NẾU MÀ
CHÚA CHẲNG XÂY NHÀ
(CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG
NIÊN, NĂM C)
(Linh Mục Anphong
Trần Đức Phương)
Chúa Nhật hôm nay nói đến đời sống Cầu Nguyện
và Hoạt Động; đồng thời cũng nói đến những thử thách đức tin trong việc phục vụ
Chúa và tha nhân. Bài Đọc I (SángThế 18:1-10): Abraham là tổ phụ của những
người đặt niềm tin tuyệt đối nơi Thiên Chúa và vâng theo thánh ý Chúa trong mọi
sự. Thiên Chúa đã cho bà Sara được thụ thai trong tuổi già và sinh ra một người
con trai (Isaac) để nối dõi dòng giống của ông Abraham. Bài Đọc II (Colossê 1:24-28): Thánh Phaolô tỏ
ra Ngài luôn sẵn sàng chịu mọi đau khổ trong việc phục vụ Chúa và mọi người.
Ngài mời gọi chúng ta sống hoàn hảo hơn để làm đẹp lòng Thiên Chúa. Bài Phúc Âm
(Luca 10:38-42): Bà Matta đã phục vụ Chúa bằng việc làm và Bà Maria phục vụ
Chúa bằng cả tấm lòng yêu mến và được Chúa Giêsu khen ngợi.
Sống kết
hiệp với Chúa bằng đời sống cầu nguyện là điều rất quan trọng, vì mọi việc
chúng ta làm đều hoàn toàn nhờ vào ơn Chúa giúp và cũng nhờ lời cầu nguyện
mà chúng ta luôn vui vẻ giúp đỡ mọi
người chỉ do lòng yêu mến Chúa và yêu thương nhau.
Trong Kinh Thánh Cựu Ước, chúng ta thấy có
nhiều câu chuyện thuật lại chứng tỏ các Tổ Phụ thời xưa đã luôn biết đặt niềm
tin nơi Chúa qua việc cầu nguyện để thành công trong mọi việc thật khó khăn,
vượt qua mọi khả năng của con người. Vì thế thánh vịnh 127 đã nói đến mỗi việc làm được thành công là
chỉ do ơn Chúa: “Nếu mà Chúa chẳng
xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng
công…”
Mẹ Maria, Thánh Giuse đã sống âm thầm cầu
nguyện kết hiệp với Chúa để có thể chu toàn những nhiệm vụ rất khó khăn trong
cuộc sống . Thánh Gioan Tẩy giả đã “vào sa mạc” rồi mới bắt đầu ra đi rao giảng
(Matthêu 3:1-3). Chúa Giêsu đã mở đầu
đời sống công khai bằng việc vào sa mạc ăn chay cầu nguyện suốt 40 đêm ngày
(Luca 4:1-2), và trong đời sống rao giảng thật bận rộn, nhưng Chúa Giêsu luôn
dành thời giờ “cầu nguyện với Đức Chúa Cha.” Trước khi chọn 12 tông đồ Chúa
Giêsu đã “thức suốt đêm để cầu nguyện.” (Luca 6:12). Trước khi “nộp mình chịu
khổ hình” Chúa Giêsu đã tha thiết cầu nguyện với Đức Chúa Cha trong phòng Tiệc
Ly (Gioan 17:1-26), rồi tại Núi Ô-liu (Luca 22:39-45).
Sau khi Chúa Giêsu đã về trời, trong khi chờ
đợi Chúa Thánh Thần ngự đến như Chúa Giêsu đã báo trước, các Tông đồ đã “cùng
tụ họp cầu nguyện chung với nhau cùng
với Mẹ Maria và một số người khác” (Công Vụ 1:13-14). Chúa Giêsu đã luôn nhắc
nhở các môn đệ “phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn.” (Luca 21:34-36).
Giáo Hội qua các thời đại vẫn lo hoạt động bao
công việc từ thiện, xã hội và văn hóa để
phục vụ nhân loại ở khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên Giáo Hội cũng vẫn đặt
trọng tâm vào việc cầu nguyện, đặc biệt là Thánh lễ. Cầu nguyện để kết hiệp với
Chúa là điều quan trọng đầu tiên.Trong Giáo Hội thường có những người được Chúa
chọn đặc biệt để sống đời ăn chay cầu nguyện trong các Dòng Tu mà chúng ta
thường gọi là “những dòng tu kín.” Trong đó,
các Linh Mục, Tu Sĩ dâng cả cuộc đời sống âm thầm trong các Tu Viện xa
hẵn thế gian để chuyển tâm vào việc ăn chay, cầu nguyện, thờ phượng Chúa và yểm
trợ các nhà truyền giáo hoạt động ở các nơi bằng lời cầu nguyện và hy sinh hãm
mình.
Tuy nhiên những “Dòng Tu hoạt động” hay những
“Tu Hội Đời” cũng vẫn đặt trọng tâm vào việc cầu nguyện và dành nhiều thời giờ
vào việc cầu nguyện trong việc kết hiệp với Chúa qua Thánh Lễ hằng ngày, qua
các giờ Kinh Phụng Vụ và những giờ chầu Thánh thể, tràng chuỗi Mân Côi. Vì mỗi
thành công trong các hoạt động truyền giáo, xã hội và văn hóa đều là nhờ ơn
Chúa. “Không có Thầy chúng con không thể làm được gì.”
Cầu nguyện là tôn thờ Chúa là Cha chúng ta
(Kinh Lạy Cha), là luôn sống kết hiệp với Chúa, nói chuyện với Chúa như Maria,
là đặt trọn niềm tin nơi Chúa toàn năng và sự quan phòng kỳ diệu của Chúa vượt
qua mọi hiểu biết của con người.
Cầu
nguyện giúp chúng ta luôn được sống kết hiệp với Chúa là Cha và sống hòa hợp
với nhau, nâng đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Cầu nguyện và hãm
mình giúp chúng ta đủ ơn Chúa để thắng vượt mọi cám dỗ, dù nặng nề nhất (Luca
21:34…). Cầu nguyện chung để kết hiệp
với Chúa là phương thế duy nhất giúp gia đình chúng ta có thể vượt qua mọi khó
khăn thử thách, để luôn yêu thương, tha thứ và sống hòa thuận với nhau. “Gia
đình nào biết cầu nguyện chung với nhau, gia đình đó sẽ hòa hợp với nhau.” Đó
là lời của Cha Patrick Peyton, vị tông đồ đã hy sinh cả cuộc đời để giúp các
gia đình biết sống hòa hợp và yêu thương nhau.
Như các Tông Đồ ngày xưa, chúng ta hãy xin Chúa
dạy chúng ta biết cầu nguyện, cho chúng
ta biết hăng hái hoạt động để phục vụ Chúa và nhân loại như Matta, trong khi
vẫn biết dành thời giờ để sống kết hiệp với Chúa như Maria; cả hai đều được tôn
kính như các vị Thánh trong Giáo Hội.