Chúa Nhật
13 Thường Niên Năm C
Làm nên một thân thể Chúa Giêsu
(1Các Vua 19,16b. 19-21; Galát 5,1.13-18;
Luca 9,51-62)
Phúc Âm: Lc 9, 51-62
"Người cương quyết lên đường đi
Giêrusalem. Dù Thầy đi đâu, tôi cũng sẽ theo Thầy".
Vì gần tới thời gian Chúa Giêsu phải cất khỏi
đời này, Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem, và sai những người đưa tin
đi trước Người. Những người này lên đường vào một làng Samaria để chuẩn bị mọi
sự cho Người. Nhưng ở đó người ta không đón tiếp Người, bởi Người đi lên
Giêrusalem. Thấy vậy, hai môn đệ Giacôbê và Gioan thưa Người rằng: "Lạy
Thầy, Thầy muốn chúng con khiến lửa bởi trời xuống thiêu huỷ chúng không?"
Nhưng Người quay lại, quở trách các ông rằng: "Các con không biết thần trí
nào xúi giục mình. Con Người đến, không phải để giết, nhưng để cứu chữa người
ta". Và các Ngài đi tới một làng khác.
Ðang khi đi đường có kẻ thưa Người rằng:
"Dù Thầy đi đâu tôi cũng sẽ theo Thầy". Chúa Giêsu bảo người ấy rằng:
"Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ gối đầu". Người
bảo một kẻ khác rằng: "Hãy theo Ta". Người ấy thưa: "Xin cho
phép tôi đi chôn cha tôi trước đã". Nhưng Người đáp: "Hãy để kẻ chết
chôn kẻ chết; phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa". Một người khác
thưa Người rằng: "Lạy Thầy, tôi sẽ theo Thầy, nhưng cho phép tôi về từ giã
gia đình trước đã". Nhưng Chúa Giêsu đáp: "Ai đã tra tay vào cày mà
còn ngó lại sau lưng, thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa".
Suy Niệm:
Tiếp theo chương trình giáo dục đời sống Kitô
hữu của chúng ta, sau khi đã cho chúng ta thấy rõ các mầu nhiệm của Chúa chịu
chết, sống lại, lên trời và sai Thánh Thần xuống, Lời Chúa hôm nay gợi lên
nhiều tư cách mà người tín hữu phải có. Chúng ta hãy quy nhiều điều lại thành
một mối và bảo rằng: người muốn theo Chúa phải biết từ bỏ tất cả để được tự do
như những con cái Thiên Chúa.
Ðó cũng chỉ là theo gương Chúa Kitô, kết hợp
với mầu nhiệm Tử nạn Phục sinh của Người, để trở thành Kitô hữu và trở nên Kitô
hữu hoàn toàn hơn. Ðòi hỏi từ bỏ này đã được câu chuyện Êlisê báo trước; rồi
được chính Ðức Giêsu xác định, và thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Galát
khuyến khích chúng ta đem ra thi hành.
1. Êlisê Nêu Gương Từ Bỏ
Bài Sách Các Vua đọc trong thánh lễ hôm nay
đưa chúng ta trở về một giai đoạn đen tối trong lịch sử dân Chúa. Vua Israen
bấy giờ cấu kết với dân ngoại cưới một công chúa dân ngoại về làm hoàng hậu. Bà
này đem tà giáo vào cung điện, cổ võ việc sùng bái ngẫu tượng và đàn áp chính
giáo. Tiên tri Êli đứng ra phản đối, kêu gọi dân chúng đừng đi vào con đường
tội lỗi ấy. Nhưng ảnh hưởng của kẻ có quyền vẫn thắng. Êli phải "liều
lĩnh" thách đố, xin một dấu hiệu bởi trời xuống xác nhận đạo nào là chân
thật. Và chúng ta biết câu chuyện xảy ra trên núi Camêlô. Bàn thờ tà giáo vẫn
nguội lạnh; còn bàn thờ của Êli đã lập tức được lửa trên trời xuống thiêu đốt
lễ vật. Êli thắng... Nhưng để trả thù, hoàng hậu ngoại đạo sai người lùng bắt. Êli
phải vội vã trốn đi. Ông lên núi Horeb chỉ muốn chết đi cho rồi vì thấy sứ mạng
tiên tri của ông chẳng đi đến đâu trước sức mạnh của vua quan thời bấy giờ.
