Chúa Nhật 12 Thường Niên Năm C

Vác lấy thập giá của mình

(Dacaria 12,10-11; Galát 3,26-29; Luca 9,18-24)

 

Phúc Âm: Lc 9, 18-24

"Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa. Con Người phải chịu nhiều đau khổ".

Việc xảy ra là khi Chúa Giêsu cầu nguyện riêng một nơi, và có các môn đệ ở với Người, thì Người hỏi các ông rằng: "Những đám dân chúng bảo Thầy là ai?" Các ông thưa rằng: "Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ khác lại cho là Êlia, còn người khác thì cho là một trong các tiên tri thời xưa đã sống lại". Người lại hỏi các ông rằng: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?" Simon Phêrô thưa rằng: "Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa". Và Người ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai mà rằng: "Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại".

Người lại phán cùng mọi người rằng: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta. Vì kẻ nào muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất nó. Còn kẻ nào mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ cứu được mạng sống mình".

 

Suy Niệm:

Bài sách Dacaria hôm nay với những lời: "Chúng sẽ nhìn lên Ta, người chúng đã đâm" (13,10) gợi lại cho chúng ta bầu khí của ngày lễ Thánh Tâm cử hành trong tuần qua. Nhưng phụng vụ hôm nay không muốn kéo dài lễ Thánh Tâm đâu. Nằm trong số các Chúa nhật thường niên sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống, hôm nay phụng vụ chỉ muốn cho chúng ta nhìn vào công cuộc cứu độ vừa hoàn tất trong cuộc đời trần gian của Ðức Giêsu để chúng ta đón nhận mọi hồng ân được ban xuống cho chúng ta và để chúng ta cố gắng sống phù hợp với ơn cứu độ đã nhận được. Thế nên các bài Kinh Thánh vừa nhắc lại mầu nhiệm Cứu Thế vừa nói lên yêu sách của đời sống mới. Chúng ta hãy mở lòng đón nhận mạc khải để được sức trung thành với ơn gọi Kitô hữu.

 

1. Ðấng Tiên Tri Sẽ Cứu Chuộc Chúng Ta

Thiên Chúa quá thương dân Người. Không bao giờ Người bỏ họ bơ vơ, không được hướng dẫn. Càng khi họ gặp cảnh thử thách tối tăm mặt mũi, Chúa càng soi sáng dẫn đưa họ. Bài sách Dacaria hôm nay làm chứng điều ấy.

Ðây là một đoạn sách khó hiểu. Trước hết nó nằm trong phần II của sách mang tên Dacaria. Phần này gồm các chương 9-14; khác hẳn với phần trước gồm 8 chương đầu là của Dacaria thật sự. Ông thuộc dòng tư tế, xuất hiện công bố Lời Chúa vào khoảng năm 520, tức là gần lúc dân Chúa trở về sau lưu đày ở Babylon. Phần II trong sách của ông ám chỉ những biến cố lịch sử muộn hơn nhiều, có thể là 200 năm sau những việc đã xảy ra trong phần I. Thế nên, chúng ta phải đặt bối cảnh của Phần II sách Dacaria vào thời "Thiên Cư" (diaspora), tức là vào lúc Israen không còn là một quốc gia nữa, nhưng đã trở thành một dân phiêu bạt, sống từng đám một ở nhiều quốc gia khác nhau.

Chúa đã bỏ hẳn dân Người rồi sao? Các kinh nghiệm sau lưu đày cho thấy hết hy vọng xây dựng lại dân tộc. Tác giả phần II sách Dacaria không phủ nhận sự thật phũ phàng, nhưng không mất lòng tin ở lòng Chúa thương xót. Ông chắc chắn Chúa không bỏ rơi dân Người. Người là Ðấng Trung Tín cho dù dân Người vẫn bội phản. Nhưng có thể Người sẽ thương dân một cách khác và kỳ diệu hơn. Cách ấy thế nào? Ðoạn sách hôm nay trả lời điều ấy.

