CHÚA
NHẬT XV THƯỜNG NIÊN, năm C
Lc 10,
25-37
AI LÀ NGƯỜI THÂN CẬN ?
Trong cuộc đời rao giảng, Chúa Giêsu thường
dùng dụ ngôn, hay lấy những hình ảnh, sự vật, những câu chuyện hằng ngày để dạy
dỗ dân chúng. Điều đó không có gì lấy làm ngạc nhiên lắm khi người thông luật
đặt câu hỏi :” Ai là người thận cận của tôi ? “. Chúa Giêsu đã không trả lời trực tiếp, thay vì trả lời, Ngài đã kể
dụ ngôn người Samari nhân hậu.
Chúa Giêsu đưa ra một dụ ngôn rất quen thuộc
nhưng lại rất ấn tượng khi được Chúa Giêsu kể chuyện :
một khách bộ hành đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, bị bọn cướp đánh nhừ tử, trấn
lột và rồi chúng bỏ người bộ hành nửa sống nửa chết ở bên đường. Thầy tư tế và
thầy Lêvi đi ngang qua, hai thầy này đều tránh qua bên kia mà đi, trong khi
người Samari ngoại đạo lại xuống ngựa, đứng lại, băng bó vết thương và chở
người bị nạn đến nhà trọ, nhờ chủ quán giúp đỡ, tốn phí bao nhiêu Ông sẽ lo
lắng hết.
Đức Giêsu hỏi vị thông luật đặt câu hỏi :” Vậy ai là kẻ thân cận của kẻ bị hại “. Hỏi tức là trả lời. Thực tế ở đây người bị
nạn không hề biết người Samari và ngược lại người Samari cũng không biết người
bị hại. Đây là nét rất đẹp của Tin Mừng. Người thông luật đáp :” Chính là kẻ thực thi lòng thương xót “. Đức Giêsu
liền bảo Ông :” Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy “
( Lc 10, 37 ). Chúa Giêsu thường đưa chúng ta tới một sự ngạc nhiên, bất ngờ và
sự bất ngờ này là “ người lân cận “. Và người anh hùng
ở đây là người Samari nhân hậu. Chúng ta phải hiểu rõ :
câu chuyện này được Chúa Giêsu nói với người Do Thái. Những
người Do Thái coi người Samari như kẻ phản bội, người đáng bị khinh bỉ và là
người thờ tà ma, tà thần. Do đó, những người nghe Đức Giêsu kể dụ ngôn
này bị choáng váng, khó chịu, giận dữ khi Chúa đề nghị với họ noi gương, bắt
chước người Samari nhân lành. Chúa nói :” Hãy yêu như
Chúa yêu “. “ Yêu rồi làm gì thì làm “. Nói rất dễ nhưng thực hành yêu thương mới khó. Những hành động, những việc làm bác ái, yêu thương cụ thể thường
khác với những lời nói hoa mỹ, những lời nói suông. Chúa Giêsu muốn
chúng ta thực hành hơn là chỉ nói :” Hãy đi và làm như
vậy “. Thầy tư tế và thầy Lêvi tránh qua một bên mà đi vì họ giữ luật Do Thái,
sợ đụng vào nạn nhân sẽ bị ô uế, sợ bọn cướp còn ẩn núp, còn rình mò đâu đây,
sơ rắc rối và sợ phiền hà tới mình. Ở đời, sở dĩ, nhiều khi
chúng ta không dám làm điều gì đó cho người anh em vì chúng ta sợ tốn phí, sợ
mất thời giờ, sợ tốn công sức và sợ đủ thứ. Nên, thái độ của chúng ta
thường thích được an thân cho khỏe, cho nhàn. Thầy tư
tế và thầy Lêvi sợ lụy vào thân, sợ lỗi luật vv…Còn người Samari đã can đảm bất
chấp mọi sự để chỉ biết có một việc trước mắt phải làm là cứu người bị cướp
đánh bị thương, bỏ nửa sống nửa chết ở bên đường vắng. Thực
tế, Chúa Giêsu đang dạy mọi người, đang dạy nhân loại bài học yêu thương.
Yêu thương không có nghĩa là cho đi một cái gì, nhưng là cho
đi chính bản thân của mình.
Bài học này phải là bài
học mỗi người chúng ta thuộc nằm lòng trên môi và trở nên động lực mạnh mẽ
khiến chúng ta luôn thực hành bác ái. Hãy bắt chước
người Samari nhân hậu vì người Samari nhân lành là hình ảnh của chính Chúa
Giêsu. Hãy bắt chước các vị thánh và bao nhiêu người
sống tốt lành khác. Mẹ Têrêsa Calcutta để lại mẫu
gương bác ái tuyệt vời vv…Yêu rồi làm gì thì làm như thánh Gioan đã rao giảng
và mãi mãi rao giảng. Yêu rồi làm sẽ giúp chúng ta có rất nhiều sáng
kiến để phục vụ tha nhân, phục vụ mọi người. Yêu thật sự như Chúa yêu sẽ giúp
chúng ta quên đi và luôn can đảm vượt qua mọi trở ngại để đến với những người
đang cần chúng ta giúp đỡ.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết
yêu như Chúa yêu để cái cốt lõi của Tin Mừng là yêu thương sẽ không làm cho
chúng con quên lãng. Amen.
Linh mục Giuse Nguyễn
Hưng Lợi DCCT