TÌNH
CHA YÊU CON
(CHÚA
NHẬT IV MÙA CHAY, NĂM C)
(Linh Mục Anphong Trần Đức Phương)
Chúa Nhật IV Mùa Chay, Năm C (có thể
dùng các bài Đọc Năm A), thường được gọi là Chúa Nhật “Hãy vui lên…”,
“Rejoice”, “Laetare Sunday” do câu đầu trong “Ca Nhập Lễ” trích trong
Isaia (66:10-11): “Laetare, Jerusalem…” và diễn tả niềm vui của các tín hữu đã
sống tinh thần Mùa Chay Thánh được nửa đoạn đường, sắp tiến gần đến ngày vui
mừng Đại Lễ Phục Sinh (Hôm nay Chủ Tế có thể mặc lễ phục màu hồng thay màu
tím).
Bài Đọc I (Giôsua 5: 9, 10-12) ghi lại
những ngày cuối cùng của cuộc hành trình về quê hương, và Dân Chúa tiến vào Đất
Hứa để mừng Lễ Vượt Qua, không còn ăn manna nữa, nhưng bắt đầu ăn thổ sản địa
phương, lúa mạch và bánh không men.
Bài Đọc II (2Corintô 5: 17-21) Thánh
Phaolô nhắc nhở chúng ta là chúng ta đã trở nên “những con người được đổi mới”
vì chúng ta đã được giải thoát khỏi tội lỗi nhờ công nghiệp khổ nạn của Chúa
Giêsu; vậy, chúng ta hãy thật lòng từ bỏ tội lỗi và trở về “làm hòa với Chúa và
với nhau.”
Bài Phúc Âm (Luca 15: 1-3, 11-32) ghi
lại dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu (thường được gọi là dụ ngôn Người Con Phung
Phá). Đây là một dụ ngôn thật cảm động nói đến Thiên Chúa là Cha nhân từ luôn
chờ đợi người con tội lỗi “ăn năn trở về” và sẵn sàng tha thứ tất cả, không một
lời quở trách, lại còn động lòng thương, ôm chặt lấy mà hôn con, rồi cho mặc y
phục mới, đeo nhẫn mới, đi giầy mới và mở tiệc ăn mừng “vì em con đã chết nay
sống lại, đã mất nay lại tìm thấy!”
Theo lý luận thì thái độ giận dữ của
Người Anh Cả cũng rất đúng. Anh hiếu thảo với Cha, suốt ngày lo làm ăn vất vả,
thế mà Cha chẳng bao giờ cho anh một con bê nhỏ để làm tiệc chung vui với bạn
bè. Trái lại, đứa em thì thật hư đốn, chẳng biết thương Cha, thương anh em,
thương gia đình. Đúng là đứa con bất hiếu! vô luân! làm mang tiếng cả gia đình,
cả dòng họ! Đòi chia của cải rồi ra đi ăn chơi thỏa thích, sa đoạ đến tận cùng,
tiêu pha hết tiền bạc, phải đi làm thuê, làm mướn, phải đi chăn heo là loài vật
“nhơ bẩn” (theo quan niệm người Do Thái thời đó, hay người Hồi Giáo bây giờ);
đói khát cùng cực đến nỗi thèm ăn cả cám heo cũng không được! Chỉ lúc đó, và
chỉ vì thèm những ngày ăn uống đầy đủ trong gia đình, mới hồi tâm muốn trở về,
chứ chẳng vì thương Cha, thương gia đình mình! Thế nhưng người Cha nhân hậu,
không cần đếm xỉa đến những điều ấy, miễn là người con đã trở về là mừng lắm
rồi “vì người con đã chết, nay sống lại; đã mất, nay lại tìm thấy!”
Bài dụ ngôn thật là tuyệt hảo để diễn tả
tình Chúa thương yêu chúng ta vô cùng, như người Cha thương con tuyệt đối;
thương đến nỗi đã ban “Con Một” của mình xuống trần gian, chịu nạn, chịu chết
nhục nhã trên Thập Giá để đền vì tội lỗi nhân loại!( 1Gioan 4: 9-10).