Sấm của Giavê như sau: "Sẽ xảy ra là trong ngày ấy Ta sẽ đổ xuống nhà Ðavít và dân cư Giêrusalem một thần khí ơn huệ và khẩn nguyện...". Lời tuyên bố chắc như đinh đóng cột. Nó nói lên tư cách trung thành của Thiên Chúa. Người không bỏ nhưng sẽ thi hành mọi lời hứa. Người kiên quyết dùng nhà Ðavít biến dân cư Giêrusalem nên dân thiết nghĩa với Người. Qua Giêrêmia Người đã hứa ban cho dân một tinh thần và một thần khí mới để họ không còn giữ đạo hình thức và tội lỗi nữa, nhưng sẽ có trái tim thịt để thi hành lòng yêu mến. Hôm nay dùng miệng Dacaria, Người khẳng định lại sẽ đổ thần khí ấy xuống cho dân để họ thành khẩn với Người mà được đầy ân sủng.

Nhưng Chúa sẽ không thi hành lời hứa như trong quá khứ nữa. Trước đây Người đã đưa dân ra khỏi Ai Cập để lập giao ước, nhưng rồi họ đã không trung thành. Gần đây, Người đã cho họ từ Babylon trở về nhưng rồi họ cũng không xây dựng lại được một dân tộc đạo đức. Lần này Người nghĩ ra một kế hoạch huyền diệu. Người sẽ gởi đến cho dân một tiên tri mới, một vua hòa bình, một nhân vật mầu nhiệm giống như Người nhưng vẫn khác Người. Dân tưởng Ngài cũng chỉ là một vị tiên tri như mọi tiên tri khác.

Thành ra cuối cùng họ cũng xử với Ngài như với các tiên tri trước đây. Họ đâm giết Ngài. Nhưng kỳ diệu làm sao! Khi nhìn vào Người mà họ vừa đâm chết, dân sẽ oà khóc lên, ân hận vô cùng. Sự vô tội của Ngài mở mắt cho họ thấy tội lỗi của họ. Lòng thống hối ăn năn thay đổi trái tim chai đá của họ thành trái tim thịt. Nhờ đó họ được thần khí mới và trở nên dân mới.

Nội dung của sấm thì rõ đấy. Nhưng lời văn không phải dễ hiểu ngay đâu. Tác giả viết: "Chúng sẽ nhìn lên Ta, Người chúng đã đâm". Câu này như khẳng định chính Thiên Chúa là người bị thương tích. Nhưng câu sau, tác giả lại ghi: "Chúng sẽ khóc than trên Người, như người ta khóc than người con một". Và như vậy, người bị đâm lại không phải là chính Thiên Chúa nữa. Danh từ "người con một", hay "người con đầu lòng", thường ám chỉ người quý hóa nhất trong gia đình, trong dân được chọn, và cũng có khi là toàn dân Thiên Chúa nữa.

Ngày nay với mạc khải trọn vẹn ở nơi Ðức Giêsu, chúng ta thấy lời sấm quả thực đã nói về Ðấng Thiên Sai cứu thế một cách rất phong phú. Người vừa có bản tính Thiên Chúa vừa là loài người; Người vừa là Con Một và Con Ðầu Lòng vừa cũng là toàn thể Dân Chúa. Do đó thánh Gioan thật có lý khi đứng dưới chân thập giá, nhìn lên Ðấng bị đâm thâu, mà nhớ lại lời sách Dacaria chúng ta đọc hôm nay (Ga 19,37).

Nhưng khi chưa có mạc khải toàn bộ nơi Ðức Giêsu Kitô, lời sấm ở đây chắc chắn phải mầu nhiệm. Nhưng nếu chúng ta đọc với nhiều đoạn Dacaria khác nói về vua hòa bình đến ngồi trên lưng lừa (9,9) nói về người mục tử đến bênh vực chiên Israen nhưng bị bạc đãi (11,4-17; 12,10-13; 13,7-9), chúng ta sẽ thấy tác giả ở trong truyền thống tiên tri và nói về Ðấng Thiên Sai sẽ đến. Ðặc biệt chúng ta hãy so sánh những đoạn Dacaria ở đây với những bài ca về Người Tôi Tớ Thiên Chúa trong sách Isaia, và sẽ thấy: "Ngài cũng đã bị đâm vì những ngỗ nghịch của chúng tôi... và đứng ra bầu chữa cho những kẻ ngỗ nghịch" (53,5.12).

