NGƯỜI GIẾT NGƯỜI
(CHÚA NHẬT III MÙA
CHAY, NĂM C)
(Linh Mục Anphong Trần Đức Phương)
Theo tin mới nhất,
trong cuộc động đất vừa qua (1/12/2010) tại Haiti, số người chết đã lên đến con
số kỷ lục 230 ngàn người, nhiều nhà cửa đã bị phá hủy hoàn toàn, những người
còn sống sót không còn ngôi nhà thân yêu để trở về.
Hàng ngày vẫn có
những thiên tai xảy ra trên thế giới như động đất, bão tố, đất chuồi, sóng thần…
giết hại nhiều người, phá hủy nhiều nhà cửa!
Tuy nhiên, so sánh
với các tai ương chính con người gây ra cho con người, thì còn khủng khiếp hơn
nhiều. Hai cuộc Thế Chiến trong thề kỷ 20 vừa qua đã phá hủy bao nhiêu công
trình kiến trúc của nhân loại, và số tử vong trong quân đội cũng như dân sự đã
lên tới hàng triệu người. Bao nhiêu con người sống sót không còn một mái nhà để
trở về.
Những nhà độc tài
trong chế độ cộng sản như Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Polpot… đã giết không
phải hàng nghìn, hàng trăm nghìn, nhưng hàng triệu những người dân vô tội; chưa
kể đến nhà độc tài Hitler đã giết hơn 6 triệu người Do Thái, và bao nhiêu người
khác bị giết thảm thương trong cuộc chiến tranh do ông ta gây ra trong Thế Chiến
II.
Những thiên tai thật
khủng khiếp; nhưng “Người Giết Người” còn thảm thương biết bao!
Nguyên nhân “Người
Giết Người” là vì có những con người đã lìa xa tình yêu của Thiên Chúa, đã phủ
nhận tình yêu của Thiên Chúa là Cha, là Đấng tạo thành mình. Họ đã trở nên những
kẻ “Vô Thần” và “Vô Luân”. Bám chặt vào những ý thức hệ vô thần, họ đã biến
“con người trở nên như thù địch của con người!” Do đó, nhân loại không
còn là một gia đình của tình yêu Thiên Chúa, nhưng là nơi đấu tranh và thù hận, chỉ rình mò để hãm hại lẫn nhau.
Bài Phúc Âm hôm
nay (Luca 13: 1-9) nói đến tai nạn khủng khiếp do tháp Siloe đổ xuống làm chết
18 người và việc Philatô đã tàn ác giết mấy người Galilê, làm cho máu họ
hòa với máu các vật họ tế sinh. Theo nhà Sử Học Flavius Joseph (Josephus,
37-100), thì Philatô còn gây ra nhiều cuộc đổ máu khác, chưa kể đến vụ ông đã kết
án bất công Chúa Giêsu và trao phó Người cho dân Do Thái hành hạ rồi đem đi giết.
Chúa Giêsu đã rút
ra hai bài học do hai biến cố bi thảm trên đây để dạy chúng ta biết “những nạn
nhân trong hai biến cố thê thảm đó, không phải là do “Họ tội lỗi hơn người
khác!” Đồng thời, Chúa Giêsu kêu gọi mọi người chúng ta hãy luôn biết nhìn nhận
tội lỗi của mình để ăn năn sám hối, cải thiện đời sống , trở về với Chúa là
Cha, trở về với chính mình, và với anh em mình trong mái nhà thân thương của
gia đình nhân loại. Chúa là Cha nhân từ vẫn luôn gia hạn để chờ đợi người tội lỗi
ăn năn trở về để khỏi bị “tiêu diệt!” giống như người làm vườn đã xin Ông chủ
gia hạn đừng chặt cây vả, để chờ một năm nữa xem sao! (xem Bài Phúc Âm).
Thánh Phaolô trong
Bài Đọc II (1Corintô 10: 1-6, 10-12) nhắc đến biến cố Xuất hành đã được ghi lại
trong Bài Đọc I (Xuất Hành 3: 1-8, 13-15). Dân Do Thái xưa đã đứng lên, quyết từ
bỏ đời sống nô lệ lâu dài ở Ai-Cập, lên đường, chấp nhận mọi gian nan thử thách
trong sa mạc trong 40 năm dài, để trở về quê hương thật của mình, trở về vùng
“Đất Hứa” yêu thương.
Trở về quê hương
mình, trở về mái nhà mình vẫn là niềm vui và hứng thú của mọi người chúng ta,
vì không đâu bằng ngôi nhà của mình (No Place Like Home! Home Sweet Home!)
Mỗi người chúng ta
cũng cần đứng lên, quyết tâm từ bỏ đời sống nô lệ tội lỗi, vượt qua các cám dỗ
níu kéo của con người tầm thường, để trở về ngôi nhà Giáo Hội thân thương, và
được hưởng tình yêu thương của Chúa và của anh em mình trong gia đình nhân loại.
Chủ điểm của Mùa
Chay là ăn năn, sám hối lỗi lầm và trở về với Chúa là Cha, trở về với chính
mình, với mọi người như anh chị em trong gia đình nhân loại. Thay vì chống lại
Thiên Chúa và chém giết lẫn nhau như thù địch, chúng ta sẽ nhìn nhận nhau như
anh em trong một gia đình có Chúa là Cha yêu thương của mọi người. Lúc đó,
chúng ta mới có thể sống thuận hòa với nhau và tình yêu thương sẽ tràn ngập để
bảo đảm một nền hòa bình đích thực.
Xin Chúa chúc lành
cho mọi người chúng ta, đặc biệt trong Mùa Chay này. Qua việc “Ăn Chay, Hãm
Mình, và làm việc Từ Thiện” giúp người nghèo khó, chúng ta sẽ sống thực Phúc Âm
tình thương của Chúa và được sống lại thật với Chúa trong tình yêu Chúa, và
trong tình yêu thương anh em với nhau. Chúng ta cũng cầu nguyện cách riêng cho
Phong trào “Trở Về” (Catholics Come Home) đang được phát động mạnh mẽ trong
Giáo Hội Hoa Kỳ, và đã giúp cho nhiều ngàn người tìm lại được Đức Tin và vui mừng
trở về ngôi Nhà Giáo Hội của Chúa.