TỘI LỖI và ƠN THÁNH
(CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN, NĂM C)
(Linh Mục
Anphong Trần Đức Phương)
Chúa Nhật hôm nay
nói đến tình thương xót bao la của Thiên Chúa đối với những tội nhân biết nhìn
nhận tội lỗi mình và thành thật ăn năn sám hối. Bài Đọc I (2 Samuel
12:7-10,13): Vua David đã được Chúa chọn và xức dầu để làm Vua
Israel , nhưng ông đã phạm tội thật nặng nề; tuy nhiên ông đã thật lòng ăn năn tội lỗi và Thiên Chúa đã tha tội cho ông. Bài Đọc
II (Galat 2:16, 19-21): Chúng ta được công chính hoá là nhờ lòng tin
vào Chúa Kitô, Đấng đã chịu chết để đền tội lỗi chúng ta; theo gương Thánh
Phaolô “chúng ta hãy sống trong lòng tin tuyệt đối vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã
yêu thương chúng ta và hy sinh chính mình cho chúng ta.” Bài Phúc Âm
(Luca 7:36- 8:3): Người đàn bà tội lỗi đã đến với Chúa Giêsu và khóc lóc ăn năn
sám hối tội lỗi và vì thế “tội của bà thật nhiều, nhưng đã được thứ tha.”
Chính vì để cứu
chuộc tội lỗi chúng ta, mà Ngôi Hai Thiên
Chúa đã “Xuống Thế Làm Người” và chịu khổ nạn chịu chết trên Thánh
Giá. Chúa Giêsu đến là để tìm kiếm những người
tội lỗi , như Chúa đã nói với người Do Thái : “Ta đến không phải để tìm người
công chính nhưng tìm người tội lỗi biết sám hối ăn
năn.” (Luca 5:32). Trong Phúc âm còn ghi nhiều Dụ Ngôn Chúa Giêsu
đã kể để nói lên tình thương xót của Thiên Chúa đối với các tội nhân khi
họ thật lòng nhìn nhận tội lỗi của mình và ăn năn sám hối, như dụ ngôn “Người
Cha Nhân Hậu” (Luca 15:11-32), dụ ngôn “Con Chiên Lạc” (Luca 15:4-7), dụ ngôn “Đồng Bạc Bị Đánh Mất” (Luca 15:8-10).
Xét ra thì tội của
Vua Đavít thật là nặng nề, xấu xa (Xin xem 2 Samuel
chương 11); nhưng khi Tiên Tri Nathan được Thiên Chúa sai đến để nói cho Nhà
Vua biết, Vua đã không tự ái, nỗi giận với tiên tri, nhưng đã khiêm nhường nhận tội
của mình và xin Chúa tha thứ. Đó là lòng sám hối ăn năn. Người đàn bà
trong Bài Phúc Âm hôm nay cũng thật sự là kẻ tội lỗi xấu xa mà cả thành phố điều
biết; nhưng do lòng sám hối, khóc lóc tội lỗi của mình, nên Chúa đã sẵn sàng
tha thứ cho bà. Người “trộm lành” cũng bị treo trên thập tự giá ở bên
Chúa, đã nhìn nhận tội mình và cho mình bị khổ hình là xứng đáng với tội mình
và xin Chúa cứu vớt , Chúa Giêsu đã nói với anh “Ngay hôm nay con được ở trên Thiên Đàng với Ta.” (Luca 23:39-43)
Khiêm nhường ăn
năn sám hối tội lỗi là điều kiện để được Chúa Thứ Tha: Để dọn đường cho
Chúa, Thánh Gioan đã ‘ban phép Rửa Thống Hối để được ơn tha tội” tại dòng
sông Giodan (Matcô 1:4-5). Bắt đầu công cuộc rao giãng “Tin Mừng của
Thiên Chúa” Chúa Giêsu đã nói “Nước Thiên Chúa
đã đến gần, ANH EM HÃY SÁM HỐI VÀ TIN VÀO TIN MỪNG.” (Matcô 1: 14-15). Lời này được lập đi lập lại khi chủ tế xức tro trên đầu chúng ta
trong ngày Thứ Tư Lễ Tro mở đầu mùa Chay Thánh.
Trong đêm Vọng Phục
Sinh, phần Công Bố Tin Mừng Phục Sinh, chúng ta được nghe hát thật long trọng
những lời rất cảm động sau đây: “Ôi lòng Chúa thương chúng ta thật lạ
lùng. Ôi lòng Chúa Thương Xót không thể đo lường được. Để cứu chuộc người
tôi tớ, Chúa đã nộp chính con mình. Ôi tội Adong thật cần thiết, tội đã được tẩy
xóa nhờ sự chết của Chúa Kitô. Ôi “TỘI HỒNG PHÚC”, vì đã đem lại Đấng Cứu Chuộc thật cao cả.”
Tội Lỗi và Ơn
Thánh! Tội Lỗi đã đem lại Ơn Thánh! Tin ở lòng thương
xót của Chúa đối với tội nhân, chúng ta hãy năng đến với Chúa qua Bí Tích Hòa
Giải (Giải Tội) để được ơn thứ tha các lỗi lầm và được ban thêm Ơn Thánh Hóa.
Bí Tích Hòa Giải thật là một kỳ công của Lòng Thương Xót Chúa. Nhờ Bí Tích Hòa
Giải mà bao nhiêu tội nhân đã được thứ tha và trở về đường ngay nẻo chính. Đọc
tiểu sử các vị thánh, chúng ta thấy nhiều vị đã trải qua cuộc đời thật tội lỗi
xấu xa, nhưng nhờ biết sám hối lỗi lầm và lĩnh nhận Bí Tích Hòa Giải nên đã được
Ơn Thánh giúp để thật lòng từ bỏ tội lỗi và từ bỏ mọi sự để hiến dâng cuộc đời
phụng sự Chúa và nhân loại, đan cử như trường hợp Charles de Foucauld
(1858-1916), Thomas Merton (1915-1968). “Vị thánh nào cũng có một qúa khứ, và tội
nhân nào cũng có một tương lai!”
Trong Thánh Lễ hôm
nay chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta luôn biết tin vào lòng thương xót của
Chúa và ăn năn sám hối lỗi lầm trở về với Chúa; xin cho chúng ta luôn biết
khiêm nhường, thắng tính tự ái, để biết lắng nghe những lời chân thành cảnh tỉnh
chúng ta mà sửa đổi lỗi lầm (như trường hợp Vua
Đavít dù là ông Vua uy quyền, nhưng khi nghe Tiên Tri Nathan cảnh tỉnh, Vua đã
nhận tội mình ngay và sám hối ăn năn); xin Chúa cũng cho chúng ta biết noi
gương lòng nhân từ của Chúa để biết quãng đại tha thứ các
lỗi lầm người khác gây cho chúng ta (xin xem Mátthêu 18:21-22); xin cho chúng
ta không xét đoán ai, nhưng luôn có lòng yêu thương giúp đở những người trót sa
ngã phạm tội được lòng ăn năn sám hối và sửa đổi đời sống; đặc biệt nếu đó lại là người chồng hay người vợ, hay những người
con thân yêu của chúng ta.