Như vậy, đoạn sách Dacaria hôm nay là một trong những yếu tố quan trọng dựng lên hình ảnh về Ðấng Thiên Sai cứu thế. Tự nó, những lời sấm này còn nhiều vẻ mầu nhiệm. Nhưng được đọc dưới ánh sáng tử nạn phục sinh của Ðức Giêsu, nó đã trở nên hầu như hiển nhiên. Dù vậy nó vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Chẳng hạn nó chưa nói gì về việc Ðức Kitô sống lại. Tác giả Gioan nhận thấy như vậy, nên sau khi vận dụng lời Dacaria vào việc Ðức Giêsu chết trên thập giá và trích lại câu: "Chúng nhìn xem Người chúng đã đâm", Gioan trong sách Khải huyền đã muốn bổ túc khía cạnh Phục sinh và đã viết: "Này Ngài đến với ánh mây trời, và mọi mắt phàm sẽ trông thấy Ngài, kể cả những kẻ đã đâm Ngài" (1,7).

Nhưng đó là Gioan muốn làm cho lời Dacaria được đầy đủ. Chúng ta chẳng cần làm như thế. Phụng vụ hôm nay chỉ muốn chúng ta nhớ rằng: Dacaria đã báo trước về cuộc tử nạn cứu độ của Ðức Giêsu, điều mà không ai để ý khiến chính Người hôm nay phải báo lại cho môn đệ biết trong bài Tin Mừng Luca mà chúng ta cần suy niệm thêm.

 

2. Người Sẽ Chịu Nhiều Ðau Khổ

Thật vậy, cho dù có cả một truyền thống tiên tri báo trước về cuộc khổ nạn của Ðấng Thiên Sai Cứu Thế, người Do Thái hầu như không để ý gì. Họ chỉ trông đợi một vị hoàng tử, một bậc hoàng đế mà họ tin rằng sẽ cứu độ cho họ với những chiến công hiển hách. Não trạng của môn đồ Ðức Giêsu trong đoạn đầu cũng như vậy. Họ mơ ước một ngày nào đó được ngồi bên tả hữu ở trong nước của Người. Nhưng Người thì ý thức rõ rệt về kế hoạch của Thiên Chúa trong sách Isaia và Dacaria. Người biết: Con Người sẽ phải chịu rất nhiều đau khổ. Và Người phải đưa môn đệ vào mầu nhiệm này.

Cũng như mỗi khi phải làm công việc nào quan trọng (xem Lc 3,21; 5,16; 6,12; 9,28; 11,1; 23,24) hôm nay trước khi mạc khải cho môn đệ chân lý cao cả này, Ðức Giêsu đã cầu nguyện (9,18). Rồi Người đối thoại, đi từ những vốn liếng tri thức mà họ có, dần dần giúp họ khuất phục các tồn tại và đi đến mạc khải chân lý. Người đi từ sự kiện Hêrôđê cũng như mọi người bấy giờ bắt đầu đặt những dấu hỏi về bản thân Người. Ai ai cũng đã nghe nói và chứng kiến cách thức Người đã sinh sống, giảng dạy và chữa bệnh. Bề ngoài Người thật đơn sơ, bình dị. Nhưng chắc chắn sự thật không phải chỉ như vậy. Người là con người rất khác thường. Phải nói, Người thật độc đáo. Không thể kể Người vào hạng người nào. Không phải chỉ là một vị tiên tri. Nơi Người có một sự sống thần linh. Nên phải nói Người là một tiên tri đã sống lại. Có lẽ là Gioan Tẩy giả đã phục sinh? Hay là Êlya hiện về. Hoặc phải là một tiên tri nào đó? Chính Hêrôđê cũng phải lưỡng lự không dám khẳng định thế nào và đang chờ xem (9,7-9).

Còn các môn đồ Ðức Giêsu thì nghĩ thế nào? Họ vẫn đi theo Người và ở gần Người hơn hết. Họ phải có nhận định về Người hơn người ta chứ? Ðức Giêsu muốn họ phải nói lên suy nghĩ của họ. Phêrô thay mặt anh em thưa: "Thầy là Ðức Kitô của Thiên Chúa".

