Chúa Nhật III mùa Chay

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 13:1-9)

 

          Sám hối là việc chính chúng ta phải thực hiện trong mùa Chay.  Đề tài sám hối được Chúa Giê-su trình bày trong bài Tin Mừng hôm nay nhân dịp có mấy người đến kể cho Chúa nghe vài câu chuyện thời sự nóng hổi vừa xảy ra.  Đó là sự kiện mấy người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết cách tàn nhẫn và sự cố tháp Si-lô-ác ở Giê-ru-sa-lem đổ xuống đè chết mười tám người.  Tuy hai câu chuyện không cho biết đích xác lý do cái chết của họ, nhưng theo mạch văn chúng ta có thể hiểu những người kể chuyện cho rằng vì những người đó là những kẻ tội lỗi nên họ phải chết tức tưởi như vậy.

          Chúa Giê-su, Đấng biểu lộ lòng nhân từ của Thiên Chúa không suy nghĩ theo lối của loài người.  Đối với Người, cái chết của mấy người Ga-li-lê chỉ là hậu quả hành vi chính trị và cái chết của mười tám người ở Giê-ru-sa-lem là do tai nạn mà thôi.  Nhưng từ những cái chết tự nhiên ấy, Chúa Giê-su muốn những người đến gặp Người và cả chúng ta ngày nay hãy nghĩ tới một cái chết đáng sợ hơn, đó là cái chết đời đời do tội lỗi và do ngoan cố không chịu thực thi việc sám hối.  Rồi Người kết luận:  “Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy”.

          Đưa chúng ta vào đề tài sám hối, Chúa Giê-su dùng một dụ ngôn cụ thể để dạy về việc sám hối:  cây vả trồng trong vườn nho.  Vườn nho là sở hữu quý giá, còn cây vả chỉ là thứ cây bờ bụi, thân phận không có gì đáng kể.  Cho nên cây vả được trồng “ké” trong vườn nho thì đó là một “ân huệ” và vinh dự ngoài sức tưởng tượng rồi!  Hơn nữa, vả là thứ cây rất dễ ra trái dù không được tưới bón.  Thế mà cây vả này vẫn lì lợm khiến người chủ vườn nho phải phàn nàn và quyết định:  “Đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái mà không thấy! Hãy chặt nó đi, để làm gì cho hại đất!”  Người làm vườn cho ông đã can thiệp, xin ông để cho cây vả sống thêm một năm nữa, để anh ta cố gắng chăm bón cho nó, hy vọng nó sẽ sinh trái vào năm tới.

 

Sống sứ điệp Tin Mừng

 

          Dụ ngôn Chúa Giê-su nói quả thực rất đơn sơ, nhưng lại vô cùng ý nghĩa.  Vườn nho Chúa là Giáo Hội.  Chủ vườn nho là Thiên Chúa.  Chúng ta khác nào thân phận cây vả được Chúa đem vào trồng trong vườn nho của Người.  Làm chi thể của Nhiệm Thể Chúa Ki-tô, chúng ta có đầy đủ điều kiện để sinh hoa trái, tiến triển để “đạt tới tầm vóc của Chúa Ki-tô”.  Trong dụ ngôn này, chúng ta cũng có thể hiểu vai trò của Chúa Giê-su qua hình ảnh người làm vườn nho.  Trước tình trạng chúng ta sắp bị hư mất vì hậu quả tội lỗi, sắp bị “chặt đi” vì không sám hối, Chúa Giê-su đã làm Đấng Trung gian, bầu cử cho chúng ta trước mặt Thiên Chúa và làm mọi sự kể cả chịu chết trên thập giá để cứu độ chúng ta.  Người vun xới cho tâm hồn chúng ta bằng những giá trị Tin Mừng.  Người dưỡng nuôi chúng ta bằng Lời Chúa và Thánh Thể.  Người đặt hết niềm hy vọng vào chúng ta, mong cho chúng ta “may ra sang năm có trái”.  Nhưng Người cũng không thể làm gì hơn nếu tự chúng ta không muốn sám hối để sinh hoa trái thiêng liêng, rồi Người cũng đành để cho sự công minh của Thiên Chúa hành động, “chặt chúng ta đi”!

          Đây là một câu truyện dụ ngôn có ý nghĩa mạnh mẽ, đòi hỏi chúng ta phải nhìn lại toàn bộ đời sống thiêng liêng đạo đức của mình.  Trong mùa sám hối này, chúng ta hãy cộng tác chặt chẽ với ơn Chúa, mở lòng tiếp nhận sự vun xới và tưới bón Chúa muốn thực hiện nơi tâm hồn chúng ta.  Có như vậy, chúng ta mới chắc chắn đem lại cho Chúa là chủ vườn nho những trái ngon ngọt.  Mong thay!                                                                 

Lm. Dominic TTL


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C