng ta có thể nhận ra một số quan niệm Người không coi những kẻ bị tai
họa bên ngoài tất nhiên phải là hạng tội lỗi hơn mọi người khác. Cũng như trong
sách của Gioan, Người không coi một kẻ mù từ khi mới sinh là vì tội của nó, hay
của cha mẹ nó. Ðối với Người ai cũng có tội hết, cả những người ở Galilê và cả
những người ở Giêrusalem. Tất cả những người đang ở trước mặt Người và nghe
Người nói đều có tội. Họ hãy thống hối và cải thiện; nếu không họ cũng sẽ bị
tiêu diệt, dĩ nhiên không phải hết thảy sẽ bị giết hay tháp đè. Nhưng tất cả
đều sẽ chết và chết đời đời.
Và để thúc đẩy người
ta nhận thấy tình cảnh đã khẩn trương, Ðức Giêsu kể tiếp dụ ngôn về cây vả. Chủ
vườn muốn chặt nó tức khắc, vì đã ba năm rồi, ông đến tìm quả mà không thấy một
trái nào. Nếu bài dụ ngôn đã dừng lại ở đây, thì chúng ta chỉ thấy tính cách
khẩn trương của vấn đề hối cải. Và chúng ta có thể nghĩ rằng Ðức Giêsu đã nói
dụ ngôn này vào khoảng cuối đời truyền giáo, sau ba năm hoạt động nơi người Do Thái,
như Mátthêu và Máccô đã kể chuyện về một cây vả tương tự vào hai, ba ngày trước
khi Chúa Giêsu bị bắt nộp.
Nhưng Luca tác giả
của lòng thương xót, đã không dừng lại ở lời ngăm đe tức thời như vậy. Ông cho
người làm vườn đến trước mặt chủ và xin để cây vả lại một năm nữa, chờ cuốc xới
và bón phân thêm xem thế nào, không chừng nó sẽ sinh quả; bằng không sẽ chặt nó
đi.
Người làm vườn nào mà
lạ lùng như vậy? Xét theo chuyên canh, lời ông chủ thật có lý. Ðể cây vả lại
trong tình trạng ấy chỉ làm hại đất. Nhưng chính vì lạ lùng, người làm vườn kia
khiến chúng ta nghĩ đến một câu trong sách của Gioan: "Cha Ta là người
trồng nho". Quả thật câu nói của người làm vườn ở đây đầy lòng nhân từ.
Lời người ấy buộc chúng ta phải nghĩ đến lòng thương xót kiên nhẫn của Thiên
Chúa. Người muốn cuốc xới và bón phân, tức là săn sóc chăm nom để tội nhân trở
lại sinh quả tốt. Kinh Thánh không thường ví dân Chúa như một thân nho sao?
Và như vậy, khi cho
người làm vườn xuất hiện nài xin ông chủ vườn để cây vả lại, tác giả Luca muốn
cho chúng ta thấy lòng thương xót lạ lùng của Thiên Chúa đã tỏ hiện đối với tội
nhân. Và cụ thể người muốn nói đến Ðức Kitô Giêsu, Ðấng mà Chúa Cha đã sai đến
để kêu gọi người tội lỗi. Ngài đang lao nhọc vất vả giảng dạy và khuyên bảo
người ta. Người đang cuốc xới và bón phân. Ngài ban cho người ta một hạn chót
để trở lại: một năm nữa thôi. Phải chăng Ngài đang ở trong năm thứ hai của cuộc
đời truyền giáo? Ðúng hơn đó chỉ là kiểu nói ám chỉ hạn chót.
Do đó tính cách khẩn
trương của lời kêu gọi hối cải vẫn còn y nguyên. Nó được trình bày kèm với quan
niệm về lòng thương xót kiên nhẫn của Thiên Chúa. Và như vậy luôn luôn nó sẽ có
tính cách tức thời; khiến hôm nay đọc bài Tin Mừng này, chúng ta vẫn thấy đang
được thôi thúc phải ăn năn hối cải và sinh quả công chính.
Hơn nữa, có thể nói
được rằng lời hối thúc lại càng khẩn trương khi nó lại là tiếng nói của một tấm
lòng đầy nhân nghĩa, nó làm chúng ta lại nhớ tới Lời Chúa thổ lộ với Môsê trước
khi sai ông đi cứu dân. bao giờ Chúa cũng từ nhân và muốn cứu độ; chúng ta có
thể làm ngơ trước kêu gọi tha thiết như vậy không? Thánh Phaolô bảo chúng ta
phải coi chừng. Chúng ta hãy đọc thư Người.
3. Chúa Ðã Chẳng Hài
Lòng
Thánh Tông đồ không
viết cho dân thời Môsê, cũng chẳng gởi cho người Do Thái thời Chúa Giêsu, mà là
cho các Kitô hữu, những người đã được lãnh nhận Thánh tẩy và thường cử hành
thánh lễ tạ ơn. Họ được ưu đãi như thế, nhưng cũng phải coi chừng, vì dân Cựu
Ước cũng đã được những ơn tương tự, nhưng đã chết nơi sa mạc và không được vào
Hứa Ðịa. Họ cũng đã thanh tẩy khi tin vào Môsê mà đi qua nước Biển. Họ đã được
ăn Manna, cũng là một thứ lương thực thiêng liêng. Họ đã uống được ở Tảng Ðá
giữa sa mạc chảy ra và như vậy nước ấy cũng linh thiêng vì vọt ra từ một tảng
đá lạ lùng (Ds 20,8) mà truyền thống Do Thái nói rằng nó đi theo con cái Israen
suốt trong thời gian nơi sa mạc. Nếu có một sự kiện như thế, thì theo Phaolô,
tảng đá ấy phải là hình ảnh về Ðức Giêsu Kitô cứu thế, vì nó có sức độ trì dân
khát nước như vậy. Do đó dân Cựu Ước đã có tất cả những sự thánh thiện tương tự
của Tân Ước là "Thánh tẩy và Thánh thể"... nhưng họ đã chết vì đam mê
(Ds 11,4-6); vì thờ quấy (Xh 32,6); vì dâm dật (Ds 25,1-5); vì thử thách Chúa
(Ds 21,4-6); và vì kêu ca Người (Ds 13,25...). Tất cả những việc ấy đã xảy ra
để làm gương cho chúng ta. Ðừng ai tưởng mình đã đứng vững trong sự thánh
thiện. Hãy coi chừng kẻo ngã. Hãy khiêm nhường thú nhận tội lỗi để được hưởng
nhờ lòng Chúa xót thương.
Trong cả ba bài Kinh
Thánh hôm nay, chúng ta đã thấy lòng từ bi của Chúa khẩn thiết kêu gọi chúng ta
thống hối ăn năn. Chúa Giêsu trong mầu nhiệm bàn thờ mà chúng ta cử hành bây
giờ càng mong muốn chúng ta trở lại hơn nữa. Người đến không những để tha thứ
mà còn để hoán cải. Chúng ta hãy dự lễ để thêm ơn Phục sinh; để cải tạo đời
sống, để làm cho mùa Chay thành mùa đổi mới con người và xã hội, đáp lại lòng
Chúa luôn xót thương muốn cứu độ mọi người.
(Trích dẫn từ tập
sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)