Chúng ta không thấy Ðức Giêsu công nhận hay phủ nhận câu trả lời một cách trực tiếp và minh bạch. Tức là trả lời như vậy đúng nhưng chưa được sáng tỏ. Người là Ðức Kitô, chắc rồi; nhưng Ðức Kitô là gì? Theo nguyên tự, Kitô là người được xức dầu để lo việc của Thiên Chúa. Trong dân Chúa, chỉ có hoàng đế, tư tế và tiên tri đươc xức dầu để có ơn của Chúa mà phục vụ dân, nhưng dần dần, với truyền thống của các tiên tri, danh từ "Ðấng được xức dầu" tức là Ðấng Kitô được dành để ám chỉ Ðấng Thiên Sai - cứu thế sẽ đến khi thời gian đã sung mãn. Vậy khi tuyên xưng Ðức Giêsu là Ðấng Kitô của Thiên Chúa, ông Phêrô nói lên niềm tin Ngài là Ðấng Thiên Sai cứu thế. Lời khẳng định của ông rất đúng nên trong một đoạn văn tương tự ở sách Tin Mừng theo thánh Mátthêu, Ðức Giêsu đã khen Phêrô là người có phúc vì không phải xác thịt đã nói cho Phêrô biết được như vậy, nhưng là chính Cha trên trời đã soi sáng dạy dỗ ông. Ở đây, trong sách Luca, Ðức Giêsu không khen Phêrô. Người cũng không trực tiếp chấp nhận lời ông tuyên xưng. Người còn muốn dạy dỗ ông hiểu thêm nữa và hiểu cho thật đúng.

Là vì khi công nhận Người là Ðấng Kitô, người ta vẫn còn có thể ngộ nhận về Người, khi có một quan niệm không đúng về Ðấng Kitô. Người ta có thể hình dung Ngài là Ðấng sẽ đến để cứu chuộc dân Chúa bằng những chiến công hiển hách. Và ở đây là quan niệm của hầu hết mọi người, kể cả các môn đồ của Ðức Giêsu. Họ nghĩ rằng Ðấng Kitô sẽ phải sống mãi... bởi vì, như bài Tin Mừng hôm nay cho thấy, họ quan niệm Ngài như một bậc đại tiên tri đã sống lại để không bao giờ chết nữa. Người ta đâu có để ý đến những lời tiên tri về một Ðấng Thiên Sai sẽ bị đau khổ và bị đâm thâu, như bài sách Dacaria hôm nay loan báo.

Thế nên, Ðức Giêsu không muốn môn đồ cứ hiểu lầm mãi, mặc dù lời họ tuyên xưng hôm nay thật đúng, nhưng nội dung lời ấy chưa được họ hiểu rõ. Ðức Giêsu lôi kéo tâm trí họ đi vào nội dung và cho họ biết: Con Người sẽ chịu nhiều đau khổ, bị các đầu mục và hàng tư tế phế thải, bị giết đi và ngày thứ ba sẽ sống lại... lúc đó họ hãy tuyên xưng Ngài là Ðấng Kitô của Thiên Chúa; và khi ấy lời tuyên xưng mới có nội dung chân thật. Trong khi chờ đợi, họ không nên đọc lại lời tuyên xưng ấy với ai, kẻo người ta tiếp tục ngộ nhận, coi Người là Ðấng Kitô sẽ phải sống mãi, đang khi như các lời tiên tri đã loan báo, Người còn phải đi qua đau khổ và sự chết rồi mới phục sinh. Ðồn thổi tin Người là Ðấng Kitô lúc này chỉ tổ làm cho người ta không được chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận việc Người sắp bị nộp và bị giết.

Ðức Giêsu không làm như vậy. Người phải kéo tâm trí người ta vào kế hoạch của Thiên Chúa; nên Người nói với mọi người: Ai muốn đi theo Ta, thì phải chối bỏ chính mình, hãy vác lấy khổ giá của mình mỗi ngày và hãy theo Ta. Tôi dám nghĩ tác giả Luca khi viết sách đã muốn áp dụng Lời Chúa vào trường hợp cụ thể của độc giả, nên đã nói rõ ràng là mọi người phải vác lấy khổ giá của mình mỗi ngày mà theo Chúa. Chứ thực ra có lẽ Ðức Giêsu đã chỉ vắn tắt nói rằng mọi người phải vác lấy thập giá mà đi theo Chúa, vì chính Người sẽ phải vác thập giá đi trước. Và như vậy, Người muốn dạy người ta biết, kẻ đi theo Người đừng ngộ nhận tìm ngồi bên tả, bên hữu một Ðấng Kitô chiến thắng oanh liệt ở trần gian. Họ phải biết uống chén đắng với Người. Còn chuyện ngồi bên tả, bên hữu trong vinh quang, thì cứ để Chúa Cha định liệu, tức là chỉ nên trông đợi trong bình diện mầu nhiệm Nước Trời, chứ không phải ở trần gian này.