Thiên Chúa an ủi ông. Không những Người cho Thiên Thần mang lương
thực đến bồi dưỡng ông, mà còn sai ông đi xức dầu cho Êlisê làm tiên tri kế
nghiệp ông, làm chứng rằng sứ mạng của ông sẽ được tiếp tục và sẽ thành công.
Như vậy câu chuyện này trước hết có giá trị đem lại tin tưởng cho
Êli, cho mọi ngôn sứ và tông đồ của Chúa, cho mọi người công chính mà đôi khi
bị cám dỗ nản lòng. Thiên Chúa không bỏ rơi những người như vậy. Người chúc
phúc cho tương lai của họ vì sứ mạng của họ sẽ tiếp nối cho đến khi hoàn tất.
Áp dụng câu chuyện này vào mùa sau Tử nạn - Phục sinh, chúng ta có
thể coi đây như là lời cam kết của Thiên Chúa đối với công việc cứu thế của Ðức
Giêsu Kitô. Thập giá Người đã chịu không phải là một thất bại, nhưng là khí cụ
cứu độ. Sứ mạng của Người sẽ được tiếp tục trong Hội Thánh... nhưng phải có
những người như Êlisê.
Ông này là một nông dân đang cày ruộng, có bản dịch nói ông có 12
cặp bò và đang dẫn cặp bò thứ 12. Có bản lại bảo: Ông phải cày 12
"công" ruộng và vừa xong công đất cuối cùng. Thực ra, ý tưởng chỉ là
một vì người ta quen tính mỗi cặp bò phải làm một công đất, và như thế là Êlisê
là một nông dân có đất và làm việc chăm chỉ. Ông lại vừa làm xong công việc vất
vả để có thể nói, bây giờ sắp được ngồi hưởng huê lợi.
Nhưng chính lại là lúc Êli đi qua. Cũng như sau này Ðức Giêsu sẽ
đến gọi Phêrô và các môn đệ đầu tiên khi họ vừa kéo lưới đầy cá vào bờ để sắp
sửa đem bán trên chợ. Họ sẽ phải lập tức bỏ tất cả mọi sự để đi theo Chúa. Vậy
thì hôm nay Êlisê cũng phải làm như vậy.
Thái độ của Êli hơi khó hiểu. Ông đi qua thấy Êlisê vừa cày xong,
ông tung áo khoác phủ lên Êlisê, rồi cứ tiếp tục đi. Nhưng Êlisê đã hiểu. Áo
khoác của nhà tiên tri tung lên và rơi xuống trên con người của ông là dấu hiệu
nhà tiên tri muốn chụp lấy con người và đời sống của ông, để trối sứ mạng tiên
tri cho ông; hơn nữa, để trối chính tinh thần của Êli cho ông. Êlisê hiểu như
vậy nên vội vã chạy theo, xin phép được về thăm nhà đã, rồi sẽ đi với Êli.
Chúng ta hãy để ý đến sự việc tiếp theo. Êlisê ngả bò thui trên
đống lửa vừa nhóm lên bằng chính các thân cây cày bừa ông đã dùng để cày bừa
ruộng đất. Ông muốn thết bà con một bữa ăn trước khi lên đường. Cử chỉ của ông
sau này một phần nào cũng được Lêvi tức Mátthêu bắt chước. Ông này đang ngồi
thu thuế. Ðược Chúa gọi, ông đứng lên từ bỏ tất cả, rước Chúa về nhà tiếp đãi
bạn bè, rồi đi theo Người.
Cử chỉ đãi ngộ này nói lên sự vui mừng gặp được ơn gọi. Nhưng khi
lấy chính các thân cày bừa đốt đi làm lửa thui các con bò mình vẫn dùng để cày
bừa ruộng đất, Êlisê muốn làm chứng đã dứt khoát từ bỏ nghề cũ, từ bỏ mọi sự,
từ bỏ chính cả những phương tiện vẫn nuôi sống mình, để từ nay, hoàn toàn chỉ
sống cho lý tưởng. Ông thật sự đã từ bỏ con người và nếp sống cũ để mặc lấy con
người và nếp sống mới. Ông còn mãi mãi treo cao tấm gương sáng ngời cho mọi thế
hệ những người muốn theo Chúa, trong đó có tất cả chúng ta. Ðức Giêsu muốn làm
hoàn tất mọi lời tiên tri; nên hôm nay Người đã xác định với chúng ta trong bài
Tin Mừng về những gì chúng ta phải từ bỏ.
