MỒNG HAI TẾT
KÍNH NHỚ ÔNG BÀ
TỔ TIÊN
Mt 15, 1-6
HIẾU THẢO VỚI CHA
MẸ
Truyền thống dân tộc Việt Nam quả rất
cao quí khi ông bà tổ tiên, cha mẹ luôn được mọi người kính yêu, hiếu
thảo. Tuy nhiên, Hội Thánh Việt Nam luôn dành ngày mồng hai tết để con
cái cháu chắt tưởng nhớ tới tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Giáo Hội luôn
cho con cái hiểu rằng việc hiếu thảo có giá trị rất cao và là một
trong những điều Chúa dạy. Bởi vì, trong mười điều răn của Chúa,
giới răn thứ bốn:” Hãy thảo kính cha mẹ “ là một giới răn được xếp
trong mười điều Chúa dạy bảo. Chính vì thế, hôm nay, con cái của
Chúa dâng thánh lễ này để cầu nguyện cho ông bà tổ tiên, cha mẹ là
một điều thích hợp, phải lẽ đồng thời cũng rất hợp với lời dạy
của Chúa Giêsu trong đoạn Tin Mừng của thánh Matthêu 15, 1-6.
Ngược
lại với quan niệm, suy nghĩ của dân Do Thái, đặc biệt là các Kinh sư,
Pharisêu về vấn đề báo hiếu, Chúa Giêsu luôn đề cao việc hiếu thảo
đối với ông bà tổ tiên, cha mẹ, các bậc sinh thành, dưỡng dục. Kinh
sư và Pharisêu cho rằng theo lời của tiền nhân thì tất cả những gì
họ làm cho cha mẹ đều là tế phẩm dâng lên Thiên Chúa,do đó, họ làm
như thế là đủ rồi, là tròn bổn phận và trách nhiệm rồi, không cần
phải thờ cha kính mẹ nữa. Họ giới hạn bổn phận và nghĩa vụ dựa
trên vật chất, và họ gán cho nó tính chất đạo đức. Đối với Chúa
Giêsu, Ngài nói cho các Pharisêu, các Kinh sư và mọi người biết rằng
:” Phải thảo kính cha mẹ…” theo đúng giới răn thứ bốn trong thập giới
của Thiên Chúa đã trao cho ông Môsê :” Thảo kính cha mẹ “. Chúa
nói :” Kẻ nào nguyền rủa cha mẹ,
thì phải bị xử tử “. Chúa Giêsu mở ra cho thế giới, cho con người,
cho mỗi người một chân trời mới về nghĩa vụ và bổn phận đối với
các bậc sinh thành. Vật chất cần thật nhưng tấm lòng, con tim, tinh
thần còn có giá trị cao vời hơn. Thật vậy, xưa cũng như nay, vấn đề
hiếu thảo đối với các bậc sinh thành luôn được đặt ra với nhiều quan
niệm và suy nghĩ khác nhau. Ngày nay, tại nhiều đất nước, việc
truyền bá tự do luôn được đề cao, nhiều nơi xem sự tự do là chính mà
quên đi giá trị đạo đức. Do đó, giá trị truyền thống hiếu thảo đối
với tổ tiên, ông bà, cha mẹ bị coi nhẹ. Nhiều nước, luật pháp bảo
vệ tự do quá đáng: cha mẹ không được nói nặng tới con cái, chứ chưa
nói tới quát nạt, to tiếng hay đánh sửa dạy. Nhiều nước, con cái
tới 18 tuổi được luật pháp bảo hộ theo ý của mình. Cha mẹ luôn phải
dè chừng với con cái. Nên, giá trị đạo đức bị lung lay: con cái muốn
làm gì thì làm.Luân lý bị coi nhẹ. Cha mẹ được xem như gánh nặng
đối với con cái. Con cái thích tự lập, ở riêng. Người già đã có
nhà xã hội, nhà dưỡng lão vv…Việc hiếu thảo đối với cha mẹ được
xem nhẹ. Cha mẹ già thường cảm thấy cô đơn, buồn tủi.Có người đã
nói cay chua, mỉa mai :” Ước gì mình được con cái chăm sóc như con chó
mà con mình đang nuôi “. Đó là sự thực nhưng sự thực thật cay đắng
và mỉa mai.Thiết tưởng, mọi gia đình phải nhìn vào mẫu của gia đình
thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giêsu để noi gương bắt chước. Chúa là
Chúa nhưng làm người, Ngài luôn vâng lời, tuân phục và sống thảo hiếu
với cha mẹ của mình.
Dân tộc Việt Nam luôn còn giữ được
truyền thống thảo hiếu và giáo dân Việt Nam còn biết lắng nghe lời
Chúa và thực hành lời Chúa. Do đó, nghĩa vụ, bổn phận đối với các
bậc sinh thành, tổ tiên luôn được trân trọng giữ gìn.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng mến
cho chúng con để chúng con luôn biết thảo hiếu với tổ tiên, cha mẹ :
sống thì thăm hỏi, giúp đỡ, nuôi dưỡng, khi các Ngài khuất bóng thì
biết xin lễ, cầu nguyện và làm những việc phúc đức dâng cho cha mẹ,
tổ tiên. Amen.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT