Chúa Nhật IV mùa Chay, C
2010
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Lu-ca
15:1-3.11-32)
Dụ ngôn “Người con hoang đàng” là dụ ngôn quen thuộc và súc
tích nhất trong sách Tin Mừng. Bao nhiêu
suy niệm cũng không đủ để múc cạn được nguồn tâm tình và ý nghĩa. Ba nhân vật chính trong câu truyện, người
cha, người con thứ và người con cả, trở thành những đề tài suy niệm phong phú
với những cử chỉ, lời nói và cách hành xử của họ. Trong chiều hướng tiếp nối đề tài chung về
“sám hối” của các Chúa Nhật mùa Chay năm C, chúng ta chọn hình ảnh người con
thứ, tức người con hoang đàng, để suy nghĩ về việc ăn năn trở về với Chúa.
Đứng dậy từ quyết định bỏ cuộc sống phóng đãng để trở về
đời sống đàng hoàng, sống lại tình con thảo đối với cha hiền, là cả một hành
trình dài và khó khăn, chứ không dễ dàng và nhanh chóng như chúng ta
tưởng. Chúng ta không biết anh con thứ
đã lâm cảnh túng quẫn và phải đi chăn heo bao lâu rồi. Nhưng căn cứ vào tự ái của tuổi trẻ, sợ hãi
người cha vì thấy tội mình quá lớn hoặc hy vọng có thằng bạn nhậu hay cô tình
nhân cũ nào ra tay cứu giúp…, nên có lẽ anh ta đã nấn ná kéo dài thời gian
quyết định trở về. Lý do tâm lý có thể
làm nán lại quyết định trở về, nhưng lý do sinh tồn không cho phép anh ta chờ
đợi lâu hơn nữa, vì anh ta sắp “chết đói” rồi!
Cho nên anh ta phải quyết định, đó là bước đầu tiên.
Nhưng làm thế nào để trở về? Quyết định là bước khó nhất. Một khi đã quyết định, anh phải tìm một
phương thức nào để cha anh chấp nhận quyết định của anh. Phương thức anh ta chọn quả thực hợp tình hợp
lý: Nhận mình đắc tội và chấp nhận hình
phạt xứng với tội là sống như một người làm công.
“Thế rồi anh ta đứng
lên đi về cùng cha”. Đây là động tác
chủ yếu. Chỉ quyết định suông hoặc trong
đầu thôi thì chưa đến đâu cả. Nhưng
quyết định ấy phải được thi hành. Như
chúng ta thấy, những động từ “đứng lên,
đi về cùng cha” đã diễn tả hành động dứt khoát với dĩ vãng và nhất là một
hướng đi có mục tiêu rõ ràng.
Khi anh đã tới mục tiêu là người cha, thì anh chỉ cần nhìn
nhận thân phận hiện tại, một thân phận đã bị hủy hoại do tội lỗi làm cho anh
đắc tội và bất xứng, còn lại những gì phải làm đều hoàn toàn tùy thuộc vào
người cha. Do đó, điều tuyệt diệu và
cũng cảm động nhất ở đây là mở ra một thực tại mới: người con thứ im lặng, choáng ngợp trước tất
cả những cử chỉ, lời nói, hành động của tình phụ tử người cha dành cho anh. Tóm lại, hành trình trở về bắt đầu từ lý do
sinh tồn tiến tới quyết định trở về, rồi thi hành quyết định và sau hết là
khiêm nhường nhìn nhận thân phận tội lỗi.
Còn lại bao nhiêu là công việc của tình yêu và lòng thương xót của Chúa.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Hành trình trở về với Chúa không phải là điều chúng ta chỉ
thực hành một vài lần trong đời khi chúng ta có những lỗi lầm quá nặng nề,
nhưng là cách để chúng ta nên thánh mỗi ngày một hơn. Chúng ta có thể làm cuộc trở về mỗi ngày lúc
chúng ta xét mình trước khi đi ngủ. Thói
quen xét mình trước khi đi ngủ giúp chúng ta về hai phương diện. Trước hết chúng ta ý thức lại chỗ đứng của
chúng ta trước mặt Chúa, là tạo vật Chúa yêu thương, là thân phận yếu đuối tội
lỗi, cũng như quan hệ giữa chúng ta với những người chung quanh. Đồng thời chúng ta cũng cảm nghiệm được tình
yêu dạt dào Chúa dành cho chúng ta và niềm hạnh phúc được bao bọc trong tình
yêu và lòng thương xót của Chúa. Tuy
nhiên hành trình sám hối cũng là hành trình cả đời ghép lại bằng những cuộc trở
về hằng ngày. Bước đi trong hành trình
ấy, mỗi ngày chúng ta càng kết hiệp mất thiết với Chúa hơn.
Lm.
Dominic TTL