2. Chúa Giêsu Dạy Phải Từ Bỏ Những Gì
Luca viết rằng: đã đến buổi Ðức Giêsu siêu thăng, Người liền quả
cảm đi lên Giêrusalem. Người biết đã đến lúc sẽ bị treo lên thập giá, đồng thời
cũng sẽ là lúc được cất nhắc về Trời. Người cương quyết đi lên Giêrusalem để
chịu chết cũng như để vượt qua. Người chấp nhận đau khổ, chứ không trốn tránh.
Nhưng các môn đệ có như vậy không?
Họ đã từ bỏ mọi sự mà theo Người. Nhưng có thể nói họ mới chỉ đã bỏ
cái bề ngoài thôi. Còn tâm hồn họ thì chưa quả cảm và quyết liệt đâu. Và như
vậy sẽ rất nguy, vì họ có thể đã từ bỏ những sự này để mong được những sự khác
to lớn hơn, quý giá hơn mà họ tưởng cũng chỉ nằm trên bình diện của cuộc đời
trần gian này. Bề ngoài họ đã là những Êlisê, vì họ cũng đã từ bỏ lưới thuyền
và bà con thân thuộc để đi theo Ðức Giêsu. Nhưng, Người còn đòi họ phải từ bỏ
chính bản thân họ nữa, như Người đang đi lên Giêrusalem đây để từ bỏ mạng sống
mình.
Các môn đệ chưa sẵn sàng như Người. Thái độ của Gioan và Giacôbê
làm chứng điều này. Hai ông có óc muốn được "ngồi" tức là "được
cai trị" ở hai bên tả hữu Ðức Kitô trong vinh quang của Người. Họ muốn đưa
mình lên chứ đâu có muốn rơi mình xuống thành hạt lúa gieo xuống đất như Ðức
Giêsu đã có lần ví sự chết của Người. Và các môn đệ khác cũng vậy thôi. Ngồi ở
bàn tiệc ly, họ sẽ tranh luận ai là người lớn nhất trong Nước Trời. Tức là
người nào cũng muốn "vinh thân". Thế nên hôm nay thấy dân Samari
không muốn tiếp rước Ðức Giêsu, họ muốn xin lửa trời xuống đốt cả thành này.
Có việc gì mà họ phải tức đến như vậy? Danh dự của Thầy mình bị xúc
phạm ư? Không phải thế. Nếu chỉ có một mình Người đến, thì cần gì Người phải
cho báo trước? Và dân Samari sẽ chẳng để ý đến việc Người đi qua và ở lại ít
ngày. Sách Tin Mừng Gioan kể đã có lần Người đã tiếp chuyện một phụ nữ ở Samari
và dân thành đã mời Người với môn đệ ở lại hai ngày (4,40).
Hôm nay có những lý do khác thường. Ðức Giêsu lên Giêrusalem để dự
lễ Vượt qua. Người đi công khai và rõ ràng với mục đích đó. Người còn đi với cả
một đoàn đông đảo. Dân Samari ghét những cuộc hành hương như thế này. Có thể
nói cả năm, không khi nào họ khó chịu với người Do Thái bằng các dịp những
người này hành hương lên Giêrusalem chầu lễ. Mối bất hòa sâu xa giữa hai dân
được khơi lại vì một bên thì bảo chỉ có Giêrusalem là có phụng tự chân thật;
còn bên kia thì bảo thờ phượng ở núi Samari đây cũng được... Chưa đến lúc Chúa
Giêsu leo lên cây thập giá để kéo hai dân lại gần nhau, trong một phụng vụ duy
nhất nơi thân thể của Người.
Do đó Người chấp nhận thái độ của dân Samari hôm nay. Người đi sang
làng khác khi không được tiếp rước.
Còn các môn đệ thì không chịu được. Họ không thể chấp nhận có những
người dám cản trở bước đường họ đi.
Dĩ nhiên, họ không dám nghĩ đây là bước đường của họ. Họ đang đi
theo Chúa. Họ đang làm việc cho Người. Họ đang đưa đường lối của Người đi xa
hơn. Họ tức giận "Vì Chúa" và muốn thay thế Người, bắt chước Êli xưa,
xin lửa trời xuống đốt thành thù nghịch này, làm như thể Người cũng chỉ là một
Êli hay một tiên tri nào khác. Nhưng Chúa không phải như thế. Người đến để cứu
rỗi chứ không phải để sát phạt. Và con đường Người đang đi là con đường từ bỏ
bản thân để cứu thế. Môn đệ và những ai muốn theo Người phải hiểu như vậy và
phải đi vào đường hẹp của mầu nhiệm thập giá.