Như thế bài Tin Mừng Luca hôm nay không những rõ rệt và cụ thể hơn bài sách Dacaria vì xác định công khai Ðức Kitô sẽ bị bắt, bị giết nhưng sẽ sống lại; mà còn cho chúng ta thấy mọi kẻ đi theo Người, tức là mọi Kitô hữu đều phải vác lấy thập giá của mình mà bước theo. Như vậy, sứ điệp của Ðức Kitô còn có thể là một Tin Mừng cho mọi người nữa không? Nói cách khác, chúng ta có nên sợ cho thân phận những người đi theo Ðức Kitô mà phải vác thập giá hằng ngày không? Bài thư Phaolô tuy không trả lời hết mọi khía cạnh, nhưng cũng nói lên một điều rất đáng chú ý suy nghĩ.

 

3. Chúng Ta Ðược Thừa Tự Lời Hứa

Thánh Phaolô biết rõ các đòi hỏi của ơn gọi Kitô hữu khi viết: "Phàm ai đã được thanh tẩy trong Ðức Kitô, thì đã được mặc lấy Ðức Kitô", người đã cân nhắc nội dung của những lời ấy. Theo Người, "được thanh tẩy trong Ðức Kitô" là đã cùng chết với Ngài cho xác thịt, thế gian và tội lỗi, để đóng đinh con người cũ vào thập giá và mặc lấy con người mới. Không bao giờ thánh Phaolô nói đến thanh tẩy mà không nghĩ đến mầu nhiệm thập giá, tức là đối với người, chẳng ai là Kitô hữu nếu không vác lấy thập giá hằng ngày của mình mà đi theo Ðức Kitô đã chịu đóng đinh.

Nhưng đồng thời thánh Tông đồ cũng đã nghĩ đến những ơn lành phong phú đi kèm theo việc vác thập giá, đến nỗi đối với người, thập giá đã trở thành thánh giá đem lại vinh quang và sự sống dồi dào. Ở đây người chỉ khai triển một khía cạnh vinh quang của vinh quang thánh giá. Người nói, nhờ mặc lấy Ðức Kitô, chúng ta hết thảy là con cái Thiên Chúa. Không còn Do Thái hay Hy Lạp, nam hay nữ nữa, vì hết thảy đã là một trong Ðức Kitô. Và chúng ta trở thành miêu duệ của Abraham và được thừa tự lời hứa.

Những quan niệm này rất quan trọng. Lập tức chúng ta được đưa sang bình diện khác hẳn nếp sống thế tục. Người đã được thanh tẩy như đã cởi bỏ hết mọi cái cũ kỹ của trần gian. Họ nên con người mới. Phái tính, chủng tộc, giai cấp xã hội không còn quan trọng nữa. Hết mọi người là con cái Thiên Chúa, là chi thể trong thân thể Ðức Kitô, là những kẻ thừa tự mọi lời hứa. Lối nhìn mới mẻ này là cách nhìn của đức tin, của ý thức về ơn gọi Kitô hữu. Nó thôi thúc chúng ta hãy nhìn xã hội loài người và tương lai của tất cả một cách mới mẻ hẳn, để chúng ta biết bù đắp cho nhau như để xây dựng một thân thể và một hạnh phúc chung. Nó cho đời ta một phương hướng mới vô cùng phấn khởi, phát xuất từ mầu nhiệm Ðức Giêsu.

Giờ đây chúng ta cử hành mầu nhiệm nầy. Lời Chúa cho chúng ta biết Người đã đến để trở thành "Ðấng bị đâm thâu" ban ơn cứu độ cho mọi người. Thánh Thể kêu gọi chúng ta kết hợp với mầu nhiệm Tử nạn để được sự sống mới. Bổn phận của chúng ta sau khi cử hành phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể là chứng tỏ trong đời sống những ơn ích mà mầu nhiệm Thánh giá của Chúa Giêsu mang lại: đó là nếp sống làm con Thiên Chúa, hợp nhất với nhau trong Ðức Kitô và xây dựng Trời mới Ðất mới như Lời Hứa.

Chúng ta hãy phấn khởi tuyên xưng niềm tin mà chúng ta sẽ đem ra thực hành.

 

Đức Cố Giám Mục Barthôlômêo Nguyễn Sơn Lâm


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C