Chúa Nhật XII Thường Niên C

Đấng Kitô của Thiên Chúa

 

Lc 9:18-24: 18 Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: "Dân chúng nói Thầy là ai? "19 Các ông thưa: "Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại."20 Người lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? " Ông Phê-rô thưa: "Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa."21 Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.

22 Người còn nói: "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy."

23 Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.24 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.

Trong Luca đoạn tin mừng 9:18-24 theo sau phép lạ làm bánh nên nhiều (9:12-17). Cần phân biệt hai đoạn kết tiếp nhau: đoạn 9:18-22 bàn về căn tính và định mệnh của Chúa Giêsu; đoạn 9:23-24 thuộc đoạn 9:23-27, bàn về việc đi theo Chúa Giêsu. Chủ đề chính của đoạn 9:18-22 nằm trong hai câu hỏi “Dân chúng nói Thầy là ai?” và “Các con, các con nói Thầy là ai?”(9:18.20). Chúa Giêsu đặt những câu hỏi nầy với họ trong bối cảnh họ đang ở riêng với Người. Họ đã chứng kiến phép lạ và nhận ra quyền năng của Thiên Chúa thể hiện trong Người. Bố cục của đoạn có thể phân chia như sau: - Nhập đề với câu hỏi về căn tính của Chúa Giêsu (9:18); - Câu trả lời của các môn đệ (9:19-20); - Mệnh lệnh giữ thinh lặng và tiên báo về sự chết và sống lại của Chúa Giêsu (9:21-22). Sang đoạn 9:23-24, bàn về những điều kiện đi theo Người.

Trước khi tỏ cho các môn đệ biết Người là ai, Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện một mình (c.18a). Không thấy điều nầy trong các tin mừng khác. Chúa Giêsu thường rút lui cầu nguyện như thế nơi thanh vắng, trước mỗi lần Người tỏ một điều quan trọng cho các môn đệ: chọn các môn đệ (6:12-13), dạy các môn đệ cầu nguyện với kinh “Lạy Cha” (11:1). Điều nầy trước tiên cho thấy Người luôn hiệp thông cách hoàn hảo với Chúa Cha. Tiếp đến, các môn đệ sẽ đón nhận những điều Người nói và dạy, như là ý muốn của Thiên Chúa. Và như thế, Người sẽ dẫn họ vào trong tương quan với Thiên Chúa.

Câu hỏi về căn tính của Chúa Giêsu “Ông nầy là ai?” được đặt ra mỗi lần Người hoàn thành một điều kỳ diệu: sau khi Người tha tội cho người phụ nữ tội lỗi “Ông nầy là ai mà có quyền tha tội” (7:49); sau khi Người làm cho sóng gió yên lặng (8:25); sau khi Hêrôđê nghe nói về những việc kỳ diệu Người đã làm (9:9). Qua lời nói và việc làm của Người, mọi người, nói chung là “dân chúng”, có đồng quan điểm cho rằng Người là một ngôn sứ: dân chúng (7:16; 9:7-8); người Pharisêô (7:39); hai môn đệ Emmaus (24:19). Các môn đệ lập lại điều nầy khi trả lời câu hỏi đặt ra cho họ (9:19).

Tuy nhiên, Chúa Giêsu muốn biết các môn đệ nói gì về Người (c. 20). Phêrô tuyên xưng “Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Có sự khác biệt đáng kể của lời tuyên xưng nầy trong các tin mừng (x. Mt 16:21; Mc 8:29; Lc 6:20; Gio 6:69). Đặc điểm của lời tuyên xưng trong Luca là cụm từ “của Thiên Chúa”. Qua đó Luca muốn nhấn mạnh nguồn gốc của Đấng Kitô. Người thuộc về Thiên Chúa, và Người là con của Thiên Chúa (1:32-33), được tuyển chọn (x. 23:35), xức dầu làm vua (23:2; x. 1 Sam 9:15-16; 10:1; 24:7; 26:9) và sai đến với dân Người (x. 1:16.78; 2:38). Trong Luca, tước hiệu “Đấng Kitô” gắn liền với sự cứu độ. Đấng Kitô chính là Đấng Cứu độ (2:11). Ma quỷ gọi Chúa Giêsu là Đấng Kitô, khi Người xua trừ chúng ra khỏi người bị chúng ám (4:41). Các thủ lãnh tôn giáo nghĩ Đấng Kitô là đấng có khả năng giải thoát mình khỏi cái chết (23:35). Người cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu cũng nói cách tương tự “Nếu ông là Đấng Kitô, hãy cứu chúng tôi” (23:39). Như thế, Đấng Kitô mà dân chúng (x. 3:15) và các thủ lãnh mong đợi (22:67), chính là đấng, theo cách suy nghĩ của họ, giải thoát con người khỏi bệnh tật, sự chết, và Người có thể phục hồi vinh quang trần thế cho Israel (x. 24:21). Họ trông đợi một Đấng Kitô như thế.

