CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN, năm C

Lc 7, 36-50.8,1-3

 

SỰ THẤT BẠI CỦA SIMON

 

   Đọc đoạn Tin Mừng của Chúa nhật XI hôm nay, có lẽ mỗi người chúng ta đều có những suy nghĩ, những cảm nghiệm khác nhau về vai trò của ông Simon, người biệt phái và người phụ nữ tội lỗi. Nói tới người phụ nữ tội lỗi có lẽ chúng ta bị xúc động và cảm thấy có nhiều thiện cảm hơn đối với Simon.

  Chúa Giêsu được ông Simon, người thu thuế và gia đình của ông mời tới dùng bữa tại nhà của ông. Gia đình của Simon đã làm ăn rất khấm khá bởi vì với cái nghề thu thuế mà ông đang làm, đã giúp ông có của ăn, của để, đã làm cho ông và gia đình trở nên những người có máu mặt, có địa vị trong xã hội lúc bấy giờ. Sở dĩ ông Simon mời Chúa Giêsu đến nhà dùng bữa vì ông muốn biết Chúa Giêsu thực sự có là vị ngôn sứ đáng kính, giỏi giang không?

Ông muốn trắc nghiệm và kiểm chứng Chúa Giêsu. Ông cho rằng ông hiểu rất rõ về người phụ nữ tội lỗi cũng đang có mặt trong nhà của ông và nếu Chúa Giêsu là ngôn sứ thật Ngài sẽ có phản ứng trần thế như mọi người là đuổi người phụ nữ tội lỗi ra khỏi nơi ấy ngay khi thấy mặt người phụ nữ này. Chúa Giêsu không đuổi người phụ nữ như họ lầm tưởng, do đó, họ cho rằng Chúa Giêsu không phải là vị ngôn sứ thật. Họ đánh giá  Chúa Giêsu không có khả năng hay nói cách nôm na, Chúa Giêsu chẳng phải là ngôn sứ.

Ông Simon cứ tưởng, cứ nghĩ là Chúa Giêsu phải có phản ứng, phải có hành động như ông và những người khác. Đó là phải đuổi người phụ nữ tội lỗi này chứ không được tiếp xúc chứ đừng nói đến lòng thương xót như Chúa đã làm. Ông Simon vẽ ra  trong đầu mình về một Thiên Chúa và Thiên Chúa như ông nghĩ phải là Thiên Chúa phán xét, lên án , đặc biệt là lên án những kẻ tội lỗi. Ông Simon tưởng ông là công bằng nhưng kỳ thực ông đâu có nhận ra tình thương của Thiên Chúa. Ông cho rằng gái điếm là gái điếm. Ông Simon không nhận ra vì ông có suy nghĩ tồi, suy nghĩ theo kiểu thế gian nên lòng ông đã ra chai  đá . Chính vì thế phải sống :” yêu thương mới nhận ra Thiên Chúa “. Người phụ nữ tội lỗi đã nhận ra cơ may, đã biết sống yêu thương nên cuộc gặp gỡ giữa Chúa và người nữ tội lỗi đã trở nên thành công. Người phụ nữ này đã có tấm lòng cởi mở, không khô cứng, không chai lì như Simon. Chị đã tin và tin tưởng tuyệt đối vào tình thương, và sự tha thứ của Chúa. Chị đã yêu mến nhiều, nên được tha thứ nhiều :” Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít “ ( Lc 7, 47 ). Chị đã nhận ra mình là người vô cùng tội lỗi, nên đã được Chúa cứu vớt, yêu thương :” Lòng tin của chị đã cứu chị, chị hãy đi bình an “ ( Lc 7, 50 ).

  Vâng, lòng tin đã đem lại ơn tha thứ. Ơn tha thứ đã biến đổi tội nhân để tội nhân mãi mãi được an bình và bước đi trong bình an. Chúng ta cần phải biểu lộ tình yêu và lòng tin của chúng ta bằng việc sám hối. Quay về và cải tà qui chánh mới giúp chúng ta nhận ra sự yếu hèn, tội lỗi của mình. Chỉ những ai nhận mình là tội lỗi mới nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa.

  Chúng ta sẽ rơi vào tình trạng của Simon khi chúng ta tưởng mình là công chính, vô tội. Do đó, chúng ta không chờ đợi Thiên Chúa. Như thế, cuộc gặp gỡ của chúng ta với Ngài sẽ trở nên hời hợt, bề ngoài và dễ có nguy cơ thất bại.

 

  Lạy Chúa, xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng con luôn luôn nhận ra tình thương vô biên, hải hà của Chúa. Amen.

 

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi  DCCT


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C