Chúa Nhật 11 Thường niên, C
2010
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Lu-ca
7:36-8:3)
Trong thành hôm nay có hai người “nổi tiếng”. Dĩ nhiên người thứ nhất phải là Chúa Giê-su
và người kia là người phụ nữ tội lỗi đã đến rửa chân Người bằng nước mắt và xức
dầu thơm lên chân Người. Chúa Giê-su nổi
tiếng qua giáo lý Người giảng dạy với uy quyền và những phép lạ Người làm để tỏ
lòng thương xót của Thiên Chúa. Người
còn nổi tiếng vì cách đối xử với những người tội lỗi và khốn cùng khác hẳn với
cách của người Pha-ri-sêu và dân chúng, bởi vì Người tôn trọng phẩm giá của
những người ấy và muốn đem họ về đường ngay nẻo chính.
Còn người phụ nữ đến với Chúa hôm nay cũng “nổi tiếng”, vì
chị “vốn là người tội lỗi trong thành”.
Chị nổi tiếng vì cách sống tội lỗi của chính mình hoặc làm cớ cho người
khác phạm tội. Nhưng có lẽ điều nổi
tiếng nhất của chị là chị là một “con nợ”.
Chị nợ Thiên Chúa rất nhiều. Mỗi
tội chị phạm là một món nợ với Chúa và với những người chung quanh. Nợ của chị chồng chất, vì chị “không có gì để
trả”.
Tuy nhiên còn một điều nổi tiếng nữa nơi chị mà chúng ta ai
cũng phải học tập, đó là nổi tiếng vì can đảm.
Chúng ta thử nghĩ coi. Giữa một
bữa tiệc gồm toàn những thân hào nhân sĩ trong thành, lại thêm sự hiện diện và
chủ tọa của vị “Ngôn sứ thành Na-da-ret” nữa, người ta thấy chị tiến vào. Động lực nào đã giúp cho chị bất chấp những
la ó, những đôi mắt khinh bỉ, những lời nói cay đắng dành cho chị? Chính là tình yêu Thiên Chúa chị thấy chiếu
tỏa nơi Chúa Giê-su. Chị đã cảm nghiệm
được tình yêu tha thứ của Người qua những điều nghe được từ người khác. Cũng có thể chính mắt chị đã đôi lần chứng
kiến cách đối xử nhân từ và quảng đại của Chúa với những người tội lỗi khác
giống như chị. Người khác làm được, tại
sao tôi không làm được? Cách hành xử của
chị là không cần đối đầu với những khinh dể của người khác, nhưng là phải gặp
gỡ tình yêu và lòng thương xót của Chúa.
Tình yêu của Chúa đã mở đường cho chị giữa một đám đông bất lợi. Chúng ta không nghe chị nói gì. Nhưng cử chỉ và hành vi của chị thì ý nghĩa
phong phú và chân thành. Chị khóc. Chị dùng nước mắt để “rửa chân cho Chúa”. Chị
lau khô bằng tóc mình. Chị hôn chân
Người. Chị xức dầu thơm. Tóm lại, chị đã sử dụng tất cả những gì dùng
để biểu lộ phẩm giá của một người phụ nữ để nói lên lòng thống hối và cũng để
biểu lộ đức tin của chị vào Chúa. Chính
vì thế, chị đã thực sự nổi tiếng vì “lòng tin của chị đã cứu chị và chị ra đi
bình an”.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Chúng ta thấy hơi lạ vì bài Tin Mừng này thêm vào một khúc
của chương 8, kể lại mấy phụ nữ đã được Chúa cứu giúp nên “đã lấy của cải mình
mà giúp đỡ Chúa Giê-su và các môn đệ”.
Chúng ta được Chúa tha thứ, không phải chỉ là để “quẳng gánh lo đi” và
thơ thới tâm hồn, nhưng hơn thế nữa, là để phục vụ. Chúng ta không rõ người phụ nữ “nổi tiếng
trong thành” hôm nay có gia nhập nhóm phục vụ ấy không. Ai biết!
Nhưng chắc chắn một điều, chị ấy sẽ tìm một hoàn cảnh thuận tiện để làm
điều gì đó đền đáp tình yêu, quảng đại và tha thứ Chúa Giê-su đã ban cho
chị. Biết đâu chị đã “liều” xông vào
giữa đám người thù địch của chị để tìm sự tha thứ, thì chị cũng đủ can đảm để
ra đi nói cho mọi người biết về Chúa Giê-su.
Có lẽ bản chất “không nói nhưng mà làm” của chị vẫn là một đức tính cao
quý để chị tham gia một cách âm thầm vào sinh hoạt của Giáo Hội. Dù thế nào đi nữa, chúng ta cũng cần phải
“nổi tiếng” như chị, để giúp cho danh Chúa được “nổi tiếng” hơn.
Lm. Dominic TTL
ngày 9/6/2010