Lợi dụng có kẻ xin đi theo Người, Chúa Giêsu đem bài học ấp ủ trong
lòng ra để dạy môn đệ. Người nói: "Con cáo có hang, con chim có tổ, Con
Người không có nơi tựa đầu". Người cho môn đệ biết họ sẽ không thấy Người
ngự trên ngai và họ đừng mong được danh vọng thế gian khi đi theo Người. Có thể
Ðức Giêsu đã muốn gợi lên số phận của Người khi bị treo trên thập giá sẽ không
có nơi dựa đầu.
Ðối với Luca, câu nói đây còn diễn tả đúng cuộc đời "truyền
giáo không ngừng" của Chúa (và của Phaolô sau này) không bao giờ dừng lại
nơi nào có thể gọi là nhà riêng của mình. Dù sao Lời Chúa nói hôm nay cũng mạnh
mẽ và quyết liệt. Những người đi theo Chúa phải dứt khoát từ bỏ mọi sự và không
được có ý tưởng được yên thân, huống nữa là vinh thân ở đời này.
Hai câu chuyện sau dường như chỉ diễn tả thêm ý tưởng của câu
chuyện vừa xảy ra. Một người khác xin Ðức Giêsu cho phép về nhà làm lễ an táng
cha rồi sẽ đi theo Người. Nhưng Người bảo hãy để kẻ chết chôn kẻ chết, còn
"anh cứ đi rao giảng Nước Thiên Chúa".
Câu trả lời làm chúng ta sửng sốt. Ðức Giêsu tàn nhẫn đến như vậy
sao? Chắc không phải như thế. Trước hết câu chuyện phải làm chúng ta bỡ ngỡ. Vì
sao một người có cha vừa nằm xuống có thể có mặt trong đám đông đi theo Ðức
Giêsu để Người nhìn thấy và gọi anh? Hay là ở đây, Luca muốn công kích tục lệ
hủ lậu làm ma chay cả tháng trời và tốn phí rất nhiều? Ðúng hơn tác giả muốn
nhấn mạnh và đối chọi việc rao giảng Nước Thiên Chúa là sứ mệnh vinh quang cao
cả không được đem gắn liền vào việc tang chế là hình ảnh gợi lên hình phạt của
tội lỗi. Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết, tức là để người thế gian lo việc thế
gian. Người đi rao giảng Nước Trời phải để hết lòng lo việc Nước Trời. Không
nên lấy bình cũ đựng rượu mới; không được giữ não trạng cũ khi đi theo Chúa.
Câu chuyện thứ ba cũng phải hiểu như vậy. Có người xin về thăm gia
đình trước khi đi theo tiếng Chúa gọi. Rõ ràng Luca có vẻ muốn nhớ lại chuyện
Êlisê như bài đọc sách các Vua hôm nay kể. Bấy giờ Êlisê được phép về thăm nhà.
Còn ở đây, Ðức Giêsu từ chối và tuyên bố: "Kẻ vừa tra tay cầm
cày vừa ngó lại sau là người không xứng đáng với Nước Thiên Chúa". Chắc
chắn Luca muốn nói rằng: Tân Ước đòi hỏi hơn Cựu Ước. Nước Trời đã đến, không
thể chậm chạp được nữa. Không được có một bận tâm nào khác khi muốn đi theo
Chúa. Người đang quả cảm lên Giêrusalem làm công việc cứu thế. Ai làm chậm bước
chân Người đều bị bỏ lại đàng sau. Những môn đệ muốn đi theo Người phải từ bỏ
tất cả và hy sinh tất cả để đi vào con đường thánh giá, con đường Người đang
đi.
Mấy câu chuyện ở đây đã dùng hình thức táo bạo nhất để khẳng định
tính chất khẩn trương và đòi hỏi của ơn gọi.
Hiểu như vậy, chúng ta dễ chấp nhận những hình thức kia; và thấy
rằng quả thật Ðức Giêsu đòi hỏi người ta không được vịn vào cớ nào, lý nào,
luật nào để cản trở Nước Thiên Chúa.
Ðó cũng là điều mà Phaolô muốn nói với chúng ta trong bài thư hôm
nay.
