ĐỨC
KITÔ LÀ AI
(CHÚA
NHẬT XII THƯỜNG NIÊN, Năm C)
(Linh Mục Anphong Trần Đức Phương)
Chúa Nhật hôm nay nói đến cuộc khổ nạn
của Chúa Giêsu để cứu chuộc nhân loại. Bài Đọc I (Giacaria 12:10-11; 13:1):
Tiên Tri Giacaria đã tiên báo về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu: “Chúng nhìn xem
Đấng chúng đã đâm thâu qua.” Bài Đọc II (Galat 3:26-29): Tất cả chúng ta đều đã
được chịu cùng một phép Rửa Tội trong Chúa Giêsu Kitô và được mặc lấy Chúa
Kitô, nên chúng ta được nên một với Chúa, không còn phân biệt màu da, chủng
tộc… Bài Phúc Âm (Luca 9:18-24): Chúa Giêsu hỏi các môn đệ xem các ông có
biết thật sự Chúa là ai không. Thánh Phêrô đã thay mặt anh em trả lời “Thầy là
Đấng Kitô của Thiên Chúa.” Sau đó Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ “việc
Chúa Giêsu sẽ chịu nạn chịu chết để chuộc tội nhân loại; nhưng ngày thứ ba sẽ
sống lại.” Tiếp theo Chúa bảo “Những ai muốn làm môn đệ của Chúa cũng phải bỏ
mình đi, vác thập giá mình hàng ngày mà theo Chúa.”
Đấng Kitô là ai? Sau khi ông Adong và bà
Evà sa ngã phạm tội. Thiên Chúa đã ra hình phạt cho ông bà và dòng dõi
loài người. Nhưng Thiên Chúa cũng hứa sẽ sai một Đấng Cứu Thế đến
để chuộc tội cho nhân loại (Sách Sáng Thế, chương 3). Vị Cứu Thế đến để
cứu độ nhân loại được gọi theo tiếng Do Thái thời đó là “Messiah” (Có nghĩa là
“Đấng Được Xức Dầu”), dịch ra tiếng Hy Lạp là Christos, ra tiếng Pháp và tiếng
Anh là Christ, Tiếng Việt Nam là Kitô, và trở nên danh hiệu để ghép vào tên
riêng của Chúa Giêsu để thành “Kitô Giêsu” hoặc “Giêsu Kitô”.
Người Do Thái luôn luôn trông đợi Đấng
Cứu Độ đến: “Trời cao hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa Đấng Cứu
Đời…” Hiện nay người Do Thái vẫn tin là Đức Kitô chưa đến, nên người Do Thái
thường đến “Bức Tường Khóc’ (tường thành Giêrusalem cổ) để tiếp tục cầu nguyện
xin Đấng Cứu Độ đến.
Hơn nữa, theo dòng thời gian, người Do
Thái thường có quan niệm Đấng Cứu Độ đến như một nhà lãnh đạo oai hùng để
“đổi mới mọi sự” (Daniel 9:25-26) và lập nên một quốc gia Do Thái cường thịnh,
vinh quang ‘thoát khỏi mọi áp bức của kẻ thù.” Những người đồng thời với Chúa
Giêsu, dù được nghe lời xác quyết của Thánh Gioan Tẩy Giả (Gioan 1:29-34), và
được chứng kiến những phép lạ vĩ đại Chúa Giêsu làm “người què được đi, người
mù được thấy…” nhưng họ vẫn không tin Ngài là đấng “Kitô Thiên Chúa sai
đến”, họ chỉ coi Ngài “như một Gioan Tẩy Giả, hoặc Elia, hay một trong các tiên
tri thời xưa sống lại!” (như bản tường thuật trong Bài Phúc Âm hôm nay); vì thế
Chúa Giêsu mới hỏi các Tông Đồ “Còn các con bảo Thầy là ai?” Và Thánh Phêrô đã thay
mặt anh em trả lời: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.”
Dù đã tin nhận Chúa Giêsu là “Đấng Kitô”
nhưng các Tông Đồ vẫn giữ quan niệm là Ngài sẽ thành lập một “Nước hiển vinh”;
và không thể tin được là Ngài sẽ phải chịu cuộc khổ nạn và chịu chết (Matthêu
20:18-19); vì thế mà khi Chúa Giêsu nói về cuộc khổ nạn Ngài sẽ phải chịu để
cứu chuộc nhân loại thì thánh Phêrô đã “kéo Ngài riêng ra và ngăn cản…”
(Matthêu 16: 22). Cũng vì quan niệm như thế, nên ông Giacôbê và Gioan mới xin
cho được “một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả trong ‘Nước Chúa’
(Matcô 10:35-37). Ngay cả khi Chúa Giêsu đã chịu khổ nạn, chịu chết và sống
lại, các tông đồ vẫn hỏi “Có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương Quốc
Israel không?” (Công Vụ 1:6)
Đức Kitô mà Thiên Chúa sai đến không
phải như một vị Lãnh Đạo oai phong lẫm liệt để làm một cuộc cách mạng giải
phóng Dân Tộc Do Thái; nhưng Ngài đến để “chịu nhiều đau khổ, bị các Kỳ Lão, các
Thượng Tế và các Luật Sĩ chối bỏ, và giết chết; nhưng đến ngày thứ ba thì sống
lại” (Matthêu 17:22-23) và lên trời để mở đường về trời Vinh Hiển cho chúng ta.
Như vậy nước của Chúa là Nước Thiêng Liêng trong Vinh Quang Thiên Chúa, nước
của Chúa không phải nước trần gian. Nước Chúa không thuộc về thế gian này
(Gioan 18:36).
Như vậy chúng ta theo Chúa không phải để
được vinh quang, giàu sang ở đời này, nhưng để noi gương Chúa “từ bỏ mọi sự và
kiên nhẫn chịu mọi khổ đau ở đời này, sống yêu thương tha thứ, rồi để chết đi
với Chúa, táng xuống mồ, trước khi được sống lại trong vinh quang trong Nước
Chúa.”
Trong Thánh Lễ hôm nay chúng ta hãy xin
Chúa chỉ cho chúng ta “đường đi của Chúa, xin hướng dẫn chúng ta trong Chân Lý
của Ngài” để chúng ta luôn đi theo con đường mà Chúa đã đi mà Giáo Hội chỉ cho
chúng ta. Con đường leo dốc thật cheo leo hiểm trở ; nhưng là con đường dẫn đến
vinh quang nước Chúa, sau cuộc đời đau khổ trần gian này. Đó là ý nghĩa của sự
đau khổ trần gian mà ai cũng phải trải qua. Những tín hữu của Chúa thì không
thất vọng khi gặp đau khổ, bách hại , nhưng sống phó thác trong niềm hy vọng
đời sau (Xin xem Matthêu 13:36-43).
Hôm nay cũng là ngày “Tôn Vinh Cha”
(Father’s Day): Chúng ta hãy tưởng nhớ đến công ơn của các người cha của chúng
ta và cầu nguyện cùng Chúa xin cho các vị đã qua đời được thưởng công trên nước
Chúa; cho các vị còn sống được an mạnh và vui sống trong tuổi già. Xin cho
chúng ta luôn biết sống như những người con ngoan để đền đáp bao công lao nuôi
dưỡng của cha mẹ chúng ta: “Công Cha như núi Thái Sơn, nghĩa Mẹ như nước
trong nguồn chảy ra.”