Chúa là Cha nhân từ, người dựng nên
chúng ta theo hình ảnh Chúa (hơn mọi tạo vật khác),và ban cho chúng ta có ý
thức Tự Do và Trách Nhiệm về cuộc đời mình. Ngài luôn tôn trọng tự do của chúng
ta. Nếu chúng ta muốn ra đi, từ bỏ Ngài, muốn trở nên “vô thần”, “vô luân” phản
bội ngài, Ngài vẫn “chia gia tài cho chúng ta”, và để chúng ta tự do ra đi theo
ý mình, chứ không cấm đoán. Ngài cũng không dùng quyền lực đi tìm kiếm, bắt
trói đem về; nhưng hàng ngày chỉ “trông ngóng” con mình “trở về nhà!” Khi nhìn
thấy người con trở về trong tàn tạ, rách rưới, đã không cần đếm xỉa gì đến quá
khứ phung phá của nó, mà thấy con trở về từ đằng xa là đã vui mừng lắm
rồi, chạy vội ra đón mừng! Ôi, tình thương của Chúa thật là bao la biết
bao!
Đọc mấy câu đầu trong Bài Phúc Âm hôm
nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu kể dụ ngôn này để trả lời những người Biệt Phái
và Luật Sĩ cứ luôn cho mình là đạo đức , sống đúng luật lệ, và chê bỏ “phường
tội lỗi”, rồi kết án Chúa Giêsu là “cứ gần gũi và đến nhà ăn uống với
những kẻ tội lỗi, phường thu thuế!”
Noi gương lòng nhân hậu của Chúa, chúng
ta cũng đừng bao giờ lên án những người trót sa chân lỡ bước. Đừng bao giờ vội
kết án, nói hành, nói xấu người khác. Cũng đừng bắt chước thái độ giận dữ của người
anh cả trong dụ ngôn, nhưng hãy khoan dung và yêu thương giúp đỡ những người
tội lỗi trở về với Chúa; dù đó là chính ngay đứa con của chúng ta, hay người
chồng, hoặc người vợ của chúng ta. “Hãy rộng lòng tha thứ, thì sẽ được thứ
tha!”
Hơn nữa, chúng ta hãy tuyệt đối tin
tưởng vào lòng nhân hậu của Chúa là Cha Nhân Từ của mỗi người chúng ta. Hãy ăn
năn sám hối trở về, dù chúng ta đã trót sa đoạ đến đâu mặc lòng, đừng bao giờ
thất vọng. Thiên Chúa luôn chờ đợi chúng ta với tất cả tấm lòng đại lượng, mong
chờ và tha thứ.
Xin cùng cầu nguyện chung cho nhau để
trong những ngày trọng đại này, chúng ta biết hy sinh dành nhiều thời giờ hơn
để cầu nguyện, dự các cuộc Tĩnh Tâm Mùa Chay, hy sinh hãm mình thắng vượt những
đam mê tội lỗi, thanh tẩy tâm hồn qua Bí Tích Hòa Giải (Xưng Tội) và dành dụm
tiền bạc giúp đỡ người nghèo khó trên thế giới. Xin Mẹ Maria, Thánh Giuse và
các Thánh chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta được chết đi với tội lỗi, cải thiện
đời sống để được cùng sống lại thật với Chúa trong đời sống trong sạch, hòa
hợp, yêu thương và nhiệt thành phụng sự Chúa và mọi người trong cuộc sống hằng
ngày.
Chúng ta cũng hãy cầu nguyện và cộng tác
với chương trình của Giáo Hội Hoa Kỳ hiện nay đang mời gọi “người Công Giáo trở
về với Chúa và Giáo Hội” (Catholics Come Home ). Xin Chúa chúc lành và cho công
trình này được kết qủa tốt đẹp.