3. Phaolô Kêu Gọi Chúng Ta Hãy Giải Thoát Mình Khỏi Mọi Cầm Giữ
Người nhắc nhở giáo dân Galát nhớ rằng tất cả chúng ta đã được Chúa
Kitô giải thoát để thật sự sống tự do như con cái Thiên Chúa, thế mà có những
người để mình lại rơi vào những thứ kìm kẹp cũ. Ở thời Phaolô không thiếu gì
giáo dân lại mắc mưu người Do Thái. Họ tưởng lại phải chịu cắt bì và giữ luật
Môsê mới được cứu độ. Trong bài thư hôm nay, Phaolô nhắc lại việc Ðức Giêsu đã
giải thoát chúng ta khỏi luật pháp cũ và các tục lệ của Do Thái giáo.
Chúng ta không phải lo về phương diện này. Nhưng áp dụng lời Phaolô
rộng rãi ra, chúng ta cũng hãy nhớ rằng Chúa Kitô đã giải thoát chúng ta khỏi
những quan niệm sai lầm về đời sống. Những Kitô hữu nào còn tin nhảm nhí và sợ
hão huyền là những người lại đã rơi vào những trò ma chước quỷ của thời trước
khi chịu thánh tẩy. Và Công đồng Vatican II có những giáo lý soi sáng hướng dẫn
chúng ta sống đạo một cách mới mẻ và chân thật. Thế mà nhiều người vẫn không
chịu tìm hiểu và nghe giảng để canh tân tâm hồn và đời sống cho mới mẻ. Họ còn
bị cầm giữ trong những lề lối cũ và chưa biết sống theo đà tiến của Ơn Thánh
Thần hằng làm việc trong Hội Thánh.
Nhưng trong bài thư này, Phaolô cũng nói đến những sự ràng buộc
khác là xác thịt. Khi chịu phép rửa tội, chúng ta đã đóng đinh xác thịt vào
thánh giá Chúa Kitô. Chúng ta đã từ bỏ nếp sống có nhiều ham muốn không chính
đáng của xác thịt. Thế mà rồi chúng ta lại để cho xác thịt đòi hỏi lại. Chúng
ta lại làm những việc của xác thịt mà tựu trung chỉ là những hình thức ích kỷ
muốn vinh thân chứ không muốn phục vụ, gây ra nếp sống xã hội chèn ép nhau
chẳng hạnh phúc gì. Ðang khi lẽ ra chúng ta phải sống theo tinh thần và Thần
Khí Chúa Giêsu Kitô Phục sinh. Chúng ta phải tiếp tục cứu thế bằng việc xả thân
xây dựng hạnh phúc chân thật cho xã hội loài người được cứu vớt. Nhưng tiếc thay,
chúng ta lại bỏ đường lối Phúc Âm đã giải thoát chúng ta khỏi các đòi hỏi xác
thịt. Chúng ta trở về suy nghĩ, ham muốn, hành động y như thể chưa bao giờ chịu
phép rửa tội. Và như vậy chúng ta lại rơi vào vòng tội lỗi, bỏ phí ơn giải
thoát của Ðức Giêsu Kitô.
Lời Chúa hôm nay bảo chúng ta đã cầm cày thì đừng ngó lại đằng sau
nữa, đã đi theo Chúa thì đừng trở về những hành động của thế gian xưa nữa, kẻo
không những không được như Êlisê và các môn đệ ngày xưa của Chúa, mà còn làm
mất uy tín đạo vì nếp sống xã hội ích kỷ thiếu lòng thương yêu nhau. Chúa Giêsu
Kitô đã giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi là để chúng ta sống theo Thần Khí của
Người là Thánh Thần yêu thương đang thúc đẩy con cái của Chúa phải xả thân cứu
thế.
Ðiều này thật rõ
ràng trong thánh lễ. Chính ở đây chúng ta phải họp để cùng với mọi anh chị em
dự lễ làm nên một thân thể Chúa Giêsu. Mình Thánh Chúa chúng ta dâng và lãnh
nhận rõ ràng muốn xây dựng tình hiệp nhất. Nhưng chúng ta chỉ tham dự thánh lễ
chân thật và hiệu nghiệm khi bằng lòng đi vào mầu nhiệm Tử nạn Phục sinh, muốn
chôn vùi, từ bỏ con người cũ và nếp sống cũ để mặc lấy con người và nếp sống
mới do Thánh Thần ban cho. Ai thực hành như vậy sẽ thấy rõ ràng được nhẹ nhõm
giải thoát. Các đòi hỏi xác thịt hết giam hãm họ và họ sẽ được tự do của con
cái Thiên Chúa. Chúng ta hãy cố gắng trở nên những con người như vậy.
Đức Cố Giám Mục Bartholomeo Nguyễn Sơn Lâm