Chúa Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ (7:16; 1:47). Người là Đấng Kitô cuối cùng Thiên Chúa sai đến với dân Người, để ban ơn cứu độ viên mãn. Người không chỉ là một ngôn sứ, mà còn hơn một ngôn sứ nữa. Khi nói về Gioan, Chúa Giêsu đã xem Gioan cao trọng hơn một ngôn sứ. Thế mà Gioan chỉ là người đi trước dọn đường cho Người (7:26-27). Như thế, Người trổi vượt trên cả các ngôn sứ Gioan và Êlia. Chính Người cũng ý thức Người là Đấng Kitô duy nhất của Thiên Chúa, như được nói trong dụ ngôn những tá điền (20:9-19; 22:67-68). Sau Người, Thiên Chúa không sai đến ai khác nữa. Đây chính là khác biệt căn bản trong cách suy nghĩ về Chúa Giêsu giữa dân chúng và các môn đệ.

Tuy nhiên, Người phải giữ thinh lặng (c. 21), vì đó là ý muốn của Chúa Cha, cho đến ngày Người khai tâm cho hai môn đệ Emmaus hiểu vai trò cứu độ của Người (x. 24:26.46). Để cứu độ, Đấng Kitô không đi theo con đường dân chúng nghĩ đến. Người phải chịu chết, nhưng sau đó Người sẽ sống lại. Đây là lần thứ hai Người tiên báo cuộc khổ nạn của Người (c. 22; 8:31; 17:25). Dei, “phải” chỉ ý muốn của Thiên Chúa phải được thực hiện (9:22; 17:25; 22:7; 24:7); tuy nhiên, Chúa Giêsu thường tự nguyện làm theo ý của Cha Người (x. 2:49; 4:43). Apodokimazō, “xem như không thật, thành thử bị gạt bỏ”. Để hiểu hơn ý nghĩa của động từ trên, cần hiểu động từ gốc dokimazō, “thử hạch”, “kiểm thử một vật là thật hay giả”. Người được mời dự tiệc từ chối đến, vì ông bận đi thử năm đôi bò; nghĩa là ông xem thử bò có dùng được việc không, và có đủ tiêu chuẩn như ông mong uớc hay không (14:19). Trong 12:56, Chúa Giêsu trách dân chúng, vì họ không thể xem xét và đưa ra kết luận từ những dấu hiệu và biến cố của hiện thời để tin vào Chúa Giêsu. Vậy, Chúa Giêsu bị gạt bỏ, apodokimazō (9:22; 17:25; 20:17), vì Người không vượt qua được những thử hạch của các kỳ mục, thượng tế và kinh sư (x. 22:67); cũng có nghĩa Người không phải là Đấng Kitô thật, nên bị tuyên án và bị đem đi giết (Cv 3:15). Tuy nhiên Người sẽ sống lại. Vậy, các môn đệ cần đi từ lòng tin Chúa Giêsu là Đấng Kitô của Thiên Chúa đến Đấng Kitô nầy phải chịu đau khổ chết, rồi phục sinh.

Hành trình của Chúa Giêsu là làm theo ý của Thiên Chúa (22:42). Ai muốn đi theo Người phải từ bỏ chính mình và vác thánh giá theo sau Người. Không có con đường nào khác.

Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến




Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C